28/7/07

HÀNH TRÌNH TRỞ VỀ



Lần nào về nước, anh cũng chỉ loanh quanh Sài Gòn, Vũng Tầu, Đà Lạt, Nha Trang... Đi xa nhất cũng chỉ đến Huế. Ở đó có ngôi nhà thờ tổ, anh là cháu đích tôn nên phải làm tròn bổn phận của mình. Hơn nữa anh cũng muốn xin tổ tiên phù hộ độ trì cho vợ chồng anh ăn nên làm ra và con cái học hành đến nơi đến chốn nơi đất khách quê người.

Anh không muốn đi Hà Nội. Cứ mỗi lần có ai nói: "Đi Hà Nội chơi đi!", thì một suy nghĩ thâm căn cố đế lại len lỏi vào đầu óc anh: Hà Nội ở chiến tuyến bên kia! Những hình ảnh hãi hùng của chuyến vượt biển bỗng chốc ùa về, khiến anh cảm thấy ngột ngạt... Không, anh sẽ không đi Hà Nội! Cái cảm giác ngạt thở này sẽ hành hạ anh chết mất trong suốt chuyến đi cho mà xem.

Và anh luôn kiếm cớ không đi. Mặc dù ở Hà Nội, anh có hẳn một ông cậu ruột là đạo diễn điện ảnh nổi tiếng. Gia đình anh có dòng dõi hoàng tộc triều Nguyễn. Chiến tranh đẩy đưa đã chia cắt gia đình sang hai bờ chiến tuyến. Phía bên nào cũng có người làm to. Ông bác anh là cựu đại sứ của Việt Nam cộng hòa ở nước ngoài. Còn ông cậu anh, thì đấy, là một trong những đạo diễn xuất sắc nhất của điện ảnh Bắc Việt.

Anh vượt biên tới 4 lần. Cứ mỗi lần bất thành bị bắt, thì chỉ dăm bữa nửa tháng sau lại thấy ông cậu gầy gò từ Hà Nội vào, đến trại bảo lãnh cho anh về. Ông chẳng lên lớp chính trị gì mà chỉ xót xa ôm lấy anh: "May mà con bị bắt. Cậu sợ con bỏ xác trên biển. Con đừng bao giờ đi nữa nhé!".

Lúc đó, anh chỉ muốn nói thẳng vào mặt cậu rằng chính vì các ông mà tôi phải đi. Nhưng thấy ông lặn lội vào tận đây đón anh ra, nên anh cố nhịn.

Lần thứ 4 anh đi thành công. Nhưng cái sự thành công sau hành trình vượt biển thật kinh hoàng ấy khiến anh hiểu phần nào câu nói của ông cậu. Nhưng anh lại tự nhủ thầm: "Máu mủ ruột rà thì cũng phải nói được một câu tử tế. Chứ ai biết được các vị Vi Xi (VC - Việt cộng) thực bụng nghĩ gì!". Đối với anh, thì Vi Xi đã tước đoạt những gì được coi là đẹp đẽ nhất.

Lần này về Việt Nam, anh vẫn không có ý định ra Hà Nội. Nhưng tình cờ nói chuyện với một người bạn, anh biết được ông cậu vừa trải qua một trận ốm thập tử nhất sinh. Anh nhớ lại hình ảnh ông gầy gò, quần áo bạc phếch, đầu tóc đầy bụi đến trại tạm giam bảo lãnh cho anh. Ông chẳng giống những đạo diễn, minh tinh Sài Gòn mà anh thấy trên màn ảnh vô tuyến chút nào. Lúc đấy anh đã nghĩ: "Thằng cha Vi Xi làm bộ làm tịch!".

Anh nói với vợ: "Mình ra Hà Nội thăm cậu chút nghe em. Kẻo lần tới về cậu không còn thì lại ân hận cả đời". Vợ anh lặng lẽ gật đầu.

Họ ra Hà Nội đúng vào cao điểm nắng nóng tháng Sáu. Cái ngột ngạt oi bức ẩm ướt này anh chưa thấy ở bất cứ đâu anh đã đặt chân tới. Một cảm giác thật lạ lẫm. Việt Nam thì đúng là Việt Nam, nhưng rõ ràng không phải là Việt Nam mà anh từng biết. Khó thở thực sự!

Đoạn đường từ sân bay Nội Bài về thành phố khiến anh hơi thất vọng. Nhà cửa thấp lè tè, đường cao tốc đầy xe máy và người đi bộ. Xe chạy với tốc độ rùa bò. Nhưng khi vào đến nội đô, nhìn những ngôi biệt thự từ thời thuộc địa, những đường phố hẹp rợp bóng cây... anh bỗng thấy cuốn phim đen trắng về Hà Nội mà anh được xem từ thời còn học đệ tam hiện trở lại rõ nét.

