20/12/10

TRÀ ĐẠO NHẬT BẢN


Xung quanh sự xuất hiện của trà bao phủ nhiều huyền thoại. Có vẻ hợp lý và đáng tin hơn cả là sự phát hiện tình cờ thứ nước uống huyền diệu này dưới thời Thần Nông, vị quân vương trị vì miền nam Trung Hoa từ 2737 đến 2697 trước công nguyên. Thời đó, người Hoa đã có thói quen đun sôi nước trước khi uống. Một lần Thần Nông ra lệnh đặt bếp đun nước cho ông dưới một gốc cây. Gió thổi, khiến lá từ trên cây rơi vào nồi nước. Thần Nông vô cùng ngạc nhiên, khi thấy nước có mùi vị rất dễ chịu. Từ đó ông thường xuyên uống nước pha chế với thứ lá này và không những thế còn ra lệnh cho toàn dân sử dụng.

Lịch sử Trung Hoa cho thấy thời Tam Quốc (220-280) trà đã trở thành một yếu tố không thể thiếu trong đời sống của người dân. Đến thời Tấn (265-420) xuất hiện những quán trà và người ta thưởng ngoạn trà tập thể. Người Hoa cổ đại coi trà là thứ uống chữa bệnh, giảm mệt mỏi, tăng cường sinh lực và thị lực, chống phong thấp. Nhờ công dụng tuyệt vời như vậy mà trà phát triển rộng sang các nước lân bang, mà Nhật Bản và Mông Cổ là những nước đầu tiên chịu sự ảnh hưởng này.

Từ thế kỷ thứ VI, Trung Quốc có ảnh hưởng rất lớn đến quần đảo Nhật Bản, đặc biệt là Phật giáo, văn hóa và triết học Khổng Tử. Quan hệ giữa hai nước đạt đến đỉnh cao trong thời đại nhà Đường (618 – 907). Thời này hạt cây chè được chuyển sang Nhật và nhà sư Saikho ươm trồng trên đất Nhật. Đến thời Nara (Bình an thời đại) ở Nhật Bản, nhiều ngôi chùa đã cho trồng chè, các nhà sư thu hoạch chè, tìm cách chế biến và đặt nền móng cho văn hóa sử dụng trà của Nhật Bản. Vào thế kỷ thứ VIII, các nhà sư đã sáng tạo ra nghi thức uống trà như một nghi lễ tôn giáo. Dần dần thói quen uống trà lan đến hoàng cung và nhà vua cho tổ chức những buổi lễ thưởng trà với sự tham gia của nhiều quan đại thần.

Nhưng phải đến cuối thời Kamakura (Liêm thương thời đại – 1185-1333), trà mới trở thành thứ nước uống bình dân, được dùng rộng rãi trong dân chúng. Đây cũng là thời mà quan hệ giữa Trung Hoa và Nhật Bản phát triển mạnh mẽ. Năm 1187, vị thiền sư nổi tiếng Nhật Bản Minh Am Vinh Tây (Myon Eisai – 1141-1215) đến Trung Hoa và lưu lại đó trong 4 năm. Khi trở về nước, ông cho thành lập giáo phái thiền tông và một trong những điểm quan trọng trong phép tắc của giáo phái chính là việc sử dụng trà.

Chính Minh Am Vinh Tây là người dạy dân Nhật cách chế biến và pha chế trà: lá trà được sao khô, tán thành bột mịn và hãm trong nước sôi. Nhưng những chỉ bảo của Vinh Am Minh Tây cũng vấp phải sự phản ứng dữ dội từ những người theo tôn giáo cũ của Nhật Bản là thần giáo. Tuy nhiên, công lao to lớn của ông trong việc phổ biến trà chính là việc ông đã biên soạn ra bản khái luận đầu tiên về trà có tên gọi Khiết trà dưỡng sinh kí, dày khoảng 20 trang. Minh Am Vinh Tây chỉ rõ rằng trà là phương thuốc chữa nhiều căn bệnh như tê liệt, rối loạn tiêu hóa, suy nhược cơ thể, biếng ăn. Các nhà sư Nhật Bản còn coi trà là một phương thức thiền và phương thuốc, khiến trà ngày một phổ biến rộng hơn. Cây chè được trồng ở hầu hết các địa phương của Nhật Bản. Từ thế kỷ XVI trà đã trở thành thức uống hàng ngày, đặc biệt là trong giới quý tộc samurai.

