14/12/10

NGƯỜI VIỆT XẤU XÍ (1)



CẢNH THÁI

1. Khả năng làm việc theo nhóm kém, tinh thần đồng đội chưa cao, tính cách sống vì cộng đồng chưa trưởng thành:

Người Việt thường hoàn thành tốt các công việc của cá nhân, nhưng khả năng gánh vác công việc cộng đồng, công việc chung kém, trách nhiệm cá nhân đối với cộng đồng kém.

Các học sinh Việt Nam thường chịu khó làm bài tập của mình rất siêng năng và làm tốt các bài tập được giao cho cá nhân. Thế nhưng bài tập chung của nhóm thường bị đùn đẩy trách nhiệm cho người khác làm, khả năng ngồi lại với nhau để thảo luận nhóm, đóng góp ý kiến cho một thành quả chung tích cực hơn thường bị xem nhẹ.

Tại các doanh nghiệp, các công nhân và nhân viên người Việt cũng “nổi tiếng” khó phối hợp đồng đội (teamwork) tốt, khó có hiệu quả hợp tác cao trong các công việc được cấp trên giao.

Tại mỗi khu phố, khu dân cư, nếp sống vệ sinh chung thường rất kém. Người ta chú ý quét dọn sạch sẽ nơi khuôn viên của gia đình mình, trong khi các diện tích chung, công cộng thường chịu việc xả rác, vứt bỏ các thứ linh tinh làm ô nhiễm môi trường chung.

Trên đường phố Việt Nam, chúng ta không khó bắt gặp các hình ảnh xả rác, chen lấn tranh giành nhau khi tham gia giao thông hoặc tại các cơ quan công quyền mà người dân phải xếp hàng lộn xộn, chờ chực trong một mớ hỗn độn, rất thiếu khoa học. Thậm chí ngay tại công sở tại TP.HCM, nếu bạn có việc phải xin giấy phép, đổi giấy phép hay giấy tờ liên quan, việc chen lấn chờ đợi vô trật tự (phần do cách làm việc không khoa học và diện tích khuôn viên chật chội trong khi khối lượng công việc nhiều với hàng trăm, hàng ngàn con người có nhu cầu đến liên hệ công tác tại đây hàng ngày). Điều này thể hiện một tư duy bon chen, chụp giật, không có kế hoạch, tổ chức và tầm nhìn dài hạn.

Tại các nhà ga, bến xe, hàng không, hàng quán, nhà hát, công viên công cộng, .v.v. chúng ta càng thấy rõ ý thức vì cộng đồng của người Việt thực sự chưa trưởng thành. Trách nhiệm trước mắt có thể thuộc về các cá nhân lãnh đạo tại các đơn vị này, sau đó là ý thức chấp hành của mỗi người dân trong cộng đồng và khả năng tổ chức phối hợp làm việc theo nhóm vì tinh thần cộng đồng, vì công việc chung còn nhiều điều chưa tốt.

2.Tư duy tiểu nông gắn chặt với quá khứ một dân tộc làm nông nghiệp lâu đời:

Các thửa ruộng nhỏ lẻ, được các đời cha ông tiếp nối và chia tách ra làm nhiều miếng nhỏ dần cho các đời sau. Làm ăn manh mún, nhỏ lẻ, lạc hậu và bảo thủ theo kiểu tư duy xưa vẫn còn “con trâu đi trước cái cày theo sau”, thiếu liên doanh liên kết, thiếu sự hợp tác đôi bên cùng có lợi.

Bên cạnh đó, lòng đố kỵ, ích kỷ, ganh ghét, không muốn người khác hơn mình, dấu nghề, không mạnh dạn chia sẻ kinh nghiệm với mọi người, thậm chí anh em, người thân trong nhà cũng không san sẻ, giúp đỡ, “cho tiền cho bạc, không ai chỉ đàng làm ăn”!

