30/6/07

ĐẠI SỨ VIỆT NAM ĐẾN THĂM PHƯƠNG LAUREL



Tuần qua, ông Trần Đức Mậu - Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Đức, đã đến thăm Nguyễn Thị Thu Phương (Laurel) - cô bé bị tai nạn giao thông, và hiện đang được điều trị tại Klinik Leezen am Schweriner See Rehabilitationsklinik für Neurologie und Neurochirurgie.

Đại sứ Mậu cho hay Phương đang ở trong tình trạng ổn định (ổn định so với bệnh tình của Phương, tức là không xấu đi, nhưng cũng không tiến triển). Đại sứ đã nói chuyện với lãnh đạo của bệnh viện và đến tận giường bệnh của Phương.

Theo ông, Phương Laurel đang được điều trị tại bệnh viện tốt nhất của Đức chuyên về chấn thương sọ não. Tập thể thầy thuốc ở đây chăm sóc Phương rất chú đáo, không có gì đáng phàn nàn.

Bác sĩ trực tiếp điều trị cho Phương nói rằng em đã thoát khỏi lưỡi hái thần chết, tuy nhiên quá trình điều trị của Phương sẽ kéo dài. Bác sĩ có ấn tượng tốt về tình cảm mà cộng đồng người Việt Nam ở Đức, đặc biệt là các sinh viên dành cho Phương.

Đại sứ Mậu biết tin về Phương Laurel sau khi đọc bài báo về em trên báo Lao Động ngày 5.6. Tuy nhiên, do ông phải theo dõi Hội nghị G8 và tháp tùng Phó Chủ tịch Nước Trương Mỹ Hoa tại Diễn đàn Phụ nữ Toàn cầu tổ chức tại Berlin, nên tuần qua mới thu xếp công việc để đến thăm Phương Laurel.

Đại sứ Mậu muốn nhờ những ai biết mẹ và người thân của của Phương Laurel thông báo để họ tạm thời yên tâm rằng Phương đang ở bên cạnh những thầy thuốc giỏi chuyên môn và đáng tin cậy.


Free web counter

29/6/07

SỐC TÌNH



Lâu rồi mới gặp một người Nga để ngồi nói chuyện thật thoải mái bằng tiếng Nga. Tất nhiên một cuộc trò chuyện Nga không thể thiếu vodka và những câu chuyện đùa.

Ruslan 33 tuổi, một vợ hai con. Con trai lớn của anh đã 11 tuổi. Người Việt có thể coi thanh niên lấy vợ vào lúc 20 tuổi là tảo hôn, nhưng ở Nga thì đó là "chuyện thường ngày ở huyện". Các cô các cậu sinh viên năm thứ 2, thứ 3 đã tíu tít kết hôn rồi. Khi ra trường chỉ còn khoảng nửa khoá là chưa lập gia đình.

2 năm trước, Ruslan bỗng thấy rằng hoá ra anh chẳng đem lại lợi ích gì cho cái cơ quan nhà nước mà anh làm việc suốt từ khi ra trường đến giờ. Và cái cơ quan ấy cũng chẳng cần đến anh. Thế là Ruslan nộp đơn, xin nghỉ việc, chuyển qua kinh doanh.

Dòng đời cuốn anh đến với các doanh nhân người Việt ở Mátxcơva. Họ đưa anh đến TPHCM và giờ đây là Hà Nội. "Người Nga hầu như không có khái niệm gì về Việt Nam. Họ vẫn cho rằng VN còn hoang vu và mông muội lắm" - Ruslan kể.

Chúng tôi ngồi ăn tối ở nhà hàng "Le Tonkin" - một ngôi biệt thự thời Pháp nằm trên phố Ngô Văn Sở có khoảng sân rộng chìm trong những hàng tre trúc và cái cổng bên ngoài trông như cổng làng thu nhỏ. Một sự kết hợp thật tinh tế và hài hoà.

Ruslan luôn miệng khen đồ ăn Việt Nam ngon. Khi đã hơi ngà ngà, anh đột ngột nói: "Em mới gặp một cô gái tuyệt diệu anh ạ. Cô ta người Úc, đến từ Tasmania. Em quay cả một đoạn video ngắn trên điện thoại của em đây này".

Tôi cầm lấy chiếc điện thoại của Ruslan. Cô gái quả là xinh đẹp. Gương mặt trộn lẫn những nét Âu - Á rất khả ái. "Hình như cô ta là con lai?".

- Đúng thế! - Ruslan gật đầu xác nhận, mà anh biết sự pha trộn như thế nào không? Mẹ cô ấy có máu Trung Quốc, Philippines và Australia. Còn bố cô ấy là người Phần Lan.

- Hèn gì!

- Nhưng hình ảnh trên video không là gì so với người thật đâu anh. Ngoài đời cô ấy đẹp hơn nhiều. Quan trọng là khi nói chuyện, cô ấy toát lên vẻ thông minh cực kỳ quyến rũ.

Ruslan thấy nàng ở khách sạn bên cạnh trong khu phố cổ Hà Nội. Anh rất ít khi tiến lại gần phụ nữ và ngỏ lời làm quen. Nhưng cô gái đặc biệt này đứng ở phố cổ Hà Nội bỗng có sức lôi cuốn kỳ lạ. Anh đến, tự giới thiệu và cô cũng cười rất tươi chìa tay cho anh.

Họ lang thang trên những đường phố chật hẹp và đông đúc, rẽ vào một quán càphê ngồi tán gẫu trong suốt hai giờ đồng hồ. Rồi đi ăn tối. Rồi đến quán nhạc jazz của Quyền Văn Minh bên Bờ Hồ ngồi cho đến tận khi còn lại một vài vị khách cuối cùng.

Nhìn các nhạc công thu dọn chuẩn bị đi về. Cô gái bỗng nhiên nói: "Em muốn hát!". Ruslan nhảy bổ lại chỗ các nhạc công: "Các anh nán lại chút xíu. Cô bạn tôi muốn hát. Tôi sẽ trả tiền!".

Nàng ngồi xuống chiếc đàn piano, dạo nhạc và hát liền tù tì ba bài bằng giọng nữ trung đầy phiêu diêu. Tất cả nhân viên, nhạc công và những người khách còn nán lại đều đồng loạt vỗ tay tán thưởng.

Họ đi một vòng quanh Hồ Hoàn Kiếm rồi trở về khách sạn. Lúc đó đã hai giờ sáng. Khách sạn của cô tối om, cửa đóng then cài. Khách sạn của anh vẫn còn ánh đèn, cậu receptionist đang lướt Internet.

