17/12/10

MẶT KHÁC CỦA VÒNG NGUYỆT QUẾ



HỒNG PHÚC

Có một điều lạ ở nước mình, là các cơ quan từ trung ương đến địa phương đều có bộ phận thi đua khen thưởng, như ban thi đua khen thưởng, phòng thi đua khen thưởng, cán bộ thi đua khen thưởng. Tất cả đều hoạt động rất rầm rộ. Ở nước khác không thấy có.

Và một điều lạ khác, các cuộc thi về sắc đẹp, danh hiệu bề nổi như doanh nhân giỏi hay giọng hát hay… ở nước ta cũng rất nhiều. Ngành nào, nghề nào, cơ quan nào cũng có các cuộc thi thường niên. Và đến cơ quan nào bạn cũng sẽ thấy có những tủ kính trưng bày la liệt các loại thành tích như vậy.

Vị cán bộ phòng thi đua khen thưởng của một bộ cũng có lần nói rằng quanh năm anh phải đi đến các đơn vị ở địa phương để làm thủ tục trao bằng khen, giấy khen và những danh hiệu hàng năm. Phòng anh có bốn người mà làm không hết những việc liên quan đến thi đua khen thưởng ở bộ mình. Anh khẳng định ít có đất nước nào nhiều… giải thưởng như nước mình.

Chưa có thống kê nào cho biết nước ta có bao nhiêu giải thưởng. Song, các loại giải cũng có sự “phân biệt” rõ nét. Một vị lãnh đạo công ty chuyên tổ chức sự kiện cho biết những sự kiện như thi học sinh giỏi hay thi tài năng về khoa học, thi tay nghề thường bị các công ty tổ chức sự kiện từ chối vì rất khó tìm được tài trợ. Trong khi các cuộc thi sắc đẹp hay âm nhạc thì lại được tranh nhau tổ chức. Mới đây, lãnh đạo một ngân hàng thương mại bỏ ra một tỉ đồng để được trao vương miện cho hoa hậu. Chuyện này không ai ngạc nhiên, nhưng điều đó chẳng bao giờ xảy ra với các em học sinh giỏi, một người thợ yêu nghề hay các tấm gương khuyết tật.

Thực ra, chạy theo thành tích không xấu, chỉ nguy hiểm nếu ta chạy theo những tiêu chí sai để đo thành tích đó. Nếu người ta làm mọi cách để đẹp hơn, để hát hay hơn cũng không xấu. Mà chỉ đáng buồn rằng hình như người ta đang chú trọng đến việc đó nhiều hơn thay vì cố một chút để nhiều tri thức hơn hay học làm sao để trái tim đầy hơn tình yêu thương và sự thông cảm với nhau trong cộng đồng.

Khi có một thành công thì đó đã là phần thưởng quý giá nhất cho bản thân người đạt được. Giá trị của một con người không phải và không nên được đánh giá duy nhất từ cái huy chương hay vòng nguyệt quế.

Đã có những hoa hậu nói không mong nhận được vương miện dù sự thật thì các cô đã nhận. Nhưng người ta thấy rằng có những vòng nguyệt quế đeo theo quá nhiều gánh nặng và sự mất mát, lấy đi niềm vui riêng và những nỗi buồn giản dị, tình yêu và cả sự độc lập của một con người. Đã có nhiều vương miện được trao nhưng những hạt kim sa lấp lánh đã không rọi hết những góc khuất của đời người.

Tôi tin có những vẻ đẹp không ngát hương mà chỉ như thứ hương thầm đêm khuya. Có những thứ vương miện không bao giờ được đính kim sa hay đá quý, và cũng không bao giờ được trao. Đó là nụ cười của đứa con có điểm cao khi đi học bằng giọt mồ hôi cha mẹ, là nụ cười của người trồng khi cây trái trổ bông, là vòng tay của bé con khi tan trường… Nếu ta nói về những điều đẹp nhất và tươi mát nhất trên đời này chắc chắn không ai trả lời rằng đó là hoa hậu và vương miện.

Vòng nguyệt quế có ý nghĩa gì trong đời người dự thi? Trong hàng vạn người, chỉ có một vài người đoạt vòng nguyệt quế, vinh quang ấy liệu có đủ sức đánh thức những vòng nguyệt quế khác trong cuộc đời của nhiều người và chính bản thân nhà vô địch ấy?

Nguồn:
Mặt khác của vòng nguyệt quế



6 comments:

bbblog on lúc 21:45 17 tháng 12, 2010 nói...

Chào bạn, mình là blogger mới trên blogspot này, rất vui được làm quen!

http://baoblog.net

LU on lúc 22:01 17 tháng 12, 2010 nói...

He he, dân tộc ta thông minh nhất thế giới, dân tộc ta là dân tộc có nhiều bằng cấp nhất thế giới, dân tộc ta là dân tộc cái gì (...) cũng nhất thế giới ;))

Thuy Dam Minh on lúc 22:11 17 tháng 12, 2010 nói...

Bài hay quá em ạ! Cảm động nữa, đọc đoạn này, anh thích cực kỳ, và nhớ tới biết bao tấm gương mình đã từng gặp và cảm phục "Tôi tin có những vẻ đẹp không ngát hương mà chỉ như thứ hương thầm đêm khuya. Có những thứ vương miện không bao giờ được đính kim sa hay đá quý, và cũng không bao giờ được trao. Đó là nụ cười của đứa con có điểm cao khi đi học bằng giọt mồ hôi cha mẹ, là nụ cười của người trồng khi cây trái trổ bông, là vòng tay của bé con khi tan trường"

L2C on lúc 08:20 18 tháng 12, 2010 nói...

Mẹ Phúc viết hay quá.

Đồng ý là nhà mình đang tôn vinh những cái rất bề nổi, bỏ qua những giá trị thực sự.

Titi on lúc 10:21 18 tháng 12, 2010 nói...

@DMT: đá quí có tội gì đâu anh. Cái chết nhất là con người không dám sống với bản chất thật của mình. Yếu kém, xấu xấu, nghèo nghèo gì thì cũng là tôi, chẳng việc gì tôi phải giỏi, phải đẹp, phải giàu như bạn. Tôi yếu cái này nhưng tôi sẽ mạnh cái khác. Một người tự tin, dám sống đúng với bản thân mình chính là một vẻ đẹp sống động, một vòng nguyệt quế vô hình trên trán người ấy :-)

Unknown on lúc 17:59 18 tháng 12, 2010 nói...

Hic, tại sao dân mình lắm giải thưởng thế rồi mà vẫn bị bênh ham thành tích, sĩ hão tại sao tại sao và tại shaooooooooo :))

Đăng nhận xét

 

VMC Copyright © 2009 | Power by Blogger | Template redesigned by Lý Minh Triết