13/10/06

ISTANBUL - HỒI ỨC CỦA THÀNH PHỐ (1)



Nhà văn Orhan Pamuk

Trích "Istanbul - Hồi ức của thành phố" của nhà văn Thổ Nhĩ Kỳ Orhan Pamuk, người vừa đoạt giải thưởng Nobel Văn chương 2006.

ÁN MẠNG SALADZHAK
Năm 1958, trước khi tôi học đọc học viết, tại Istanbul xảy ra một án mạng nổi danh với tên gọi “vụ giết người ở Saladzhak”. Xung quanh vụ án mạng có những tình tiết khiến tôi phải rùng mình: đêm tối, con thuyền, nước eo biển Bosphorus… Ký ức về vụ án mạng không chỉ bện thành hình ảnh đen trắng của những con nước Bosphorus đọng lại trong tâm khảm tôi, mà còn trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng theo tôi trong suốt cuộc đời. Lần đầu tiên tôi được nghe về sự kiện này là từ câu chuyện của những người trong nhà; cả Istanbul bàn tán về nó, tất cả các báo đều đề cập cho đến khi nó trở thành một cái gì đó như là huyền thoại.

Một người phụ nữ nhờ một ngư phủ trẻ tuổi nghèo khó chèo thuyền đưa chị ta cùng hai đứa con và một cô bé bạn của chúng ra biển. Tay ngư phủ say bí tỉ; hắn định cưỡng hiếp người phụ nữ nên đã đẩy lũ trẻ ra khỏi thuyền và dìm chết chúng. “Tên ác thú ở Saladzhak” đã reo rắc nỗi kinh hoàng khắp thành phố khiến tôi và anh trai có thời gian bị cấm giúp ngư dân phơi lưới cạnh ngôi nhà nghỉ hè của chúng tôi ở Heibeliada, thậm chí bị cấm một mình ra vườn bao quanh ngôi nhà. Và giờ đây, khi nhiều năm đã trôi qua, mỗi lần đọc tin tức về tội phạm trên báo chí Istanbul (tôi rất thích công việc này), thì trong hình dung của tôi lại hiện lên hình ảnh đen trắng: những đứa trẻ vùng vẫy trong nước, cố gắng bám vào mạn thuyền, người mẹ của chúng kêu thét, còn tên ngư phủ ra sức đập mái chèo vào đầu chúng.

Sau án mạng Saladzhak, mẹ và anh em tôi thôi không dạo thuyền trên eo biển Bosphorus nữa. Thế mà trước đó có thời gian ngày nào chúng tôi cũng đi dạo bằng thuyền, bởi vì trước đó anh em tôi bị ho gà. Thoạt đầu anh tôi bị ốm, sau đó 10 ngày đến lượt tôi bị lây và nằm bẹp một chỗ. Bị ốm cũng có điều dễ chịu là mẹ tôi trở nên vô cùng âu yếm, bà toàn nói những lời dịu dàng mà tôi rất thích, và mang về những thứ đồ chơi mà tôi đòi mua. Tôi thấy bực mình không phải vì bị ốm, mà là không được tham dự vào những bữa ăn sáng ăn trưa ở phòng chúng tôi hoặc ở tầng trên. Tôi chỉ có thể tò mò lắng nghe những câu chuyện, những lời nói đùa bên bàn ăn và tiếng thìa dĩa va chạm vào nhau từ đằng xa vọng tới.

Ông bác sĩ nhi khoa Albert đến thăm bệnh cho anh em tôi. Từ bộ ria mép cho đến chiếc vali dụng cụ của ông đều khiến chúng tôi hoảng sợ. Sau khi tôi và anh tôi cắt cơn sốt, ông khuyên mẹ tôi nên đưa anh em tôi ra biển dạo chơi để hít thở không khí trong lành như một biện pháp chữa bệnh trong thời gian nhất định. Thế là trong đầu óc tôi, từ “Bosphorus” bị lẫn lộn với khái niệm “hít thở không khí”. Không những thế, trong tiếng Thổ Bosphorus có nghĩa là “bogaz” (*). Có lẽ vì thế mà tôi đã không hề ngạc nhiên khi biết rằng một trăm năm trước Tarabya, khi đó vẫn chưa là chốn bát phố nổi tiếng với đầy những nhà hàng và khách sạn dành cho khách du lịch, mà mới chỉ là làng đánh cá êm đềm của người Hy Lạp (nơi nhà thơ nổi tiếng Kavafisa đã trải qua những năm tháng tuổi thơ), được đặt tên là “trị liệu”. Và cũng có thể, chính vì vậy, khái niệm “Bosphorus” và “chữa bệnh” đã hoà làm một trong nhận thức của tôi. Hình ảnh Bosphorus luôn tác động lên tôi đầy sảng khoái.
_______
(*) Bogaz: cổ họng (tiếng Thổ)

(Còn tiếp)

Lưu ý: Bản dịch có bản quyền, mong các bạn thông cảm, không copy sang các blog hoặc sử dụng để đăng tải trên các phương tiện truyền thông. Xin cảm ơn.


0 comments:

Đăng nhận xét

 

VMC Copyright © 2009 | Power by Blogger | Template redesigned by Lý Minh Triết