16/9/06

CHUYỆN BUỒN TỪ CÁC NHẠC SĨ



Họ không phải là hai nhạc sĩ bình thường, mà là hai nhạc sĩ đàn anh có tên tuổi của nền âm nhạc Việt Nam. Một ông là Giáo sư, Nghệ sĩ Nhân dân Trọng Bằng (ảnh), từng cầm đũa chỉ huy Dàn nhạc Giao hưởng Quốc gia, giám đốc Nhạc viện Hà Nội, từng nắm chiếc ghế Chủ tịch Hội Nhạc sĩ VN hai khoá liền. Một ông là Giáo sư Vĩnh Cát, nguyên Giám đốc Sở Văn hoá Thông tin Hà Nội, nguyên Phó Giám đốc Nhạc viện Hà Nội. Cả hai ông đều sống trong môi trường âm nhạc sang trọng đỉnh cao. Nhưng khi trở thành đối tượng xét thưởng của những giải thưởng quốc gia, thì...

Câu chuyện nhạc sĩ Vĩnh Cát tố cáo nhạc sĩ Trọng Bằng đạo nhạc đã ầm ĩ trên báo chí từ hai tháng nay. Số là ông Bằng được Hội Nhạc sĩ đề cử Giải thưởng Hồ Chí Minh, ông Vĩnh Cát cũng được Hội Nhạc sĩ đề cử Giải thưởng Nhà nước (cần nói thêm là Giải thưởng Hồ Chí Minh cao hơn và danh giá hơn so với Giải thưởng Nhà nước). Nhưng khi sang đến khâu xét thưởng ở Hội đồng Trung ương, thì tên nhạc sĩ Vĩnh Cát không còn trong danh sách nữa, trong khi nhạc sĩ Trọng Bằng thì vẫn còn.

Và thế là "chiến sự" nổ ra. Bốn nhạc sĩ: Vĩnh Cát, Nguyễn Đức Toàn, Doãn Nho và Huy Thục đã cùng ký đơn, tố cáo nhạc sĩ Trọng Bằng "đạo nhạc", không xứng đáng nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh. Cụ thể khúc "Chào mừng" trong giao hưởng thơ "Người về mang tới niềm vui" của ông vay mượn từ Giao hưởng số 5 của nhạc sĩ Nga Shostakovich. Chuyện đạo nhạc hay không rất khó nói, đòi hỏi phải có Hội đồng gồm những chuyên gia giỏi, làm việc công tâm thì mới chỉ ra được. Nhưng nhạc chỉ là một cái cớ. Nhạc sĩ Vĩnh Cát nói ông Trọng Bằng "kiêu ngạo, hợm mình" không dừng lại được. Nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn thì nói: "Tôi buộc phải đánh cái chất kiêu ngạo, chất “vua” trong một con người”.

Câu chuyện lình xình này khiến cả người trong giới lẫn dư luận ngán ngẩm. Không hiểu sao các vị đỉnh cao sang trọng như thế mà lại chịu hạ mình trở thành chủ đề đàm tiếu, như kiểu báo chí lá cải đàm tiếu một số nhạc sĩ thị trường chép y chang nhạc Nhật, nhạc Thái cách đây vài năm. Vụ việc trở nên kịch tính hơn khi Hội nhạc sĩ nhảy vào cuộc và ra văn bản số 70 ngày 21.7.2006 phê phán 4 nhạc sĩ trên, đồng thời khẳng định tiếp tục ủng hộ nhạc sĩ Trọng Bằng nhận giải thưởng Hồ Chí Minh.

Nhưng 4 nhạc sĩ kia đâu có chịu tự dưng lại bị chính Hội nhà đánh vì tội thiếu thận trọng, thiếu thiện chí, áp đặt, qui chụp. Họ phản đối mạnh mẽ. Và thế là ngày 14.9, lãnh đạo Hội phải họp lại dưới sự chủ toạ của nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân. Ông là người trẻ nhất vì mới trên dưới 50, trong khi các vị kia đều 7-8 chục và là bạn một thời của cha ông là nhạc sĩ Đỗ Nhuận. Nhà báo Dương Thị của Tiền Phong mô tả: Trong một cuộc khá nghiêm trọng như thế này, từ đầu đến cuối ông (Đỗ Hồng Quân) đều xưng “cháu” lễ phép, đại loại như: “Chú Nho có ý kiến gì ạ. Đến lượt chú Toàn ạ”!!!

Phiên họp đã diễn ra trong không khí như thế, và cuối cùng đưa ra kết luận rút lại văn bản số 70 kia. Tức là Hội không phê phán 4 nhạc sĩ nữa, và cũng không tích cực ủng hộ nhạc sĩ Trọng Bằng vào giải thưởng Hồ Chí Minh nữa. Nhưng ông Trọng Bằng cũng xin rút khỏi danh sách đề cử giải thưởng Hồ Chí Minh. Nhà báo Y Trang của Lao Động cho hay, ông Bằng đã được ông hàng xóm là GS Đặng Vũ Khiêu, người thâm trầm, trải đời, tuổi ngót trăm năm đã khuyên ông rằng: "Thời buổi còn lộn xộn lắm, đừng sa đà vào những chuyện tranh cãi ấy, tốt nhất là xin thôi...".

Như thế, phía ông Bằng đã xuống thang. Âu cũng là cách xử thế hợp lý ở đời. Còn phía ông Cát thì sao? Nhà báo Y Trang tường thuật là "ông có vẻ hồ hởi, dường như một gánh nặng đã trút được khỏi ông". Còn nhà báo Dương Thị thì cho hay: "Ông đề nghị bổ sung tên ông vào danh sách xét tặng Giải thưởng Nhà nước (với lý do: rất xứng đáng)". Y Trang thuật lại lời của ông Cát: "Cứ muốn cái tay trái (hàm ý nói việc sáng tác) phải dài hơn cả tay phải (ý rằng nghề của Trọng Bằng là chỉ huy dàn nhạc). Và đương nhiên là (ông Bằng) không xứng đáng với Giải thưởng Hồ Chí Minh".

Câu chuyện các nhạc sĩ cao cấp (tạm gọi là thế) tố cáo nhau chắc chưa chấm dứt ở đây. Chắc chẳng có gì đau đớn hơn chuyện một Giám đốc Nhạc viện Quốc gia, Nhạc trưởng, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ bị đồng nghiệp tố cáo đạo nhạc. Dư luận cũng nói những ông đi tố cáo cũng hành xử không được đẹp đẽ cho lắm. Rồi thì dư luận lại cũng đổ lỗi cho Hội Nhạc sĩ là không có chính kiến, hôm nay theo đuôi ông này, ngày mai theo đuôi bà kia. Lại có vị bảo: Do công tác phê bình lý luận âm nhạc kém, nên mới để xảy ra chuyện lình xình này.

Tóm lại, câu chuyện này là cả một mớ bòng bong. Ban đầu nó xuất phát từ lòng tị hiềm, nhưng khi bung bét ra thì cũng hé lộ một vài sự thật. Hiềm nỗi, sự thật bao giờ cũng cay đắng. Và cũng thật trớ trêu, sự thật kéo theo cả những hài kịch rơi nước mắt.

0 comments:

Đăng nhận xét

 

VMC Copyright © 2009 | Power by Blogger | Template redesigned by Lý Minh Triết