Trong số hơn 60 cô cậu chập chững bước ra khỏi cánh cổng nhà trường năm đó, chỉ có một mình tôi gắn với nghiệp thể thao. Bởi đơn giản, tôi yêu nó!
Công việc này là tất cả niềm đam mê, những ấp ủ thuở thiếu thời. Làm phóng viên thể thao cũng thú vị lắm chứ! Có khi phải chạy hàng trăm km chỉ để hôm sau có một cái tin “50 chục chữ” trên mặt báo; lắm lúc phải thức đến tận nửa đêm để đợi kết quả tổng sắp huy chương của một kỳ đại hội; khi phải ăn mì gói “cắm cờ” ở cơ quan để trực chiến với các giải bóng đá thế giới cho ngày hôm sau ra bản tin nhanh, rồi những lần bị “sếp” la mắng vì không thể tiếp cận được với người cần phỏng vấn, những tai nạn nghề nghiệp…
Cuộc sống cá nhân của tôi bị đảo lộn. Gia đình tôi thắc mắc sao cả tuần chẳng thấy ngủ ở nhà; người yêu tôi ra yêu sách đòi “ra đi” nếu “Anh cứ bỏ bê em như thế”… Tôi đã thấm thía phần nào sự khắc nghiệt của nghề này như lời thầy tôi dặn. Nhưng tôi lại càng yêu nghề hơn…
Dần dà tôi dần không còn bận tâm tới việc tìm cho ra ý nghĩa của chữ “bạc” kia nữa. Lý là vì nghiệp báo đã trở nên không thể tách rời với tôi từ lúc nào không hay.
Tôi nhớ ngày “Phó tướng” Nguyễn Thành Vinh cùng các học trò giành vinh quang tại đấu trường SEA Games 22 làm nức lòng người hâm mộ, một tờ tạp chí nhờ tôi viết bài về người thầy xứ Nghệ. Tôi gật đầu và định sẵn trong mình dòng tít “Nỗi niềm phó tướng Nguyễn Thành Vinh”.
Qua bao nhiêu đời HLV ngoại ở cấp độ đội tuyển quốc gia, thầy Vinh vui vẻ đảm nhận vai trò HLV phó. Từ việc giúp các học trò thực thi giáo án đến việc tuyển quân, từ sắp xếp chỗ ngủ đến an ủi vỗ về cầu thủ khi xa nhà…, đó là công việc của những người trợ lý như thầy Vinh.
Nhiều thời điểm, bóng đá Việt Nam chưa tìm ra HLV trưởng, thì toàn bộ công việc đó được trao cho Nguyễn Thành Vinh một mình gánh vác. Những thành tích ở cấp CLB cũng như trên đội tuyển quốc gia, tuyển Olympic gắn mác Nguyễn Thành Vinh là điều không phải bàn cãi.
Cá nhân tôi rất quý thầy Vinh sau những lần gặp thầy để tác nghiệp. Không phải bởi những gì ông Vinh đã làm được cho bóng đá Việt Nam mà bởi cái đức của một người thầy. Tôi dám chắc không phải riêng tôi, mà rất nhiều người hâm mộ bóng đá Việt Nam cũng sẽ nghĩ thế.
Ngày báo lên khuôn, tôi có ý gởi tặng thầy bài viết đó nhưng mãi tới bây giờ tôi vẫn không thực hiện được bởi cả thầy và tôi đều rất bận. Thời gian cứ trôi đi mà hầu như chẳng có chút vương vấn nào cho ngày hôm qua. Tôi ở lại với nghiệp viết thể thao, còn thầy Vinh đã chuyển về dẫn dắt CLB mới. Cho đến một ngày…
Tôi nhận được tin báo: “Lên Đạt Đức gấp đi em, ông Vinh đang bị khởi tố bắt giam ở đó!” – khi đang ngồi dùng cafe sáng cùng một đồng nghiệp ở Sài Gòn. Những giọt nước màu đen của phin pha cafe vẫn đang chậm dãi rơi xuống ly nhưng 2 người khách đã rời khỏi quán, trực chỉ Đạt Đức – đại bản doanh của CLB Ngân hàng Đông Á Thép Pomina.
