20/6/07

KHI ANH LÀ FRELANCER


Xuân Bình hành nghề tại Nepal

Xuân Bình là một trong những nhà báo thành danh với ảnh báo chí. Thời gian gần đây, anh vẫn xuất hiện đều đặn với tư cách vừa viết bài vừa chụp ảnh. ẹt ai biết rằng, Xuân Bình đã chuyển sang làm nhà báo tự do - công việc phổ biến đối với báo chí nước ngoài, song lại còn khá mới mẻ ở Việt Nam.

*Anh đã có thâm niên làm báo 18 năm từ đài phát thanh huyện, thành phố đến Đài Tiếng nói Việt Nam và một số tờ báo của trung ương. Điều gì khiến anh quyết định chuyển sang làm nhà báo tự do cách đây 9 năm?

- Tôi phải cảm ơn số phận đã đẩy tôi - một gã giai tỉnh lẻ - vào nghề báo. Điều này chẳng khác nào tôi được ném cho một cái phao cứu sinh. Và theo đúng nghĩa đen của các ví von này, tôi phải vật lộn với nghiệp báo. Trước kia đam mê chủ yếu của tôi là chụp ảnh, mà chụp ảnh thì cần thời gian, nên không mấy toà soạn - đặc biệt là những tờ báo chuyên về thời sự - đồng ý cho phóng viên ảnh không đến toà soạn trong vòng 2 tuần để rong ruổi đi chụp. Hơn nữa, có một thực tế là không ít biên tập viên không có tư duy ảnh, không hiểu thế nào là một tác phẩm ảnh báo chí, nên thường chỉ đạo sai. Tôi là người luôn tôn trọng kỷ luật làm việc nên mỗi lần phải chụp những bức ảnh không đúng, thiếu sáng tạo và cảm xúc, tôi thấy không thoải mái. Thế là tôi quyết định làm "nhà báo ngoài quốc doanh", hay nói theo thời thượng là "freelancer".

* Vậy khi làm freelancer, anh có thấy được tự do hoàn toàn không?

- Làm nhà báo dù trong hay ngoài quốc doanh thì cũng phải tuân thủ pháp luật, đạo đức nghề nghiệp. Đó là điều chắc chắn. Lợi thế là tôi được làm chủ thời gian của tôi và được phép viết những gì mình yêu thích và bạn đọc cần. Phạm vi "bay nhảy" của tôi giờ không chỉ còn gói gọn trong nước. 9 năm qua, tôi đã lọ mọ đến được Châu Mỹ, Châu Phi, Châu Âu... Thú vị nhất là đã rón rén leo được lên Everest, thưởng thức sự ớn lạnh mênh mông thảm cát hoang mạc Gobi và ăn năn trên đường hành hương đất Phật...

Và mặc dù không còn phải tham gia vào các sinh hoạt nghiệp vụ tập thể, song cũng giống như bất cứ một freelancer nào khác, tôi vẫn luôn để cho tri thức phản biện, để cho trách nhiệm của nhà báo, trách nhiệm của người đàn ông có gia đình chất vấn. Tức là với từng sản phẩm báo chí, tôi phải nộp đủ thông tin, cảm xúc cho bạn đọc; nộp đủ thu nhập cho vợ; nộp đủ yêu thương cho những người đã "trót" thương yêu. Nói như thế để thấy làm nhà báo tự do cũng không hẳn là tự do hoàn toàn.

* Anh có nói tới các chuyến đi ra nước ngoài, tới những địa danh rất hấp dẫn đối với người làm nghề. Anh chuẩn bị cho các chuyến đi như thế nào?

