21/3/11

BỐ CỤC MƯA



PHẠM TRẦN LÊ

Cái hay của nghệ thuật là mở ra cánh cửa để người ta bước vào những không gian mới. Công việc khó khăn của nghệ thuật là giúp con người tìm lại cảm giác hân hoan khám phá trước những gì tưởng như đã chai mòn cũ kỹ, giúp họ tự lột xác và tái sinh sang một cảnh giới khác.

Nghệ thuật có chức năng khai tâm. Việc đó không nhất thiết phụ thuộc vào thông điệp cụ thể của một tác phẩm. Để hiểu được điều này, ta phải hiểu bản chất về sự hài hòa của bố cục.

Tịch mịch u trái lý
Chung tiêu thính vũ thanh
Tiêu hao kinh khách chẩm
Điểm trích sổ tàn canh
Cách trúc khao song mật
Hòa chung nhập mộng thanh
Ngâm dư hồn bất mị
Đoạn tục đáo thiên minh

(Thính vũ, Nguyễn Trãi)

Bố cục của bài thơ này là như thế nào? Bố cục nghệ thuật là gì? Để trả lời câu hỏi này, ta phải tạm quên đi tác phẩm. Phải sống và từng trải cái đã!

Bố cục là sự phân bổ các ấn tượng trong lòng người. Lê Quý Đôn nói “Trong bụng không có ba vạn quyển sách, trong mắt không có núi sông kỳ lạ của thiên hạ thì không thể làm văn được”.

Càng đi xa thì bố cục về các ấn tượng trong lòng người càng rộng, càng phức tạp. Và người ta càng có sự hiểu tinh tế hơn, sâu sắc hơn, chân thật hơn về lễ.

Đúng lễ tức là hành xử làm sao cho ấn tượng trong lòng mình về hành xử ấy đúng thật là cân đối hài hòa trong từng hoàn cảnh đời sống. Cố gắng dụng công sao cho không thừa không thiếu, không mạnh quá không yếu quá, không già quá không non quá.

Cân đối theo chiều rộng với các đầu mối lớn liên kết giữa không gian. Cân đối có trước có sau theo chiều dài thời gian.

Được như thế người ta gọi là biết sống.

Nhưng lọc lõi đến một độ nào đó rồi con người ta phải biết tự lột xác. Bản năng sẽ bảo rằng mình mới như thế thì hãy còn chật hẹp.

Vậy thì phải rộng hơn nữa. Rộng đó nghĩa là bố cục trong lòng mình phải thay đổi.

Lấy ví dụ như nghệ thuật Trung Quốc. Người Trung Quốc lâu nay thích làm phim và viết tiểu thuyết về những vụ thiên tai, những biến cố lớn lao. Dùng ấn tượng về cái chết và sự đau khổ, nỗi tang thương, sự tù túng hoặc trớ trêu của các số phận, rồi những vấn đề chính trị liên quan, để đánh động vào cảm xúc người ta. Nhưng quanh đi quẩn lại thì vẫn chỉ như thế. Cho nên nghệ thuật Trung Quốc hiện nay không lớn được.

Nghệ thuật lớn là thứ nghệ thuật thực sự làm biến đổi bố cục trong nhân sinh quan người xem. Khiến những kẻ lõi đời nhất cũng phải giật mình. Phá vỡ đi những ảo ảnh định kiến. Cân đối lại mình trên một thế giới quan mới.

Đường tu tâm với đường đi của sáng tạo nghệ thuật chân chính, về bản chất thực ra không có sự khác biệt. Cả hai đều hướng tới sự cân đối hài hòa của tâm trên một bố cục ngày càng biến hóa, ngày càng mở rộng.

Tới đây không thể không hỏi: thế nào là cân đối hài hòa? Câu hỏi nghe chừng đơn sơ, hoặc quá đỗi đại tự sự nên Nghệ thuật Đương đại phương Tây hoặc là xem thường, hoặc là tránh né bỏ qua. Phương Tây vì ỷ mình đã quá thâm hậu nên đang tự chạy lòng vòng lạc lối.

Lại nói về bài thơ Thính Vũ của Nguyễn Trãi. Ai đó đã từng tạm dịch thơ thế này:

Nghe mưa
Tịch mịch phòng trai tối
Nửa đêm nghe tiếng mưa
Buồn buồn lay gối khách
Giọt giọt điểm canh tà
Luồn trúc gõ song cửa
Theo chuông vào giấc mơ
Ngâm song nằm chẳng ngủ
Đến sáng nhặt rồi thưa

Trước kia người viết bài này chẳng hiểu vì sao mà mỗi lần đọc xong Thính vũ không tránh khỏi khắc khoải, thao thức; vị ngọt dài không dứt. Bây giờ thì tạm hiểu. Mấu chốt của bài thơ này là bố cục của nó cứ mở ra mãi. Đang chơi vơi giữa không gian này thì một không gian mới lại lại mở ra.

