Hiếm có một tác phẩm văn học nào lại được công chúng chờ đợi để được xem phim chuyển thể như truyện ngắn “Cánh đồng bất tận”. Mà không chỉ công chúng, giới điện ảnh cũng nhấp nhổm chuyện làm phim tác phẩm này ngay sau khi nó được in. Nhà văn Nguyễn Quang Sáng, tác giả kịch bản nhiều phim danh giá nhất của Việt Nam thì nói: “Chuyện có, văn có, cảnh có, nhân vật rất đậm nét, chỉ còn có hình có nhạc nữa là xong bộ phim. Sẽ là bộ phim hay, tôi tin lắm”. Nguyễn Quang Lập thì kể: “Đọc xong cánh đồng bất tận, mình thấy ngôn ngữ điện ảnh đầy ắp. Chưa thấy tác phẩm nào mà người Nam bộ lại đẹp một cách đau đớn đến thế. Mình điện cho đạo diễn Thanh Vân, Vân bảo em mới đọc xong, chỉ mong đến sáng để gọi cho anh. Tuy nhiên, nó phải làm thế nào, làm bởi ai, nếu không khéo đó chỉ thuần tuý một câu chuyện thương tâm thì lại vứt”.
Thế nhưng, dường như chúng ta đã có một khả năng xấu nhất trong mọi khả năng có thể. Rơi vào tay một đạo diễn khác chúng ta cũng vẫn sẽ có một phim lấy nước mắt người xem như thế chứ không thể kém hơn (bằng chứng là bản chuyển thể kịch nói và cải lương truyện này cũng lấy nước mắt người xem đâu kém ?), nhưng chúng ta chí ít cũng sẽ có được những khung hình lặng lẽ cô đơn của chiếc xuồng giữa mênh mông đồng nước (ừ, lạ nhỉ, cả phim không có lấy được một khung hình nào như thế mà thay vào đó là những ầm ĩ của đám đông, của chợ búa làng xóm); chúng ta cũng sẽ có được cơn đau của người bố Út Vũ khi bò quanh con, cố tìm thứ đó gì để đắp lên cái thân thể rách bươm của cô con gái chứ không phải đứng lên rồi hét trời ơi !
Có quá nhiều việc phải làm, có quá nhiều chi tiết phải được thể hiện để dẫn đến các cao trào thế nhưng các nhà làm phim đã lại chọn một câu thoại để thay thế. Cậu bé trai Điền yêu cô gái điếm Sương là cả một quá trình chứa trong nó rất nhiều chi tiết vốn là sở trưởng của điện ảnh, thế nhưng đạo diễn đã cho qua tất cả, không một chi tiết nào được mô tả. Để chuẩn bị cho cảnh Điền ôm chiếc áo lót của Sương mà hôn, không một chi tiết nào được nói đến ngoại trừ câu thoại của Sương: “Chị biết là em yêu chị”!
Những chi tiết ký ức về người mẹ của đứa con gái đâu rồi để chỉ còn lại mỗi một câu thoại “Em nhớ mẹ !”. Cũng vậy, để kéo được người mẹ cạn lòng lên giường lão bán vải cũng chỉ buông độc một câu tán tỉnh trong khi trong truyện và cả trong bài học điện ảnh cơ bản nhất thì đó là đất dụng võ của ngôn ngữ điện ảnh, đó là chỗ điện ảnh tung hoành mà không loại hình nghệ thuật nào có được ưu thế như nó.
Thay vào những chi tiết cần phải có với một tác phẩm điện ảnh đúng nghĩa thì các nhà làm phim lại dành quá nhiều thời lượng cho những pha rên rỉ, đau đớn và khóc lóc. Bị đòn ghen, Sương rên than dài quá, đến sốt cả ruột. Lúc bỏ đi Sương cũng khóc đến là lâu, khóc uất ức, đau xót như mất mát hoặc oan ức nào đó trong khi lẽ ra đó là nước mắt của sự giận dữ trước sự tàn nhẫn của người cha lòng chứa đầy hận thù kia.
Cứ vậy, câu chuyện được kể vội vàng, như cố cho xong chuyện, lấy lời thoại thay cho vô số tình huống cần mô tả bằng hình ảnh.
Nếu nói về thành công nào đó thì thành công hoàn toàn thuộc về Nguyễn Ngọc Tư. Với một câu chuyện văn học như vậy thì chuyển thể sang kịch nói, cải lương, hát chèo gì đi nữa thì cũng lấy nước mắt khán giả một cách dễ dàng, làm phim thì nhà đạo diễn non tay thế nào đi nữa thì chắc chắn cũng sẽ khó mà tệ hơn những gì ta đã được xem. Nếu lấy những phát biểu như “Nước mắt đã rơi”, “khán giả hài lòng”, “tôi đã khóc qua từng khung hình”, “đẫm nước mắt qua từng cảnh phim”... để đánh giá tác phẩm thành công hay không thì kịch nói, cải lương cũng làm được vậy chứ không kém hơn, hoặc số lượng người xem đến rạp, thì cần phải nói rõ do chính vì số lượng người đọc “Cánh đồng bất tận” chứ đâu phải chỉ bản thân chất lượng phim ! Tác phẩm văn học đã chạm được đến những tầng sâu cảm xúc của ghen tuông, hận thù và cả yêu thương nhưng tác phẩm điện ảnh này thì không, nó chỉ còn là câu chuyện thương tâm không hơn không kém. Đó là chưa nói ý của nhà văn Nguyên Ngọc, đây không chỉ là cách đồng ở miền tây, ở Việt Nam mà là cách đồng của nhân loại, của thế giới bởi ở đâu cũng sẽ có những yêu thương đau khổ và hận thù như thế; đã không được bộ phim này chạm đến.
