Tám tác phẩm được đề cử Giải thưởng Hội nhà văn Hà Nội 2007 gồm:
- Văn xuôi: Utopi một miếng để đời, tiểu thuyết của Vũ Bão; Ba người khác, tiểu thuyết của Tô Hoài; Bỗng nhiên có một ngày, tập truyện ngắn của Tô Hải Vân.
- Thơ: Gửi VB, tập thơ của Phan Thị Vàng Anh; Ngày rất dài, tập thơ của Đoàn Mạnh Phương; Thế giới không còn trăng, tập thơ của Nguyễn Trọng Tạo.
- Văn học dịch: Biên niên ký chim vặn dây cót, tiểu thuyết của Haruki Murakami (Nhật Bản), bản dịch của Trần Tiễn Cao Đăng; Hạt cơ bản, tiểu thuyết của Michel Houellebecq (Pháp), bản dịch của Cao Việt Dũng.
Kết quả, ba tác phẩm đoạt giải thưởng của Hội Nhà văn Hà Nội năm 2007:
- Utopi một miếng để đời, tiểu thuyết của Vũ Bão, NXB Hội Nhà văn và Công ty Văn hóa Đông A, 2007 (tác phẩm được 7/10 phiếu).
- Gửi VB, tập thơ của Phan Thị Vàng Anh, NXB Hội Nhà văn và Công ty Văn hóa Nhã Nam, 2006 (tác phẩm được 7/10 phiếu).
- Biên niên ký chim vặn dây cót, tiểu thuyết của Haruki Murakami (Nhật Bản), bản dịch của Trần Tiễn Cao Đăng, NXB Hội Nhà văn và Công ty Văn hóa Nhã Nam, 2006 (bản dịch được 10/10 phiếu).
GIỚI THIỆU SƠ LƯỢC CÁC TÁC PHẨM ĐOẠT GIẢI
1. Utopi một miếng để đời là tiểu thuyết cuối cùng của nhà văn Vũ Bão (1931-2006). Tác phẩm hoàn thành ngày 19-4-2006, chỉ 11 ngày sau, ngày 30-4-2006, nhà văn qua đời đột ngột vì căn bệnh hiểm nghèo trên đường đi thực tế sáng tác ở Quảng Ninh.
Đây là cuốn sách dồn trút những điều tâm huyết của nhà văn suốt một đời cầm bút. Hình thức hoạt kê, giọng điệu trào phúng, giễu cợt, Vũ Bão tiếp tục kiên trì với con đường riêng trong suốt 50 năm đời văn của ông: châm biếm những thói tật tràn lan trong xã hội, không phân biệt tầng lớp, địa vị, ngành nghề, vùng đất...
Như ở trong các truyện ngắn, bút ký, tản văn của Vũ Bão, cái cười của ông trong tiểu thuyết này khi dí dỏm, lúc sảng khoái, lúc giễu nhại, nhưng dư vị để lại thật chua xót, tiếc nuối. Đây là cái tiếc nuối cần thiết của những tấm lòng thiết tha với con người và xứ sở, kỳ vọng vào một xã hội ngày càng tốt đẹp và văn minh hơn. Đây cũng bộc lộ trách nhiệm của nhà văn.
Tiểu thuyết ngồn ngộn chi tiết sống và sự bề bộn có ảnh hưởng đến một cấu trúc sáng sủa, sự hụt hẫng ở phần cuối có thể thấy rõ, và hình tượng một đất nước Utopi mang tính lý tưởng hay là phản chiếu của một xã hội ngập ngừng giữa những hướng đi... cũng là một điểm chưa thực sự nhất quán.
Dù vậy, đây là tác phẩm có ưu thế về tính nóng hổi của thời sự và gây được sự thích thú với độc giả đương đại.
2. Gửi VB, tập thơ của Phan Thị Vàng Anh cho thấy điểm mạnh về thơ của tác giả (bên cạnh thể loại tản văn rất thành công mấy năm trước). 21 bài thơ trong một tập sách mỏng thể hiện một quan niệm kiên quyết đề cao chất lượng, không chạy theo số lượng để làm cho tập sách dày dặn hơn.
Ngắn gọn và chất lượng là một chủ kiến. Giản dị đến mức tối giản là một quan niệm. Tìm tòi, không bằng lòng với những gì sẵn có của thơ là một ý thức, được chuyển hóa thành tác phẩm. Ngôn ngữ tiết chế, chính xác, cảm xúc được huy động đủ độ, cấu trúc thơ đôi khi được làm mới một cách bất ngờ nhưng không sa vào khiên cưỡng.
Có một vài ý kiến mong chờ thơ Phan Thị Vàng Anh có thêm sức nặng của ý thức công dân. Nhưng mặt khác cũng phải thấy rằng cái riêng tư trong thơ chị không mỏng manh mà đủ sức gây rung động và tạo ra những cảm xúc mạnh.
Những câu thơ những bài thơ về Hà Nội thật độc đáo, chân thực và nhận được sự đồng cảm, chia sẻ của người đọc. Đây là một trong những tập thơ “bán chạy” trong những năm qua, một hiện tượng hiếm hoi đối với thể loại khó phát hành là thơ.
3. Bản dịch của Trần Tiễn Cao Đăng, tiểu thuyết Biên niên ký chim vặn dây cót của nhà văn Nhật Bản Haruki Murakami, là bản dịch hay và công phu. Haruki Murakami là nhà văn Nhật Bản thành công bậc nhất trên thế giới nhiều năm qua. Ở Việt Nam, gần đây sách của ông bắt đầu được dịch và được đón nhận nồng nhiệt.
Trong sự nghiệp của Murakami cho đến nay, Biên niên ký chim vặn dây cót có thể coi là một kiệt tác, có ảnh hưởng lớn không chỉ với độc giả mà cả với giới cầm bút. Chọn dịch tiểu thuyết này, dịch giả Trần Tiễn Cao Đăng chấp nhận một thách thức và anh đã vượt qua thách thức này một cách xuất sắc.
Vẫn còn một số thiếu sót trong câu chữ, vẫn còn một vài tiểu tiết chưa chính xác khi chuyển dịch, nhưng tất cả những điều này không ảnh hưởng nhiều đến thành công của bản dịch. Dịch giả đã chuyển dịch được một tác phẩm phức tạp, tinh tế, nhiều kiến thức về văn hóa xã hội, mang đến cho độc giả Việt Nam một phiên bản sẽ còn được đọc lâu dài.
Cũng ở đây, sự công phu, thái độ lao động văn chương toàn tâm toàn ý và sự dấn thân của dịch giả Trần Tiễn Cao Đăng trong một công việc nhiều khó khăn và thách thức đã được ghi nhận.
Lễ trao giải thưởng sẽ được tổ chức vào trung tuần tháng 10-2007.