Cậu lễ tân yêu cầu cô gái phải để lại giấy tờ thì mới cho cô lên. Nhưng hộ chiếu của cô lại nộp ở lễ tân khách sạn bên cạnh. Anh rút ví đưa tiền cho chàng trai. Cậu xị mặt ra vùng vằng: "Tôi không đòi tiền hối lộ. Không phải là tôi không muốn cho cô ta lên mà công an dạo này gắt gao lắm. Họ sẽ phạt tôi nếu như cho khách qua đêm mà không để lại giấy tờ".

Nhưng cậu lễ tân cũng cho cô gái lên. Rõ ràng cô là người nước ngoài, không phải loại gái "nhạy cảm" thuộc diện cần để mắt.

Phòng của Ruslan có hai giường. Cô gái nói: "Ruslan, em mến anh. Nhưng em có chồng chưa cưới đang chờ em ở Tasmania. Cám ơn anh đã cho em ngủ nhờ ở đây. Nhưng chúng ta chỉ là bạn thôi nhé". Cô hôn phớt vào má Ruslan và nói: "Good night!"

- Chưa bao giờ em rơi vào cảnh dở cười dở khóc như vậy anh ạ, - Ruslan kể. - Em cứ trằn trọc mãi và đến 4 giờ đành lôi laptop ra làm nốt cái kế hoạch kinh doanh. Cô ấy cũng biết em không ngủ được nhưng không nói gì.

Sáng hôm sau, cô gái trở lại khách sạn của mình, tắm rửa thay quần áo và quay điện thoại sang phòng Ruslan. Họ đi ăn sáng trong phố cổ. Chuyến bay của nàng vào lúc 2 giờ chiều.

Từ chỗ ăn sáng trở về, họ đi qua một tiệm kim hoàn. Ở đó, Ruslan làm một việc điên rồ. Anh mua một chiếc vòng vàng hơn nghìn đô tặng cô gái: "Đây là quà cưới của anh tặng em". Nàng nhìn sâu vào mắt anh và nói bằng tiếng Nga ngọng nghịu: "Spasibo!"

- Em mới 33 tuổi, nhưng em đã trải qua một cuộc chiến tranh ở Kavkaz. Em đã từng bị bắt làm con tin ở Pakistan. Em đã trải qua nhiều điều khó khăn. Nhưng em chưa bao giờ bị sốc vì tình như vậy. Em cũng chưa bao giờ có một đêm khó khăn như cái đêm vừa rồi. Sao thời buổi này vẫn có những cô gái phương Tây không dễ dãi như thế nhỉ? Nếu em không đến Hà Nội thì sẽ thế nào nhỉ? Sang năm em sẽ nhất quyết đến Tasmania.

- Ờ, đúng đấy. Cậu đi đi. Khi đó cô ta đã có chồng rồi. Còn nếu chưa, thì biết đâu cậu sẽ có một đứa con rất đẹp hoà trộn máu Trung Quốc, Philippines, Australia, Phần Lan, Nga và Dagestan?!?


Free blog counter

28/6/07

HỌC VĂN LÀ HỌC CÁI GÌ?



"Nhớ con sông quê hương" của Tế Hanh có lẽ là tác phẩm hay nhất của văn học Việt Nam được đưa vào sách Trích giảng văn học cho học sinh phổ thông trong những năm 1970.

Hồi đó, tôi học cấp 2 tại một ngôi trường nhỏ ở thị xã Tuyên Quang. Giáo viên dạy văn là cô Lan, một phụ nữ mảnh dẻ tuổi ngoài 30 một chút có mớ tóc dài, cặp mắt to thông minh và biểu cảm. Cô Lan khá cao so với phụ nữ thời đó, nên cô toàn đi dép đế bằng.

Một hôm cô bảo: "Tuần sau chúng ta sẽ học bài "Nhớ con sông quê hương" của Tế Hanh. Các em hãy soạn bài này thật kỹ, bởi đây là một trong những bài thơ hay nhất trong chương trình giảng văn cấp hai. Cô muốn các em cảm nhận trọn vẹn vẻ đẹp của bài thơ".

Còn nhớ chúng tôi hăm hở chuẩn bị cho tiết giảng văn đó lắm. Minh, cô bạn lớp phó phụ trách học tập của lớp, 14 tuổi đã công khai thích một bạn trai, đích thân đốc thúc cả lớp chuẩn bị cho tiết giảng.

Nhưng đùng một cái, đến đầu tuần thì cô Lan bị ốm. Cô Bắc, một giáo viên dạy văn mới ra trường được vài năm, bố trí dạy thay. Cô dạy khối dưới, nên chắc là không thể giảng bài này hay như cô Lan được. Cả lớp ngẩn ngơ, tiếc hùi hụi cái công chuẩn bị cho một bài giảng văn và không được nghe giọng nói truyền cảm của cô Lan bình bài thơ này.

Cô Bắc còn trẻ lắm, khoảng 25-26 tuổi. Đoán được cái tâm lý bồn chồn của cả lớp, cô nói: "Đây là lần thứ hai cô giảng bài thơ này. Lần trước là khi đi thực tập sư phạm cách đây 4 năm. Nhưng các em hãy yên tâm, "Nhớ con sông quê hương" là bài thơ mà cô rất yêu thích".

Tiết học ấy không có phần kiểm tra đầu giờ. Cô Bắc giảng luôn. Chưa một lần tới miền Nam, chỉ quanh quẩn ở cái tỉnh miền núi này với Thái Nguyên là nơi cô học Cao đẳng Sư phạm, nhưng cô Bắc đã mở ra trước mắt lũ học trò chúng tôi phong cảnh khoáng đạt của miền nam với con sông xanh biếc có hàng tre soi bóng và bao nhiêu ký ức êm đềm về một tuổi thơ đẹp đẽ và đầy khát vọng.

Cả lớp chìm đi trong những vần thơ du dương, những hình ảnh tuyệt đẹp và những cảm xúc chan chứa về tình yêu thương đối với mảnh đất ruột thịt. Con sông ấy ở tận miền nam xa xôi, chưa một lần chúng tôi được đắm mình trong làn nước trong mát của nó, nhưng sao nó thật thân thuộc, thật gần gũi.

Bài thơ cũng có bóng dáng của lý tưởng, nhưng đó là hệ quả tất yếu của tình yêu cụ thể với con sông quê hương. Lý tưởng ấy trộn lẫn một cách hữu cơ máu thịt trong bài thơ, khiến nó được truyền tải một cách tự nhiên không hề khiên cưỡng.

Cô Bắc đã không làm chúng tôi thất vọng...

Chương trình giảng văn phổ thông những năm 1970- 1980 chủ yếu giới thiệu các tác phẩm văn học cách mạng. Công bằng mà nói đó cũng là những tác phẩm tiêu biểu của thời kỳ đó, được đem giảng dạy trong bối cảnh ấy âu cũng là điều hợp lý, vì học sinh có thể cảm nhận và hiểu được những điều gửi gắm trong tác phẩm.

