Tiểu luận về Hà Nội của HỒ ANH THÁI
Đôi khi tôi tự hỏi cái ngày Lý Công Uẩn đến vùng bờ bãi phù sa ven sông Hồng, thấy những ráng mây vàng như một con rồng bay vút lên, chính ngày đầu tiên ấy ông đã ngắm con rồng Thăng Long trên mình ngựa hay trên thuyền?
Hình ảnh một con thuyền có lẽ hợp hơn với người đầu tiên đến chọn đất xây dựng nên Thăng Long. Không loại trừ sự tô vẽ của người đời rằng ông ngồi hùng dũng trên một thớt voi hoặc một con ngựa chiến. Nhưng dải đất phù sa nâu đỏ ven dòng sông cũng đỏ đòi người đến khám phá ra nó phải cưỡi trên một con thuyền đè trên đầu sóng. Những hồ nước khắp trên đất Thăng Long cũng muốn rằng người đầu tiên đến đây phải có một con thuyền. Phải là thuyền cơ. Mãi đến thời Hồ Quý Ly, như nhà văn Nguyễn Xuân Khánh miêu tả, cả vùng Thăng Long vẫn còn mênh mông hồ nước. Phương tiện phổ biến và an toàn vẫn là thuyền. Những con thuyền chập chờn luồn lách trong sương, qua lau sậy, mang chở trên đó bao nhiêu nỗi niềm, cả những mưu đồ bá vương.
Phải là thuyền. Sông dài bãi rộng. Trên bến dưới thuyền. Chài lưới. Canh tác lúa nước. Buôn bán vùng kẻ chợ. Người ấy cảnh ấy kéo dài ra đến một nghìn năm, đến bây giờ. Người bây giờ ngồi mà hình dung cứ tự đoán chắc với mình rằng Lý Công Uẩn ngày đầu đến đây bằng thuyền.
Chắc là thế. Bằng thuyền.
***
NGƯỜI HÀ NỘI GỐC (*)
Có lần tôi ngồi nghe chuyện nhà văn Tô Hoài, cũng là một nhà Hà Nội học trực nghiệm đáng tin cậy. Nhân chuyện người Hà Nội gốc, ông nói rằng hiếm có lắm, Hà Nội gốc họa chăng chỉ có mấy anh chàng đánh cá ven sông Tô Lịch.
Ừ nhỉ, ngay như nhà văn Tô Hoài đấy thôi. Ông vẫn được coi là một nhà văn hiếm hoi người Hà Nội còn lại với chúng ta từ đầu thế kỷ trước, nhưng mà trước năm 1945 vùng Nghĩa Đô quê ngoại ông hằng đi về vẫn còn thuộc tỉnh Hà Đông. Hà Nội khi ấy chỉ là một mảnh bé xíu của nội thành Hà Nội bây giờ.
Hà Nội gốc bây giờ tạm chấp nhận tiêu chuẩn có ba đời sinh ra ở Hà Nội. Ông nội tôi sinh ra ở đây, cha tôi sinh ra ở nơi đây, và tôi nữa sinh ra ở nơi đây. Thế thì tôi là người Hà Nội, cho dù những năm chiến tranh ly tán, cha mẹ tôi có phải bỏ Hà Nội dắt dìu nhau đi kháng chiến chống Pháp, cho dù những năm chống Mỹ có phải bồng bế tôi đi sơ tán về miền quê. Cho dù gốc gác tôi ở Nghệ An, Quảng Bình, Thừa Thiên, hay từ những tỉnh đồng bằng Bắc bộ không xa. Hay từ những nơi thật xa Nam bộ.
Nghe thế thì hiểu rằng Hà Nội gốc ba đời ở móng chân vẫn còn giắt bùn sông Hồng. Đầu thế kỷ XX vùng phố cổ bây giờ nước sông Hồng vẫn còn mấp mé liếm vào bến đỗ, rồi theo thời gian mới dùng dằng rút dần ra xa. Người Hà Nội gốc khi ấy vẫn phải làm nghề chài lưới. Bà buôn vẫn phải lăn xả xuống bến lội bùn lấy hàng lên. Ông đồ ông ký sao cũng có lúc phải lội nước lên thuyền hoặc lội qua bãi sông ngập nước mà về nhà. Hà Nội gốc mà móng chân vẫn giắt bùn là như vậy. Lá ngọc cành vàng, danh gia vọng tộc thật là một huyễn tưởng mong manh.
Thế thì người Hà Nội là những ai? Cũng như mọi thủ đô trên thế giới này thôi. Chưa đến London cứ tưởng người London nói tiếng Anh theo "kiểu thủ đô" rất chuẩn. Chưa đến Paris cứ tưởng người Paris chỉ toàn người sinh trưởng ở thủ đô hoa lệ. Những đô thị ở nước Mỹ thì khỏi nói, New York, Chicago, San Francisco, Los Angeles... Tất cả đều là những tụ điểm tập hợp dân tứ chiếng hay người tứ xứ cũng vậy. Khó mà tìm ra ở họ một mẫu số chung.
Hà Nội có lẽ cũng vậy thôi. Gốc gác ba đời ít ỏi đã nói ở trên. Đa số người Hà Nội bây giờ là "ngoại kiều". Những Thanh kiều, Nghệ kiều từ miền Trung ra. Từ Hải Phòng, Nam Định, Hải Dương, Thái Bình lên. Từ phương Nam tập kết đến. Tinh hoa gốc rễ hun đúc ở đây. Tinh hoa từ mọi miền mang tới, giao kết hợp chủng mà tạo nên người Hà Nội. Lâu dần cứ cái gì thanh lịch, hào hoa, cao nhã, tinh tế... thì mặc nhiên đều được coi là của người Hà Nội. Chẳng cần phải rạch ròi phân định "của tôi trả tôi" làm gì.
Người Hà Nội là người sống trên dải đất ven sông Hồng. Người Hà Nội cũng là người Việt tới tận từng phân vuông vậy.
***
(còn tiếp)
(*): Đầu đề này là do VMC đặt.
Ảnh của Bác sĩ Charles-Edouard Hocquard giai đoạn 1884 - 1885.
0 comments:
Đăng nhận xét