Thật khó để diễn tả cảm xúc của tôi khi đó: Vừa phải điều khiển chiếc xe một cách nhanh nhất và lại an toàn, vừa bồi hồi nghĩ tới cảnh bắt bớ, xót xa giống như hồi chúng tôi “đuổi” theo chiếc xe C14 của Bộ Công an trên đường quốc lộ trong vụ khởi tố tạm giam Giám đốc điều hành CLB này – ông Vũ Tiến Thành. Chúng tôi có mặt tại sân bóng Đạt Đức – Gò Vấp, chỉ 15 phút sau khi rời Trung tâm thành phố.
Đã từ lâu, nơi này trở nên rất quen thuộc với tôi sau những lần đến xem Đông Á thành phố tập, đến chơi bóng lưới với cầu thủ và cả đến để đá bóng trong những trận đấu phong trào nữa. Những lần ấy, không khí trong và ngoài cánh cửa ra vào rất náo nhiệt. Nhưng sao hôm nay nó lại vắng lặng thế.
Hai cánh cửa sắt cũ kĩ đã đóng sập trong thế “nội bất xuất ngoại bất nhập”, bởi trong lòng của nó Công an đang đọc lệnh bắt – khám xét người cận về già Nguyễn Thành Vinh vì những nghi án tới tiêu cực bóng đá.
Tôi tìm cách liên lạc với bên trong, và thật phũ phàng khi sự việc diễn ra giống hệt với trí tưởng tưởng của tôi. Chúng tôi vẫn phải đứng bên ngoài cánh cộng và chỉ 20 phút sau, đã có tới hơn 20 đồng nghiệp nữa xuất hiện. Cũng như tôi, đồng nghiệp đến đây để đưa tin, tác nghiệp.
Các phóng viên viết chịu chôn chân một chỗ đợi những người làm nhiệm vụ dẫn độ ông Vinh ra khỏi cánh cổng chết tiệt kia, trong khi những phóng viên ảnh phải leo lên sân thựơng của ngôi nhà cạnh trung tâm Đạt Đức để hy vọng có được những thước ảnh đầu tiên và đắt giá. Không khi giống hệt một điệp vụ săn bắt trong phim. Nhưng ngay lúc đó, tôi như cảm thấy lòng mình thắt lại.
Tôi muốn vào trong xem chuyện gì đang diễn ra. Suy nghĩ đó thoáng xuất hiện và tôi liền chộp lấy, dù biết rằng cơ quan điều tra không cho phép phóng viên tiếp cận hiện trường. Cuối cùng tôi “lẻn” được tới sát bên phòng thầy Vinh trong khuôn viên khu sinh hoạt của đội.
Phía bên này, các nhân viên điều tra tích cực lục lọi, bên kia ông Vinh đứng bất động. Ông chập rãi liếc từng đồ vật trong phòng qua cặp kính màu mà không một lời thanh minh hay giải thích. Mọi thứ đã vượt ra khỏi tầm kiểm soát của ông Vinh. Có thể lúc này ông đang muốn khuỵ xuống nhưng vẫn phải cố gượng.
Còn tôi có thể cảm nhận được dòng chảy của sự hụt hẫng trong lòng mình đang tuôn trào. Tôi buồn! Buồn cho một tượng đài của bóng đá Việt Nam đang phải chịu những khống chế, buồn cho cái nghề của tôi. Không ai muốn những điều tồi tệ. Bản thân nhà báo cũng không muốn phải viết những điều tồi tệ.
Đang mải mê theo dõi, tôi bị bảo vệ trung tâm phát hiện. Họ mời tôi ra ngoài nhưng những tưởng tượng về diễn biến trong căn phòng nhỏ kia của tôi không mất đi. Tôi lại giật mình. Bởi tôi đang tác nghiệp chứ không phải đến đây để chia sẻ.