Tuy nhiên, chiến tranh đã lùi xa. Cuộc sống đã thay đổi. Cách tiếp nhận thông tin cũng đã thay đổi. Thế hệ học sinh mới khó mà cảm nhận và hiểu được những điều mà cha anh họ đã phải trải qua. Tất nhiên, chương trình giảng văn phổ thông cũng đã đổi khác rất nhiều. Nhưng chắc chắn nó vẫn chưa phù hợp hoàn toàn.

Đơn cử như tác phẩm của Tố Hữu được ra trong đề kiểm tra học sinh lớp 8 ở entry trước. Các cô cậu học trò 13-14 tuổi hiện nay khó mà cảm nhận được cái bối cảnh bức bối đầu thế kỷ trước mà Tố Hữu đã từng sống. Nên các em khó mà "tán" hay được sau khi đọc bài thơ ấy.

Hay bài "Sáng ra bờ suối..." cũng như vậy. Không tìm hiểu kỹ bối cảnh ra đời của bài thơ, thì việc cô giáo và học trò cùng "tán" sang việc Bác Hồ là người yêu và gần gụi thiên nhiên cũng là điều dễ hiểu. Mà như vậy là hiểu sai hoàn toàn bài thơ này.


Cá nhân tôi thấy rằng những bài thơ như vậy cần được đưa vào giảng dạy ở bậc học cao hơn (ví dụ như lớp 11, 12), khi học sinh đã được trang bị nhiều kiến thức hơn về lịch sử, có ý thức cao hơn, có khả năng phân tích và cảm nhận tốt hơn.

Vậy học văn ở phổ thông là học cái gì?

Theo tôi, trước hết đó vẫn là việc học và cảm nhận vẻ đẹp và sự tinh tế của ngôn ngữ mẹ đẻ. Và thông qua đó tiếp thu những bài học về tình yêu quê hương, đất nước, con người. Những tác phẩm được chọn để giảng cho học sinh do vậy phải chứa đựng nhiều yếu tố, mà điều quan trọng trước hết đó thực sự phải là những tác phẩm thật đẹp về ngôn ngữ.

Một bài thơ thời Liên Xô rất nổi tiếng "Tổ quốc bắt đầu từ đâu?" có câu: "Tổ quốc bắt đầu từ giờ giảng văn ở trường".

Mong rằng môn văn của chúng ta cũng làm được điều ấy để học sinh không còn chán môn văn.

Nhớ con sông quê hương

Tế Hanh

Quê hương tôi có con sông xanh biếc
Nước gương trong soi tóc những hàng tre
Tâm hồn tôi là một buổi trưa hè
Toả nắng xuống dòng sông ấm áp

Chẳng biết nước có giữ ngày giữ tháng
Giữ bao nhiêu kỷ niệm giữa dòng trôi
Hỡi con sông đã tắm cả đời tôi
Tôi giữ mãi mối tình mới mẻ
Sông của quê hương, sông của tuổi trẻ
Sông của miền Nam nước Việt thân yêu

Khi bờ tre ríu rít tiếng chim kêu
Khi mặt nước chập chờn con cá nhảy
Bạn bè tôi túm năm tụm bảy
Bầy chim non bay lượn trên sông
Tôi dang tay ôm nước vào lòng
Sông mở nước ôm tôi vào dạ

Chúng tôi lớn lên mỗi người một ngả
Kẻ sớm khuya chài lưới bên sông
Kẻ cuốc cày mưa nắng ngoài đồng
Tôi cầm súng xa nhà đi kháng chiến
Nhưng lòng tôi như mưa nguồn gió biển
Vẫn trở về lưu luyến bên sông

Nhớ mãi cô em có đôi má ửng hồng
Thuyền anh đậu trong lòng em mãi mãi
Em có nhớ những buổi chiều êm ái
Nắng vàng loang trên mặt nước long lanh
Gió thổi lồng xáo trộn bóng em anh
Tiếng sóng vỗ, tiếng ta cười nhịp điệu
Nước chảy đời trôi anh vẫn níu
Những sắc ngày tươi thắm của hôm qua
Một mùa thu thơm ngát hương hoa

Hôm nay sống trong lòng miền Bắc
Sờ lên ngực nghe trái tim thầm nhắc
Hai tiếng thiêng liêng hai tiếng miền Nam
Tôi nhớ không nguôi ánh nắng màu vàng
Tôi quên sao được sắc trời xanh biếc
Tôi nhớ cả những người không quen biết

Có những trưa tôi đứng dưới hàng cây
Bỗng nghe dâng cả một nỗi tràn đầy
Hình ảnh con sông quê mát rượi
Lai láng chảy lòng tôi như suối tưới
Quê hương ơi, lòng tôi cũng như sông
Tình Bắc Nam chung chảy một dòng
Không ghềnh thác nào ngăn cản được
Tôi sẽ đến nơi tôi hằng mong ước
Tôi sẽ về sông nước của quê hương
Tôi sẽ về sông nước của tình thương

Theo bạn, học văn ở trường phổ thông là học gì?

Free hitcounter

27/6/07

CON CHÁU CHÚNG TA GIỎI THẬT!!!!




Click vào từng trang để phóng to hình ảnh.

Chắc hẳn ai cũng cười lăn lộn khi đọc xong bài văn này. Nhưng cười xong sẽ thấy đau. Bạn có thể bình luận gì về bài văn này?


(Xin từ blog của Khuê)
Free web counters

26/6/07

THAM VÀNG BỎ NGÃI



Sáng thứ Bảy đi cắt tóc mới gặp lại người thợ cắt tóc quen ở đầu phố gần nhà. Cũng phải hai tháng mới gặp lại anh, vì lần cắt tóc cách đây hơn 3 tuần ra chỉ gặp một cậu thợ mặt mũi trẻ măng. "Anh Trường bận việc!" - cậu giải thích ngắn gọn khi tôi hỏi thăm.

Anh rũ tấm vải trắng quàng quanh cổ tôi và nói khẽ: "Trời nóng quá bác nhỉ?". Đúng là trời nóng thật, bây giờ mới 10 giờ vẫn chưa đến lúc nắng gắt. "Nắng thế này chiều mấy giờ mới ra?" - tôi hỏi. "4 giờ bác ạ. Ra sớm quá thì hứng nắng chứ ai chịu ra khỏi nhà vào giờ đó mà ngồi đây cho mình cắt hả bác!".

