16/12/10

NGƯỜI VIỆT XẤU XÍ (2)



CẢNH THÁI

4. Dễ rơi vào trạng thái tôn sùng các giá trị vật chất

Hiện tượng tôn sùng tài sản vật chất hơn là các giá trị nhân văn hay các truyền thống tốt đẹp của nhân loại xuất hiện ngày càng nhiều trong mọi tầng lớp xã hội, kể cả tầng lớp trí thức, có học.

Các tội phạm tham nhũng, tội ác phi nhân trong các câu chuyện có thực ngày càng nhiều, mà người gây án là các quan tham hay những người có ăn học và được đào tạo bài bản. Những người sinh ra không hẳn đã sống thiếu thốn vật chất lại được hưởng nhiều ưu đãi, đặc quyền, đặc lợi, nhưng nay không phải vì thiếu miếng cơm, manh áo vẫn cố tình phạm tội (Xem vụ án Nguyễn Đức Nghĩa ai cũng phải rùng mình, kinh sợ).

Do bản năng tham lam, tham vọng và dục vọng cá nhân lớn hay do môi trường sống thay đổi đã cổ vũ cho việc sùng bái vật chất này?

Sống gấp, sống ích kỷ vội vã, chỉ biết lo cho bản thân, chạy đua theo các giá trị vật chất, sống hưởng thụ bất chấp hậu quả tai tiếng về sau. Chưa kể các khiếm khuyết trong hệ thống bảo vệ pháp luật, bảo vệ quyền con người và phát triển hệ thống an sinh xã hội cho mọi thành phần người dân, kể cả các tầng lớp nghèo khổ và chịu thiếu thốn thiệt thòi nhất.

5. Tính kỷ luật trong lao động và đời sống pháp luật chưa cao


Hiện tượng vượt đèn đỏ trong giao thông, không bỏ rác vào nơi qui định, luôn muốn “luồn lách” và qua mặt pháp luật nếu có điều kiện hay ở những nơi chốn thiếu sự giám sát của các cơ quan pháp luật hoặc cấu kết với các cá nhân trong các cơ quan quản lý nhà nước để trục lợi và tạo ra quyền lợi nhóm hay nhóm lợi ích.

Một số “rường cột” của xã hội là “gia đình” và “nhà trường” hay “quan trường” cũng chịu tác động ghê gớm. Các vụ bạo hành trong gia đình và nhà trường hay tham ô tham nhũng trong quan trường xảy ra càng lúc càng nhiều; các tội ác ngày càng rùng rợn, các kẻ thủ ác thì không còn là đói ăn hay thất học hay bần cùng sinh đạo tặc nữa mà đã lan tràn đủ mọi thành phần.

Có người nói về sự khác biệt giữa người Việt “thông minh” và người Việt “khôn ranh” và kết luận là có thể chúng ta “khôn ranh” thôi chứ đừng vội nghĩ rằng “ta đây là dân tộc thông minh”.

6. Văn hóa chịu trách nhiệm, xin từ chức chưa hiện diện trong đất nước ta

Khi được trao quyền, ủy quyền, với niềm tin lớn, kỳ vọng lớn, trách nhiệm lớn, người ta phải hiểu nghĩa vụ khi không hoàn thành nhiệm vụ được giao. Khi một người không hoàn thành trách nhiệm, việc từ nhiệm là bình thường, đó là sự bảo đảm cho uy tín, danh dự với lời hứa ban đầu, trọng trách ban đầu đặt ra.

Để ngụy trang, ngụy biện, biện minh cho thất bại, người ta thường hay nói về sự “đồng thuận” hay “trách nhiệm tập thể” và sau cùng là “huề cả làng”! Vì không thể truy cứu trách nhiệm “tập thể” hay sự khôn ngoan hoặc ngu dại đã giúp con người che dấu khuyết điểm trong một ốc đảo có tính “tự lừa dối” lẫn nhau.

