21/10/10

GẮN CHIP CHO THỢ MỎ


Một trong 7 thợ lò bị vùi lấp được cứu thoát ở Xí nghiệp Tây Khe Sim (ngày 10.8.2008)

Ngô Mai Phong

Đến hôm nay, sự kiện giải cứu thành công 33 thợ mỏ Chile vẫn là đề tài nóng bỏng trong những câu chuyện bên lề Hội nghị kiểm điểm công tác ATLĐ của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản VN ngày 19.10 họp tại TP.Hạ Long - thời điểm mà lòng đất đã lại chứa đầy các túi nước mới mỗi khi mùa mưa phía bắc đã kết thúc.

Ở độ sâu gần 700m trong suốt hơn 2 tuần khi chưa liên lạc được với mặt đất, nhưng những người thợ mỏ Chile vẫn sống an toàn bởi hai điều kiện: 1- Kết cấu địa tầng của mỏ đồng nhìn chung chắc chắn và ổn định; đặc biệt là không có hai loại khí cực kỳ nguy hiểm là cácbon (CO) và mêtan (CH4). 2 - Quy hoạch và thiết kế của hệ thống lò khai thác ở đây hết sức chuẩn mực và mạch lạc. Bằng chứng là chỉ cần một mũi khoan nhanh chính xác, lực lượng cứu hộ đã kịp thời cung cấp thực phẩm, thuốc men, nước uống đủ cho những người bị nạn duy trì bền bỉ sức đề kháng cho đến khi công việc giải cứu kết thúc.

Đối lập với điều kiện tự nhiên và khả năng công nghệ của loại mỏ này từ phía bạn, sản xuất than hầm lò tại VN luôn phải đối mặt với rất nhiều bất lợi: Địa tầng không ổn định; khí độc và khí nổ luôn luôn tiềm ẩn, nhiều nơi dày đặc. Chỉ cần ngừng hoạt động thông gió hoặc bơm nước một vài giờ đã có thể dẫn tới hiểm họa.

Trong khi đó, công nghệ khai thác của TKV hiện nay mặc dù đã nỗ lực gần suốt 10 năm qua, vẫn chưa đạt tới hiện đại hóa đồng bộ. Không năm nào khu vực sản xuất hầm lò của TKV không xảy ra TNLĐ chết người, mà nguyên nhân đầu tiên phần lớn đều thuộc về ý thức kỷ luật của người thợ và sự thiếu trách nhiệm của người quản lý trực tiếp họ. Sau nữa là sự lạc hậu hoặc không đồng bộ về công nghệ.

Đã có nhiều giải pháp an toàn được áp dụng, nhưng dường như lại bỏ qua những điều đơn đơn giản nhất: Thiếu mạng lưới camera giám sát các đường lò sản xuất; không có chíp điện tử xác định vị trí làm việc của mỗi thợ lò; dự trữ thực phẩm, nước uống hoặc phương tiện sơ cứu tối thiểu để ứng phó với các tình huống xấu trong điều kiện sản xuất luôn bất lợi cũng không được tính đến. Một giám đốc mỏ bình luận: “Nếu rơi vào trường hợp của các thợ mỏ Chile, có lẽ chúng ta không hy vọng được quá ba ngày. Bởi vì chúng ta y hệt nhà “Thạch Sùng” - toàn lo những điều to tát nhưng lại không tính đến tới “mẻ kho”.

Hiện tại, năm 2010 - TKV đang chi tới 700 tỉ đồng cho mục tiêu bảo đảm ATLĐ. Đây không hề là một con số nhỏ. Điều quan trọng là đặt các khoản đó vào đâu. Trong hoạt động cứu hộ, TKV đã từng cứu sống cùng lúc hàng chục thợ lò của hai mỏ Mông Dương và Tây Khe Sim những năm vừa qua, trong điều kiện gần như thủ công. Tuy nhiên, cũng không ít những bài học cay đắng. Và sự cay đắng nhất là khi đã vào tận hiện trường sự cố, lực lượng cứu hộ vẫn không biết những người anh em của họ ở đâu. Với quy mô hầm lò và sức đầu tư hiện nay, TKV hoàn toàn có thể tập trung khắc phục được ngay những sự tối thiểu đang thiếu hụt.

Vâng, hoàn toàn có thể. Bởi vì thêm một hệ thống camera giám sát; thêm một cụm đồ ăn, nước dùng dự trữ và con chíp điện tử cho mỗi thợ lò, đâu có quá khó khăn.

Nguồn:
Chíp điện tử cho thợ lò - tại sao không? - LAO ĐỘNG

Entries liên quan:
MÙA HÈ KHẮC NGHIỆT
TINH VÂN
VÔ DANH 14
ĐẠI TANG Ở MẠO KHÊ - BÀI BÁO CŨ ĐỌC LẠI



3 comments:

Titi on lúc 08:26 22 tháng 10, 2010 nói...

Anh Phong viết báo khác hẳn viết thơ. Chi tiết, sắc sảo nhưng dễ hiểu và ...không có phụ nữ. Hì...

LU on lúc 10:10 22 tháng 10, 2010 nói...

An toàn trong lao động rất quan trọng, chỉ cần sơ xẩy là sẽ dẫn đến hậu quả kinh khủng lắm. Vấn đề ko chỉ riêng giới chủ phải có trách nhiệm, mà ngay cả chính người nhân công cũng phải biết tự bảo vệ lấy mình.
Nhưng khổ nỗi là hầu như ít có nhân công nào chịu chấp hành chuyện này lắm anh ơi. Công ti em ra quy định nghiêm nhặt hầu tránh cho nhân viên những nguy cơ trong lao động, nhắc nhở liên tục, mở cả lớp training, và họ vào học phải ký tên đã hiểu.
Thế mà cả mấy trăm người chừng 1/3 là biết ý thức, còn lại cứ thả lỏng mặc kệ, vì cho rằng có gì thì hảng đền và công ti bảo hiểm chịu trách nhiệm.

Sáng nay trong công ti em có chuyện zui lém nhé, có 1 em Philipinio mới vào làm, em í cố chấp ko theo quy định phải mặc quần dài và áo smock khi vào khu vực sãn xuất. Ẻm mặc mi-ni xì-kớt, mang boots đi ưỡn ẹo vào khu vực đang sửa chữa máy móc.
Mí thèng ku tech ngừng làm việc huýt sáo tưng bừng. Ku phó tổng đang chủ trì meeting, nhìn ra cửa kính thấy bà con nhốn nháo hắn phi ra ngay túm ẻm lại và xài xể một tràng rằng, còn tái phạm sẽ cho em í ra cửa ngay.
Hắn trị em í cho đúng luật, nhưng chính hắn lại mắc một lỗi lớn. Đang họp với nhân viên mờ bỏ chạy ra khỏi phòng họp là sai nguyên tắc. Phí phạm thời gian bắt các nhân viên khác ngồi chờ hắn thi hành công vụ!

Thuy Dam Minh on lúc 10:46 22 tháng 10, 2010 nói...

Vụ này thì nhất thiết là phải ủng hộ cả hai tay rồi. Không chỉ gắn chíp, mà nếu làm thế nào để thợ mỏ, khi xuống lòng đất, phải được bảo đảm an toàn nhất là dứt khoát phải làm. Chuyện về thợ mỏ nhiều chuyện cảm động lắm. Anh Phong viết về đề tài này nhiều nhiều đi!

Đăng nhận xét

 

VMC Copyright © 2009 | Power by Blogger | Template redesigned by Lý Minh Triết