Anh bắt tay vào công việc quen thuộc của mình. Tiếng kéo vang lên lách cách điệu nghệ. Tôi nhìn vào gương và nhận ra gương mặt của Trường thật tiều tuỵ. Mắt trũng xuống, tia nhìn chậm rãi và chứa chất đầy nỗi niềm.


Có lần vừa cắt tóc cho tôi, Trường vừa nói đùa: "Em cắt tóc cho bác dễ cũng đến 7 năm rồi đấy nhỉ? Hồi đầu em thấy rõ ràng em trẻ hơn bác, thế mà bây giờ trông em với bác cũng sêm sêm như nhau. Chẳng mấy chốc mà em già trước bác".

Hồi đó tôi cứ nghĩ đó chẳng qua là câu nói nịnh khách của người thợ cắt tóc. Nhưng với cái bộ dạng xanh xao, mệt mỏi hôm nay thì Trường trông già hơn tôi thật.

Tôi lặng lẽ theo dõi từng đường kéo của anh qua gương và chợt phát hiện ra một vết sẹo dài chừng 5 cm chạy dọc theo cườm tay phải. Vết sẹo đỏ hồng, rõ ràng là sẹo mới.

- Ồ, Trường làm sao mà lại có vết sẹo dài thế kia?

Anh dừng tay kéo, ngượng ngịu nhìn tôi qua gương, rồi nói rất đơn giản: "Em quyên sinh bất thành bác à".

Tôi giật nảy mình: "Chết, sao lại thế???"

Anh lấy tông-đơ tiếp tục cắt và chậm rãi kể:

"Con vợ em nó bỏ nhà theo giai anh à. Thằng này em biết. Hai đứa yêu nhau từ hồi phổ thông. Sau nó đi xuất khẩu lao động ở Đông Âu rồi ở luôn bên đó không về. Nó lấy vợ có con. Vợ em khi ấy mới đồng ý lấy em. Chúng em sống cũng khá hạnh phúc.

Thế rồi hồi Tết vừa rồi thằng kia xuất hiện. Hoá ra nó bỏ vợ ở bên kia về hẳn VN sinh sống. Con vợ em gặp lại nó, không hiểu tình cũ thế nào và thằng kia nói gì mà nó về bảo với em:

"Duyên mình đến đây là hết. Mình tha cho em. Em không dám lấy con của mình, nhưng mình cho em nuôi nó. Lúc nào mình thấy cần con, mình cứ đến, em sẽ đưa ngay con cho mình". Rồi nó đưa con đi ở căn hộ mà thằng kia thuê anh ạ.

Em uất quá. Mình ở hiền mà sao không gặp lành hả anh? Em sống rất tốt với nó, cư xử với bố mẹ vợ chẳng có điều tiếng gì. Tất nhiên là em không giàu, cắt tóc hè phố thế này đủ tiền ăn 3 bữa là may rồi. Nhưng em đã để mẹ con nó khổ ngày nào đâu... Nó đi được mươi hôm, thì tối đấy em say quá, em thấy đời sao mà thảm thế. Chết quách đi cho rảnh nợ. Thế là em lấy dao cạo râu cắt mạch máu...

Nhưng số em Giời không cho chết. Thế nào mà mẹ em thấy sốt ruột chạy sang nhà em. Thấy em nằm trên vũng máu thoi thóp thở, mẹ em hô hoán gọi người ta đưa em đi cấp cứu. Thế là em được cứu sống".

- Thế cô ấy vẫn ở với tay kia à?
- Không anh ạ. Nó thấy em điên rồ quá, nó hối hận, nó đưa con về nhà rồi.
- Thế chú nghĩ thế nào?
- Thế nào là thế nào? Nó về là may chứ còn thế nào nữa anh. Em cũng chẳng chủ tâm tự tử để gọi nó về, nhưng mà nó hối hận, nó còn thương mình thì mình còn cành cao gì nữa hả anh? Em có tiền đâu. Em có mỗi tình cảm để bù đắp cho những người thân thôi.

Khi tôi lấy ví trả tiền anh, anh nói:
- Này tóc trên đầu bác bắt đầu thưa rồi đấy. Chắc bác sẽ hói sớm. Với lại em thấy dạo này tóc bác có nhiều sợi bạc.

Trước đây, anh chẳng bao giờ bình luận về tóc tôi như thế. Sau một biến cố lớn nhường ấy, sự tế nhị giả tạo và những lời đèm đẹp làm vừa lòng nhau đối với anh chẳng còn ý nghĩa gì nữa.

Free statistics

25/6/07

JIVAKA CỦA TÔI


THƠ NGÔ MAI PHONG

Giữa thế giới mông mênh trắng
Anh luôn tin em có thật
Như hạt mưa đang bay ngoài kia
Dẫu số phận giấu em nghìn dặm thẳm
Anh chờ em, Jivaka của anh...

Jivaka chân son cỏ non
Ban mai đỏ rực sông Ni Liên Thiền
Đó là buổi sớm định mệnh của Phật

Trên cát
Người đàn ông gầy gò
Nằm đợi chết
Chàng không còn đủ sức để vật vã
Jivaka chưa kịp nhận ra màu áo tu hành

Băng qua rừng chà là
Chông chông lá nhọn đá sắc
Sari trinh nữ cuốn như gió điên
Trên mỗi bước chân quay lại của nàng

Một
Dấu máu
Và bát sữa trên tay nàng
Rân rân
Chảy

Jivaka đâu biết người nàng vừa cứu sống
Đến từ rừng Khổ Hạnh
Mỗi ngày nuốt một hạt vừng
Thở và niệm

Đó là buổi sớm định mệnh của Phật
Thôn nữ đã truyền cho Người sinh lực
Đi tới gốc Cây Thiêng
Bờ bên kia

Jivaka chân son cỏ non
Nàng đã trở về ngôi làng ven núi
Vuốt ve chú bê con trên thảm trà na...

Giờ đây
Anh đã thấy em - Jivaka
Em xuất hiện khi anh chẳng còn gì nữa
Ngực anh đau xé dấu môi em nhoà lệ
Nến hiến sinh rửa tội vạn đêm buồn
Tóc xưa tưởng lụi tắt
Bỗng trỗi dậy ngùn ngụt cỏ trong bão

Ta nắm tay nhau bước vào kiếp khác

Dẫu như sao băng em biến mất
Anh vẫn bay về phía tự do, dù chỉ một mình.