Xong việc của mình là xem như xong, không quan tâm người khác hay bà con láng giềng làm ăn ra sao. Tư duy “hợp tác xã” một thời, nửa đêm không ai muốn thức dậy xả nước cho thửa ruộng chung, ảnh hưởng đến lối suy nghĩ và hành động “cha chung không ai khóc”, tị nạnh nhau các công việc của chung cộng đồng. Thậm chí, xuất hiện lối suy nghĩ “sống hôm nay, biết hôm nay”, bất chấp ngày mai ra sao!

Điều này dễ dẫn tới việc biển thủ, ăn cắp của công cả “tài sản vật chất và thời gian” trong các doanh nghiệp nhà nước bất chấp hậu quả là doanh nghiệp nhà nước có thể trở thành “con bò sữa của chung” mà mạnh ai nấy vắt sữa, khai thác đến mức kiệt quệ.

Tư duy “ăn xổi ở thì” dễ nổi lên lấn át, tư duy ngắn hạn, nghĩ đến quyền lợi cục bộ, mưu cầu tư lợi ngắn hạn hơn là phát triển dài hạn, phát triển bền vững cho cả cá nhân và cộng đồng.

3. Dễ dàng thỏa mãn với những thành công nhỏ:

Tư duy truyền đời kiểu “học thành tài” ăn sâu vào suy nghĩ thay thế cho tư duy tiến bộ hơn “học tập và làm việc phấn đấu, cống hiến suốt đời”. Các cá nhân học giỏi, xuất sắc không thiếu nhưng các thành quả khoa học, các phát minh thành tựu lớn trong hầu hết các lĩnh vực hầu như chưa sánh bằng các quốc gia khác, phần vì thiếu môi trường cho người tài, phần vì các cá nhân xuất sắc trong cộng đồng đã thỏa mãn với thành công nhỏ ban đầu so với mọi người trong “làng xóm nhỏ” xung quanh nên không chịu phấn đấu học tập liên tục và không có cơ hội phát triển lên tầm cao mới hay đạt tới trình độ và đẳng cấp thế giới.

Điều này xảy ra trong hầu hết các lĩnh vực như khoa học kỹ thuật, công nghệ, ứng dụng và sáng tạo, phát minh và sáng chế, văn hóa và thể thao... khi Việt Nam chưa có tên trên bản đồ các thành tựu lớn của thế giới vì số lượng các thành tích ở tầm cỡ thế giới còn quá ít so với các quốc gia khác.

Một số người du học nước ngoài cho hay, khi học phổ thông hay đại học, các sinh viên bạn thường không giỏi các môn học cơ bản; nhưng khi vào nghiên cứu ứng dụng, họ rất xuất sắc và sinh viên ta thường không theo kịp. Có lẽ tư duy học “thành tài” đã sớm làm chậm hay thiêu chột sức sống và khả năng học hỏi, phát triển liên tục của sinh viên ta (?).

Trong thương trường, các doanh nhân Việt Nam cũng có nhiều hạn chế trong việc phát triển doanh nghiệp; thường chạy theo các hợp đồng mua bán có tính thời vụ, dựa vào ưu thế “quen biết”, mối quan hệ thân hữu để giành lấy công việc trước mắt, ít có doanh nghiệp xây dựng kế hoạch dài hạn, có tầm nhìn xa, chú ý phát triển sản phẩm có chất lượng cao, có thương hiệu vươn lên tầm cỡ thế giới.

Các doanh nghiệp Việt Nam thường qui mô nhỏ và rất nhỏ, làm việc thiếu chuyên nghiệp, thiếu hợp tác phối hợp. Khi lớn lên một chút thì đã phân chia ra thành các doanh nghiệp nhỏ hơn do bất đồng quan điểm hợp tác hoặc muốn làm riêng thu lợi một mình, hoặc đã sớm thỏa mãn với thành công nhỏ đạt được. Các doanh nghiệp lớn chủ yếu chỉ là doanh nghiệp nhà nước khai thác dầu khí, khai khoáng mỏ, độc quyền về kinh doanh ngành nghề như điện lực, viễn thông, ngân hàng...

