NGUYỄN QUANG A
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê (TCTK), 5 tháng đầu năm 2011, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam là 34 tỉ 746 triệu USD, trong khi kim ngạch nhập khẩu lên đến 41 tỉ 335 triệu USD, nhập siêu 6 tỉ 589 triệu USD.
Nhập siêu với Trung Quốc tăng rất nhanh từ mức 2,67 tỉ USD năm 2005 lên đến 12,7 tỉ USD năm 2010 (gấp 4,76 lần!)
Xuất nhập khẩu của Việt Nam 4 tháng 2011 (đơn vị: tỉ USD, nguồn: TCTK)
|
Nhập siêu của tháng 5.2011 ước tính 1,7 tỉ USD, nhưng rất tiếc TCTK không phân số liệu ra các thị trường chính như của 4 tháng đầu năm kể trên. Có thể thấy nhập siêu từ Trung Quốc là rất lớn và việc giảm nhập siêu từ Trung Quốc là vấn đề đau đầu.
Từ Thúy Anh và Nguyễn Bình Dương trong Báo cáo Kinh tế Việt Nam 2011 của trung tâm Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội, đã có một báo cáo tương đối chi tiết về “phân tích cấu trúc thâm hụt cán cân thương mại Việt Nam - Trung Quốc”.
Theo báo cáo của Từ Thúy Anh và Nguyễn Bình Dương, tỷ lệ thâm nhập của Trung Quốc năm 2008 trên thị trường Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất như sau: sản xuất máy móc thiết bị (85,9%); sản xuất than cốc và dầu mỏ tinh chế (71,8%); radio, TV, thiết bị truyền thông (28,6%); thiết bị văn phòng, máy tính (27,7%); sản xuất sản phẩm dệt (20,3%); sản xuất thiết bị điện (10,7%); sản xuất sửa chữa xe có động cơ (10,4%).
Cũng theo báo cáo trên, cán cân thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc năm 2008, tính bằng tỉ USD (+ xuất siêu, – nhập siêu) phân theo các loại mặt hàng chính như sau: phương tiện vận tải phụ tùng (–5,37); hàng chế biến phân theo nguyên liệu (–5,08); hóa chất, sản phẩm liên quan (–1,82); nguyên liệu thô và nhiên liệu (+1,53); thực phẩm và động vật tươi sống (+0,19).
Có thể thấy chúng ta xuất siêu nguyên liệu thô, khoáng sản, nông lâm thủy sản, còn nhập siêu chủ yếu là phương tiện vận tải, máy móc thiết bị, hàng chế biến phân theo nguyên liệu (vải, chất dẻo)...
Theo TCTK, năm 2010 Việt Nam nhập từ Trung Quốc 20,02 tỉ USD hàng hóa, trong đó các mặt hàng chính gồm: máy móc thiết bị, phụ tùng (22,37%); bông, vải, sợi, nguyên phụ liệu dệt may, da giầy (15,64%); sắt thép, sản phẩm từ sắt thép, kim loại (11,39%); máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (8,41%); xăng dầu, khí hóa lỏng, sản phẩm từ dầu mỏ (6,97%); hóa chất, sản phẩm hóa chất (4,56%); chất dẻo nguyên liệu và sản phẩm (2,9%); phân bón, thuốc trừ sâu (2,25%).
Nguyên nhân cơ bản của nhập siêu với Trung Quốc là các công ty của họ thắng phần lớn các hợp đồng EPC (Engineering, procurement and construction - Thiết kế, mua sắm và xây dựng) tại Việt Nam. Loại hợp đồng này thường được dùng trong xây dựng các nhà máy điện và các nhà máy cũng như công trình khác. Và trong lĩnh vực xây cất các nhà máy điện (của EVN và TKV), mỏ (như bauxit Tân Rai, Nhân Cơ, đồng của TKV), hóa chất (phân đạm Hà Bắc), giao thông (như xây, cải tạo đường sá ở TP. Hồ Chí Minh, đường sắt trên cao ở Hà Nội) các hợp đồng đều do các công ty Trung Quốc thắng. Thắng thầu, họ nhập máy móc, thiết bị, vật liệu, sắt thép…, thậm chí cả nhân công (các số liệu trên chỉ là về xuất nhập khẩu hàng hóa, chưa nói đến dịch vụ, nếu tính cả dịch vụ, nhập siêu của Việt Nam còn cao hơn). Và đấy là một nguyên nhân chính của nhập siêu. Và vai trò của các tập đoàn kinh tế nhà nước của Việt Nam trong thành tích xấu này là rất nổi bật.
Phần nhập khẩu nguyên liệu, bán thành phẩm để tiêu thụ hay sản xuất các mặt hàng tiêu thụ trong nước (thay thế hàng nhập khẩu) cũng chiếm tỷ lệ đáng kể (điện tử, máy tính, xăng, phân bón, thuốc trừ sâu). Và phần này cũng đóng góp vào thành tích xấu về nhập siêu với Trung Quốc.
