14/10/06

ISTANBUL - HỒI ỨC CỦA THÀNH PHỐ (2)



Eo biển Bosphorus

Trích "Istanbul - Hồi ức của thành phố" của nhà văn Thổ Nhĩ Kỳ Orhan Pamuk, người vừa đoạt giải thưởng Nobel Văn chương 2006.

BOSPHORUS - LINH HỒN CỦA THÀNH PHỐ

Bosphorus đối nghịch với cảm giác bại trận, phế đế, đàn áp, buồn đau và nghèo khổ. Trong tiềm thức của tôi nói gắn liền với ý chí cuộc sống, tràn đầy xúc cảm và niềm vui. Bosphorus là linh hồn của Istanbul, nơi tiếp sinh lực cho Istanbul. Thế mà trước đây cư dân thành phố không mấy đánh giá cao Bosphorus - đối với họ nó đơn thuần chỉ là cái eo biển có cảnh sắc đẹp làm lối ra vào của tàu thuyền, và trong hai trăm năm trở lại đây nó trở thành địa điểm xây dựng những cung điện và biệt thự mùa hè.

Trước đây đôi bờ eo biển Bosphorus là nơi quần cư của những làng chài người Hy Lạp; nhưng bắt đầu từ thế kỷ VVIII tại đây người ta bắt đầu xây dựng những yali (*) cho những người thuộc tầng lớp trên của đế chế Ottoman. Và khi đó Geksu, Kyuchuksu, Bebek, Cantilli, Rumelikhisary và Canlykhzha trở thành những tổ ấm cửa đóng then cài nằm ngoài tầm ảnh hưởng của văn hoá Istanbul và Ottoman. Những yali do các ông hoàng bà chúa của đế chế Ottoman xây cất cho bản thân, hay do những người giàu có xây cất vào những năm tồn tại cuối cùng của đế chế, sang thế kỷ 20 vào những năm cao trào ái quốc gắn với quá trình hình thành thể chế cộng hoà, đã trở thành biểu tượng bản sắc Thổ - Ottoman nói chung và hình tượng của bản sắc ấy trong kiến trúc nói riêng. Kiến trúc sư Sedad Hakky Eldem đã thu thập bản vẽ thiết kế của những ngôi nhà này, những tấm hình từ ngày xưa, hay những bức hoạ do Melling vẽ chẳng hạn, trong cuốn sách có nhan đề “Ký ức trên eo biển Bosphorus”; yali đã trở thành nguồn cảm hứng cho ông khi ông thiết kế những ngôi nhà “hiện đại hoá” của mình – chúng cũng có những cửa sổ hẹp và cao, những tiền sảnh rộng, những hàng cột thanh mảnh. Nhưng những ngôi nhà của Sedad Hakky Eldem cũng như những sáng tạo của những người đi theo trào lưu của ông chỉ là cái bóng của nền văn hoá đã vĩnh viễn lùi vào dĩ vãng.

Những chuyến du ngoạn trên eo biển Bosphorus bao giờ cũng khiến chúng tôi thích thú bởi cảm nhận được ở đây, trong trái tim của thành phố rộng lớn, cổ kính và mồ côi này có sự sống của tự do và sức mạnh của biển cả sâu thẳm, mạnh mẽ. Ngự trị trên chiếc tàu thuỷ cắt những ngọn sóng… trên Bosphorus, ta có cảm giác mọi dơ dáy và khói bụi của thành phố quá đông dân đã ở lại trên bờ, ta thấy nó tràn đầy sức mạnh của biển và hiểu rằng ngay cả ở đây, trong cái tổ kiến đầy người này, ta vẫn có thể được đối diện với chính ta và là người tự do. Cái không gian nước ở trung tâm thành phố này không giống với những dòng kênh ở Amsterdam hay Venice, không giống những con sông chia Paris và Roma ra làm đôi, - không ở đây có sự chuyển động của những dòng hải lưu, có những làn gió khoáng đạt thổi và có những con sóng vươn mình chồm lên từ những độ sâu tối tăm.

Cưỡi lên dòng hải lưu, ta bay đi giữa những con tàu thuỷ- đò-dọc, ngang qua những người phụ nữ trung niên vừa uống trà vừa nhìn ngắm ta; ngang qua những ngôi nhà và những yali nhiều tầng, ngang qua những tiệm cà phê, ngang qua những cậu bé mặc quần đùi nhảy xuống nước, ngang qua những người cầm cần ngồi câu cá trên bờ, ngang qua những chiếc canô chở du khách thăm vịnh, ngang qua đám học sinh tan trường cắp cặp đi dọc bờ biển, ngang qua những tù nhân chen chúc trong xe buýt vươn tầm mắt ra ngoài cửa sổ, ngang qua những biệt thự ẩn mình trong màu xanh vườn cây (rất khó nhìn thấy chúng từ trên bờ, do vậy ta sẽ nhận ngay ra chúng khi đi trên eo biển Bosphorus); ngang qua những đường phố uốn lượn dẫn lên những quả đồi xa, những ngôi nhà cao tầng…

Đằng sau tất cả những điều ấy, hiển hiện và bay qua trước mặt ta là Istanbul - những khu phố xa xăm, những cây cầu, ngọn tháp, những khu vườn, công trình mới xây – mà mỗi ngày lại trở nên nhiều hơn. Cưỡi tàu thuỷ, canô hay thuyền (như thời tôi còn bé) trên eo biển Bosphorus đều có thể ngắm nhìn cận cảnh Istanbul với công hiệu như nhau: nhà nối nhà, phố nối phố, và từ xa có thể thưởng ngoạn hình bóng của thành phố hắt lên đường chân trời thay đổi liên tục giống như ảo ảnh.

Ngay từ khi còn bé, khi cùng mẹ đi dạo chơi bằng xe hơi, tôi đã có cảm nhận rằng một trong những ưu điểm chính của Bosphorus là ở đây có thể nhìn thấy dấu vết của cái thời khi mà văn minh và văn hoá Ottoman bắt đầu chịu ảnh hưởng của phương Tây, nhưng vẫn chưa mất đi bản sắc và sức mạnh của mình. Tôi xăm soi cánh cổng sắt chắc chắn của một chiếc yali, bức tường cao, rộng và vững chãi của một ngôi khác, những bức tranh gỗ được chạm khắc công phu của ngôi thứ ba, nhìn khu vườn rợp bóng cây trải dài từ bức tường của một biệt thự đến tít tận đỉnh cao của khu đồi. Tôi nhìn những cây thông Bosphorus mọc trong đó, lòng tự nhủ rằng đây là tất cả những dấu vết của một nền văn minh đã lùi xa vào dĩ vãng, rằng ở đây trước kia đã sinh sống những con người tương tự như chúng ta, nhưng có cuộc sống hoàn toàn khác. Tôi hiểu rằng cái thời đó đã trôi qua lâu rồi và cảm nhận rằng chúng ta dù sao cũng khác với những con người đó – so với họ ta thật nghèo nàn, yếu ớt và quê mùa.

_______
(*)Yali: biệt thự bằng gỗ (tiếng Thổ)

(Còn tiếp)

Lưu ý: Bản dịch có bản quyền, mong các bạn thông cảm, không copy sang các blog hoặc sử dụng để đăng tải trên các phương tiện truyền thông. Xin cảm ơn.

0 comments:

Đăng nhận xét

 

VMC Copyright © 2009 | Power by Blogger | Template redesigned by Lý Minh Triết