28/9/06

TA Ở XỨ NGƯỜI (3)


Những câu chuyện mắt thấy tai nghe về người Việt chúng ta trong những lần ra nước ngoài...

Tóm tắt kỳ 1, 2: Tháng 7.1994 tôi cùng 4 đồng nghiệp đi Thái Lan dự một hội nghị khu vực. Ông H lần đầu tiên đi nước ngoài, mang theo lối suy nghĩ và những thói quen cố hữu. Trong đoàn còn có hai nhân vật khả kính khác là ông T và ông C. Hai ông lén đi xem sex show ở phố ăn chơi Patpong và lớ ngớ trở thành gà cho đám macô.


CHĂN CON CÔNG Ở SÂN BAY DON MUANG


Nhân vật thứ tư trong chuyến đi là ông P. Ông có dáng vóc nhỏ thó, luôn ăn mặc gọn gàng áo bỏ trong quần tại bất cứ sự kiện nào: từ hội nghị, bữa tiệc chính thức cho tới chuyến picnic tới Pattaya.

Ông P hầu như không nói câu gì trong suốt chuyến đi. Chẳng bực mình trước những trò ầm ĩ của ông H, cũng chẳng thèm đếm xỉa tới một vài hành động khoe mẽ và chảnh mà hai ông T và C đôi khi bộc lộ một cách khéo léo. Ai bảo đi đâu thì ông đi đấy, chẳng trầm trồ bình luận cũng chẳng để ý hỏi han. Ông cứ lặng lẽ đi về như một cái bóng và trở thành dấu hỏi to đùng đối với tôi: Sao ông lại có thể làm báo được nhỉ?

Ông P với ông H ở chung một phòng. Thật là một cặp hoàn hảo, tôi nghĩ bụng. Ông H nói liên hồi kỳ trận, còn ông P thì im như thóc cả ngày. Đến cười ông cũng lười. Chỉ có một lần tôi thấy gương mặt ông bày tỏ sắc thái tình cảm, ấy là một lần ăn trưa xong, mọi người lên xe thì ông chạy vào toilette. Ông ở trong ấy khá lâu và khi tất tả chạy ra thì gương mặt ông có vẻ hốt hoảng, chắc sợ xe đi mất. Ai mà dám đi khi chưa có ông chứ!

Tôi thấy ông V với ông P có một điểm chung là đã về đến khách sạn rồi thì cấm cung luôn. Sau đêm bị trấn lột, ông T và ông C tăng cường rủ mọi người đi ra ngoài, lúc thì đi uống nước, lúc thì đi shopping (khi đó tôi không hề biết là hai ông rút kinh nghiệm, không dám đi ăn mảnh nữa, mà chỉ nghĩ rằng hai ông đã gặp hết người thân ở Bangkok rồi nên giờ đây dành thời gian cho anh em trong đoàn). Tuy nhiên, lần nào ông P và ông H cũng từ chối lời mời của ông T, khiến ông bực mình: "Mịa, bọn này sang đây chỉ chúi mũi vào cái toilette trong phòng khách sạn!".

Nhưng đó là sai lầm của cả ba chúng tôi. Ông P, ông H chẳng hề ở trong phòng. Các ông đi mua bán. Theo lời ông H kể thì bà vợ ông P đã giao cho ông ấy một danh sách dài dằng dặc vật dụng cần mua ở Bangkok, từ máy say sinh tố cho đến kem dưỡng da Con én. Nhân viên khách sạn 5 sao Imperial Queen's Park không hiểu sao cái ông khách nhỏ thó với dáng đi liêu xiêu ấy lại đi mua bán mỗi ngày vài ba bận và lần nào về cũng khệ nệ túi to túi nhỏ.

Ngày về đã đến. Phía Thái cho hẳn một chiếc minibuýt 12 chỗ chở 5 nhà báo Việt Nam ra sân bay. Đồ đạc của ông P chiếm đến 1/2 hành lý của cả đoàn. Kinh quá. Điều này khiến tất cả ngỡ ngàng. Ông T hỏi: "Ông mua đồ lúc nào mà nhiều thế". Ông H oang oang: "Thì các ông đi chơi, còn ông P và tôi đi mua đồ!". Hành lý cho vào gầm băng sau của xe xong, tất cả ngồi vào xe, ông P là người lên cuối cùng. Và ông khiến tất cả chúng tôi há mồm khi xách theo một chiếc chăn con công của Trung Quốc được xếp gọn gàng trong túi nhựa có quai xách đàng hoàng. Loại chăn này bán đầy ở Hàng Ngang Hàng Đào, nhưng đắt hơn khoảng 50 nghìn đồng.

Đến sân bay Don Muang, tôi mạnh chân khoẻ tay nên chất đống hành lý lên xe đẩy. Các ông chỉ còn xách những thứ lặt vặt. Ông P thì tuy bé nhỏ, nhưng lại tung tăng bên cạnh chiếc chăn choe choét, nên nổi bật trong dòng người xếp hàng làm check-in. Ông T khéo léo lánh xa ông P, coi như không quen biết để đỡ ngượng.

Nhưng cũng chẳng tránh xa được mãi. Đến trước cửa vào phòng cách ly, anh bạn Thái đề nghị: "Ta chụp chung kiểu ảnh trước khi chia tay nhé!". Ông T ông C miễn cưỡng đứng thành hành ngang với mọi người và cười. Ông P khiêm tốn đứng ngoài rìa. Chiếc chăn đỏ chót của ông trở thành điểm son trong tấm ảnh mà giờ đây tôi vẫn giữ.

Nhưng câu chuyện vẫn chưa hết. Trước khi vào phòng cách ly tất cả phải đi qua máy phát hiện kim loại. Túi chăn con công của ông P bỗng phát tín hiệu, khiến nhân viên an ninh yêu cầu ông phải mở ra. Ông luống cuống mở và trước con mắt sững sờ của 4 nhà báo Việt Nam và các nhân viên an ninh Thái, trong đó có hẳn một cái nồi cơm điện.

Cả ông T, ông C, lẫn tôi đều không thể hiểu được ông P đã nhét nồi cơm điện vào trong tấm chăn con công như thế nào mà cái túi nhựa bọc bên ngoài không hề bị rách. Có lẽ đó mãi mãi là điều bí mật của riêng ông, bởi
lúc sau vội lên máy bay ông không thể trình diễn lại kỹ năng đó, nên các nhân viên an ninh Thái phải đưa cho ông một cái túi khác để đựng nồi cơm điện.

2 comments:

L2C on lúc 09:21 7 tháng 6, 2010 nói...

Ối, chuyện này ngộ quá. 12 năm sau anh kể lại mà còn nhớ rõ, ấn tượng nhỉ.

Sơn Nguyễn nói...

Mấy bài này của Thầy e cứ đọc đi đọc lại vẫn thấy hay, thấy thích và buồn cười...Sao Thầy viết hay thế Thấy?!!? :))

Đăng nhận xét

 

VMC Copyright © 2009 | Power by Blogger | Template redesigned by Lý Minh Triết