Không vướng mắc nên bụi trần không bám được. Hài hòa vô tận.
Có sinh, có diệt, lại luân hồi.
Âm điệu mưa
Âm điệu đời
Âm điệu đạo của vũ trụ
Tất cả là một.


Nguồn:
Bố cục mưa



13 comments:

Hậu Khảo cổ on lúc 22:22 21 tháng 3, 2011 nói...

Chị luôn bị ám ảnh bởi mưa...

Vhlinh on lúc 22:30 21 tháng 3, 2011 nói...

"Nhưng lọc lõi đến một độ nào đó rồi con người ta phải biết tự lột xác. Bản năng sẽ bảo rằng mình mới như thế thì hãy còn chật hẹp".

Đúng vậy, không ai biết rõ mình bằng chính mình trong những tính toán chật hẹp phải không bạn?

Được thưởng thức một món ngon trước khi tạm rời bàn tiệc đây.

VMC on lúc 22:32 21 tháng 3, 2011 nói...

@Chị Hậu
Em cũng thế, mệnh thủy.

@vhlinh:
Rời bàn tiệc đi đâu thế bạn?

Vhlinh on lúc 22:32 21 tháng 3, 2011 nói...

À, bức ảnh tuyệt đẹp, nó làm mình nao lòng. Mình xin phép cho sang bên mình được không?

LU on lúc 22:44 21 tháng 3, 2011 nói...

Em chưa rành nhiều về văn hóa nhà nên ko so sánh được.
Văn hóa tây, thầy cô luôn luôn đòi hỏi sinh viên ngày hôm nay phải sáng tạo hơn hôm qua, và ngày mai phải sáng tạo hơn ngày hôm nay. Nhưng, đỉnh của sáng tạo của hôm qua, hôm nay, và ngày mai có một được nối kết nhau thì một chuỗi hợp lí. Nó phải nêu rõ được nguồn gốc xuất xứ từ đâu, và nó đã biến cách như thế nào?
Sáng tạo trong nghệ thuật như một cái cây chĩa nhánh. Có quyền càng lên cao càng chĩa ra bao nhiêu nhánh tùy thích, uốn lượn cở nào tùy thích, nhưng vẫn phải giử cái gốc của nó.
Lí do, khi người ta truy tìm và phân tích thì phải được trở về với cái gốc, nơi phát sinh đâm nhánh của sáng tạo, thì mới ko đi lạc đi lòng vòng.

Titi on lúc 22:45 21 tháng 3, 2011 nói...

Em thích tên bài thơ , THÍNH VŨ, tiếng Hán Nôm có âm hưởng đẹp vô cùng :-)

VMC on lúc 22:50 21 tháng 3, 2011 nói...

@Vhlinh:
Hoàn toàn nhất trí.

@LU:
Người Việt sáng tạo nghệ thuật ở nước ngoài thì cũng vẫn phải giữ cái gốc Việt.

LU on lúc 22:51 21 tháng 3, 2011 nói...

Em chưa kịp chỉnh, nhấn lộn nút nên miss speeling ---> "Nhưng, đỉnh của sáng tạo của hôm qua, hôm nay, và ngày mai có một được nối kết nhau thì một chuỗi hợp lí."

Phải như thế này mới đúng --> "Nhưng, đỉnh của sáng tạo của hôm qua, hôm nay, và ngày mai phải được nối kết nhau thì mới tạo ra một chuỗi hợp lí."

VMC on lúc 22:51 21 tháng 3, 2011 nói...

@Titi:
Lần đầu tiên anh thấy hai từ đó, đúng là rất đẹp.

Thuy Dam Minh on lúc 22:59 21 tháng 3, 2011 nói...

Trời, từ những giọt mưa mà luận được bao điều hay thế nhỉ?

HY on lúc 23:25 21 tháng 3, 2011 nói...

Anh VMC, em comment bài viết trên bằng cả một entry ở đây ạ: http://hoangyen-hy.blogspot.com/2011/03/thinh-vu-nghe-mua-nguyen-trai.html

LU on lúc 09:27 22 tháng 3, 2011 nói...

Anh Cường : tuy em học art nhưng em ko theo nghành art mà em làm kỹ thuật, và em đặt sự sáng tạo của em vào kỹ thuật chứ ko phải art. Em lúc nào cũng thuần Việt cả, em cố gắng hết sức để giử cho business đi lên, cho đồng nghiệp có thêm việc làm. Và khi cần tuyển người vào làm thì em luôn ưu tiên chọn người Việt.

guy on lúc 12:30 22 tháng 3, 2011 nói...

chà, bài viết này thiệt hay quá đi
liệu biết về bố cục rồi sẽ dẫn đến phá nó đi không
quả là đuờng đi lấy lại ánh nhìn trẻ con thiệt xa vạn dặm

Đăng nhận xét

 

VMC Copyright © 2009 | Power by Blogger | Template redesigned by Lý Minh Triết