29/3/11

SINH VIÊN HÀN QUỐC KIỂU MỚI (2)


Tại một phòng thi đại học ở Hàn Quốc

Một nghề chuyên môn mới ra đời: làm công tác tuyển sinh

Đại học Quốc gia Seoul, trường đại học công lập trọng điểm của đất nước, là một trong những trường đầu tiên bắt đầu áp dụng cơ chế tuyển sinh mới. "Khi mới bắt đầu, chúng tôi thậm chí còn không có chức danh thích hợp. Chúng tôi được gọi là chuyên gia nghiên cứu," theo lời Lee Seung Yeon, một viên chức của văn phòng tuyển sinh bắt đầu làm việc tại Đại học Quốc gia Seoul từ năm 2001. Trong vòng một thập kỷ trở lại đây, nhờ sự giúp đỡ của các nhà tư vấn từ ĐH California - Berkeley và ĐH Cornel, các nhà tuyển sinh cùng nhau xây dựng một phương pháp để xem xét tuyển sinh không chỉ dựa trên điểm số hoặc trình độ giáo dục mà còn dựa trên chất lượng chuẩn bị hồ sơ của các thí sinh.

Ngày nay đại học có 24 nhà tuyển sinh và một toà nhà độc lập. Phác thảo về các thiết bị hiện đại trong tương lai được treo tại văn phòng trưởng khoa. Văn phòng điều phối một hệ thống thông tin phức tạp theo ba định hướng tiêu chí trong việc tuyển chọn 3.000 sinh viên hàng năm.

Định hướng tiêu chí chủ đạo cho phép sinh viên thể hiện sức mạnh của mình hơn là yêu cầu họ đạt điểm cao nhất trong mọi môn học. Hầu hết các thí sinh vẫn tham gia làm bài thi vào cao đẳng, nhưng họ được đánh giá dựa vào trình độ, bài giới thiệu tiến cử, các bài luận, và các tài liệu để thể hiện tài năng hoặc mối quan tâm về các lĩnh vực của họ.

Định hướng thứ hai nhằm đa dạng vùng miền bằng việc xem xét các sinh viên với điểm cao nhất ở mỗi trường trung học của Hàn Quốc, và nhà nước khẳng định các sinh viên này sẽ sớm được áp dụng các tiêu chí tuyển sinh mới khác nữa. Và định hướng thứ ba cân nhắc về điểm trung bình theo truyền thống và qua cuộc thi đầu vào của trường đại học. Vậy nên, trong khi một số sinh viên đang tìm kiếm sự xem xét trên những tiêu chí đặc biệt thì những sinh viên khác vẫn đang cặm cụi học suốt ngày đêm để làm sao đạt điểm kiểm tra cao nhất có thể.

Thông qua quá trình mở rộng tiêu chí tuyển sinh, các nhà tuyển sinh nói, họ đã nhận tuyển vào các trường đại học hàng đầu của đất nước những sinh viên vốn không thể được chấp nhận nếu căn cứ theo cơ chế tuyển sinh trước đây. Một số sinh viên gặp khó khăn trong những năm đầu nhưng sau đó lại trở nên thành công, hay một số là những học sinh đầu tiên của một tỉnh trong vòng 30 năm nay vào được nhóm các trường đại học hàng đầu, họ đến từ các trường trung học các tỉnh vùng nông thôn nơi có ít cơ hội tiếp cận với hình thức học phụ đạo tư nhân phổ biến như ở Seoul.

Các trường đại học đã phải giới thiệu hệ thống giảng dạy và các lớp học ở trình độ vừa phải hơn và hệ thống phụ đạo cho những em không theo kịp. Nhưng các nhà tuyển sinh tin rằng họ đang nhận vào nhiều hơn những sinh viên thực sự quan tâm về lĩnh vực của mình thay vì chạy đua theo uy tín bằng cấp. Nuôi trồng phẩm chất tò mò trí tuệ cũng là một ưu tiên hàng đầu mới của các trường đại học, với mong muốn thu hút được các nhà lãnh đạo tiềm năng của tương lai.

Hàn Quốc đang nỗ lực giải quyết điều nghịch lý được thể hiện qua các kỳ thi tầm quốc tế: trong khi kỹ năng của các sinh viên Hàn Quốc được xếp vào hạng cao nhất trên thế giới, các kết quả khảo sát lại chỉ ra rằng, sự hứng thú hay lòng tự tin của họ trong toán học hoặc khoa học là thấp hơn hẳn so với mức trung bình.