- Mỗi chuyến đi đều phải được chuẩn bị công phu qua sự âm thầm tích cóp tư liệu về tôn giáo, văn hoá, kiến trúc, mỹ thuật - những đề tài tác nghiệp mà không cần thẻ nhà báo. Ví dụ chuyến đi Tây Tạng hồi 2006 của tôi thực ra được chuẩn bị từ sau chuyến xuyên Việt đầu tiên hồi năm 1992. Hay mãi tới năm 2002, tôi mới đi Singapore lần đầu tiên theo tour bốn ngày ba đêm, nhưng tôi đã bắt đầu ghi chép về đất nước này từ năm 1983 khi làm ở Đài truyền thanh Vĩnh Bảo, Hải Phòng. Mỗi đêm ở đảo quốc này, tôi chỉ ngủ hơn 2 tiếng và phải ghìm nén nhu cầu shopping để tác nghiệp. Kết quả là tôi đã viết được 17 bài sau chuyến đi ngắn ngủi ấy.

Trước khi đến vùng đất nào, tôi thường đọc trước những cuốn sách giới thiệu về nó. Tôi cũng sưu tập các loại bản đồ để định vị chỗ nghỉ, các tuyến đi trong ngày, các điểm để gặp nhân vật cần chụp, phỏng vấn...

Về phương tiện kỹ thuật thì đương nhiên phải chuẩn bị ở mức "thiện chiến" rồi. Nếu như phóng viên bình thường chỉ cần một máy ghi âm để ghi dữ liệu, thì freelancer như tôi cần thêm một máy ghi âm chất lượng cao đủ cho chương trình phát thanh. Vừa viết bài vừa chụp ảnh, nên cường độ làm việc là khá căng thẳng. Nhiều lúc cứ tự hỏi không biết người ngoài trông vào có thấy mình giống như dị thú không? Mắt luôn soi mói, tai dỏng cao lắng nghe, chân lúc nào cũng muốn chạy, lúc nào cũng muốn là người đi xuyên tường...

* Xin hỏi là làm freelancer, anh có "cân bằng được thu chi" và hoạt động có lãi không?

- Được làm cái mình thích đồng nghĩa với chi phí lớn hơn, rủi ro cao hơn. Tôi nghĩ sẽ là sai lầm lớn nếu bạn định kiếm lời từ công việc này. Là người sống bằng nhuận bút, mặc dù luôn được các toà soạn ưu ái trả với giá "trần", nhưng cái khổ của freelancer là không phải khi nào thu cũng đủ bù chi. Để có thêm thu nhập thì phải viết nhiều hơn. Tôi cũng cố gắng viết không giống ai, không trùng lặp, nhưng viết nhiều thế thì hay nỗi gì. Bài hay ít người khen, nhưng bài tầm tầm thì bị bạn bè chê cũng đau lắm.

* Nhưng có vẻ như anh vẫn thích đi đến tận cùng của nghiệp freelancer?

- Nếm trải sướng khổ trên lộ trình khấp khểnh ấy, tôi chợt nhận ra làm báo tự do là một trường học lớn, là khoá học dài suốt cuộc đời mà không có kỳ sát hạch cuối cùng. Tôi tự an ủi rằng học thì phải mất công sức và học phí. Có thể đó chính là phép thắng lợi tinh thần để đi tiếp.

* Câu hỏi cuối cùng, một freelancer phải đối mặt với những thách thức gì?

- Nếu dấn thân làm freelancer, bạn phải chấp nhận đó là một nghề chưa chính danh. Bạn phải chấp nhận đối thoại với các thư ký toà soạn vốn đã rất khắt khe, nay lại càng khắt khe hơn khi thẩm định sản phẩm của mình. Bạn phải cạnh tranh với một đội ngũ phóng viên hùng hậu, dày dạn kinh nghiệm và được tạo điều kiện thuận lợi hơn rất nhiều trong tác nghiệp. Do vậy để "bán" được sản phẩm, đề tài viết của bạn phải mới lạ, hấp dẫn.

* Xin cảm ơn anh.

Đức Thành thực hiện

Bài đăng trên Lao Động số 21.6.2007

Free hitcounter

0 comments:

Đăng nhận xét

 

VMC Copyright © 2009 | Power by Blogger | Template redesigned by Lý Minh Triết