(còn tiếp)

Ảnh: Một cảnh trong phim về đề tài bạo hành gia đình.

Nguồn:
Người Việt xấu xí ở điểm nào?



10 comments:

LU on lúc 20:11 14 tháng 12, 2010 nói...

Hình như còn thiếu một vế nữa mới cân bằng được phương trình toàn "âm" này.

Tư duy nhỏ + tinh thần đồng đội nhỏ + ý thức cộng đồng nhỏ + hài lòng với thành công nhỏ = nhưng luôn có những dự án to, ước mơ to, ăn to nói nhớn mang tầm...thế kỷ :))

Titi on lúc 20:53 14 tháng 12, 2010 nói...

:-P thấy mình và cơ quan mình kha khá ở trong này, làm lào giờ ? :-P

Thuy Dam Minh on lúc 21:13 14 tháng 12, 2010 nói...

Lu: Em nói vụ này quá đúng! Anh có nhớ một câu nói "Một người Việt thì bằng 1 người Nhật, hai người Việt thì thua 2 người Nhật, 3 nười Việt càng thua 3 người Nhật, cứ càng đông người Việt thì càng thua đông người Nhật". Nó chứng tỏ ý chí cộng đồng của người Việt mình thua người Nhật nhiều lắm!

PhungPat on lúc 21:19 14 tháng 12, 2010 nói...

Em nghĩ do cách giáo dục thôi hà anh. Chứ em đi học 4 năm ở đây em thấy mình cũng không đến nổi để tụi trắng nó kỳ thị: con này sao ngu quá, làm biếng quá.

Nếu nền giáo dục của mình cải cách 1 chút, dạy cho các bạn nhỏ tư duy rộng 1 chút, dạy cho các bạn nhỏ văn minh 1 chút thì dần dần thế hệ trẻ sẽ thay đồi anh ah, và quan trọng là người lớn phải làm gương nữa.

Em có lạc quan quá không anh?

Hậu Khảo cổ on lúc 21:47 14 tháng 12, 2010 nói...

Mong mãi mới gặp tiêu đề "người Việt xấu xí" :)

LU on lúc 21:52 14 tháng 12, 2010 nói...

anh Thụy : hoàn toàn đồng í với anh. Em làm việc môi trường đa sắc dân nên em biết dân Việt mình rất chi là thiếu tình đoàn kết. Người Hoa đứng số 1 về tình tương trợ cộng đồng, người Nhật, Ấn, và Phi cũng thế.

L2C on lúc 22:36 14 tháng 12, 2010 nói...

Sao khả năng làm việc nhóm kém mà lúc đi mua chứng với vàng, chẳng ai bảo ai mà làm cứ như là bàn bạc ăn ý lắm ấy nhỉ

Titi on lúc 22:52 14 tháng 12, 2010 nói...

@CHị Hậu: é, người Việt ngày xưa có xấu như bây giờ hong chị :-P

Cao Thành Long on lúc 08:42 15 tháng 12, 2010 nói...

OK. Cái chủ đề này thật trùng hợp khi tớ đang xem trọn bộ 3 quyền: Văn hóa, tín ngưỡng và thực hành người việc của cha thừa sai Leopld cadiere. Ông viết từ khá lâu rồi! Những vấn đề này ông đã đề cập đến ở trong tập 1 của bộ sách này. Hy vọng bộ sách này sẽ trả lời cho thắc mắc của Titi. Trong bộ sách này còn khá nhiều điều thú vị khác về người việt.

Cao Thành Long on lúc 09:53 15 tháng 12, 2010 nói...

Xin lỗi! Tên sách đúng phải là: Văn hóa, tín ngưỡng và thực hành tôn giáo người Việt. Tác giả Leopld cadiere, bản dịch: Đỗ Trinh Huệ, NXB Thuận Hóa.

Đăng nhận xét

 

VMC Copyright © 2009 | Power by Blogger | Template redesigned by Lý Minh Triết