2005

_________

* Truyền thuyết Phật giáo kể rằng: Trong suốt thời gian tu hành tại Khổ Hạnh Lâm, mỗi ngày, Đức Phật chỉ ăn một hạt vừng. Vào một buổi sớm, Người xuống tắm ở sông Ni Liên Thiền và ngất luôn bên bờ sông bởi kiệt sức. Jivaka, một thôn nữ chăn bò bắt gặp cảnh tượng này đã cứu sống nhà tu hành bằng một bát sữa. Sau khi tỉnh lại, Đức Phật nhận ra rằng không thể hành đạo bằng một cơ thể suy nhược. Người quyết định bỏ lối tu ép xác, quay lại con đường trung đạo và tiếp tục theo đuổi mục đích cao cả cho đến ngày chứng ngộ dưới cội bồ đề bờ bên kia sông.

Free web counters

24/6/07

GIAO HƯỞNG ĐƯỜNG PHỐ



Đường phố Việt Nam giống như bản giao hưởng của những tiếng còi. Mỗi bản nhạc giao hưởng đều là sự kết hợp của nhiều nhạc công khác nhau, phải nhìn từng nhạc công một mới hiểu được toàn bộ cái quá trình sản xuất âm nhạc đó.

Và một buổi chiều gần đây, mình ra đường nghiên cứu và cuối cùng phát hiện ra 7 loại người bóp còi - gọi là "tay còi" cho ngắn - những nhạc công tạo nên bản giao hưởng phong phú này.

1. Tay còi "giả" - Những tay còi này rất khó chịu. Ví dụ, khi đang đi tương đối nhanh trên làn giữa đường, nghe tiếng còi ôtô rất lớn, có thể là xe buýt hoặc là taxi tải lớn, mình nhanh chóng chuyển sang làn gần vỉa hè - vừa lúc một thanh niên 17 tuổi tóc vàng vụt qua bằng xe Wave Alpha. Tay còi "giả" ấy đã tìm cách để cài còi xe buýt vào chiếc Wave bé tí của nó. Bực mình thật, cảm giác như mở hộp cơm to chỉ thấy một ít sợi bún và một hai con tôm nhỏ choắt.

2. Tay còi "khản" - Còi bị sử dụng quá nhiều đến mức không hoạt động nữa, bóp chỉ nghe tiếng "bíp yếu ớt" của một cái còi bị chứng viêm thanh quản. Có một điều buồn cười là nhiều tay còi khản vẫn cứ bóp còi như bình thường, và tỏ ra rất bực mình khi người ta không nghe và nhường chỗ.

3. Tay còi "suốt" - Bình thường người ta bóp còi nhiều lần liên tiếp, như kiểu bắn súng liên thanh. Tay còi "suốt" thì lại khác. Những người này chỉ bóp còi một lần nhưng kéo dài rất lâuuuuuuuuu, cứ để cho ngón cái "hôn" nút còi suốt từ khi ra khỏi nhà đến cơ quan. Vì vậy tay còi "suốt" rất dễ trở thành tay còi "khản".

4. Tay còi "đèn xanh" - Tay còi này chuẩn bị xuất hiện khi có một đám đông xe máy, ôtô... đứng đợi trước đèn đỏ. Tay còi này thường bị đứng sau rất nhiều xe khác, cách đèn giao thông tận 20 mét, nhưng chính xác vào cái lúc đèn đỏ chuyển thành xanh, hắn lập tức bóp còi liên tục, mặc dù mọi người ở phía trước quá biết đèn đã xanh rồi nhưng không có cách đi nhanh hơn. Tay còi này hâm.

5. Tay còi "điệu" - Tay còi này thay tiếng còi thành một giai điệu dài dài, như kiểu dân chơi hay thay tiếng chuông điện thoại thành một MP3 phổ biến nào đó. Những "giai điệu còi" này thường nghe rất "xiếc": Ba ba ba bi bi bi la la la la. Vì vậy nếu có mấy tay còi "điệu" đi qua cùng một lúc thì sẽ có cảm giác như đang ngồi uống nước ngọt xem một con gấu đi xe đạp nhỏ, màu đỏ.

6. Tay còi "quá muộn" - Theo logic thì bóp còi để tránh tai nạn xảy ra. Rất tiếc, tay còi "quá muộn" lại không theo logic đó. Nó đợi đâm vào xe khác mới bóp còi "ủn ỉn", như là muốn nói "tao không có tội đâu, máy cứ đi đi" - mặc dù người bị đâm mới là người có quyền tức giận. Kiểu này giống cách làm của một số cầu thủ bóng đá nổi tiếng: làm đối thủ bị vấp ngã, rồi mình tự vấp ngã, giả vờ đau.

7. Tay còi "không": - Đây là những người không dùng còi vì thích... kêu. Đối với họ, bóp còi là phí điện khi miệng của mình đủ to để khiến người đi đường sợ mà nhường chỗ. Những người này cũng có thể là kết quả của "tay còi suốt", và tiếp với "tay còi khản".

Tất nhiên cũng có những người gọi là "tay còi bình thường", bóp còi lúc cần thiết, không vội, không hâm, nhưng kể ra để làm gì. Phải hơi hâm mới nổi lên được chứ.

Bài của Joe đăng trên Lao Động cuối tuần ngày 22.6.07.

Free hit counters

22/6/07

ĐỔI VAI



Anh là Trưởng Phòng Thời sự của Đài PT-TH tỉnh. Trên anh có hai sếp: một ông Giám đốc và một ông phó.

Ông Giám đốc sắp về hưu. Sự đời cũng chẳng có điều gì đáng phàn nàn về ông. Là người ở R về, tốt và mẫn cán, thương anh em, song chẳng biết nghiệp vụ gì cả, thế nên công việc cứ đụng đến ông là dừng lại khá lâu.

Ông Phó do vậy trở thành người điều hành mọi việc. Tuy khá thạo nghiệp vụ, nhưng thằng cha này thật nhỏ mọn và thù dai. Hắn riết róng từng tí một và xét nét mọi hành vi của người dưới quyền. Bất cứ cái gì không vừa mắt, hắn đều bới bèo ra bọ hoạnh họe cho đến khi phát chán mới thôi.

Giám đốc cũng biết tính của Phó, gọi lên rầy la thì hắn nói thẳng: "Anh không vừa lòng chứ gì? Vậy thôi, tôi trả anh chức đó, anh làm hoặc thấy ai hợp thì điều người đó làm". Cái vụ làm reo này của Phó khiến ông Giám đốc cụt hứng. Ông xoa dịu: "Làm gì có ai thay anh, nhưng mà anh đừng có gay gắt với anh em quá".

Nói thế thì cũng chỉ là nước đổ lá khoai. Mọi việc lại đâu vào đấy. Phó ta ngày một ra oai tác quái và đích ngắm chắc chắn là cái ghế Giám đốc, sau khi ông R nhận quyết định nghỉ hưu.

