4/10/06

NỖI OAN KHIÊN CỦA NGHỀ BÁO



Làm cái anh nhà báo viết được một bài báo hay, giúp ích được cho người này người khác, thì thấy mãn nguyện lắm. Những lúc ấy sao mà thấy đời tươi đẹp thế, sao mà thấy mình hữu ích thế.

Nhưng lắm lúc cũng phải chịu tiếng xấu, cũng phải chịu những nỗi oan khiên không biết ngỏ cùng ai. Những lúc ấy, nếu không có những đồng nghiệp hiểu mình, tin mình, thì chẳng biết sự thể sẽ thế nào. Những lúc ấy chỉ muốn vứt ngay cái nghề này đi tìm một công việc nào nhàn hạ hơn, đỡ nguy hiểm hơn, đỡ phải chịu trách nhiệm trước hàng triệu người. Nhưng sự đời không dễ dàng thế. Ai bảo trót mang cái nghiệp vào thân...

Còn nhớ cuối năm 1992, tôi đi một tỉnh miền Trung viết về khai thác cát đen ilmenite. Loại cát ấy có đầy ở các bãi cát ven biển, người dân dùng xẻng cũng có thể khai thác chẳng khó khăn gì, nhưng tỉnh nhà lại lập hẳn một cái liên doanh với nước ngoài, đưa về máy móc tân kỳ hùng hậu. Mấy anh bên Sở Công nghiệp cung cấp cho tôi những số liệu mà họ tính toán cho thấy cái liên doanh này chỉ mang lại thiệt hại cho tỉnh. Nhưng điều trái khoáy là tỉnh lại cần thành tích là địa phương đầu tiên ở miền Trung thu hút được FDI.

Tôi viết bài phân tích thiệt hơn trong cái dự án đấy và đề xuất đừng có liên doanh làm gì. Bài báo đăng được vài hôm thì ông Bộ trưởng Bộ Đầu tư (lúc ấy chưa có Bộ Kế hoạch - Đầu tư) đến thẳng toà soạn thông báo với Ban Biên tập rằng tác giả không hiểu hết tầm của dự án. Ái chà, ông Bộ trưởng cũng là người tỉnh nhà, nên ủng hộ dự án. Cũng may, ông là người có văn hoá, nên không nặng nề quy chụp nhà báo trẻ phá hoại dự án liên doanh của tỉnh. BBT tiếp ông, nhưng cũng không thông báo gì cho tôi. Có lẽ BBT thấy rằng tôi chẳng làm gì sai và cũng không cần thiết phải truyền đạt thông điệp của vị Bộ trưởng cho tôi làm gì.

Tôi sống yên ổn, nhưng tại cái tỉnh đó họ đồn đủ thông tin về tôi. Nào là thằng ấy bị toà soạn kỷ luật nặng lắm, bị hạ lương (Hic, lúc ấy hợp đồng dài hạn còn chưa được ký, lấy đâu ra lương mà hạ) và cho chuyển đi làm công tác khác rồi. Tin đến tai các anh ở Sở Công nghiệp. Họ tá hoả gọi điện, giọng đầy ngậm ngùi thương cảm vì đã phá hoại con đường sự nghiệp của một nhà báo trẻ. Tôi cứ ngỡ ngàng khi nghe cú điện thoại đó. "Em có bị sao đâu? Không hề bị kỷ luật gì!" - tôi ra sức thanh minh. Nhưng họ dường như không tin. Họ cứ nghĩ rằng tôi nói dối thế để trấn an họ, bởi chính họ được nghe từ một vị tai to mặt lớn rằng Bộ trưởng đã đến gặp Tổng biên tập (TBT) về vụ này, và TBT đã cam kết sẽ xử lý kỷ luật tôi.

Tôi thầm cảm ơn ông TBT. Ông biết rằng tôi đã viết bài đó rất khách quan và tôi chẳng đứng về phe phái nào trong cuộc đấu tranh nội bộ của cái tỉnh đấy. Và sự thực sau hơn 10 năm đã chứng minh rằng cái liên doanh đấy chẳng mang lại lợi ích nào cho tỉnh này. Khi đó thì cả ông Bộ trưởng lẫn phần lớn êkip lãnh đạo của tỉnh đã nghỉ hưu rồi.

