3/6/11

BIỂN ĐÔNG NHỎ CHƯA HẲN YẾU



TS NGUYỄN NGỌC TRƯỜNG

Có thể coi vụ cắt cáp tàu Bình Minh II ngày 26.5, qua phân tích của TS Nguyễn Ngọc Trường, là một mũi tên nhắm tới nhiều đích như thăm dò phản ứng của ASEAN, của Mỹ và là một kiểu chiến tranh cân não. Từ phản ứng của các bên liên quan về phép thử, người bắn tên sẽ phải cân nhắc hành động trong giai đoạn tới.

Không khó để nhận ra các động cơ của Trung Quốc khi cho ba tàu hải giám Trung Quốc gây sức ép và phá những thiết bị nghiên cứu, cắt đứt dây cáp nối tàu Việt Nam với các thiết bị khảo sát đáy biển tại khu vực đặc quyền kinh tế Việt Nam ngày 26.5 vừa rồi. Cùng với vụ này là hàng loạt các vụ tàu đánh cá Trung Quốc kéo vào đánh, cướp nguồn tài nguyên biển trong hải phận Việt Nam, hành hung ngư dân Việt Nam.

Vụ 26.5 phơi bày ý đồ của Trung Quốc đẩy mạnh kế hoạch lấn chiếm Biển Đông. Và nó sặc mùi dầu lửa.

Sặc mùi dầu lửa

Ba ngày trước đó, một giàn khoan dầu khổng lồ hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí ở vùng nước sâu 3.000m đã được một xưởng đóng tàu ở Thượng Hải bàn giao cho tập đoàn Dầu khí ngoài khơi quốc gia Trung Quốc (CNOOC). Trước đây, CNOOC chỉ khai thác ở vùng biển có độ sâu từ 300m trở lại. Với giàn khoan mới vừa hạ thuỷ, Trung Quốc tiến từ thềm lục địa ra biển sâu, giành quyền chủ động trong khai thác dầu khí ở Biển Đông, góp phần giải quyết cơn khát năng lượng của Trung Quốc. Phương châm là, “ai đến trước thì được trước”.

Với việc ráo riết gây sức ép với Việt Nam và Philippines, Trung Quốc bắt đầu triển khai giai đoạn mới cụ thể hoá việc đòi chủ quyền theo “đường lưỡi bò”, chiếm 80% Biển Đông. Kế hoạch này kết hợp với ngoại giao quân sự và ngoại giao tiền bạc diễn ra suốt từ cuối năm ngoái đến nay để tập hợp lực lượng tại Đông Nam Á, nhằm gây trở ngại cho ASEAN đưa ra lập trường chung tại các cơ chế ASEAN-2011. Vụ 26.5 là một động thái thăm dò mức độ phản ứng của ASEAN về vấn đề Biển Đông.

Thăm dò Mỹ

Điệu kèn của ASEAN tuy có đôi phần ngập ngừng nhưng nhận thức chung, như được phản ánh qua xã luận của báo Dân Tộc (Thái Lan): Quan hệ giữa ASEAN và Trung Quốc đang bị thử thách mạnh mẽ và sẽ bị ảnh hưởng xấu nếu xảy ra xung đột Biển Đông. Tuyên bố của hội thảo quốc tế về Biển Đông tại Jakarta ngày 31.5, thống nhất nhận định Biển Đông là vấn đề đa phương, đồng thời khẳng định chủ quyền lãnh hải với “đường chín điểm” trên bản đồ của Trung Quốc đã bị cộng đồng quốc tế chỉ trích và là không phù hợp.

Trung Quốc cũng muốn thăm dò phản ứng Mỹ sau các cuộc tiếp xúc ngoại giao và quân sự dồn dập vừa qua tại Washington. Nhưng người phát ngôn bộ Ngoại giao Mỹ ngày 31.5, khẳng định Mỹ phản đối việc sử dụng vũ lực và đe doạ sử dụng vũ lực của bất kỳ bên nào ở Biển Đông và ủng hộ tuyên bố của ASEAN và Trung Quốc về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông. Ngày 31.5, tư lệnh bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ, đô đốc Robert F. Willard, nói với bộ trưởng Quốc phòng Malaysia, cho biết người Mỹ muốn tham gia đối thoại phi chính thức với các bên đòi chủ quyền trên Biển Đông để giải thích lý do quân Mỹ có mặt tại vùng biển này. Qua đối thoại, người Mỹ “muốn bảo đảm tài nguyên khoáng sản có thể được chia sẻ và sử dụng để phát triển các nước và vùng lãnh thổ liên quan”.

