24/6/07

GIAO HƯỞNG ĐƯỜNG PHỐ



Đường phố Việt Nam giống như bản giao hưởng của những tiếng còi. Mỗi bản nhạc giao hưởng đều là sự kết hợp của nhiều nhạc công khác nhau, phải nhìn từng nhạc công một mới hiểu được toàn bộ cái quá trình sản xuất âm nhạc đó.

Và một buổi chiều gần đây, mình ra đường nghiên cứu và cuối cùng phát hiện ra 7 loại người bóp còi - gọi là "tay còi" cho ngắn - những nhạc công tạo nên bản giao hưởng phong phú này.

1. Tay còi "giả" - Những tay còi này rất khó chịu. Ví dụ, khi đang đi tương đối nhanh trên làn giữa đường, nghe tiếng còi ôtô rất lớn, có thể là xe buýt hoặc là taxi tải lớn, mình nhanh chóng chuyển sang làn gần vỉa hè - vừa lúc một thanh niên 17 tuổi tóc vàng vụt qua bằng xe Wave Alpha. Tay còi "giả" ấy đã tìm cách để cài còi xe buýt vào chiếc Wave bé tí của nó. Bực mình thật, cảm giác như mở hộp cơm to chỉ thấy một ít sợi bún và một hai con tôm nhỏ choắt.

2. Tay còi "khản" - Còi bị sử dụng quá nhiều đến mức không hoạt động nữa, bóp chỉ nghe tiếng "bíp yếu ớt" của một cái còi bị chứng viêm thanh quản. Có một điều buồn cười là nhiều tay còi khản vẫn cứ bóp còi như bình thường, và tỏ ra rất bực mình khi người ta không nghe và nhường chỗ.

3. Tay còi "suốt" - Bình thường người ta bóp còi nhiều lần liên tiếp, như kiểu bắn súng liên thanh. Tay còi "suốt" thì lại khác. Những người này chỉ bóp còi một lần nhưng kéo dài rất lâuuuuuuuuu, cứ để cho ngón cái "hôn" nút còi suốt từ khi ra khỏi nhà đến cơ quan. Vì vậy tay còi "suốt" rất dễ trở thành tay còi "khản".

4. Tay còi "đèn xanh" - Tay còi này chuẩn bị xuất hiện khi có một đám đông xe máy, ôtô... đứng đợi trước đèn đỏ. Tay còi này thường bị đứng sau rất nhiều xe khác, cách đèn giao thông tận 20 mét, nhưng chính xác vào cái lúc đèn đỏ chuyển thành xanh, hắn lập tức bóp còi liên tục, mặc dù mọi người ở phía trước quá biết đèn đã xanh rồi nhưng không có cách đi nhanh hơn. Tay còi này hâm.

5. Tay còi "điệu" - Tay còi này thay tiếng còi thành một giai điệu dài dài, như kiểu dân chơi hay thay tiếng chuông điện thoại thành một MP3 phổ biến nào đó. Những "giai điệu còi" này thường nghe rất "xiếc": Ba ba ba bi bi bi la la la la. Vì vậy nếu có mấy tay còi "điệu" đi qua cùng một lúc thì sẽ có cảm giác như đang ngồi uống nước ngọt xem một con gấu đi xe đạp nhỏ, màu đỏ.

6. Tay còi "quá muộn" - Theo logic thì bóp còi để tránh tai nạn xảy ra. Rất tiếc, tay còi "quá muộn" lại không theo logic đó. Nó đợi đâm vào xe khác mới bóp còi "ủn ỉn", như là muốn nói "tao không có tội đâu, máy cứ đi đi" - mặc dù người bị đâm mới là người có quyền tức giận. Kiểu này giống cách làm của một số cầu thủ bóng đá nổi tiếng: làm đối thủ bị vấp ngã, rồi mình tự vấp ngã, giả vờ đau.

7. Tay còi "không": - Đây là những người không dùng còi vì thích... kêu. Đối với họ, bóp còi là phí điện khi miệng của mình đủ to để khiến người đi đường sợ mà nhường chỗ. Những người này cũng có thể là kết quả của "tay còi suốt", và tiếp với "tay còi khản".

Tất nhiên cũng có những người gọi là "tay còi bình thường", bóp còi lúc cần thiết, không vội, không hâm, nhưng kể ra để làm gì. Phải hơi hâm mới nổi lên được chứ.

Bài của Joe đăng trên Lao Động cuối tuần ngày 22.6.07.

Free hit counters

0 comments:

Đăng nhận xét

 

VMC Copyright © 2009 | Power by Blogger | Template redesigned by Lý Minh Triết