Rồi cái ngày ấy cũng đến. Đại diện tỉnh ủy đến gặp toàn bộ cán bộ công nhân viên của Đài, đọc quyết định cho ông R về hưu và bổ nhiệm Giám đốc mới. Cũng chẳng có gì bất ngờ. Thông tin rò rỉ từ Ban tổ chức Tỉnh ủy từ cả tháng nay đã khiến anh em biết trước rằng Phó sẽ lên Giám đốc.

Phó ngồi hàng đầu, kiêu hãnh và hồi hộp chờ. Vị Trưởng ban tổ chức chậm rãi đọc cái quyết định này, bí ẩn và kịch tính như tuyên đọc giải thưởng Oscar.

Tiếng vỗ tay chợt nổi lên như sấm. Và anh thấy người ngồi bên cạnh chộp lấy tay anh lắc mạnh. "Chúc mừng, chúc mừng anh Lâm! Đúng là Trời có mắt!". Rồi người đó lôi anh dậy, đẩy anh ra khỏi vị trí đang ngồi.

Anh đứng lên như bị mộng du. Bàng hoàng vì không tin rằng ông Trưởng ban tổ chức Tỉnh ủy vừa đọc quyết định bổ nhiệm mình làm Giám đốc Đài. Anh bước lên sân khấu một cách vô thức trong tiếng vỗ tay vang dội. Toàn bộ anh em trong đài đã đồng loạt đứng dậy tán thưởng, giống hệt như khi người ta nhận Oscar.

Anh nhận quyết định và nhìn xuống. Phó cúi đầu nhìn những đường vòng trên mặt bàn mà ông vẽ bằng ngón trỏ và vệt nước chảy ra từ chai La Vie ướp lạnh. Rồi ông ngước lên nhìn vào cái quyết định trên tay anh bằng ánh mắt thất thần. Trông ông giống hệt đứa bé bị một thằng lớn hơn lấy mất những hòn bi ve rất đẹp khi đem ra chơi ngoài hè phố.

Anh trở thành Giám đốc như thế.

Quyết định đầu tiên của anh là cắt mọi trách nhiệm liên quan đến nghiệp vụ của ông Phó. Ông được chuyển sang phụ trách các đoàn thể quần chúng trong Đài. Khi nhận được quyết định, ông Phó chạy đến phòng anh lắp bắp: "Anh, anh làm cái gì thế này? Anh có còn coi tôi ra cái gì nữa không?" .

Anh nói giọng tỉnh queo: "Có, tôi có coi anh là CÁI GÌ. Bởi vì tôi biết anh là CÁI GÌ. Tôi biết anh sẽ tiếp tục ngăn cản và hạch sách anh chị em ở cái Đài này nếu còn ngồi ở vị trí đó. Anh có thể phản đối lên cấp trên. Nhưng trong quyết định của tôi cũng ghi rõ là tôi toàn quyền trong việc sắp xếp nhân sự ở Đài từ cấp phó Giám đốc trở xuống".

Ông Phó lủi thủi đi ra.

Buổi tối, anh gọi điện thoại cho tôi, kể lại mọi chuyện. Tôi khâm phục cách xử lý quyết đoán của anh. Nhưng anh đột ngột hỏi: "Chú có thấy anh xử thế là quá không?" Thì ra trong mỗi một con người mạnh mẽ vẫn có một góc yếu mềm nào đó để tự vấn.

Tôi chỉ nói rằng anh hãy thận trọng, kẻo một ngày đẹp giời có cậu XYZ nào đó, dưới quyền anh bây giờ sẽ vượt lên và cho anh đo ván giống như hôm nay. Anh cười nhẹ qua ống nghe: "Ừ, biết đâu đấy. Nhưng quả thực, nếu có thằng nào đó hơn tớ thì tớ sẽ trải thảm đỏ cho nó luôn, khỏi phải thượng đài làm gì cho mệt".

Free hitcounter

NGHỀ "BẠC"



Bài của Trần Hải (Phóng viên thể thao)

Thầy tôi từng nói vui: “Nghề báo là nghề bạc”. Khi đó, chúng tôi đang học năm thứ 2. Thầy nói rằng, sau hơn một phần ba thế kỷ “sinh nghề tử nghiệp” cho đến khi tóc thầy đã muối nhiều hơn tiêu, thầy mới có thể “chắt chiu” ra từ đó. Thầy giải thích cho chúng tôi nghe về chữ “bạc”. Nhiều người trong lớp thậm chí đã lưỡng lự cho một hướng đi khác ít “chông gai” hơn. Tất nhiên tôi không có trong số đó. Những người còn lại của khoá học với tôi quyết tìm cho ra chữ “bạc” trong lời thầy dậy nó tròn méo như thế nào…

Trong số hơn 60 cô cậu chập chững bước ra khỏi cánh cổng nhà trường năm đó, chỉ có một mình tôi gắn với nghiệp thể thao. Bởi đơn giản, tôi yêu nó!

Công việc này là tất cả niềm đam mê, những ấp ủ thuở thiếu thời. Làm phóng viên thể thao cũng thú vị lắm chứ! Có khi phải chạy hàng trăm km chỉ để hôm sau có một cái tin “50 chục chữ” trên mặt báo; lắm lúc phải thức đến tận nửa đêm để đợi kết quả tổng sắp huy chương của một kỳ đại hội; khi phải ăn mì gói “cắm cờ” ở cơ quan để trực chiến với các giải bóng đá thế giới cho ngày hôm sau ra bản tin nhanh, rồi những lần bị “sếp” la mắng vì không thể tiếp cận được với người cần phỏng vấn, những tai nạn nghề nghiệp…

Cuộc sống cá nhân của tôi bị đảo lộn. Gia đình tôi thắc mắc sao cả tuần chẳng thấy ngủ ở nhà; người yêu tôi ra yêu sách đòi “ra đi” nếu “Anh cứ bỏ bê em như thế”… Tôi đã thấm thía phần nào sự khắc nghiệt của nghề này như lời thầy tôi dặn. Nhưng tôi lại càng yêu nghề hơn…

Dần dà tôi dần không còn bận tâm tới việc tìm cho ra ý nghĩa của chữ “bạc” kia nữa. Lý là vì nghiệp báo đã trở nên không thể tách rời với tôi từ lúc nào không hay.

Tôi nhớ ngày “Phó tướng” Nguyễn Thành Vinh cùng các học trò giành vinh quang tại đấu trường SEA Games 22 làm nức lòng người hâm mộ, một tờ tạp chí nhờ tôi viết bài về người thầy xứ Nghệ. Tôi gật đầu và định sẵn trong mình dòng tít “Nỗi niềm phó tướng Nguyễn Thành Vinh”.

