4/10/06

HÀ NỘI, CON THUYỀN, PHÙ SA (5)




Tiểu luận về Hà Nội của HỒ ANH THÁI

Kỳ 5: LỜI KẾT

Tôi có lần ra giữa sông Hồng dự một đám tang đặc biệt. Của một nhà thơ. Đặc biệt. Vì mong muốn cuối cùng của người quá cố là sau khi hỏa táng, di hài ông được thả xuống sông Hồng. Hình như mong muốn ấy chỉ có ở một con người thật lãng mạn. Tôi chắc là ông cũng đã biết nhiều về Phật giáo, Hindu giáo và văn minh Ấn Độ. Người ấn từ thượng cổ gắn với những dòng sông lớn. Họ gọi đó là sông thiêng. Sinh ra được rửa tội trong dòng sông thiêng là may mắn lớn. Cả đời người một lần tắm nước sông thiêng là được giải thoát. Chết đi thì tro than nhất thiết phải về với sông. Về với sông tức là về với sông cha đất mẹ.

Chắc là ông nhà thơ đất Việt kia cũng an nghỉ với giấc mơ lần cuối cùng phiêu du trên dòng sông cái màu đỏ. Tôi tuổi tứ tuần vương vấn mãi từ chuyến tiễn đưa trên sông Hồng hôm ấy. Không có ai được dự đám tang mình. Nhưng dường như tôi đang tiễn đưa chính mình trong hành trình cuối cùng của mình. Giống như thế. Con cháu tôi sẽ mang cái bình gốm ấy trên tay ra bờ sông Hồng. Nhúm tro ấy sẽ tan hòa trong dòng nước. Cũng có thể là một con thuyền giấy sẽ chở nhúm tro tàn ấy trôi một quãng sông Hồng. Chiếc thuyền giấy sẽ rơi vào một xoáy nước, bị dìm đắm, kết cục tất nhiên cho bất cứ một con thuyền nào hôm nay vẫn còn thong dong trên sông. Chính ở chỗ chiếc thuyền giấy buông mình đầu hàng số phận, tôi sẽ li ti lắng xuống cho một lớp phù sa sẽ tôn lên thành bờ bãi mới. Cũng có thể vào bụng cá, cá thì cũng lại về với sông cha đất mẹ.

Người mê tín bảo đừng có hỏa táng. Nóng lắm. Gọi hồn không được. Hồn nào về được cũng đều kêu nóng lắm. Chẳng hóa ra niềm tin tâm linh của người ấn là sai, họ chẳng có một linh hồn nào còn lại từ đống tro tàn hỏa táng hay sao? Chẳng hóa ra những người được mai táng gọi hồn lên không có ai kêu dưới ba thước đất nằm rất lạnh? Bị cả triệu triệu sâu bọ côn trùng quấy quả? Giấc ngủ ngàn thu có cả cá trê bẹp đầu sùng sục xông vào?

Người Hà Nội bây giờ có mê tín hơn xưa? Tiền cho vàng mã khói hương ngày một ngày rằm đã thành một ngăn dành riêng trong vỏ não? Người Hà Nội ấy khó quen với việc rải tro xương xuống sông Hồng. Thì cũng phải dành lại một phần mộ, một chỗ nho nhỏ cho con cháu tưởng nhớ. Như thể không có một nấm đất con con thì đời sau sẽ không còn ký ức. Thì chẳng lẽ lại đem tro đi rải xuống sông, chết là xóa sạch mọi dấu vết? Như thể còn nhìn thấy một tấm bia thì người chết vẫn còn.

Không, người có danh lẫn người vô danh khi đến thế giới này đều chỉ là đứa hài nhi vô danh. Vậy khi ra đi cũng nên vô danh như hài nhi của một vòng đầu thai mới. Cái gì còn lại đều là cái khó nhìn thấy. Chẳng phải cứ tượng đài bia đá là còn.

Tôi lại vẫn nghĩ rằng hành trình cuối cùng của Lý Công Uẩn cũng là trên một con thuyền. Sau đó là dòng sông Hồng. Sau đó là phù sa.

Ảnh: Cầu Thê Húc - Bác sĩ Charles-Edouard Hocquard chụp giai đoạn 1884 - 1885.

0 comments:

Đăng nhận xét

 

VMC Copyright © 2009 | Power by Blogger | Template redesigned by Lý Minh Triết