6/10/06

TÌNH YÊU THỜI NỒI CƠM ĐIỆN


Sao bây giờ vợ chồng (và những người sắp thành vợ chồng) hay cãi nhau thế nhỉ? Qua khảo sát, tôi nghĩ vụ này đích thị là do cái nồi cơm điện. Bài từ blog của myselfvn.

Tháng trước, N và T ở TPHCM gọi (1 cuộc) điện thoại ra, thông báo tôi chuẩn bị tinh thần đón đôi uyên ương ra HN chơi. Đêm qua chàng và nàng đã gọi (2 cuộc riêng rẽ) điện thoại, báo huỷ chuyến đi. “Chuyến này tụi em bỏ nhau chị ơi” – chàng than. “Em nghĩ níu kéo làm gì nữa, vô ích!” – Nàng vãn. Cả hai đều sụt sùi, oằn oại, cho thấy bọn này còn yêu nhau lắm lắm. Vậy mà đơn li dị đã được ký xoạch hai phát cách đây hai hôm rồi. Đơn chưa gửi toà nhưng cả hai đứa đều Ban căng. Lý do chúng đưa ra thì lãng nhách. Chàng hầm hầm bảo nàng thiếu tôn trọng mình. Nàng nhảy tanh tách “Ảnh chả hiểu em!”. Báo hại tôi, vừa thiệt hại về tinh thần (bực như bác thường trực), vừa thiệt hại về vật chất (phải bốc máy làm tổ trưởng tổ hoà giải suốt hàng tiếng đồng hồ), vừa thiệt hại về thể chất (điếc tai).

Chắc bà con điên ruột lắm rùi, vì chưa thấy nhân vật nồi cơm điện xuất hiện. Đây, tôi giải trình đây. Vậy là, trong một phút thăng hoa của tài năng hoà giải, tui bảo T: “Cơm sôi bớt lửa, vợ khôn bớt lời, em ơi”. T sửng sốt: “Cơm sôi bớt lửa là sao, chị?”. Giời, hoá ra cô nàng thuộc thế hệ nồi cơm điện, có biết “nổi lửa lên em” là gì đâu.

Với T, thổi cơm có nghĩa là “rửa gạo” qua, rồi đổ gạo đổ nước vào nồi cơm điện, lấy ngón chân cái ấn cái nút nồi cơm đến tách, rồi bỏ đi hấp tóc vẽ móng nghệ thuật, về thấy nút vàng nhấp nháy là lôi cơm ra chén.


Còn thổi cơm như tôi ngày nhỏ thì bao nhiêu là gian truân. Lấy gạo vào rá đem vo, mà thường thì gạo cơ man là trấu với sạn. Vo gạo sơ tay quá, gạo chưa hết cám, rất hôi. Vo gạo quá mạnh tay, cơm sẽ nhạt. Sau khi vo là đãi gạo. Sàng rá qua lại mấy lần dưới nước cho sạn lắng hết xuống đáy rá, rồi, a lê hấp, hất rá gạo lên, khi gạo đáp cánh lại rá thì đã đảo mặt, lũ sạn đáng ghét sẽ hiện ra trên mặt rá gạo, thế là còng lưng mà nhặt. Cay nhất là lũ sạn trắng, toét mắt cũng chả phân biệt được với những hạt gạo gẫy. Vụ đãi gạo này thường phải làm 2, 3 lần mới hết, vì nếu bà nội ăn cơm mà vấp phải một hạt sạn thì nghe nhiếc cả tháng.

Nhưng giai đoạn cam go nhất là thổi cơm. Tiết kiệm cho bà kon phải nghe kể chuyện thổi cơm bằng nồi đất, bếp trấu, bếp củi, bễ than (mà tôi buộc phải thực hành thành thạo để ngày giỗ về quê làm cỗ không “bôi gio trát trấu” vào mặt gia đình), cứ đi thẳng luôn đến thời đại dễ thở nhất là bếp dầu nồi gang. Khi nước sôi, thả gạo vào nồi, sơ gạo xem nước cho vừa. Lúc này lửa phải hoành tráng để những chàng nước sôi dũng mãnh phấn khởi thấm nhanh vào các nàng gạo. Nhưng khi cơm bắt đầu sôi lại thì phải bớt lửa, nếu không nước sẽ trào hết ra ngoài, nhẹ thì cơm nhạt, nặng thì bẩn nồi, tắt bếp. Khi nước cạn cũng là lúc gạo sẽ chín bằng hơi là chính, nên vung nồi phải lưu ý đậy thật chặt, mà lửa chỉ liu riu thôi.

Cơm vừa chín tới thì phải liệu hồn bế nồi ngay ra khỏi bếp, nếu không cơm khê điếc mũi. (Nếu trót dại thì chỉ còn cách nhặt mấy viên than củi cho vào mảnh vải màn hoặc khăn mặt trắng sạch - đừng khăn mặt hoa hay màu mà nhuộm cơm đấy nhé - rồi cho vào nồi cơm hấp qua để tẩy mùi). Làm sao biết được cơm chín hay chưa? Cứ nhìn độ trong của gạo là biết. Nhưng mới học nấu cơm thì phải lấy mấy hạt cơm vào cái đũa cả, rùi miết thử một hạt. Hết nhân cứng là cơm vừa chín.

Tình cảm bố mẹ tôi cũng đã từng trải qua những giai đoạn khó khăn, nhưng tôi chưa bao giờ thấy bố mẹ cãi nhau đến mất mặn mất nhạt. Đôi khi bố tôi sai lè mà vẫn đỏ mặt tía tai, thì mẹ tôi lại nhẫn nhịn “bớt lời”, hoặc đưa mắt liếc một cái kèm theo nụ cười mủm mỉm: “Anh chỉ được cái cãi cùn, bắt nạt người ta”, thế là bố tôi sẽ lại cao giọng lên: “Nói lại đi, ai bắt nạt ai, hả?!”, nhưng lần naỳ là cao giọng đùa. Chắc lúc ấy bố cũng chợt ớ ra là mình sai, cảm cái sự rộng lượng của mẹ nên chữa ngượng thế thôi! Cũng có khi mẹ tôi “tức nước vỡ bờ”, thì bố tôi lại “xuống nước”. Rồi có lúc tôi “bắt quả tang” bố mẹ ngồi rủ rỉ “tính toán ân oán giang hồ” những chuyện ấm ức trong lòng từ đời nảo đời nào, vừa kể tội nhau vừa cười khúc khích.

Không biết có phải hơn nửa cuộc đời các cụ đã phải gắn bó với phương thức nấu cơm nhiêu khê, cần tỉ mỉ, tinh tế, kiên nhẫn, không có lựa chọn nào khác, nên các cụ mới thấm cái câu “Cơm sôi bớt lửa, vợ khôn bớt lời”, “Chồng giận thì vợ làm lành, cơm sôi to lửa thì thành nồi không”?

Có lẽ tôi nên bảo N và T bán béng cái nồi cơm điện đi, có khi họ sẽ huỷ tờ đơn xin li dị.

0 comments:

Đăng nhận xét

 

VMC Copyright © 2009 | Power by Blogger | Template redesigned by Lý Minh Triết