Qua bao nhiêu đời HLV ngoại ở cấp độ đội tuyển quốc gia, thầy Vinh vui vẻ đảm nhận vai trò HLV phó. Từ việc giúp các học trò thực thi giáo án đến việc tuyển quân, từ sắp xếp chỗ ngủ đến an ủi vỗ về cầu thủ khi xa nhà…, đó là công việc của những người trợ lý như thầy Vinh.

Nhiều thời điểm, bóng đá Việt Nam chưa tìm ra HLV trưởng, thì toàn bộ công việc đó được trao cho Nguyễn Thành Vinh một mình gánh vác. Những thành tích ở cấp CLB cũng như trên đội tuyển quốc gia, tuyển Olympic gắn mác Nguyễn Thành Vinh là điều không phải bàn cãi.

Cá nhân tôi rất quý thầy Vinh sau những lần gặp thầy để tác nghiệp. Không phải bởi những gì ông Vinh đã làm được cho bóng đá Việt Nam mà bởi cái đức của một người thầy. Tôi dám chắc không phải riêng tôi, mà rất nhiều người hâm mộ bóng đá Việt Nam cũng sẽ nghĩ thế.

Ngày báo lên khuôn, tôi có ý gởi tặng thầy bài viết đó nhưng mãi tới bây giờ tôi vẫn không thực hiện được bởi cả thầy và tôi đều rất bận. Thời gian cứ trôi đi mà hầu như chẳng có chút vương vấn nào cho ngày hôm qua. Tôi ở lại với nghiệp viết thể thao, còn thầy Vinh đã chuyển về dẫn dắt CLB mới. Cho đến một ngày…

Tôi nhận được tin báo: “Lên Đạt Đức gấp đi em, ông Vinh đang bị khởi tố bắt giam ở đó!” – khi đang ngồi dùng cafe sáng cùng một đồng nghiệp ở Sài Gòn. Những giọt nước màu đen của phin pha cafe vẫn đang chậm dãi rơi xuống ly nhưng 2 người khách đã rời khỏi quán, trực chỉ Đạt Đức – đại bản doanh của CLB Ngân hàng Đông Á Thép Pomina.

Thật khó để diễn tả cảm xúc của tôi khi đó: Vừa phải điều khiển chiếc xe một cách nhanh nhất và lại an toàn, vừa bồi hồi nghĩ tới cảnh bắt bớ, xót xa giống như hồi chúng tôi “đuổi” theo chiếc xe C14 của Bộ Công an trên đường quốc lộ trong vụ khởi tố tạm giam Giám đốc điều hành CLB này – ông Vũ Tiến Thành. Chúng tôi có mặt tại sân bóng Đạt Đức – Gò Vấp, chỉ 15 phút sau khi rời Trung tâm thành phố.

Đã từ lâu, nơi này trở nên rất quen thuộc với tôi sau những lần đến xem Đông Á thành phố tập, đến chơi bóng lưới với cầu thủ và cả đến để đá bóng trong những trận đấu phong trào nữa. Những lần ấy, không khí trong và ngoài cánh cửa ra vào rất náo nhiệt. Nhưng sao hôm nay nó lại vắng lặng thế.

Hai cánh cửa sắt cũ kĩ đã đóng sập trong thế “nội bất xuất ngoại bất nhập”, bởi trong lòng của nó Công an đang đọc lệnh bắt – khám xét người cận về già Nguyễn Thành Vinh vì những nghi án tới tiêu cực bóng đá.

Tôi tìm cách liên lạc với bên trong, và thật phũ phàng khi sự việc diễn ra giống hệt với trí tưởng tưởng của tôi. Chúng tôi vẫn phải đứng bên ngoài cánh cộng và chỉ 20 phút sau, đã có tới hơn 20 đồng nghiệp nữa xuất hiện. Cũng như tôi, đồng nghiệp đến đây để đưa tin, tác nghiệp.

Các phóng viên viết chịu chôn chân một chỗ đợi những người làm nhiệm vụ dẫn độ ông Vinh ra khỏi cánh cổng chết tiệt kia, trong khi những phóng viên ảnh phải leo lên sân thựơng của ngôi nhà cạnh trung tâm Đạt Đức để hy vọng có được những thước ảnh đầu tiên và đắt giá. Không khi giống hệt một điệp vụ săn bắt trong phim. Nhưng ngay lúc đó, tôi như cảm thấy lòng mình thắt lại.

Tôi muốn vào trong xem chuyện gì đang diễn ra. Suy nghĩ đó thoáng xuất hiện và tôi liền chộp lấy, dù biết rằng cơ quan điều tra không cho phép phóng viên tiếp cận hiện trường. Cuối cùng tôi “lẻn” được tới sát bên phòng thầy Vinh trong khuôn viên khu sinh hoạt của đội.

Phía bên này, các nhân viên điều tra tích cực lục lọi, bên kia ông Vinh đứng bất động. Ông chập rãi liếc từng đồ vật trong phòng qua cặp kính màu mà không một lời thanh minh hay giải thích. Mọi thứ đã vượt ra khỏi tầm kiểm soát của ông Vinh. Có thể lúc này ông đang muốn khuỵ xuống nhưng vẫn phải cố gượng.

Còn tôi có thể cảm nhận được dòng chảy của sự hụt hẫng trong lòng mình đang tuôn trào. Tôi buồn! Buồn cho một tượng đài của bóng đá Việt Nam đang phải chịu những khống chế, buồn cho cái nghề của tôi. Không ai muốn những điều tồi tệ. Bản thân nhà báo cũng không muốn phải viết những điều tồi tệ.

Đang mải mê theo dõi, tôi bị bảo vệ trung tâm phát hiện. Họ mời tôi ra ngoài nhưng những tưởng tượng về diễn biến trong căn phòng nhỏ kia của tôi không mất đi. Tôi lại giật mình. Bởi tôi đang tác nghiệp chứ không phải đến đây để chia sẻ.

Cánh phóng viên vẫn nóng lòng trực chờ bên ngoài cánh cửa sắt. Thấy tôi đi ra cùng bảo vệ, nhiều người hỏi tôi vào đó làm gì. Tôi cúi mặt, không trả lời. Tôi muốn được cảm nhận sự việc ở khía cạnh nhân văn chứ không muốn làm một con người lãnh cảm.

Buổi khám xét bắt bớ kết thúc lúc giữa trưa. Chúng tôi bám theo chiếc xe chở tầy Vinh suốt đoạn đường từ Đạt Đức về văn phòng phía nam Bộ Công an ở Q.1. Nhiều người vẫn tranh thủ đón trước đợi sau chiếc xe kính màu đen để chụp ảnh. Tôi lại cảm thấy lòng mình chĩu nặng.