7. Dễ thỏa hiệp và tìm kiếm thỏa hiệp để đạt mục đích mưu cầu tư lợi cá nhân

Do xã hội đã hình thành một số tầng lớp giàu có, mua quan bán chức, đi lên không phải bằng nỗ lực phấn đấu lao động và học tập siêng năng cần cù mà bằng sự nâng đỡ của “cha anh”, bạn bè phe nhóm thân hữu nâng đỡ nhau, tạo ra một sự bất bình đẳng, tạo suy nghĩ sùng bái các giá trị vật chất, “mười năm phấn đấu, không bằng cơ cấu một lần”. Suy nghĩ không cần học tập phấn đấu chi cho vất vả, chỉ cần có quan hệ thân hữu là được, chỉ cần có tiền là mua cái gì cũng xong.

Xây dựng mối quan hệ thân hữu, quyền lực nhóm: bắt tay nhau triệt tiêu các tiếng nói thiểu số khác trong cộng đồng, xây dựng các nhóm quyền lực lớn dần, vượt trội dần và tới lúc nào đó sẽ có tiếng nói lất át cả các lý lẽ và pháp luật. Khi “anh cũng vi phạm, tôi cũng vi phạm” thì không có lý do gì chúng ta buộc tội nhau, tố cáo lẫn nhau, làm hại lẫn nhau! Mà nên bắt tay nhau.

Khi sai phạm xảy ra ở các cấp, mọi nơi, con người trở nên chán nản, cảm thấy việc sai phạm là “bình thường”, đương nhiên, không màng quan tâm tới, không bình luận, không dám phản bác, nghĩ rằng các phản bác là vô tác dụng, dễ bị chụp mũ, dễ bị trù dập, quá lo sợ, và chấp nhận “thỏa hiệp”, .v.v. Điều này tạo nên một xã hội “vô cảm” lúc nào không hay.

Trong công việc, mỗi khi gặp khó khăn hay vi phạm pháp luật, người ta thường nghĩ nên “gõ cửa” ở đâu, gặp “anh Hai, anh Ba” nào để được giúp đỡ ?! Muốn làm việc gì, khởi sự một việc kinh doanh, người ta thường nghĩ là “để làm được việc này, tôi quen biết với những ai, tôi có mối quan hệ quan trọng nào trong lĩnh vực này?” hơn là chuẩn bị tốt về sản phẩm hay dịch vụ khách hàng .v.v.

Nạn “mua quan, bán chức” trở nên vấn nạn vì ai đó trong chúng ta đều đã có dịp nghe qua về việc này, đâu đó tại chính địa phương mà ta đang sống. Điều đó phản ánh một vấn nạn thực sự, một phát triển nguy hiểm của xu hướng thỏa hiệp, tìm kiếm thỏa hiệp và mưu cầu danh lợi.

Khi đó tội ác có thể ngày càng công khai và mỉm cười ranh mãnh trước sự bất lực của toàn xã hội như một sự trả giá cho những sai lầm của chính mỗi con người hèn yếu trong chúng ta. Và cho những ai nhất thời đắc ý rồi cũng sẽ lại rơi vào chu kỳ khác, khi thời thế của kẻ đắc ý đã qua, con cháu của anh ta rồi vẫn sẽ phải tiếp tục sống trong môi trường “thỏa hiệp” mà anh ta đã vô tình hay hữu ý dựng nên, thế hệ sau này vẫn sẽ phải tiếp tục sống trong môi trường “thỏa hiệp” cấu kết với nhiều phe nhóm nếu không sẽ bị thải loại.

Môi trường có tính thỏa hiệp này, tới phiên nó, sẽ như một bánh xe lịch sử lớn và lớn hơn, nghiền nát mọi nỗ lực hướng tới các giá trị “chân thiện mỹ” mà con người luôn mơ ước.

8. Dễ suy nghĩ chủ quan, chú trọng yếu tố chủ quan hơn khách quan

Chúng ta ngạc nhiên và khâm phục trước tài năng xuất chúng và thành quả của Giáo sư Ngô Bảo Châu với giải thưởng toán học Fields nhưng chưa xây dựng được môi trường làm việc tốt để tương lai có thêm nhiều người Việt đạt thành quả tương tự.