Đài Tiếng nói nước Nga bình luận rằng, bằng hành động cứng rắn ngang nhiên của mình, Trung Quốc thực sự đang buộc các nước láng giềng phải tìm kiếm một đối trọng để cân bằng với thế lực ngày càng tăng của Bắc Kinh trong khu vực. Trong cuộc tìm kiếm đó, các nước ASEAN đang thể hiện mong muốn Mỹ không chỉ duy trì mà còn tăng thêm sự hiện diện tại khu vực. Nguyện vọng đó hiển nhiên được Washington hoan nghênh.

Một kịch bản khác cũng được các nhà nghiên cứu thông thạo về Trung Quốc lưu tâm liên quan đến tình hình căng thẳng đang gia tăng tại Nội Mông (Trung Quốc). Joseph Cheung, giáo sư khoa học chính trị tại trường đại học Hong Kong, nói rằng các vấn đề ở Nội Mông là một khu vực sắc tộc nhạy cảm tương tự như Tây Tạng và Tân Cương thường xảy ra các biến động, phản ánh các bất mãn ngày càng tăng trong xã hội chính mạch Trung Quốc.

Xưa nay Bắc Kinh vẫn thường chủ trương “thiên hạ đại loạn, Trung Quốc đại trị”. Họ thường xuất khẩu xung đột ra bên ngoài để đánh lạc hướng sự chú ý dư luận trong nước mỗi khi có vấn đề nội bộ. Biển Đông với những tranh chấp lãnh thổ phức tạp, muốn làm cho dậy sóng lúc nào chẳng được.

Vụ 26.5 còn là cách người Trung Quốc nắn gân các nước láng giềng, một kiểu chiến tranh cân não theo kiểu cổ điển nhất. Trung Quốc mấy năm vừa qua áp dụng hàng loạt biện pháp “an ninh (chiến tranh) phi truyền thống” đối phó với các nước láng giềng trên Biển Đông. Sắp tới nhiều khả năng Trung Quốc sẽ tiếp tục leo thang các hành động khiêu khích nghiêm trọng hơn nữa.

Nhưng nước nhỏ chưa hẳn là yếu, nước lớn chưa hẳn là mạnh. Xung đột trên biển thắng thua khó phân định. Nếu trả giá thì hai bên cùng phải trả giá. Cho nên chưa có nước nhỏ nào mất một tấc thềm lục địa chỉ vì nước lớn có nhiều tàu to súng lớn. Nếu các bên liên quan như Việt Nam, Philippines, Malaysia không bày tỏ lập trường kiên quyết thì Trung Quốc sẽ lấn tới.

Một vài cách nhìn thiển cận của dân mạng hay các học giả nặng đầu óc dân tộc chủ nghĩa ở Trung Quốc vừa qua chắc rằng không đại diện cho lý trí và quan điểm thực tiễn của các nhà lãnh đạo Bắc Kinh. Trên Biển Đông còn có cục diện chính trị – an ninh thế giới. Trên Biển Đông còn có đại cục của Trung Quốc. Và còn có các mối liên hệ quan trọng mà Trung Quốc với các nước láng giềng phương Nam, trong đó có Việt Nam, dày công xây đắp trong gần hai thập kỷ vừa qua.

Nguồn:
Biển Đông nhỏ chưa hẳn yếu
Entry liên quan:
TÀU TRUNG QUỐC NGANG NGƯỢC VI PHẠM LÃNH HẢI VIỆT NAM
TRUNG QUỐC PHẢI BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI
HẢI QUÂN VIỆT NAM BẢO VỆ VÙNG LÃNH HẢI VIỆT NAM
TRUNG QUỐC CÒN MUỐN BẮT NẠT ASEAN THÊM NỮA
NGOẠI GIAO NHÂN DÂN CHO BÀI TOÁN BIỂN ĐÔNG
BÁM BIỂN



4 comments:

LU on lúc 11:47 4 tháng 6, 2011 nói...

