7/10/06

ƯỚC MƠ THUYẾT MINH



Đạo diễn Đặng Nhật Minh

Tôi mê điện ảnh từ bé. Ở cái thị xã miền núi heo hút trong thập niên 70 chẳng có thú vui nào hơn là đi xem phim. Năm bữa nửa tháng đội chiếu bóng lưu động thị xã lại đến những sân kho, những sân vận động ngập cỏ để chiếu phim phục vụ đồng bào.

Thời đó tivi chưa có, nên chiếu phim thực sự là ngày hội. Nhà nào cũng giục giã nhau nấu cơm sớm để đi xem phim. Chương trình bao giờ cũng cố định: Một phim tài liệu và một phim truyện. Những bộ phim Liên Xô thời đó như “Giải phóng”, “Những kẻ báo thù không bao giờ bị bắt”, “Đội bay”, “Mặt trời trắng trên xa mạc”, “Người cá”…, những bộ phim CHDC Đức như “Những đứa con của gấu mẹ vĩ đại”, hay của Ba Lan như “Thầy lang”, “Con hủi”… có sức lôi cuốn ghê gớm.

Có lần tôi tình cờ ngồi sát máy chiếu và người đọc thuyết minh, thấy chú phụ trách máy chiếu nói với cô thuyết minh: “Bỏ qua cuốn 5 nhé”, mới phát hiện ra rằng họ chiếu ăn gian để được về sớm. Hẳn nào có những bộ phim xem xong chẳng hiểu gì, không biết tại sao nhân vật lại hành động như vậy. Khán giả xem xong thắc mắc chẳng hiểu đầu cua tai nheo ra sao, nên đành hài lòng với cái chẹp miệng: “Ôi dào, ở bên Tây nó thế!”

Hồi bé tôi mê nghề thuyết minh phim lắm, thấy những cô chú thuyết minh phim sao mà giỏi thế, dịch được những điều mà tây nói. Lớn lên, khi đi làm phiên dịch, tôi lại được sếp giao dịch phim cho quan khách xem. Thế là thoả nỗi chờ mong. Hội viên Hội điện ảnh Việt Nam hồi đầu thập niên 1990 nếu đến xem phim Liên Xô, phim Nga ở 51 Trần Hưng Đạo, hay Đại sứ quán Liên Xô tại Hà Nội thì thể nào cũng được xem những bộ phim mà tôi đã dịch và trực tiếp thuyết minh như “Chiến tranh và đàn bà”, “Chuyến hàng 600”, “Bợm gái”, “Vũ hội đêm giao thừa”, “Không tặc”, "Vera bé bỏng", "Gái giang hồ quốc tế"…

Trong gần 3 năm làm phiên dịch, tôi đã dịch khoảng 20 phim. Kỷ niệm đáng nhớ nhất có lẽ là lần dịch phim “Chuyến hàng 600”. Đó là bộ phim đầu tiên của Liên Xô nêu mặt trái của cuộc chiến tranh ở Afghanistan. Những chàng trai trẻ trung, vô tư lớn lên trong hoà bình và yên ấm ở Liên Xô đột nhiên phải khoác áo “tình nguyện quân” đối mặt với cuộc chiến tranh tôn giáo tàn khốc.

Cốt chuyện của phim rất đơn giản. “Chuyến hàng 600” là phiên hiệu của các chuyến xe chở thi thể binh lính hy sinh tại Afghanistan về nước. Dọc đường đi, những người áp tải chuyển hàng bị lính jihad đón lõng và bắt sống. Chúng buộc cả đoàn xe phải đi theo sự chỉ dẫn của chúng. Bằng sự gan dạ và mưu trí, các chiến sĩ Xôviết đã tiêu diệt toán lính jihad và đưa trót lọt các thi thể về Liên Xô. Nhưng họ cũng bị tổn thất. Người thì đạp phải mìn khi sững sờ trước một con suối quá đẹp, người thì bị dân chúng Afghan bắn lén, người thì hy sinh trong khi đọ súng với lính jihad.

Bộ phim kết thúc bằng những thước phim tài liệu với cảnh những chàng trai mặc quân phục mới coong chia tay người thân lên đường nhập ngũ, cảnh những người lính trở về với nạng gỗ, và bi thảm hơn - trong những chiếc quan tài phủ quốc kỳ. Tiếng ghita bập bùng và giọng nam khê nồng vang lên da diết:

Đất nước tiễn chúng ta đi trong nước mắt
Đất nước đón chúng ta về với tật nguyền
Tại sao chúng ta lại phải cống hiến tuổi thanh xuân cho một đất nước xa lạ???

Cho đến giờ sau 16 năm, tôi vẫn bị ám ảnh bởi giọng hát khắc khoải như xoáy vào tâm can ấy. Bộ phim hay hơn cũng nhờ bài hát ấy. Tôi nhớ, mỗi lần dịch đến đoạn này giọng tôi lại nghẹn lại. "Chuyến hàng 600" đã tung hoành ở Hà Nội trong thời gian ấy: từ Đại sứ quán Liên Xô đến Hội Điện ảnh, từ Hội Nhà báo đến Xưởng phim Quân đội.

Cô Nguyễn Thị Nam, nhà phê bình phim có tiếng thời đó, đi xem phim này mấy bận liền. Có lần chiếu ở Xưởng phim Quân đội, đến đoạn cuối khi nhạc ghita vang lên, có khán giả bỏ về, cô đứng lên nói lạc cả giọng: "Mọi người đừng về, ngồi lại nghe nốt bài hát đã!".

Còn lần chiếu tại Hội Điện ảnh, thì một bất ngờ thú vị đã đến với tôi - chàng trai 24 tuổi dịch và thuyết minh phim chiến tranh. Khi tôi tháo tai nghe rời khỏi buồng thuyết minh thì thấy Đạo diễn, Nghệ sĩ Nhân dân Đặng Nhật Minh, Tổng thư ký Hội Điện ảnh Việt Nam đứng ngay trước cửa. Ông cười và giơ tay nắm chặt tay tôi: "Cám ơn em. Bộ phim khiến anh rất cảm động".

Vâng, bộ phim khiến ông cảm động, còn tôi thì cảm động vì lời cảm ơn của ông. Chẳng bao giờ tôi dám nghĩ rằng cái công việc bé mọn của tôi lại chiếm được thiện cảm ở một vị khán giả lớn như ông.

0 comments:

Đăng nhận xét

 

VMC Copyright © 2009 | Power by Blogger | Template redesigned by Lý Minh Triết