17/10/06

NÓNG NHƯ PHỞ - TRÀO LƯU SỐNG VIỆT Ở MỸ



Cách đây hơn một năm, Peter Nguyễn - một chàng trai người Mỹ gốc Việt đã được tạp chí Counselor bình chọn là một trong 30 doanh nhân tuổi dưới 30 thành đạt của Mỹ. Anh đã dùng phở - món ăn truyền thống của người Việt để dấy lên một trào lưu mới về phong cách sống trên đất Mỹ. Trào lưu ấy có tên gọi rất giản dị - “Nóng như phở” (Hot as Pho).

Mỹ là mảnh đất khiến người ta có thể thành công sau một đêm, nếu biết đi đúng hướng. Peter Nguyễn đã đạt được thành công như vậy, nhờ biết phát huy nét đặc trưng trong văn hoá ẩm thực của người Việt để trở thành trào lưu phong cách sống thích hợp với cộng đồng đa văn hoá ở Mỹ.

Đối với nhiều người dân Mỹ thì phở chỉ đơn thuần là món ăn truyền thống của người Việt được du nhập và cải biến chút ít cho phù hợp với gu ăn uống đa dạng của cộng đồng dân cư đa sắc tộc, đa văn hoá ở Mỹ. Nhưng năm 2005, Peter Nguyễn đã định nghĩa lại từ này theo cách thức sáng tạo và thời thượng. Thông qua thương hiệu thời trang “Hot as Pho” (www.hotaspho.com), Peter Nguyễn đã thay đổi văn hoá của cộng đồng người Mỹ gốc Việt theo cách thức chưa một ai làm.

Thời trang thương hiệu “Nóng như phở” rất trang nhã và phá cách với một loạt áo phông có những dòng chữ trên ngự như “pho shizzle”, “what the pho” và “wanna pho”. Bên cạnh thời trang, Peter Nguyễn còn là chủ của những nhà hàng bán phở. Ở đó thực khách có thể vừa ăn phở, vừa mua cả những chiếc áo phông “Nóng như phở”.

“Tôi khởi nghiệp bằng dự án “Nóng như phở” để góp phần củng cố đoàn kết cộng đồng người Việt tại Mỹ. Giờ đây nó đã trở thành thương hiệu thời trang và website số 1 của người Việt ở Mỹ” – Peter Nguyễn nói. Anh cũng đồng thời là đồng sở hữu Shox Inc. – công ty quốc tế về in ấn, quảng bá và marketing trên mạng trị giá nhiều triệu USD.

Sinh ra tại San Jose (bang California), năm lên 6 tuổi Peter Nguyễn cùng gia đình chuyển đến bang Florida sinh sống. Năm ngoái, anh tốt nghiệp Đại học Florida tại Gainesville ở tuổi 22. “Bố mẹ tôi không kể nhiều lắm về lịch sử. Tôi cũng không trông chờ hệ thống trường công dạy tôi về văn hoá của tôi. Nếu ta không biết ta xuất thân từ đâu thì làm sao ta xác định được con đường mà ta sẽ đi” – Peter Nguyễn tâm sự.

Giống như nhiều thanh niên gốc Việt chuẩn bị vào đời, anh cảm thấy hoang mang, không biết sẽ lập nghiệp với bản sắc văn hoá nào: “Nếu tôi Việt Nam quá, tôi có thể sẽ trở thành trò cười cho thiên hạ; nếu tôi Mỹ quá, thì cha mẹ tôi sẽ giết tôi mất” .

Học đại học năm thứ nhất, Peter ấp ủ dự án “Nóng như phở” khi vỡ lẽ ra rằng anh không hề biết gì về lịch sử, văn hoá, đời sống của đất nước và nhân dân mà anh xuất thân. Tìm hiểu sâu hơn trong cộng đồng người Việt tại Mỹ, Peter Nguyễn thấy rằng văn hoá Việt Nam tại đây rất manh mún và thiếu sự liên kết chặt chẽ.

Là một người trẻ, anh biết rằng Internet sẽ là cách tốt nhất giải quyết vấn đề này và liên kết người Việt từ khắp mọi miền của nước Mỹ với nhau. “Nếu không đạt được bước tiến tiếp theo trong việc định hình văn hoá, thì sẽ không còn văn hoá nữa mà chỉ còn những truyền thống đang mai một và có nguy cơ bị biến mất hẳn” – Peter Nguyễn suy nghĩ như vậy.

Dự án “Nóng như phở” của anh được triển khai nhằm mục tiêu cung cấp hành trang văn hoá Việt Nam và tạo sự vững tin cho thanh niên, bởi “thế hệ trẻ là tương lai của cộng đồng người Việt”.

Peter Nguyễn đang ấp ủ một kế hoạch khá tham vọng khác: xây dựng một nhà hàng Á Châu kiểu mới, mang tính đột phá và theo đuổi các hoạt động từ thiện nhằm mang lại lợi ích cho cả Việt Nam lẫn cộng đồng người Việt ở Mỹ.

Từ 6 năm nay Peter Nguyễn giữ quan hệ chặt chẽ với nhiều tổ chức thanh niên khác nhau của người Việt. Anh từng giữ vai trò Phó Chủ tịch Hiệp hội Sinh viên Việt Nam của Đại học Florida và tích cực vận động để trường đưa môn nghiên cứu Châu Á vào giảng dạy.

“Tôi dự định sẽ tiếp tục đi nhiều nơi trên đất Mỹ để truyền cảm hứng cho thanh niên Việt kiều, tư vấn giúp họ vượt qua những nghịch cảnh để họ có thể thực hiện được mục đích và giới thiệu cho họ bề dầy lịch sử của Việt Nam”.

Các cửa hiệu lành mạnh nơi người Việt có cơ hội khảo sát nền văn hoá máu thịt và bộc lộ cảm giác tự hào đối với di sản văn hoá phong phú của mình ở Mỹ đã trở nên nhiều hơn trong thời gian gần đây nhờ những nhân tố tích cực như Peter Nguyễn.

Suy nghĩ của Peter Nguyễn có thể hơi già so với tuổi 23 của mình. Nhưng rõ ràng đó là một trong những cách đi đúng đắn để xây dựng một cộng đồng người Việt vững mạnh và có bản sắc, phù hợp với thế hệ người Việt sinh ra và lớn lên trên đất Mỹ.

0 comments:

Đăng nhận xét

 

VMC Copyright © 2009 | Power by Blogger | Template redesigned by Lý Minh Triết