Thực ra tình hình này chắc chắn đã được Hà Trần dự đoán trước, thú thật là tôi cũng không dám hỏi chị xem tình hình doanh số thế nào, chắc chắn đây là một vụ làm ăn khá phiêu lưu, người mua sẽ chỉ là những fan trung thành hoặc những người quan tâm thực sự, chứ không thể tạo ra một cú đột phá nào trên thị trường, gây chấn động dư luận thì lại càng không. Trong tâm lý của người nghe nhạc VN, nói chung là có nhiều rào cản do sự quan tâm của quần chúng đến âm nhạc là không nhiều, không chiếm phần quan trọng trong đời sống , ngay cả giới trẻ cũng vậy, Nokia N91/N93 quan trọng hơn. Vậy thì thực ra đĩa nhạc này là như thế nào, thành công đến đâu, chưa được ở những mục tiêu nào? Thử cùng điểm qua một chút xem sao.
Mục đích của Hà Trần qua đĩa nhạc này là gì? Qua trao đổi với chị thì Hà Trần cũng có nói rằng Đối thoại 06 mới chỉ là một bước đệm mà thôi. Quan điểm này là hết sức đúng đắn. Rõ ràng Đối thoại 06 là một cái rất lạ tai với những người đã yêu mến chị từ những đĩa nhạc đầu tiên và đặc biệt là qua Nhật thực. Và bản thân nó cũng khó chinh phục hoàn toàn được một lượng (cũng không nhỏ) những thính giả electronic music vì còn hơi tham hiệu ứng, khoe reverb và nhất là chưa có sự dung hoà 100% giữa nền nhạc điện tử và giai điệu của bài hát (tất nhiên, phối khi do nghệ sĩ Trần Thanh Phương đảm nhận trong Đối thoại 06 là rất tuyệt nhưng vẫn còn khoảng cách nhất định đối với người nghe electronic, vì sao thì tôi sẽ nói rõ hơn ở phần sau). Tuy nhiên nó là một cuộc làm quen của Hà Trần với những thính giả mới và hướng lớp khán giả cũ vào quỹ đạo mới. Về điểm này, Đối thoại 06 thành công.
Bản chất của đĩa nhạc này là gì? Về phong cách mới của Đối thoại 06, tôi đã từng đề cập đến tại đây [link] sau khi nghe 2 bài demo tại myspace music. Với trip-hop, những nghệ sĩ của dòng nhạc này có xu hướng đi thiên về phần sáng tác và phối nhạc, khoe khả năng của mình tại đó nhiều hơn là phần trau chuốt giọng hát (tất nhiên mặt này cũng không thể nói là không quan trọng được, giọng hát của Beth Gibbons , Bjork hay Émile Simon luôn là những đặc trưng riêng), và thính giả cũng sẽ đánh giá theo hướng như vậy. Với Đối Thoại 06, vấn đề có hơi khác, Hà Trần của chúng ta là một ca sĩ vì vậy phần hát của chị phải được ưu tiên hàng đầu, và chúng ta khi nghe nhạc của chị cũng sẽ chú ý đến cách chị làm chủ giọng hát của mình đầu tiên.
Mục tiêu này là hoàn toàn hợp lý nhưng nó cũng sẽ đưa đến những hạn chế, đó chính là sự tương thích giữa bài hát mà chị chọn cho giọng hát của mình với phần phối khí trong đĩa này. Nếu như nhạc của nhạc sĩ Nguyễn Xinh Xô phù hợp với electronic, thì những bài hát của nhạc sĩ Trần Tiến lại không vì những giai điệu đó rất thuần Việt (cũng là một hiện tượng như vậy với Đường xa vạn dặm của nhạc sĩ Quốc Trung). Cái sự hợp hay không này là một thứ hết sức trừu tượng, giải quyết nó như thế nào để không quá Tây mà vẫn giữ được phong cách thì thú thật tôi không thể biết được, có lẽ mọi thứ đã nằm trong kế hoach của Hà Trần.
Hà Trần có nói rằng, cấu trúc của album này chị xác định rất rõ ràng, lớp thứ nhất là những bài hát có giai điệu nuột nà dễ vào như Giấc mơ lạ, Bình nguyên xa vắng, lớp thứ hai sẽ là những bài hát phức tạp hơn trong giai điệu và thể hiện như Lữ khách Sông Hồng, Nước Sâu (Deep water) và lớp thứ 3 chính là định hướng cho album tiếp theo là 2 bản instrumental Tiếng gọi và Without, những tác phẩm chung của Hà Trần và chồng - anh Ben Doan (nếu quan tâm, hãy ghé vào đây để nghe các tác phẩm của anh và các bạn whodatmusic, nhạc chillout rất được). Như vậy, rất có thể album tiếp theo sẽ là album mà Hà Trần sẽ lùi lại một chút, giữ vai trò thể hiện các sáng tác của chồng ? Ý kiến của tôi nghe cũng có vẻ được phỏng ạ ?
Có một điều mà tôi luôn ủng hộ Hà Trần đó là chị muốn hát những thứ nhạc giống như chị vẫn nghe, giống như gout âm nhạc của chị và đây là album đầu tiên chị làm như vậy, chỉ riêng ý đồ đó đã thật đáng trân trọng chứ chưa nói đến chuyện chị đã lao động như thế nào để hoàn thành album này (nói thật lòng, trước đây tôi không thể tin Hà Trần nghe nhạc jazz vì những album từ ngày chị ở VN chẳng có một cái gì là jazz trong đó cả). Thậm chí, giờ đây chị có thể làm một album hoàn toàn không thấy cái tính chất Việt (chắc chắn sẽ bị dè bỉu như một Tóc Ngắn ít lạ tai hơn rất nhiều thủa nào) ,tôi cũng vẫn sẽ ủng hộ nhiệt tình, vì nếu như tất cả các nhạc sĩ, nghệ sĩ, ca sĩ làm được như vậy, âm nhạc Việt Nam mới có thể phát triển toàn diện, có chiều sâu thực sự và không đi ngoài dòng chảy của âm nhạc thế giới.
Hãy bỏ đi thói hoài cổ, dè bỉu cái mới, thói quen cóp nhặt ... tất cả những cái đó chỉ có thể đem nấu lẩu mà thôi. Như trường hợp 2 album của 2 ban nhạc nu metal Smallfire và Microwave chẳng hạn, đa số rockfan nói rằng Microwave hay hơn, tuy nhiên những người nghe khó tính hơn sẽ nói rằng Ngược dòng của Smallfire mới là thành công nghệ thuật đích thực vì những tính chất nu metal rõ ràng, không pha trộn quá nhiều, khoe đựoc kỹ thuật chơi nhạc mà đồng thời vẫn sáng tạo ra được một thứ gì đó rất Việt Nam và đặc biệt, không ai chơi lại,hát lại được ngoài Smallfire. Và thật vui cho các rockfan khi Hà Trần nói rằng, chị chia sẻ quan điểm đó.
Bài lấy từ blog của YoutaM. Chàng trai này năm nay 22 tuổi có biệt danh là Bi, đang là sinh viên Đại học Kiến trúc Hà Nội. Viết văn từ hồi học cấp II. Tôi có ấn tượng tốt về lối suy nghĩ già dặn, tư duy mạch lạc và phân tích sâu sắc của Bi. Điêù này thể hiện rất rõ trong bài viết trên. Nói thêm: Bi đã từng là chủ quán bán CD, nên rất sành nhạc và đã có nhiều bài viết trên RockVision.
0 comments:
Đăng nhận xét