14/9/06

CÔ GÁI TRONG MÙA THU VÀNG



Câu chuyện này tôi viết tặng những người bạn phải bỏ học hành, nghiên cứu hoặc những công việc mà họ yêu thích để mánh mung buôn bán kiếm tiền ở nước Nga trong những năm đầu của thập niên 1990.

CÔ GÁI TRONG MÙA THU VÀNG

“Thế là mất toi 15 nghìn đô” – anh vừa ngao ngán thờ dài vừa lẩm bẩm chửi rủa “cái lũ ăn hại” trong đường dây đánh áo gió của anh ở đầu Hà Nội làm ăn không đến nơi đến chốn để lô hàng “áo gầy” (*) mãi đến giữa thu mới sang đến nơi.


Cánh cửa sổ bỗng bật mở và một làn gió tinh khiết ùa vào. Anh hít đầy hai lá phổi ám khói thứ gió ấy và ánh mắt bỗng rực sáng bởi ánh lửa đỏ ối đầy ma lực phát ra từ đám lá phong ở trảng rừng bên kia đường. “Đi thôi, ta phải đi thôi, không thể ở mãi trong cái ốp (**) chật chội và hôi hám này”. Anh hối hả nhét cái Nikon F3, lô phim Kodak và lỉnh kỉnh flash, bộ sạc pin vào chiếc túi, rồi vớ cái chân máy phóng như bay ra ga.

“Cho tôi một vé chuyến tàu sắp chạy” – anh nói với cô bán vé còn trẻ, nhưng to béo. “Đi đâu?” - cô ngước đôi mắt thâm quầng lên hỏi. “Đi đâu cũng được” – anh sảng khoái trả lời. Anh nhảy lên tầu đúng 3 giây trước khi nó chuyển bánh. Tàu chạy nhanh quá. Anh chợt cười vì ý nghĩ vẩn vơ của mình không hiểu đoàn tàu lớn đến cỡ nào mà có thể nuốt hết cánh rừng bạch dương này đến cánh rừng bạch dương khác.

“Anh cười giống hệt chú bé” - một giọng nữ trong trẻo, có cảm giác như đã quen anh lâu lắm rồi vang lên. Anh quay lại và nhìn thấy một thiếu nữ tóc sáng ngồi trên chiếc ghế đối diện. “Mùa thu đẹp quá, phải không em?” – câu nói cũng thân mật như thế nhẹ nhàng thoát ra khỏi lồng ngực anh.

Câu chuyện của họ rẽ khỏi mùa thu và chỉ chịu ngưng lại khi ráng chiều tím đỏ ập xuống và Nina dợm chân xuống tàu ở một ga xép. “Nhà em ở khu rừng kia ư?” – anh hỏi. “Vâng, ở đấy có một cái hồ sâu nước lạnh buốt cùng những cây sồi già”, - Nina đáp. “Anh về nhà em nhé?” – anh hăm hở. “Vâng!” – cô trả lời giống như câu hỏi ấy không thể có một lời đáp khác.

Anh không nhớ đã đi 5 km đường đất ấy như thế nào. Họ đã đi rất lâu, bởi còn phải dừng lại nhiều lần để hôn nhau. Nina giơ ngón tay ra hiệu cho anh im lặng khi bước vào trong nhà. Mọi người đã ngủ cả.

Người cha vô cùng tức tối khi buổi sáng thấy chàng trai da vàng mắt đen bước ra từ phòng con gái. “Đồ chó dái” – ông buông ra một câu tục tằn thay cho lời chào.

“Anh có tiền không?” – Nina thì thầm hỏi rồi kéo anh đến cửa hàng độc nhất của làng. Năm chai vodka, cá xelotca, mỡ muối và một vài thứ đồ hộp lặt vặt khác đủ hết một nửa số tiền mà anh mang theo dằn túi.

Cười híp cả mắt sau ly rượu đầu tiên, ông già vỗ vai anh: “Tôi khoái người Nhật các anh”. Anh định mở miệng cãi, thì Nina đã tươi cười: “Nào, ly thứ hai chúc sức khoẻ người Nhật”. Họ ăn qua loa vài thứ và Nina lại kéo anh vào phòng cô, để mặc ông già với một bàn đầy đồ ăn và thức uống.

Khoảng một giờ sau, cô giơ tay kéo tấm màn cửa sổ. Trời ơi, cái màu đỏ rực rỡ của mùa thu đang ở trong khoảnh khắc đốt mình đỉnh điểm kia sao mà rợn người đến thế trên mặt nước lạnh lẽo và hun hút của hồ nước. Trên cái nền ấy là đôi chân con gái trắng muốt hờ hững đặt trên bậu cửa tróc sơn loang lổ. Anh vội vã mở túi, lắp giá, đặt máy ảnh và mải miết đốt phim như sợ cái cảnh ấy đột ngột biến mất.