"20 hoặc 30 năm trước đây, chúng tôi cần những sinh viên có thể học được một số thứ và bám theo được lối mòn mà các nước tiên tiến tạo ra. Nhưng bây giờ Hàn Quốc đã trưởng thành, và chúng ta không nên chỉ đơn giản đi theo sau những gì người khác đã làm. Chúng ta cần những con người mới với óc sáng tạo mới," nhận định từ Seon Moon Suk, một cán bộ tuyển sinh tại Viện Khoa học Công nghệ Tiên tiến Hàn quốc, hay còn gọi là Kaist, tại trường đại học nghiên cứu khoa học công nghệ đầu ngành của quốc gia. Kaist đã sớm mở rộng cơ chế tuyển sinh. Bài kiểm tra đầu vào của trường đã trở thành không bắt buộc từ cách đây hơn một thập niên trước, và các sinh viên được đánh giá dựa trên các cuộc phỏng vấn, điểm số, và các nhận xét đề cử.

Nhiều sinh viên đến từ các trường trung học chuyên, nơi mà họ tập trung vào nghiên cứu và có thể tốt nghiệp sớm một năm và được nhận thẳng vào đại học mà không cần thi đại học.Vào năm 2008, Kaist bắt đầu thuê các chuyên gia tuyển sinh để xây dựng hệ thống mô hình để đánh giá hồ sơ cho các thí sinh từ các trường trung học đại chúng.

Mỗi trường đại học đang thực hiện theo một hệ thống riêng. Một số yêu cầu thi tuyển qua hệ thống thi của quốc gia hay các bài kiểm tra chuẩn hoá khác, như là Toefl; một số trường khác thì không.

Hầu hết các chuyên gia tuyển sinh cho biết họ đang tìm kiếm những sinh viên có thể suy nghĩ độc lập và không phụ thuộc nhiều vào gia sư riêng. Nhiều người tin rằng việc học thêm quá nhiều theo sự hướng dẫn của gia sư gây ra lối học thụ động và chỉ tập trung đối phó với thi cử.

"Chúng tôi muốn gửi một thông điệp mới rằng nếu bạn học hành chăm chỉ ở trường và biết tận dụng lợi thế tại trường của bạn, bạn có thể thành công," khẳng định từ Jung Hee An, một nhà tuyển sinh tại trường Đại học Ewha Womans, nơi mà một phần tư lớp sinh viên năm thứ nhất được lựa chọn căn cứ theo một đợt kiểm tra bao quát toàn diện hơn.

Trong khi các thí sinh đại học làm bài, mẹ của họ sẽ đến chùa cầu cho họ thi tốt.

Tư duy học thuật kiểu cũ vẫn giữ vai trò chủ đạo

Các trường đại học đang yêu cầu các trường trung học công lập cải cách để chuẩn bị cho học sinh một hành trang toàn diện hơn, tạo ra những con người tự lập hơn. Nhưng đây là một đòi hỏi thay đổi quá lớn cho một hệ thống tuyển sinh được xây dựng quanh một kỳ thi sinh tử, trong đó có vai trò tham gia ngày càng tăng của các trường tư. Tại nhiều trường học ở Seoul, các sân thể thao và lớp học vắng tanh sau tiếng chuông cuối cùng, vì tất cả sinh viên vội vã đến với các gia sư riêng hoặc các trường luyện thi, nơi họ chuẩn bị cho kỳ thi vào trường đại học.

Chính phủ đang đẩy mạnh viện trợ cho các trường để thu hút học sinh đến với các hoạt động ngoài giờ. Nhưng trong nỗ lực nhằm cạnh tranh với trường luyện thi và cạnh tranh lẫn nhau (điểm chuẩn các bài thi của từng trường được công bố công khai), nhiều trường công lập đang tập trung nguồn hỗ trợ này vào các môn học chủ đạo như tiếng Hàn Quốc, tiếng Anh, và toán học, và chấp nhận hi sinh các môn thể thao và mỹ thuật.

