24/10/06

TRƯỜNG MẪU GIÁO CHO TRẺ U30



Tôi có một anh bạn là doanh nghiệp. Bỏ nghiệp phóng viên sang làm một thứ cũng gần với báo chí là quảng cáo, nhưng thỉnh thoảng vẫn ngứa nghề viết vài bài đăng cho vui. Bạn bè anh đa phần cũng là nhà báo, anh vẫn duy trì quan hệ với họ, một phần vì đó là những mối quan hệ lâu năm, phần là do quảng cáo với báo chí vẫn gần gũi và cần thiết cho nhau.

Ngày nọ, ông bạn cũ gọi điện cho anh. Đó là nhà báo tiếng tăm, thuộc diện "nói có người nghe đe có người sợ". Ông bạn cũ hơn anh 5 tuổi, nhưng ở cùng toà soạn ngày xưa nên họ xưng hô "mày tao" bỗ bã. Anh quý ông ta ở cái tài viết báo và tính khí ngang tàng, ông phục anh ở khả năng biết mềm hoá những thông tin kinh tế khô khan và sự đào hoa. Ông gọi anh đến một nhà hàng không cao cấp lắm, nhưng cũng không lúi xùi. Anh nhận lời ngay, bạn bè mà, gọi là phải đến ngay dẫu có việc nhờ vả nhau hay không.

Anh đến và ái ngại khi nhìn thấy ông bạn có vẻ tiều tuỵ. Má hơi hóp vào, mặt đầy nếp nhăn, hàm râu quai nón một thời khiến gương mặt ông kiêu hùng nay lởm chởm. Duy chỉ có cái bắt tay vẫn chặt như xưa. Chỉ tay vào người đàn ông trạc tuổi hai người đứng bên cạnh, ông nói: "Đây là cháu gọi tao bằng chú ruột. Tao là con út trong gia đình 7 anh chị em, nên con ông anh cả kém chú có 3 tuổi".

Kém ba tuổi, tức là hơn anh 2 tuổi. Người cháu béo tốt, dáng vẻ ông chủ, đưa hai tay bắt tay anh rất lễ phép: "Chào anh ạ, nghe chú nói nhiều về anh, hôm nay mới gặp. Thật quý hoá quá!". Nói đoạn anh ta hối hả quay sang giục bồi mang rượu và đồ ăn lên. Trong thái độ của người cháu có cái gì đó xun xoe và anh đánh hơi ra vụ ăn uống này không đơn thuần là cuộc gặp gỡ giữa những người bạn lâu ngày không gặp. Tuy nhiên, họ vẫn vui vẻ cụng ly.

Người chú gắp cho anh một miếng baba, hỏi thăm tình hình làm ăn. Anh trả lời công ty anh làm ăn tàm tạm, thời buổi cạnh tranh cao, kiếm tiền ngày một khó khăn hơn. Rồi anh cũng hỏi thăm tình hình ông ta, khéo léo mớm để xem ông sẽ lộ bài như thế nào. Hoá ra ở toà soạn mọi việc vẫn bình thường. Từ nhà báo ông đã trở thành công chức, vì tuổi cao lên và không xông xáo "đánh đấm" được như ngày xưa. Ông chuyển sang ngạch biên tập và nói chung cũng tạm hài lòng với công việc này.

Họ cứ vơ vẩn vờ vẫn nói chuyện với nhau về mọi chủ đề: chính trị một tí, thời cuộc một tí, người đẹp một tí, nói xấu sếp một tí... Người cháu thì vẫn nhiệt tình phục dịch ông chú và bạn, nhưng không chịu hé mồm về mục đích của một gặp.

Cuối cùng, khi nước trà và hoa quả tráng miệng đã mang lên, người chú mới châm thuốc, rít một hơi ngon lành rồi cất giọng khàn khàn, nhưng lại sử dụng đại từ nhân xưng khác:

- Này ông, ông nhớ thằng con trai tôi chứ? Nó tốt nghiệp đại học rồi. Bảo thế nào cũng không theo nghiệp cha. Chỉ thích làm ăn thương trường. Thằng này tính hơi ngang. Ông cháu tôi cũng có công ty, nhưng tôi e dao sắc chắc chẳng gọt được chuôi. Trong đám bạn của tôi, nó chỉ nể phục mỗi ông. Mà tôi nghĩ cũng chỉ có ông mới kèm cặp được nó. Ông nhận nó vào công ty ông, cho nó làm việc gì cũng được, miễn là đừng để nó xa tầm mắt của ông.