Dù biết thế nào là một tác phẩm điện ảnh hay là một điều rất khó có tiếng nói chung, giống như người thích ăn thịt gà còn người thì không, có cách hình dung truyện thế này nhưng cũng có cách hình dung truyện thế kia. Thế nhưng kiểu gì thì kiểu, đã là điện ảnh mà bỏ qua tất cả những sở trường của điện ảnh thì không thể bảo đó là tác phẩm hay được. Cao trào chính của phim để giải quyết, mở nút toàn bộ câu chuyện, cao trào khiến người cha phá sản một lối sống, một nỗi hận thù phụ nữ chính là trường đoạn Nương bị lũ côn đồ hiếp. Đọc truyện, chất điện ảnh đậm đặc qua mô tả của Nguyễn Ngọc Tư, nó lặng yên, thậm chí là im phăng phắc cho dù hoàn cảnh là sự la hét đau đớn. Nương trong truyện nằm lặng im nghe cơ thể bị xé toạc, nước mắt lặng im lăn ra vì nhớ đến mẹ, vì chợt nhận ra đó không phải là niềm hoan lạc, vì chợt nhận ra mình gọi Điền cứu chứ không gọi cha cho dù cha ở ngay bên cạnh.
Lẽ ra đó phải là một trường đoạn của lặng im, của những pha quay chậm như không gian và thời gian đã dừng lại, lặng im không một tiếng động trên những vẻ mặt đau đớn của Út Vũ, của cưỡng hiếp. Ở phim, thì đó chỉ là sự la hét, gào thét như bất cứ cuộc hiếp dâm rẻ tiền nào khác. Cái nằm bất động của Nương cũng là cái bất động của người bất tỉnh chứ không phải là sự ê chề của cả cuộc sống bất hạnh dồn nén đổ lên đầu cô gái 17 tuổi chưa kịp làm trẻ con, chưa kịp làm người lớn ấy. Biết đòi hỏi là vô lý khi các tác giả đã không thể chạm tới được những tầng sâu ấy của tác phẩm nhưng chúng ta vẫn có quyền tiếc. Đơn giản là vì chúng ta đã bị đánh cắp mất đề tài, mất cơ hội để xem một tác phẩm điện ảnh có quyền để hay với thế giới.
Chúng ta cũng tiếc cho những cánh đồng mênh mông của miền Tây không được vào phim. “Cánh đồng hoang” của Hồng Sến, “Mùa len trâu” của Nguyễn Võ Nghiêm Minh đi trước đã rõ là những cánh đồng mênh mông của người hận đời muốn xa lánh con người, thế nhưng ở đây thì chúng ta đã không được nhìn thấy cách đồng nào thực sự mênh mông không bóng người đó. Chiếc thuyền dường như cũng không phải là chiếc thuyền của những người nuôi vịt chạy đồng mà là thuyền của những thương hồ buôn hàng trên những kênh rạch miền tây. Phải chăng cần phải có con thuyền đủ chỗ cho diễn viên và đoàn quay phim hoạt động nên nó mới to đến thế. Sao những cảnh nội trong thuyền không vào phim trường thì mọi chuyện sẽ thật hơn không ?
Chưa nói phim đã có quá nhiều những hạt sạn đến... mẻ răng. Hải Yến ngồi mà lúc nào bàn chân cũng duỗi ra như các người mẫu tạo dáng để gây ảo giác cho cặp chân thêm dài; tay vuốt tóc đi dọc thân như một diễn viên múa thực sự; Út Vũ ngồi co một chân chưa thực sự giống như người nông dân ngồi; Tăng Thanh Hà vào vai người mẹ “như một clip ca nhạc” (bloger) .
Từ trường đoạn cảnh chôn vịt không khác gì phóng sự truyền hình trên VTV (bloger) chúng ta sẽ nhận ra phim quá nhiều khung hình trung cảnh. Phim hiện đại rất ít trung cảnh. Để nói không gian thì trung cảnh không chuyển tài được gì, để đặc tả nội tâm thì trung cảnh càng không. Ở phim CĐBT thì trung cảnh chiếm số lượng quá lớn, đã thế, tất cả góc máy được đặt trên chân, khuôn hình bất động , diễn viên xuất hiện hoặc bước vào bước ra để nói. Cụ thể nhất của phương pháp làm phim này là cảnh Điền bắt cá, khung hình bất động, Nương ở ngoài vừa chạy vào vừa gọi Điền ơi Điền hỡi, đến sát bên Điền và nói “Chị đi đến nhà bọn kiểm dịch rồi”. Thực tế cuộc sống đâu có vậy, Nương cách mấy bước chân sao còn gọi Điền ơi! Nương vẫn có thể đứng trên bờ ruộng nói cũng được chứ đầu cần phải chạy đến nơi!