Xe đỗ ở phố Hàn Thuyên. Cậu anh ra tận xe mở cửa đón cháu vào nhà. 25 năm đã trôi qua kể từ ngày cậu cháu gặp nhau lần cuối cùng. Chàng trai trẻ là anh giờ đây đã trở thành người đàn ông trung niên bụng phệ trán hói, còn cậu anh thì vẫn gầy guộc như thuở nào với chòm tóc trắng lơ thơ bay phất phơ như một ngọn lau bị gió táp.

Anh ôm lấy cậu. Tự nhiên nước mắt trào ra. Ông đã lo anh chết trên biển, giống hệt như hôm qua anh đã lo ông chết mà anh không được gặp mặt. Thế mà 25 năm trước, anh đã suýt phỉ nhổ vào nỗi lo của ông. Cậu ngước nhìn anh: "Nếu không biết tin cậu ốm, chắc chẳng bao giờ con ra Hà Nội đâu nhỉ?". Anh cười ngượng nghịu như một đứa trẻ...

Bữa tối dọn ra với toàn những món ngon Hà Nội. Anh ăn ngon lành và thấy rõ ràng là mọi giác quan của anh đều đã được huy động để thưởng thức bữa ăn này.

Cơm nước xong, cậu anh nói: "Mấy tháng trước thì cậu ốm lắm. Nhưng bây giờ khỏe rồi. Ngày mai cậu sẽ đưa hai con đi Hạ Long, dẫn các con đến những nơi mà chỉ có đạo diễn điện ảnh như cậu mới biết".

Hạ Long khiến anh choáng váng. Những cảnh mê hồn mà anh nhìn thấy trong "Đông Dương" hay những đoạn clip quảng cáo đều không thấm vào đâu so với những gì mà anh nhìn thấy theo chỉ dẫn của cậu. Ông chép miệng: "Phải chi thuê được cái trực thăng, con sẽ thấy Hạ Long còn tuyệt diệu hơn nhiều".

Hai ngày ở Hạ Long trôi đi như trong mơ. Trở về Hà Nội, anh nói: "Cậu à, mai con đi Văn Miếu, nhưng con muốn đi một mình. Cậu ở nhà nghỉ ngơi cho khỏe". Ông hiểu, anh muốn có cảm giác riêng, không phụ thuộc vào góc nhìn và sự thuyết giảng của ông.

Văn Miếu vẫn rêu phong cổ kính. Chỉ sau một bức tường mà Văn Miếu tách biệt như một ốc đảo, mát mẻ và yên tĩnh... Đại Trung Môn, Khuê Văn Các, giếng Thiên Quang, Bái đường, Thượng cung... tất cả những điều anh biết từ thời còn đi học vẫn còn nguyên đó, thân thuộc đến nhức nhối. Chao ôi, ta đã đi đến tận nơi nào của thế giới mà sao đến tận khi quá nửa đời người mới đặt bước đến đây...

Anh nhìn thấy những cô cậu trẻ măng đến sờ đầu rùa đỡ bia tiến sĩ. Một cô bé vui vẻ giải thích: "Cháu sắp thi đại học, sờ đầu cụ rùa để lấy may chú ạ". Anh hỏi: "Thế chú sờ thay cho con chú có được không?" - "Chắc là được thôi", cô bé cười, giọng Hà Nội trong trẻo: "Nhưng chú bảo bạn ấy đến đây là tốt nhất. Thực ra thì không được phép sờ vào đầu rùa và bia tiến sĩ đâu, nhưng đến thắp hương cũng được mà!".

Ba ngày ở miền Bắc trôi qua rất nhanh. Những hoài nghi, những mặc cảm, những định kiến của anh về Hà Nội, về những ông bà Vi Xi đã bị những gì mắt thấy tai nghe đánh cho tan tành. Những người mà anh gặp chẳng mảy may quan tâm anh là ai, đến đây làm gì. Họ xử sự với anh như với bất kỳ một người Việt nào khác. Anh biết chắc chắn rằng người Hà Nội đã quên hẳn hận thù trong quá khứ.

Nhưng điều quan trọng là những ký ức xưa cũ trong tâm hồn anh đột nhiên sống lại, nhắc nhở anh rằng anh thuộc về đất nước này với cái thế giới lạ lẫm mà thân quen mà anh vừa tìm lại được.

Câu nói "Chú bảo bạn ấy đến đây là tốt nhất!" đánh mạnh vào tiềm thức của anh. Con anh không về nước lần này. Nhưng sang năm nó sẽ về, nhất định anh sẽ đưa nó đến đây.


Free counters

1 comments:

Le nói...

bài viết rất hay, rất cảm động. Cám ơn tác giả. Vết thương lòng của người Việt phải được hàn gắn thôi, thời gian có chờ đợi ai đâu. 30 năm rồi, 30 năm nữa, đời người có bao nhiêu cái 30 năm như thế để mà hận nhau

Đăng nhận xét

 

VMC Copyright © 2009 | Power by Blogger | Template redesigned by Lý Minh Triết