21/6/07

TÂM SỰ NGÀY NHÀ BÁO



Chúc mừng tất cả các nhà báo nhân ngày 21.6.

Chúc gia đình, bạn bè, người thân của các nhà báo tiếp tục yêu thương và tạo điều kiện để các nhà báo đi sớm về khuya làm trọn công việc của mình (bao gồm cả đi nhậu).

Chúc các nữ nhà báo không bị chồng cằn nhằn vì nấu trễ một bữa cơm hoặc không ở bên chồng vào đúng ngày chồng ươn người.

Chúc các nam nhà báo không uống lẹm vào nhuận bút mang về cho vợ con.

Chúc các độc giả tiếp tục đặt lòng tin vào báo chí.

Chúc tất cả chúng ta nhân ngày đặc biệt này.

Nhân đây xin copy vào entry này bài "Chạy sô kiểu nhà báo" đăng trên báo Thanh Niên số ra hôm nay. Một câu chuyện không mấy ăn nhập trong ngày vui này, nhưng lại là lời nhắc nhau tự tránh.

Ca sĩ đắt hàng thì sẽ chạy sô liên miên. Mỗi đêm có thể chạy đến mấy sô. Từng có thời gian báo chí tốn khá nhiều giấy mực để phê phán việc ca sĩ hát nhép. Tại sao lại nhép? Vì hết hơi. Chạy sô nhiều quá không còn hơi để hát nên đành phải nhép, vừa nhép vừa diễn xuất vờ như đang hát thực.

Khi những màn hát nhép bị phát hiện, ca sĩ bị la rầy um sùm. Rằng như vậy là không tôn trọng khán giả, không yêu nghề, không trung thực... khi bắt khán giả phải nghe máy hát chứ không được nghe người hát. Ai cũng đồng ý rằng ca sĩ không được quyền hành xử như vậy, hoàn toàn không thể chấp nhận được, vì việc này vi phạm tùm lum thứ. Đã là ca sĩ thì phải hát. Và càng được khán giả yêu thích thì càng phải hát hay hơn, phải trau dồi nghề nghiệp nhiều hơn để không phụ lòng ái mộ khán giả dành cho mình.

Có một nghề rất khác nghề ca hát nhưng vẫn có người chạy sô như điên: nghề báo. Nghe tưởng như giỡn mà lại thiệt trăm phần trăm: có một số nhà báo vẫn chuyên nghề chạy sô. Họ cũng bận rộn xếp lịch, xếp giờ, nghiên cứu vận trù học để vòng chạy của mình ít hao tổn năng lượng nhất nhưng lại đạt hiệu quả cao nhất: chạy sô đến các cuộc họp.

Khác với ca sĩ, nhà báo không bị buộc phải hát nhép, phải cười và đu đưa theo nhạc kiểu như đang hoạt động nghệ thuật. Họ ngang nhiên đi vào cuộc họp, đưa giấy mời và lấy phong bì, thủ tục quan trọng nhất trong mọi thủ tục, rồi họ cũng ghé vào ghế ngồi ít phút, cũng tỏ ra nghe ngóng tí chút, sau đó họ nháng qua nháng lại, diễn xuất vừa đủ để những người khác đều nhận ra sự có mặt của mình. Và rồi cuối cùng, họ lẳng lặng rút êm đến những địa chỉ khác, với những cuộc họp khác và những phong bì khác... Đó là hành trình rất quan trọng trong mỗi ngày làm việc của họ.

Có một loại nhà báo còn ghê gớm hơn, chẳng tốn công sức bước ra đường mà vẫn có thể chạy sô hữu hiệu bằng cách vận dụng một phương thức cực kỳ linh hoạt. Đó là những nhà báo có vai vế trong tòa soạn, và thay vì bỏ thì giờ chạy sô, họ hạ lệnh cho lính chạy sô thay mình. Lính của họ sẽ đến các cuộc họp, đưa giấy mời và ký nhận phong bì, nhưng thay vì rút cái tờ bên trong phong bì bỏ vào túi mình thì anh lính nhà báo cứ để đấy, mang về nộp "nguyên con" cho sếp.

Những cuộc chạy sô ngang nhiên và hoành tráng này vẫn đang tiếp diễn dài dài, và cho dù các đồng nghiệp của họ đều biết rõ nhưng mọi người thường tránh đụng chạm đến. Bởi về mặt đồng nghiệp, nó quá tế nhị. Tế nhị đến mức chính người đặt vấn đề sẽ phải đỏ mặt chứ không phải người được đề cập.

Thế nhưng, chẳng lẽ các nhà báo thường không khoan nhượng với các loại tiêu cực trong xã hội, lại tiếp tục lờ đi, ra vẻ không hề biết những chuyện-thường-ngày-ở-huyện trong chính giới cầm bút, ngay cả vào dịp 21.6?

Camera

Free blog counters

0 comments:

Đăng nhận xét

 

VMC Copyright © 2009 | Power by Blogger | Template redesigned by Lý Minh Triết