"Đài Tiếng nói nước Nga bình luận rằng, bằng hành động cứng rắn ngang nhiên của mình, Trung Quốc thực sự đang buộc các nước láng giềng phải tìm kiếm một đối trọng để cân bằng với thế lực ngày càng tăng của Bắc Kinh trong khu vực. Trong cuộc tìm kiếm đó, các nước ASEAN đang thể hiện mong muốn Mỹ không chỉ duy trì mà còn tăng thêm sự hiện diện tại khu vực. Nguyện vọng đó hiển nhiên được Washington hoan nghênh."

Em đọc phần trên tự dưng phì cười. Đúng là Mỹ hoan nghênh được chính thức đóng quân ngoài khơi biển đông rồi. TQ chỉ làm cho cái cớ Mỹ có mặt khắp nơi cứu nguy thêm hợp thức hóa thôi. Mờ Mỹ thì, ngoài việc cứu nguy thế giới cũng đồng thời đi tìm tài nguyên, vừa người vừa vật chất, cho chính mình. Có điều, họ sòng phẵng làm ăn chứ ko cướp cạn như TQ. Chẳng phải vừa rồi Mỹ thân chinh mang chiến hạm cho trang bị vũ khí tận răng, tình thương mến thương té vào VN vào các bác lĩnh đạo. Và còn tuyên bố là đóng quân ngoài khơi, nếu VN có việc gì cần cứu nguy thì gọi một phát ko đầy 15 phút tàu Mỹ vào ngay là gì? :))

Labor rẻ như bèo ở các nước Asia đang là sự thúc hối các ông chủ Mỹ cắt việc nhân công ở Mỹ, để giảm vốn nhiều mà lợi nhuận nâng cao. Càng ngày, sản phẫm của Mỹ càng rẻ, càng hạ giá, mà chất lượng ko thay đổi, là nhờ vào nguồn lao động rẻ ở phương đông.

Ấn Độ thầu may mặc, TQ thầu điện tử, nhưng TQ đang đi vào thời kỳ hợp đồng free thuế đã gần hết. Kèm thêm chất lượng làm ẩu nên các công ty Mỹ đang cân nhắc đến các nước Châu Á khác. Dầu lửa thì nước nào chả thèm, bi giờ ở Mỹ một gallon đã hơn 4 dollars rồi.

TQ cũng như mấy đứa bẻ vườn hái trộm thôi, thử chọi đá vào xem nhà có chủ không? nếu thấy chủ nhà êm re, hàng xóm ko nói gì thì té vào vặt hái. Còn như gặp chủ nhà dử thì chạy thôi. Sẽ ko có chiến tranh đâu vì cả thế giới cùng nhìn vào.

Các bác lớn ko phải là ko biết lên tiếng, nhưng ngoại giao ảnh hưởng nhiều nước thì họ chọn cách đối xử cẩn thận có lợi cho mình. Chỉ cần tăng cường tuần tra, có gì la hú lên kêu cả thế giới té vào xem như mõ làng, TQ sẽ xìu xuống thôi.

Nóng nảy thích oánh nhau, các bác lãnh đạo đâu có chết đâu? muốn oánh các bác cho oánh thoải mái, chỉ những nhà có con ở tuổi đi lính là khổ thôi. Thay vì đi học thì phải đi cầm súng, rồi tổng động viên thì các bác các chú già rồi có cầm súng nổi ko?

Titi on lúc 12:43 4 tháng 6, 2011 nói...

Tất cả xuất phát từ lòng tham.
TQ đang khoe sức mạnh một cách khả ố.
Việt Nam và các nước chung cảnh ngộ lại chưa có được sức phản kháng cần thiết.

MHTL on lúc 12:07 5 tháng 6, 2011 nói...

Tin mới nhất: khoảng 10h trưa nay vài trăm thanh niên nam nữ với cờ VN và khẩu hiệu kêu gọi TQ tôn trọng lãnh hải VN đã diễu hành dọc Trần Phú, gần sứ quán TQ, qua Phùng Hưng- Cửa Đông. Cảnh sát, dân phòng rất đông, nhưng chỉ đi theo giữ trật tự.

Titi on lúc 17:55 5 tháng 6, 2011 nói...

Em đi ngang đó lúc 11h thì thấy cảnh sát kín đặc và chăng dây cấm đường. Chắc tốp biểu tình bị dẹp sớm òi :-(

Đăng nhận xét

 

VMC Copyright © 2009 | Power by Blogger | Template redesigned by Lý Minh Triết