Cánh phóng viên vẫn nóng lòng trực chờ bên ngoài cánh cửa sắt. Thấy tôi đi ra cùng bảo vệ, nhiều người hỏi tôi vào đó làm gì. Tôi cúi mặt, không trả lời. Tôi muốn được cảm nhận sự việc ở khía cạnh nhân văn chứ không muốn làm một con người lãnh cảm.
Buổi khám xét bắt bớ kết thúc lúc giữa trưa. Chúng tôi bám theo chiếc xe chở tầy Vinh suốt đoạn đường từ Đạt Đức về văn phòng phía nam Bộ Công an ở Q.1. Nhiều người vẫn tranh thủ đón trước đợi sau chiếc xe kính màu đen để chụp ảnh. Tôi lại cảm thấy lòng mình chĩu nặng.
Sao nghề báo lại khắc nghiệt đến thế! Ngày xưa thầy Vinh đem lại những quả ngọt hoa thơm cho bóng đá Việt Nam, báo chí đã không hề tiết kiệm những bài chia sẻ, động viên hết lời. Giờ thầy cay đắng, lại buộc cánh nhà báo chúng tôi phải “làm văn tả cảnh”. Tả về khuôn mặt ông Vinh lúc bị bắt, khi trên xe của cơ quan điều tra, thậm chí tả cả không khí của chính những người tác nghiệp như tôi buổi hôm đó.
Người cười, kẻ nói trông giống hệt như ngày hội chứ không phải chuyện mắt bớ một con người mà trước đó không lâu vẫn còn được ca tụng. Họ trao đổi thông tin, bàn tán về chuyện hậu trường và kể cho nhau nghe về những “phi vụ” của người ngồi trong chiếc xe bưng bít kính đen như thường nhật. “Sao họ vô tình thế?” – tôi lại tự hỏi.
Nhưng không thể khác được. Công việc của phóng viên thể thao là thế. Phải trung thực với ngòi bút và luôn giữ cái nhìn khách quan trong mọi thời điểm. Trở về toà soạn hôm đó, chẳng phải tôi cũng “làm văn tả cảnh” như bao người cộng sự khác đó sao?!...
Nằm nhớ lại toàn bộ sự việc, kể cả những lần chứng kiến cảnh bắt bớ nhiều nhân vật có liên quan tới tiêu cực trong thể thao trước đó nữa, tôi lại trở người thao thức. “Sinh nghề tử nghiệp”, câu nói của người đi trước đã có phần đúng trong trường hợp của ông Vinh. Con người đã cống hiến gần cả cuộc đời cho bóng đá thì lại đang bị chính thế giới đầy “ma thuật” của môn thể thao vua ruồng bỏ.
Ở đây tôi không đủ thẩm quyền để phán quyết “cái tử” của ông Vinh là chính đáng hay không chính đáng. Có thể một ngày, nghề báo cũng sẽ bắt tôi trong hoàn cảnh tương tự. Tôi sẵn sàng chấp nhận cái tử chân chính cho nghề.
Đến lúc này tôi đã phần nào thấm thía chữ “bạc” trong lời thầy tôi dậy ngày nào. Trong chừng mực nào đó, nó hàm ý sự bạc bẽo. Và nó đã, đang và sẽ “bạc” với chính bản thân tôi rồi!
(P/S: Kỷ niệm 82 năm ngày Báo chí cách mạng VN, tôi mạn phép post lại bài “Nghề bạc” (đã đăng trên Tạp chí Nghề Báo - Hội Nhà báo TP.HCM, tháng 12.2005), theo cái nhìn và sự liên tưởng rất riêng của tôi, không hàm ý chê bai hay định hướng các đồng nghiệp. Thanks!!!)
Ảnh: HLV Thành Vinh (đeo túi) chuẩn bị lên xe của công an về trại tạm giam.
0 comments:
Đăng nhận xét