Giai đoạn của những cuộc nồi da xáo thịt liên miên từ thế kỷ XII đến XVI đã khiến giới samurai trở thành một thế lực mạnh trong xã hội Nhật Bản. Một trong những tục lệ của giới này là tổ chức những buổi uống trà với sự tham dự đông đảo của bạn bè, người thân, ở đó họ thường cùng chơi một trò chơi xuất hiện ở Trung Quốc dưới thời nhà Tống và du nhập vào Nhật Bản cuối thời mạc phủ Kamakura: Samurai và bạn bè của họ thi phân biệt các loại trà qua mùi vị, thi kiến thức về các vùng trồng chè, cách thức canh tác và chế biến... Người thắng cuộc nhận được những phần thưởng có giá trị.

Đến nửa đầu thế kỷ XIV, tại Nhật Bản đã hình thành một phong cách uống trà mới, được coi là hình thức sơ khai của Chanoyu – nghi lễ uống trà cổ truyền của người Nhật bao gồm 4 bước (hoài thạch, trung lập, ngự tòa nhập, trà loãng), thường kéo dài khoảng 3-4 giờ đồng hồ. Đây cũng là giai đoạn mà trà trở nên phổ biến đối với dân chúng. Trong các cộng đồng dân cư bình thường cũng bắt đầu thịnh hành trò chơi thi đố về trà nêu ở trên. Còn giới quý tộc thì xuất hiện hình thức vừa uống trà vừa tắm.

Từ nửa cuối thế kỷ XV thú uống trà trở nên ngày một thịnh hành trong tầng lớp trên của xã hội Nhật Bản. Những người giàu có tự xây cất cho mình trà thất – đó là những ngôi nhà nhỏ nằm trên phần đất nhà mình. Đến cuối thế kỷ này, người ta lại ưa thích uống trà trong những căn phòng nhỏ có diện tích khoảng 7 mét vuông, trang trí không cầu kỳ. Những phòng trà kiểu này đem lại cảm giác ấm cúng thích hợp với tinh thần thiền của Phật giáo.

Ý tưởng xây dựng trà thất thuộc về Murata Shuko (1422-1502) – người được dân Nhật coi là cha đẻ nghi thức uống trà vì ông chính là người đầu tiên đề ra những yếu tố chủ chốt của nghi thức này. Tuy nhiên, ông lại là người phản đối dữ dội hình thức vừa uống trà vừa tắm, vì cho rằng nó không phù hợp với quan điểm của thiền. Ông đã rất nỗ lực trong việc cổ súy để nghi thức uống trà giản tiện đến mức tối đa, đưa các dụng cụ của Nhật thay thế đồ Trung Quốc và phổ biến quan niệm người chủ nghi lễ uống trà phải phục vụ khách của mình.


Chanoyu

Sang thế kỷ XVI, nghi thức uống trà được phát triển hoàn chỉnh thành Chanoyu – nghi thức được mọi tầng lớp trong xã hội thừa nhận. Giới samurai coi đó là cách thức để thoát khỏi những ẩn ức tích tụ trong những trận huyết chiến diễn ra như cơm bữa trong cuộc sống của họ. Đó là những giây phút họ được thư dãn và tận hưởng những khoảnh khắc yên bình hiếm hoi.

