4/9/06

11.9, 5 năm trước (3)



NHỮNG TÂM TƯ NƯỚC MỸ

Các kênh truyền hình của Mỹ chưa bao giờ xao động như thế. Giữa các tin tức về diễn biến mới nhất trong quá trình tìm kiếm nạn nhân trong các đống đổ nát của WTC và Lầu Năm góc, về nỗ lực của FBI truy tìm tung tích bọn khủng bố, về việc nối lại giao thông hàng không và thị trường chứng khoán, là những gương mặt đau khổ của những người đã bị mất người thân trong các vụ khủng bố vừa qua. Tổng thống Bush lại xuất hiện trên truyền hình với giọng nghẹn ngào cam kết sẽ đập tan bọn khủng bố.

Nỗi đau gấp đôi
Cộng đồng người Mỹ gốc Arab đang phải trải qua những thời khắc nặng nề trong kiếp sống nhập cư của họ. Các vụ không kích mà thủ phạm tình nghi là người Arab đã đẩy lên làn sóng chống người Arab ở nước Mỹ. Báo chí Mỹ một mặt kêu gọi người Mỹ đừng có hành động trả thù đối với những người Mỹ gốc Arab (mà đại đa số đều là những người vô tội), mặt khác đăng tải những thông tin cho thấy đã có nhiều người gốc Arab bị đe dọa. Tờ Detroit News của thành phố Detroit, nơi có cộng đồng Arab lớn thứ hai ở Mỹ (khoảng 220 nghìn người), cho hay đã xuất hiện những lời đe dọa trả thù cộng đồng Arab ở đây.

Báo chí Mỹ ngày 13.9 còn đưa những vụ tấn công khác: bang Indiana, một người bán xăng gốc Yemen bị một người Mỹ rượt bắn; trạm bán xăng của người Arab và nhà hàng của người Jordan bị đập phá; tại Denton, bang Texas, trường học và nhà thờ của người Hồi giáo đã bị ném chai xăng; nhà của cộng đồng Hồi giáo ở San Francisco bị tưới máu lợn (pig blood) trước cửa; nhiều trường học trong khu vực này bị đóng cửa. Tại Alexandria, bang Virginia, trước cửa hàng sách của một người Arab đã xuất hiện dòng chữ: "Chúng mày đến đất nước này để giết nhân dân chúng tao. Chúng tao muốn giết chúng mày. Bọn sát nhân Arab phải chết!".

Để chứng tỏ "tinh thần yêu nước", ngày 12.9, 45 người thuộc cộng đồng Hồi giáo ở Tampa (bang Florida) đã đăng ký hiến máu cứu những người bị nạn, 30 thanh niên thuộc Hiệp hội Sinh viên Hồi giáo của Trường ĐHTH Nam Florida cũng làm như vậy. "Chúng tôi cảm thấy đau đớn gấp đôi: Đau vì những gì đã xảy ra và đau vì bị người ta nhìn cứ như là chính mình đã gây ra những điều ấy" - Sami Al - Arian, giảng viên trường đại học trên nói. Tại Dearborn, bang Michigan, Issam Koussan đã mua một lá cờ Mỹ thật to để treo trước cửa nhà: "Tôi thấy tôi cần phải tỏ ra trung thành với đất nước này".

21h30 phút ngày 12.9, tôi tận mắt chứng kiến cuộc xô xát nhỏ giữa một thanh niên da đen với một thanh niên Arab trên đường phố Washington. Người thanh niên da đen chỉ vào người thanh niên Arab và nói: "Lũ khủng bố khốn kiếp". Chàng trai Arab lúng búng: "Tôi không can dự đến chuyện này". Người thanh niên da đen trợn mắt: "Tất cả lũ Arab chúng mày đều là lũ khốn kiếp". Rất may họ chỉ nói với nhau có thế và không thượng cẳng chân hạ cẳng tay. Tôi cảm thấy thực sự lo ngại vì lúc đó nếu họ đánh nhau thì không biết sẽ phải can họ thế nào, vì cả hai đều cao lớn và nặng ký.

"Không còn đau đáu như xưa"
Còn cộng đồng người Mỹ gốc Việt thì sao? Giống như đa số những người Mỹ khác, họ đều trải qua một ngày kinh hoàng. Không có một thống kê nào cho thấy có người gốc Việt trong số nạn nhân của các vụ khủng bố. Nhưng những gương mặt nạn nhân người châu Á thì hiện lên rất nhiều trên màn ảnh truyền hình của Mỹ. Tôi phỏng đoán rằng chắc chắn trong số khoảng 50 nghìn người làm việc tại WTC phải có một số người gốc Việt nào đó, dẫu là ít ỏi. Mong sao linh hồn của họ được siêu thoát. Riêng Trung Quốc có 12 công ty đóng trụ sở tại WTC. Do vậy số nạn nhân của họ chắc cũng phải hàng chục người.

Những người Việt ở Washington DC, hay New York trong những ngày này đều gọi điện thoại hoặc email về cho người thân hiện đang sinh sống tại Việt Nam. Ít nhất cũng là để báo cho mọi người một câu rằng mình còn an toàn. Mỗi lần có khủng bố như thế này, chỉ muốn tốt nghiệp cho thật nhanh để trở về nước" - Quang, sinh viên Đại học Tổng hợp George Washington nói. Còn chị Liên, làm việc cho một tổ chức quốc tế đặt trụ sở tại Washington DC thì tỏ ra bình thản: "Thôi, mình thế nào thì cứ sống thế. Mong sao khủng bố chừa mình ra".

Tôi gặp một người đàn ông xưng là Linh, 42 tuổi, người Hải Phòng. Anh có một cửa hiệu tạp hoá nhỏ ở Fall Church, quận Arlington, cách Washington DC chừng 20 cây số. Linh nói: "Tôi có người nhà ở New York, nhưng rất may cô ta làm việc cách WTC đến 15 dãy phố. Dù sao cả nhà tôi suốt từ sáng đến đêm 11.9 đều không ngớt lo âu cho cô ấy. Đến nửa đêm mới gọi được điện và mọi người đều thở phào". Được hỏi về cảm tưởng của mình trong đợt khủng bố vừa qua, Linh nói: "Anh biết không, tôi đã từng có thâm niên ngủ hầm thời máy bay Mỹ đánh bom miền Bắc đấy. Hôm 11.9, lúc tiếng còi báo động của xe cứu hoả kêu rên rỉ, tôi có cảm giác giống hệt như hồi nghe tiếng còi báo động lúc nửa đêm và chạy xuống hầm trú ẩn. Nhưng cảm giác ấy qua rất nhanh, chứ không dai dẳng giống như hồi trước. Có lẽ vì đây vẫn không phải là quê hương mình, nên mình cũng không còn đau đáu như xưa".

Báo Lao Động, 15.09.2001

0 comments:

Đăng nhận xét

 

VMC Copyright © 2009 | Power by Blogger | Template redesigned by Lý Minh Triết