“Anh có tiền không?” – cô hỏi vào buổi chiều ngày thứ ba. “Có, nhưng không nhiều lắm. Em cần mua mấy chai vodka nữa sao?” - anh hỏi. “Không, em cần làm cái hộ chiếu đi đánh hàng ở Thổ Nhĩ Kỳ. 500 đôla kia!”, cô đáp rất khẽ. Anh tần ngần: “Em có cần gấp không?”. “Gấp, người ta hẹn ngày mai!”.

Anh kéo tay cô cả quyết. Đi, quay trở lại thành phố. Anh sẽ bán chiếc máy ảnh này. Họ vội vã ra ga làm cuộc hành trình ngược lại và về đến thành phố vào ban đêm. Anh giơ ngón tay ra hiệu cho cô im lặng khi đi qua bàn bà thường trực đang ngủ gật. Phải vất vả lắm họ mới lách được qua những thùng rác hôi hám, những đống hàng ngút trần ở hành lang để vào phòng anh.

Sáng sau anh thức dậy và ngạc nhiên khi chỉ thấy một mình trong phòng. Số đồ đạc ít ỏi của anh vẫn còn nguyên vẹn. Một tờ giấy kẻ ô vuông có những nét chữ nghiêng mềm mại đặt trên bàn. “Con Rồng nhỏ của em. Cám ơn Thượng đế đã ban cho em ba ngày hạnh phúc. Em đã thấy ánh mắt anh thảng thốt thế nào khi quyết định bán chiếc máy ảnh. Vào đến phòng anh, em càng nhận ra rằng em không thể tước nốt niềm vui cuối cùng của anh. Em hãnh diện là một phần của em - những bức ảnh - sẽ còn lại mãi cùng anh. Vĩnh biệt. Nina”.

Hà Nội, tháng 11.1998.

Đăng trên Lao Động, thứ Bảy ngày 21.11.1998

______

(*) Áo gầy: áo gió một lớp.

(**) Ốp: Ký túc xá dành cho sinh viên hoặc công nhân ở Nga.

5 comments:

Nga nói...

Cô bé trên vừa thông minh và vừa gợi tình. Nhỉ. :)
http://vmcinhanoi.blogspot.com/2009/09/thong-minh-hay-sexy.html

Nặc danh nói...

Không hiểu sao mình không thích câu chuyện này dù nó rất thật.
Không thích chỉ vì không thích, thế thôi.

VMC on lúc 23:40 11 tháng 9, 2009 nói...

Ừ, có những thứ không thích đơn giản vì không thích. Không thể giải thích được hơn. Đơn giản là không thích. Thế thôi. Nhưng chúng vẫn là một phần của cuộc sống.

Nặc danh nói...

Có một bạn kể với mình câu chuyện. Cách đây mấy năm, bạn có dịp quay lại một nước Đông Âu công tác. Trong chuyến đi này bạn hồi hộp mong được nhìn thấy người tình đầu tiên, vốn là một tiến sĩ giỏi, từng hướng dẫn bạn làm luận văn khoảng chục năm về trước.Sang đến nơi,bạn được một người quen dẫn ra chợ trời, nơi người tình cũ của bạn đang làm ăn buôn bán.
Bạn nói với mình:" Không hiểu sao lòng mình bỗng dưng nguội lạnh. Dường như mình chưa từng quen anh ấy bao giờ".
-------------------
Câu chuyện của VMC rất thật. Nó cũng thật như câu chuyện mình được nghe cô bạn kể. Nhưng mình không thích cả hai câu chuyện này. Dúng như bạn nói, mình không giải thích được mặc dù rắt muốn giải thích để hiểu được chính cảm xúc của mình. Hay là hâm hấp nhì??? Đôi khi cũng muốn tìm hiểu bản chất của " một phần của cuộc sống " lắm.

Nga nói...

Mình thì lại thích câu chuyện của VMC. Đơn giản là thích, he he.
Từ chuyện khá thật là lúc tỉnh dậy, nếu như tiểu thuyết thì phải quan tâm đến Nina sexy trước ? Nhưng không, vội ngó quanh ngó quất xem có bị chôm gì không đã. Thói quen vật chất mang sang từ VN : Vừa "tình tự" bên bờ hồ nào đấy. Vừa trông chừng xe đạp / xe máy,... đã thành phản xạ có điều kiện.

Đăng nhận xét

 

VMC Copyright © 2009 | Power by Blogger | Template redesigned by Lý Minh Triết