7/7/07

GIỌNG NÀO CŨNG LÀ GIỌNG CHUẨN


Công nhận giọng Hà Nội là chuẩn nhất. Tuy nhiên “chuẩn” là một từ rất chủ quan. Cách đây 50 năm ở nước Mỹ, có rất ít người da màu được mời dẫn chương trình trên truyền hình. Khi đó, các sếp của những kênh lớn cho rằng giọng của họ - chưa kể đến màu da! – là…không chuẩn.

Thế còn bây giờ tình hình đã rất khác. Người Mỹ đã phát hiện ra thế mạnh của “giọng da màu”, và bây giờ bao nhiêu là ngôi sao “sô-cô-la” đang dẫn hoặc xuất hiện đều trên các chương trình phát sóng toàn quốc – Oprah Winfrey, Will Smith, Xzibit,… Tình hình đã thay đổi đến mức nhiều người da trắng đang cố gắng để bắt chước giọng người da màu (Eminem, v.v.…), cho nó “chuẩn”

Ở nước Canada của mình, giọng buồn cười nhất là giọng Newfoundland – một hòn đảo nằm cách bờ biển đông hơn 100 km. Có lẽ chính vì giọng “đặc biệt” của họ nên nhiều diễn viên và nhà phê bình chính trị Newfoundland đã rất thành công ở “thị trường truyền hình trung ương”. (Người ta hay đùa nhau, cuộc nói chuyện ngắn nhất Canada chỉ gồm 2 từ Newfoundland: “Arn? Narn!” Dịch sang tiếng Việt là “Chào các bạn. Các bạn ơi, ở đây có nhiều cá không? Dạ, không nhiều cá đâu bạn ạ, thôi đi!)

Xu hướng là thế - truyền hình ngày càng đón nhiều giọng nói khác nhau. Và Việt Nam cũng sẽ theo xu hướng đó thôi. Theo mình đoán, 15 năm tới đây, sẽ có rất nhiều giọng khác nhau “ùn ùn” kéo vào các chương trình phát sóng trên VTV, VTC, VTX. (Truyền hình trung ương nhé, mình không nói đến tryền hình địa phương đâu.)

Có thể sẽ có một talk show nổi tiếng được một chị người Huế dẫn. Có thể sẽ có một chương trình hài kịch (kiểu Gặp nhau cuối tuần) toàn là người Tây Nguyên diễn. Có thể bình luận viên bóng đá nổi tiếng nhất Việt Nam sẽ là người Đà Nẵng. Có thể Tôi Yêu Việt Nam sẽ được thực hiện với giọng nói của một anh chàng Ba Vì – “Các ban ơi, hay dưng lai khi thây đen giao thông mau vaaaaaaaang!”

Lý do của những sự thay đổi này, cũng như lý do của nhiều sự thay đổi khác, sẽ là tiền. Tiền và sự cạnh tranh. Bây giờ ở Việt Nam một chương trình giải trí “không hot lắm” vẫn có thể tồn tại được. Nhưng tương lai sẽ rất khác.

Muốn tồn tại thì phải có tiền. Muốn có tiền thì phải thu hút quảng cáo. Muốn thu hút quảng cáo thì phải thú vị. Muốn thú vì thì phải nổi bật. Muốn nổi bật thì phải khác các chương trình khác. Muốn khác các chương trình khác thì…Vầng, thưa qủy vì, xin mời giỏng Huể….

À, có một trường hợp ngoại lệ là thời sự. Không biết vì sao, nhưng những ai mà đọc thời sự trên truyền hình trung ương phải có giọng chuẩn. Từ giờ đến mãi mãi trên các kênh phát sóng toàn quốc, giọng thời sự vẫn sẽ là giọng Hà Nội.

(Bài của Joe, đăng trên Lao Động cuối tuần, ngày 6.7.07)

Blog counter

0 comments:

Đăng nhận xét

 

VMC Copyright © 2009 | Power by Blogger | Template redesigned by Lý Minh Triết