Sau khi Shuko mất, sự nghiệp của ông được Takeno Jyoo (1502-1555) tiếp nối. Ông là một nhà thơ trác tuyệt, đồng thời cũng là một nhà thuyết giảng thiền đạo. Buông đao kiếm, ông đi tu và trở thành nghệ nhân hàng đầu về trà. Một trong những đam mê của ông là sưu tập các dụng cụ cổ dùng để pha trà và thưởng ngoạn trà. Ông quan niệm rằng, theo tinh thần thiền, không nhất thiết phải dùng những dụng cụ đắt tiền, mà nghi thức dùng trà phải phản ánh “sự rối loạn một cách tự nhiên” và “vẻ đẹp của sự bình dị”.Tư tưởng của Jyoo lan rộng tới tận kinh thành Kyoto và thu hút được một số lượng lớn người đi theo.

Người sáng lập ra nghi thức trà còn tồn tại cho đến ngày hôm nay là Senno Rikyu (1521-1591). Ông được tôn vinh là bậc thầy của trà đạo Nhật vì đã đưa ra những quy định chủ yếu về thẩm mỹ và đạo đức của trà đạo. Trà – thứ uống bắt nguồn từ Trung Hoa, thâm nhập vào Nhật Bản đã trở thành một nét đẹp văn hóa truyền thống riêng kết hợp những giá trị tinh thần của người Nhật với thiền của Phật giáo có sức sống mãnh liệt đến tận ngày hôm nay.





3 comments:

Thuy Dam Minh on lúc 21:38 20 tháng 12, 2010 nói...

Anh chưa được thưởng thức trà đạo theo đúng cách của người Nhật, nhưng trà của người Trung Hoa cũng không phải là xoàng. Uống trà với họ thích lắm!

LU on lúc 21:40 20 tháng 12, 2010 nói...

Thời gian sau này em bắt đầu thử đến trà. Mỗi sáng, lên xe thì bên cạnh ngoài li cafe sẽ có bình trà.
Thú nhất mỗi ngày là lái xe đến công ti từ tốn nhâm nhi cafe và trà, em đang suy nghĩ công ti sãn xuất ô tô có nên làm một cái bàn gấp nhỏ như trên máy bay tiện cho người lái xe ko?
Hôm rồi đi ăn Sushi, em phát hiện ra trà xanh Gen Mai Cha của Nhật uống cũng ngon nên đang thử. Trà này có pha gạo nâu nên uống vào nghe mùi cơm hòa cùng trà cho cảm giác một bữa cơm nóng.
Con bạn em thì vừa đưa cho em địa chỉ một quán trà đủ mọi loại trên thế giới, tên là TEAVANA. Nó cũng hay uống trà nên sành về trà lắm.
Lần về VN vừa rồi, nhân việc hotel giới thiệu cho em mỗi ngày một bình trà Thái Nguyên, em pha uống với mật ong thấy thơm thơm.

Titi on lúc 04:12 21 tháng 12, 2010 nói...

Cám ơn bài sưu tầm công phu về trà NHật và Trung quốc :-)

Ở cơ quan em có bà nghiện trà, bả đào tạo tất cả những ai làm cùng từ ghét trà, không bao giờ dùng trà sang nghiện trà theo bả hết. Em là một trong số đó he he....

Uống trà theo kiểu gì cũng là để thư giãn, ngẫm nghĩ, nhưng vị trà phải tùy theo phong thổ nơi mình ngồi nó mới thuận. Lên phía bắc uống trà đặc, xuống phía nam uống trà nhạt. Ở nơi quyền quí uống trà chén mỏng, nơi thanh cao dùng chén nhỏ, nhà nghèo dùng chén mộc...người mạnh uống trà nguyên chất, người yếu nên thêm các vị ấm và ngọt vào trà để kiện khí...

Riêng em còn khoái dùng nước trà đặc để làm thuốc. Có một số bệnh nhẹ chữa bằng nước trà đặc rất tốt :-)

Đăng nhận xét

 

VMC Copyright © 2009 | Power by Blogger | Template redesigned by Lý Minh Triết