Một nguyên nhân quan trọng nữa của tình hình nhập siêu với Trung Quốc là nhập các mặt hàng chế biến phân theo nguyên liệu (vải, sợi, nguyên liệu da giày) để chế biến hàng xuất khẩu và tiêu dùng trong nước. Các loại mặt hàng may mặc, da giày, thủy sản Việt Nam xuất nhiều hơn nhập, như vậy nhập siêu các nguyên liệu này từ Trung Quốc được bù lại với xuất siêu các thành phẩm sang các thị trường khác (như Mỹ, EU). Một phần của nhập khẩu điện tử, máy tính cũng có thể liệt kê vào đây. Tuy nhiên giá trị gia tăng do các doanh nghiệp Việt Nam tạo ra thấp, nên thực chất là “xuất khẩu hộ” các doanh nghiệp Trung Quốc (mà một phần là các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tại Trung Quốc).
Có thể thấy nguyên nhân sâu xa của căn bệnh nhập siêu lớn với Trung Quốc là từ chính sách phát triển và cơ cấu nền kinh tế, do chưa sử dụng tốt các rào cản kỹ thuật. Và như thế việc giảm nhập siêu với Trung Quốc là vấn đề nan giải và chủ yếu vẫn là thay đổi cơ cấu nền kinh tế, cải tổ các doanh nghiệp nhà nước, nâng cao hiệu quả của các doanh nghiệp Việt Nam.
Nguồn:Đau đầu chuyện nhập siêu từ Trung Quốc
2 comments:
Oài, đọc cái này thấy thị trường của VN gồm phần lớn là hàng hóa TQ ròi. Đó cũng là một kiểu xâm lăng kinh tế, khiên nước nhỏ không phát triển được sản xuất nội địa và vì thế, phụ thuộc hoàn toàn vào hàng nhập khẩu giá rẻ. Kiểu xâm lăng này mới gọi là mạnh và thâm này :-(
Nhìn vào bảng xuất và nhập siêu thì thấy rõ cán cân của VN bị nghiêng nặng nhập khẩu từ các nước Châu Á, đặc biệt là TQ. Và xuất khẩu nghiêng hẵn về các nước phương tây.
Hàng TQ tràn ngập thị trường VN vì rẻ, TQ nổi tiếng labor rẻ mạt thuộc hàng đầu thế giới rồi. Việt Nam, dân nghèo nhiều hơn là giàu, cho nên khi nhập hàng về bán ai cũng cân nhắc đến thành phần nào có đủ khả năng mua nhiều.
Nhập hàng phương tây thì chỉ phục vụ một số ít nhà giàu, bán 1 cái đắt giá cả năm thì chi bằng cả năm bán ngàn cái giá rẻ.
TQ chấp nhận đè giá nhân công bốc lột tới mức thấp nhất có thể (1 labor ở TQ về điện tử chỉ trả công khoảng $120 là họ làm xì ra khói, trong khi ở Mỹ tệ lắm cũng $2000 cho lao động chân tay).
Vấn để cũng ko có gì là khó giải quyết, chỉ là, VN có sẵn sàng mở cửa hợp tác với phương tây chưa? hợp tác ở đây là nhận sự bảo trợ của một nước giàu để thoát li khỏi cái bóng của TQ. Tình hình là, các nước phương tây ngày xưa còn có Liên Xô, bi giờ LK tự lo lấy thân nên ko càm ràm nước khác. Do đó, cuối cùng chỉ còn có Mỹ, mà Mỹ thì lại có quá khứ hơi bị hư hỏng ko ngoan với VN.
Nhưng, bi giờ chỉ có Mỹ là chịu cho hàng hóa free đổ tràn ngập VN thôi. Họ cũng chẳng tốt lành gì. Chỉ là, bánh ích đi trước rồi bánh quy đi lại sau thôi. Họ cần thị trường làm ăn mới. Kinh tế Mỹ sau này thất nghiệp đầy rẫy là do chính các ông chủ Mỹ layoff dân họ, để mang sang các nước có labor rẻ tìm thêm tiền lợi nhuận. Cho dù bước đầu có cho không của cải thì họ vẫn ko lỗ gì. Chế độ trước 30/4/75 gọi là giàu? chẳng qua là nhờ vào hàng hóa Mỹ đổ free tràn ngập. Ngày xưa, các nước đô hộ sang bảo trợ thì giựt chùa mọi thứ. Ngày nay, văn minh hơn, tiếng đô hộ đã đổi thành hợp tác làm ăn.
Tại sao mình có trong tay lao động đầy mà lại để phải xuất khẩu lao động?
Vấn đề bi giờ là các bác lớn cần cân nhắc kỹ, chấp nhận mở cửa đổi tay bảo trợ, hay là vẫn khư khư ôm lấy cái cũ để chịu đựng?
Tất nhiên, cái mới cũng sẽ kéo theo một vài vấn đề nảy sinh như --> tâm lý xung đột chính trị vẫn còn, văn hóa tây ta đụng chạm, cơ chế con cháu hưởng soái mùa này sang mùa khác sẽ bị lớp mới gở bỏ đi.
Nói chung là sẽ có va chạm giữa cái mới và cũ. Nhưng nếu ko làm gì sẽ ko có gì ko có gì xảy ra, tất cã "vũ như cẩn".
Đăng nhận xét