Sáng nay gặp một cậu phóng viên trẻ vô tình rơi vào một tình huống trớ trêu dẫn đến bị nghi ngờ là đã tham gia vào vụ đánh hội đồng và "xin đểu" doanh nghiệp. Cậu ấy cũng tầm tuổi tôi, khi tôi đi viết bài về ilmenite. Tôi tin vào sự trong sáng của cậu ấy. Nhưng cậu ấy lại phải đối mặt với những tin đồn quái ác trong báo giới. Không sao đâu em. Mọi chuyện rồi sẽ qua thôi. Người ta sẽ chẳng thể tiếp tục mãi một tin đồn.

Rồi lại một vụ tương tự liên quan đến bậc đàn anh cựu trào. Anh cũng có vài sơ xuất, vài động tác xử lý không kín kẽ. Cộng thêm điểm yếu là thích một cái danh. Tất cả khiến anh bị rơi vào tình thế bất lợi. Nhưng tôi biết anh là người tốt. Một người thẳng thắn và không biết quỵ luỵ. Hy vọng cái nạn trong năm nay của anh sẽ mau qua.

Nghề của mình nó thế. Khắc nghiệt. Nó đòi hỏi độ chính xác hầu như tuyệt đối. Vì đằng sau những dòng chữ mà mình viết ra là số phận không phải chỉ của một người, mà của cả những người thân của họ. Đôi khi mình nghĩ rằng viết được bài này bài kia là làm được điều tốt. Nhưng oái oăm thay, người mình định làm điều tốt lại phải chịu tác dụng ngược. Điều đó khiến nhà báo nào cũng bối rối và khổ tâm.

Nghề của mình có nhiều cạm bẫy. Chỉ cần sơ hở một chút là sập bẫy. Thế nên cố mà theo những quy định nghiêm ngặt của toà soạn đặt ra, vì đó là những bảo đảm hữu hiệu nhất giúp ta không bị rơi vào bẫy.

Nghề của mình cũng bị nhiều sức ép: từ những mối quan hệ, từ cấp trên, từ bạn bè, từ những người quen... Hãy cố gắng hoá giải những sức ép, để sau này không phải chịu sức ép dai dẳng từ chính lương tâm mình.

4 comments:

Nặc danh nói...

Em thích nghề Báo vì những thử thách mà chỉ ở nghề Báo mới có. Và em nghĩ quan trọng nhất là không cảm thấy xấu hổ khi đối diện với lương tâm của mình. Vì nếu rơi vào trường hợp này. Cả cuộc đời mình sẽ dằn vặt rất nhiều.

manhcuongvu on lúc 09:40 8 tháng 11, 2009 nói...

Nặc danh nào thế, xưng danh chứ nhể?

Lana on lúc 08:36 9 tháng 11, 2009 nói...

VMC a, làm báo thật sự vô cùng không đơn giản, nhiều người hiểu. Nhà báo cũng là con người, cũng có những mưu cầu cuộc sống, cũng có những 'đấu tranh chính - tà' với bản thân như tất cả mọi người, vậy nhưng mỗi sản phẩm viết ra phía trước là nhiều ngàn người đọc - bình xét - tính đếm ảnh hưởng, phía sau là 'rất nhiều sức ép', 'rất nhiều cạm bẫy'. Độc giả hiểu VMC à.

Lana vô cùng ngưỡng mộ những người làm báo chân chính. Và nghĩ: họ có quyền tự hào vì họ làm được 'điều gì đó' cho mọi người. Thông tin là thức ăn hàng ngày của triệu triệu người. Thiếu những người làm báo chân chính mọi thứ sẽ đi về đâu?

Nặc danh nói...

@ ManhCuongVu Riêng vụ này cho em ẩn danh. Đang định xưng danh nhưng thấy hỏi lại thôi. Hì Hì

Đăng nhận xét

 

VMC Copyright © 2009 | Power by Blogger | Template redesigned by Lý Minh Triết