Yu Hwa Young, người sẽ bắt đầu học tại trường ĐH Sogang vào tháng ba, nói, cậu ta đã tham gia vào tờ báo ở trường trung học Posung, nhưng ở trường cũng có câu lạc bộ khác để tham gia. Cậu ta cũng tham dự nhiều hoạt động ở các nơi khác. Cậu đăng ký tham gia tại một học viện đặc biệt được thiết kế cho các sinh đăng ký theo các chương trình nghiên cứu về quốc tế. Trong suốt khoá học hai buổi mỗi tuần, cậu ta được nghe bài giảng về các vấn đề quốc tế và kinh tế, và được cho đọc sách giáo trình của Thomas L. Friedman và Noam Chomsky. Khoá đào tạo đã giúp cậu ta hình thành các quan điểm về các vấn đề quốc tế then chốt, và cung cấp cho cậu sự chuẩn bị quý báu cho cuộc phỏng vấn vào trường đại học.

Yu sống ở nước ngoài trong suốt ngững năm học trung học để học tiếng Anh, và cha mẹ của cậu ta cũng thuê gia sư để giúp cậu cải thiện điểm thi Toefl nhiều tháng trước kì thi. Yu cho biết: "Các trường cao đẳng thì nói họ không muốn điểm số cao, nhưng điểm cao vẫn luôn tốt hơn."
Trong khi các trường trung học công lập đang từ từ thay đổi, các trường tư lại nhanh chóng thích nghi với tư duy "chính thống" mới. Một danh mục các dịch vụ tư vấn và các học viện chào mời học sinh các cơ hội tình nguyện miễn phí, các khóa đào tạo chuẩn bị cho các cuộc thi quốc gia được tổ chức nhằm cải thiện hồ sơ đăng ký đại học của học sinh, và cung cấp lời khuyên học sinh nên xây dựng một hồ sơ cá nhân gồm điểm trung bình học kỳ, điểm bài thi, và tham gia các hoạt động như thế nào thì sẽ mang đến thành công.

Sự bùng nổ mới nhất này ở khu vực giáo dục tư nhân đang thổi bùng lời chỉ trích rằng, sự can thiệp của các nhà tuyển sinh đang làm tăng sự bất bình đẳng giàu nghèo thay vì giảm đi, vì những học sinh giàu có sẽ có được sự chuẩn bị đặc biệt hơn.

Tuy nhiên, Yang Hee Neyong, sinh viên trong nhóm dẫn đầu của một trường trung học danh tiếng mức trung bình ở miền trung Hàn Quốc nghĩ rằng hệ thống mới là cơ hội tốt nhất cho một sinh viên như cô để trở nên nổi bật khi đăng lý tai trường đại học Ewha Womans vào năm tới.
Đến từ một gia đình trung lưu ở một thành phố công nghiệp, cách ba tiếng đi từ thủ đô, cô ấy không có cơ hội để học ở nước ngoài hoặc để tham dự một trong những "học viện nổi tiếng của Seoul," như cô nói. Thay vào đó, cô ấy cố gắng đứng đầu lớp học tiếng Anh của mình bằng cách luyện tập ở nhà, với sự giúp đỡ thỉnh thoảng từ gia sư, và bằng cách lắng nghe các bài học trên băng và tự ghi lại giọng nói để thực hành phát âm.

Cô hy vọng sẽ gây ấn tượng với các nhà tuyển sinh nhờ sự đam mê học tiếng Anh, ước mơ trở thành người phiên dịch, và khả năng rèn luyện độc lập của mình. "Tôi nghĩ việc tôi tự học lấy đã thể hiện được tiềm năng của tôi," cô nói.

Để chuẩn bị cho việc vào trường đại học, cô ở lại ở trường cho đến 11h đêm mỗi ngày. Cô nghiên cứu bài thi nhưng cũng viết thơ và các đoạn văn bằng tiếng Anh để chuẩn bị cho các cuộc thi đấu. Ở nhà, cô duy trì một trang blog với các bài học ngữ pháp tiếng Anh hài hước, và cô cũng dịch sách của trẻ em bằng tiếng Anh sang tiếng Triều Tiên. Vào những buổi cuối tuần, khi nhiều bạn bè của cô đi học thêm tại các học viện tư nhân, thì cô làm tình nguyện ở viện dưỡng lão hoặc tự học lấy. Giáo viên của cô duy trì danh mục hồ sơ những thành tích đa dạng của cô và đưa ra những lời góp ý và động viên. Nhưng việc tránh các trường luyện thi trong một hệ thống nơi thứ hạng có vai trò quan trọng làm cho cô cảm thấy lo lắng, "lo lắng rất nhiều," cô nói.