Trong khi các quốc gia như Mỹ, Nhật, Pháp, Đức, .v.v. có rất nhiều nhà khoa học đạt tới các đỉnh cao trí tuệ của nhân loại và điều đó được xem là hệ quả bình thường và tất yếu do “phương pháp” và cách tổ chức thực hiện mang lại.

Tương tự, có người sẽ rất ngạc nhiên nếu Việt Nam có một Bill Gates, nhưng sẽ không ngạc nhiên nếu nước Mỹ ngày càng có thêm nhiều tỉ phú về các sản phẩm khoa học công nghệ. Lý do có thể là tại Mỹ có đầy đủ các “điều kiện cần và đủ” để tiếp tục sản sinh các Bill Gates mới.

Khi các giá trị vật chất mà người ta dễ dàng đạt được không thông qua sức lao động sáng tạo vất vả cần cù, mà chỉ là sự trao đổi, mua bán, ngã giá, con người dễ rơi vào trạng thái suy nghĩ mơ hồ, lý giải và dựa dẫm vào yếu tố “tâm linh” là chủ yếu.

Lúc này, không phải là yếu tố đức tin tôn giáo, triết lý biện chứng duy vật hay duy tâm, hay “khoa học huyền bí” ngoài tầm với của khoa học kỹ thuật đương đại mà là sự cứu chuộc cho bản thân, sự tính toán an bài cho các “tội lỗi quá khứ”, sự sợ hãi trước “luật nhân quả”, thông qua việc cúng bái lễ vật đắt tiền kiểu nhà giàu, xây dựng lăng mộ hoành tráng, mượn các hành động từ thiện như để khỏa lấp phần nào các yếu tố nhân quả trong đời sống xã hội.

Điều này có thể được thấy với hàng đoàn xe ô tô đắt tiền trong đó có nhiều xe mang bảng số nhà nước, nối đuôi xếp hàng mang lễ vật “hoành tráng” tới cúng chùa, xem bói vào các dịp lễ Tết.

Ảnh: Bẻ hoa tại lễ hội hoa Anh đào.

Nguồn:
NGƯỜI VIỆT XẤU XÍ Ở ĐIỂM NÀO - PHẦN 2

Entry liên quan:
NGƯỜI VIỆT XẤU XÍ (1)



5 comments:

NLVD nói...

Đọc phần này xong, em vừa lên wikipedia để search từ "Cảnh Thái" :)

LU on lúc 23:20 16 tháng 12, 2010 nói...

Bài này viết hay và chính xác hơn bài đầu tiên. Đặc biệt câu "khôn ranh" và "thông minh".

Bởi thế, trong bài "chiếc dây lưng của bố", em đưa ra lối giáo dục "lính tráng" từ bé cho trẻ em là nằm ở những vấn đề trong bài này đấy.

Tốn công sức bao nhiêu năm làm gì? nếu chỉ trồng nên một cái cây nhìn bề ngoài cũng ngon lành lá cành đầy đủ, nhưng bên trong thì rỗng, hoặc sâu đục, hoặc ung úng thì có phải phí đi bao nhiêu thời gian để trồng ko?

Câu slogan khi nuôi trẻ con với em luôn là --> trật tự, khuôn khổ, can đảm, và thẳng thắn!

Đỗ on lúc 09:14 17 tháng 12, 2010 nói...

Được đọc hai phần của bài viết đều hay, nhìn và nói thẳng, đúng với xã hội thực tại đáng buồn. Cám ơn bạn.

Thuy Dam Minh on lúc 14:19 17 tháng 12, 2010 nói...

A khoái cái điểm thứ 5, nhân viên của anh hầu hết toàn sai giờ trong các buổi họp, đi làm...!

Titi on lúc 15:24 17 tháng 12, 2010 nói...

Hồi trước em mong có ngày chúng ta nhìn vào sự thật để tiến bộ. Nhưng bây giờ lại thấy, không phải cứ nói được sự thật là tốt. Bởi rất nhiều người cho rằng đó không phải là mình, trong số xấu xí ấy không có mình :-P

Đăng nhận xét

 

VMC Copyright © 2009 | Power by Blogger | Template redesigned by Lý Minh Triết