Anh không quen với lối xưng hô ông-tôi thay cho mày-tao này. Nó khiến anh bối rối. Người chú tiếp tục nói như sợ nếu dừng lại thì không thể nói hết ý của mình:

- Ông không phải trả lương cho nó đâu. Thằng anh này sẽ trả. Mỗi quý nó sẽ trả cho ông 15 triệu. Ông chỉ cần trả cho thằng con tôi 1,5 triệu/tháng. Số tiền còn lại tuỳ ông sử dụng, có thể coi như khoản đóng góp tạo chỗ làm. Nhưng tôi cần ông rèn thằng con tôi. Nếu không có ông, tôi sợ nó không nên người.

Nói đến đây, cây bút ngang dọc một thời chùng giọng xuống. Mắt ông đỏ hoe. Chỉ cần nói thêm một câu nữa thôi, là ông sẽ khóc ngay. Anh chợt thấy xấu hổ nếu để con người này phải rơi lệ cầu xin anh, nên nhận lời: "Được rồi, tôi sẽ nhận cháu. Từ thứ hai tuần tới nhé". Hai chú cháu nhà nọ cầm tay anh lắc mạnh để thể hiện họ biết ơn anh như thế nào.

Trở lại phòng làm việc trên tầng 18 của mình, anh thấy băn khoăn trước quyết định có phần vội vã ban nãy. Có điều gì đó không ổn trong câu chuyện này. Anh mông lung nhìn qua cửa kính xuống dòng xe cộ đan xen tấp nập bên dưới, và trong đầu anh chợt loé lên câu nói của người cha: "Miễn là đừng để nó xa tầm mắt của ông".

Anh hối hả quay điện thoại tìm người bạn khác cũng làm ở toà soạn cũ và vài phút sau nhận được lời giải đáp. Cậu con trai quý tử của nhà báo ngang tàng kia thực sự là con nghiện. Ông bạn anh hai năm nay khóc hết nước mắt, khuyên giải con đủ điều. Cậu cả thương bố đã đi cai nghiện cả năm vừa trở về. Nhưng chẳng có gì bảo đảm cậu sẽ thoát khỏi nguy cơ tái nghiện. Thế là anh được lựa chọn như một cái phao cứu sinh.

Ồ không! Anh sẵn sàng làm cái phao cứu sinh cho bố con họ, nhưng trong trường hợp khác, chứ không phải trường hợp này. Anh đã mất 10 năm gian khổ để xây dựng nên cái công ty này và giờ đây nó đang là một trong 10 công ty quảng cáo hàng đầu. Công ty anh không thể có một thằng nghiện làm ở đây, dẫu nó là con ông trời cũng thế. Nó đến đây, anh sẽ phải đối mặt với nguy cơ làm hỏng toàn bộ hệ thống nhân sự biết phối hợp hài hoà và chạy việc đã ngon trớn. Không, anh không thể hy sinh sự nghiệp này để làm cái phao cho họ. Dẫu có ích kỷ và nhẫn tâm thì anh cũng phải từ chối. Cty của anh không phải là cái nhà trẻ!

Anh tức tốc gọi điện thoại cho ông bạn, nhưng ông không trả lời. Có thể ông đang hân hoan sau khi gửi được con vào một chỗ mà ông yên tâm; có thể ông đoán biết thể nào cũng có cuộc điện thoại này và vô vàn những cái có thể khác giải thích tại sao ông không nghe máy. Thế càng may, anh nhắn tin cho ông: "Xin lỗi, tôi không thể nhận cháu vào công ty!".

0 comments:

Đăng nhận xét

 

VMC Copyright © 2009 | Power by Blogger | Template redesigned by Lý Minh Triết