Máy quay đặt trên chân, rồi pan, rồi lia, nhân vật bước vào, bước ra khung hình là cách làm của phim video và cả phim nhựa Việt Nam lâu quá rồi mà chưa có thuốc chữa. Hãy mở tivi vào kênh HBO mà xem có phim nào máy quay đặt trên chân hay không ? Không hoà nhập với thế giới ngay trong điều cơ bản nhất của điện ảnh là khuôn hình thì có lẽ điện ảnh Việt Nam đừng nghĩ đến chuyện giật những giải thưởng lớn của thế giới làm gì cho hy vọng nó thêm mỏi mệt. Hay nói cách khác, các đạo diễn Việt Nam hãy khăn gói đi học trở lại ở những trung tâm điện ảnh lớn của thế giới trước khi nuôi hy vọng về chuyện mang phim đi dự thi.
Ừ nhỉ, qua “Cánh đồng bất tận” mới thấy, tại sao ta hoàn toàn chưa có bất cứ một đạo diễn nào khăn gói sang Hollywood để học một cách tử tế các bài cơ bản nhất của ngôn ngữ điện ảnh, hoặc gần hơn như Hồng Kông để bắt chước những pha hành động sạch nước cản cho bà con xem đỡ xấu hổ. Tại sao vậy nhỉ ?
6 comments:
Bài này em đã đọc bên FB nhà anh My Lăng rồi. Em đọc được 4 bài rì-viu. Ba bài của đàn ông viết thì rất chuyên nghiệp, và phân tích chính xác. Còn 1 bài của nữ thì giống các bà đang tám theo kiểu lè phè sao cũng được, nên ko thể gọi là rì-viu.
Không nên đặt quá nhiều kỳ vọng vào một bộ phim ngắn… Xưa nay người phê bình chuyện người khác thì nhiều, còn người bắt tay vào công việc để người khác chê bai…ít lắm!
Tôi chưa xem “Cánh Đồng Bất Tận” trên màn ảnh (truyện & trailer thì đã xem qua), nhưng chỉ xin nói một câu: “Cám ơn đạo diễn & đoàn làm phim đã đem tác phẩm lên màn hình!”.
Có ai hay hơn thì làm bộ “New-Cánh Đồng Bất Tận” đi. Với tôi “Tây Du Ký – 1980s” vẫn để lại nhiều thiện cảm trong lòng khán giả hơn là bộ “Tây Du Ký – 2000s” với những kỹ xảo điện ảnh tân kỳ!
Son Le
Tôi chưa xem được bột phim này, chỉ mới xem các bài viết về bộ phim này và trailer của phim. Nhận xét đầu tiên của tôi là phim chỉ mới chú đến hình ảnh làm sao cho đẹp mà thôi. Rất nhiều trường đoạn thiếu tính thực tế của đồng đất nam bộ. Chắc chắn chẳng ai lại đi lùa bầy vịt đến một cánh đồng chỉ toàn là nước và..nước để nuôi? Một cánh đồng đầy có bàng "bất tận" cũng chẳng phù hợp với người nuôi vịt đẻ hay vịt đàn vì...lúa đến chỉ tổ làm mồi cho chuột, cho chồn, cha rắn.v.v.và tôi cũng tin chắc là chẳng ai lại nhảy xuống một tắm ở một lung sen cả...dù lung sen ấy nhìn thì thật đẹp. Híc...xuống đó tắm xong về ngứa chết!? Chưa tính tới ngó sen nó cắt cho ..tan nát mình mẩy luôn. Hic...phim có cảnh đẹp. Chỉ tiếc...
Cánh Đồng Bất Tận là phim tốt, trong bối cảnh hiện nay của phim Việt. Nói thì dễ, làm mới khó, có thể còn có vài hạt sạn trong phim (cũng dễ hiểu thôi) nhưng nói gì thì nói, nó là hiện tượng của phim Việt. Không phải thể loại giải trí mà khán giả đến rạp đông như thế, anh nghĩ là quá đáng khen rồi!
Phim là bước phát triển hoàn toàn riêng của sườn, cốt truyện, nhiều khi khác hoàn toàn với truyện gốc. Đó là quyền sáng tác của đoàn làm phim mà bất cứ tác giả truyện nào cũng nên hiểu.
Phim thực sự chẳng bao giờ nên tả chân. Muốn tả chân thì thưởng thức nhiếp ảnh thời sự thôi :-D
EM đã hẹn đươck khoảng 3 người cùng đi xem phim này. Ít nhất, người VIệt nên xem để đỡ định kiến về sự lạc hậu và kém cỏi của điện ảnh VN gần đây :-)
toi xem thay phim rat hay va cam xuc,co vai canh nong cung keo dai 1 ti thoi ma che het cho can che roi.dung la lam thay nhieu ma lam cha con kho lay chong
Đăng nhận xét