Một buổi tối tháng mười một, cô bé nhìn lướt qua cuốn sách giới thiệu về trường Ewha, về hồ sơ của những sinh viên được tuyển chọn bởi các cán bộ tuyển sinh mới.

Cô bé đọc to những mô tả về các cô gái đã là chủ tịch lớp của họ, có người đã đi những nơi xa xôi trên Thế giới để làm tình nguyện, hoặc có người sáng lập ra câu lạc bộ hoạt động xã hội của riêng họ, và ở lớp học điểm số của những cô gái đó vẫn được duy trì ở mức gần như đứng đầu vì họ đã chăm chỉ đến sớm về muộn học bài hơn mọi học sinh khác. Sau vài phút, vẻ tự tin tươi tắn của Yang biến mất:

"Ôi trời ơi, sao tôi có thể làm được như vậy?"

Tác giả: Michael Alison Chandler
Bài đăng trên tạp chí "The Chronicle of Higher Education"
Người dịch: Phạm Trần Lê

Nguồn:
Hàn Quốc đi tìm một hình mẫu sinh viên kiểu mới



6 comments:

Titi on lúc 12:03 29 tháng 3, 2011 nói...

Em sợ nhất giáo dục bên nhà mình là đào tạo ra những bộ óc máy móc, các bài kiểm tra giống hệt nhau, học sinh nói chiện và tư duy y như nhau, có gì khác khác còn bị trêu chọc và tẩy chay :-(

Hàn quốc có nền Giáo dục tốt hơn mình mà còn phải thay đổi. Trông người mà thấy tủi cho mình quớ :-(

Thuy Dam Minh on lúc 15:28 29 tháng 3, 2011 nói...

Anh nghe nói Hàn Quốc cũng ép con học, cũng là đi học vì danh dự của cả dòng họ, cũng là đi học cho bố cho mẹ, cũng là gánh cả gia tộc trên vai... và cuối cùng, cũng học ngày, học đêm... học quên tuổi trẻ luôn. Hic

LU on lúc 18:59 29 tháng 3, 2011 nói...

Hàn Quốc nói tiếng Anh ẹ lắm, có thể ngoại ngữ này khó nhơi đối với họ? em ko chắc lắm.
Nhưng, tiếp viên Hàn nói tiếng Anh như tiếng Hàn, nghe ko nổi.
Ngay tại sân bay Seoul nhân viên nhà hàng cũng chỉ có người tính tiền là còn bập bẹ vài câu tiếng Anh phát âm lơ lớ.
Waiters hầu như ko hiểu tiếng Anh, họ chỉ có bổn phận bưng bê và trả lời với du khách ngắn gọn bằng...tiếng Hàn.
Em muốn xin giấm bằng tiếng Anh mà họ đưa ra nước tương. Sau cùng em phải chỉ trỏ lè lưỡi, ra vẻ chua lắm, thì mới được đưa giấm ra.

VMC on lúc 22:11 29 tháng 3, 2011 nói...

@Titi:
Giáo dục dập khuôn đúng là một quốc nạn. May mà cái trào lưu "bài văn mẫu" đã thoái trào.

@A Thụy:
Ép ghê lắm. Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Việt Nam là những quốc gia hàng đầu Châu Á về ép trẻ con học quá sức của chúng.

VMC on lúc 22:11 29 tháng 3, 2011 nói...

@LU:
Dân HQ ngoài đường phố thì nói tiếng Anh dở, nhưng dân văn phòng thì không đùa được đâu. Họ nói tiếng Anh giọng Mỹ rất chuẩn.

LU on lúc 23:47 29 tháng 3, 2011 nói...

Anh Cường : em chưa có làm việc với dân Hàn nên ko biết, chỉ là em tiếp xúc trên máy bay và sân bay nên em hơi ngạc nhiên. Nhân viên VN của mình ở sân bay Nội Bài, nghe và nói tiếng Anh khá hơn dân Hàn ấy chứ.

Đăng nhận xét

 

VMC Copyright © 2009 | Power by Blogger | Template redesigned by Lý Minh Triết