Sao nghề báo lại khắc nghiệt đến thế! Ngày xưa thầy Vinh đem lại những quả ngọt hoa thơm cho bóng đá Việt Nam, báo chí đã không hề tiết kiệm những bài chia sẻ, động viên hết lời. Giờ thầy cay đắng, lại buộc cánh nhà báo chúng tôi phải “làm văn tả cảnh”. Tả về khuôn mặt ông Vinh lúc bị bắt, khi trên xe của cơ quan điều tra, thậm chí tả cả không khí của chính những người tác nghiệp như tôi buổi hôm đó.

Người cười, kẻ nói trông giống hệt như ngày hội chứ không phải chuyện mắt bớ một con người mà trước đó không lâu vẫn còn được ca tụng. Họ trao đổi thông tin, bàn tán về chuyện hậu trường và kể cho nhau nghe về những “phi vụ” của người ngồi trong chiếc xe bưng bít kính đen như thường nhật. “Sao họ vô tình thế?” – tôi lại tự hỏi.

Nhưng không thể khác được. Công việc của phóng viên thể thao là thế. Phải trung thực với ngòi bút và luôn giữ cái nhìn khách quan trong mọi thời điểm. Trở về toà soạn hôm đó, chẳng phải tôi cũng “làm văn tả cảnh” như bao người cộng sự khác đó sao?!...

Nằm nhớ lại toàn bộ sự việc, kể cả những lần chứng kiến cảnh bắt bớ nhiều nhân vật có liên quan tới tiêu cực trong thể thao trước đó nữa, tôi lại trở người thao thức. “Sinh nghề tử nghiệp”, câu nói của người đi trước đã có phần đúng trong trường hợp của ông Vinh. Con người đã cống hiến gần cả cuộc đời cho bóng đá thì lại đang bị chính thế giới đầy “ma thuật” của môn thể thao vua ruồng bỏ.

Ở đây tôi không đủ thẩm quyền để phán quyết “cái tử” của ông Vinh là chính đáng hay không chính đáng. Có thể một ngày, nghề báo cũng sẽ bắt tôi trong hoàn cảnh tương tự. Tôi sẵn sàng chấp nhận cái tử chân chính cho nghề.

Đến lúc này tôi đã phần nào thấm thía chữ “bạc” trong lời thầy tôi dậy ngày nào. Trong chừng mực nào đó, nó hàm ý sự bạc bẽo. Và nó đã, đang và sẽ “bạc” với chính bản thân tôi rồi!

(P/S: Kỷ niệm 82 năm ngày Báo chí cách mạng VN, tôi mạn phép post lại bài “Nghề bạc” (đã đăng trên Tạp chí Nghề Báo - Hội Nhà báo TP.HCM, tháng 12.2005), theo cái nhìn và sự liên tưởng rất riêng của tôi, không hàm ý chê bai hay định hướng các đồng nghiệp. Thanks!!!)

Ảnh: HLV Thành Vinh (đeo túi) chuẩn bị lên xe của công an về trại tạm giam.

Free stats

21/6/07

ĐẦU LẠNH, TIM NÓNG



Ngày Nhà báo, từ sáng sớm, tôi gửi SMS tới các bạn đồng nghiệp được lưu số trong điện thoại của mình: "Chúc nhà báo có một cái đầu lạnh và trái tim nóng".

Và nhận được những câu trả lời như sau:

- Trái tim cũng lạnh rồi, anh ơi. Em là ice man rồi!
- Có vẻ chỉ có cái đầu hâm hâm, trái tim hơi nguội, gây gổ, không phải nhà báo đúng nghĩa!
- Chết tôi rồi, cả hai thứ đều nóng thì làm sao bây giờ?
- Tim đang nguội, đầu lại nóng. Thế thì em không phải nhà báo rồi.
- Cảm ơn anh, nhưng đầu em bây giờ ở dưới tim. Tim ở trên đầu. Bà mụ nặn nhầm.
- Chúc bác câu khác đi! (Đây là nữ nhà báo đã về hưu)
- Anh thân mến, như thế là tẩu hoả nhập ma lắm.
- Chúc em cả đầu và tim đều nóng.
- Cảm ơn nhiều, cái đầu này đang nóng râm ran vì sốt đây.
- Cố gắng như vậy mà khó vô cùng, khi đầu nóng, khi tim nóng. Chỉ khi lĩnh nhuận bút là thấy sướng thôi.
- Tim nóng và cái gì đó cũng phải nóng nữa.
- Ơ, thế chỉ có mình chúc nhau thế này thôi à? Chán nhỉ?
- Hehe, em cám ơn anh. Anh nhớ bổ sung tin này lên blog nhé. Nguyên văn, không biên tập.
- Bây giờ đầu lạnh dễ vì tuần hoàn não kém, tim nóng dễ vì tắc động mạch vành. Do đó hãy để cho chúng nóng lạnh tuỳ ý, theo tinh thần dân chủ cơ sở.
- Em rất thích lời anh chúc các đồng nghiệp nhân Ngày Nhà báo VN và cũng thật trùng hợp, đó cũng chính là điều mà em muốn chúc anh. Chúc anh luôn "chiến đấu" với mặt trái của xã hội với cái đầu lạnh và trái tim rực lửa.
....

Free web counters

TÂM SỰ NGÀY NHÀ BÁO



Chúc mừng tất cả các nhà báo nhân ngày 21.6.

Chúc gia đình, bạn bè, người thân của các nhà báo tiếp tục yêu thương và tạo điều kiện để các nhà báo đi sớm về khuya làm trọn công việc của mình (bao gồm cả đi nhậu).

Chúc các nữ nhà báo không bị chồng cằn nhằn vì nấu trễ một bữa cơm hoặc không ở bên chồng vào đúng ngày chồng ươn người.

Chúc các nam nhà báo không uống lẹm vào nhuận bút mang về cho vợ con.

Chúc các độc giả tiếp tục đặt lòng tin vào báo chí.

Chúc tất cả chúng ta nhân ngày đặc biệt này.

Nhân đây xin copy vào entry này bài "Chạy sô kiểu nhà báo" đăng trên báo Thanh Niên số ra hôm nay. Một câu chuyện không mấy ăn nhập trong ngày vui này, nhưng lại là lời nhắc nhau tự tránh.

Ca sĩ đắt hàng thì sẽ chạy sô liên miên. Mỗi đêm có thể chạy đến mấy sô. Từng có thời gian báo chí tốn khá nhiều giấy mực để phê phán việc ca sĩ hát nhép. Tại sao lại nhép? Vì hết hơi. Chạy sô nhiều quá không còn hơi để hát nên đành phải nhép, vừa nhép vừa diễn xuất vờ như đang hát thực.

Khi những màn hát nhép bị phát hiện, ca sĩ bị la rầy um sùm. Rằng như vậy là không tôn trọng khán giả, không yêu nghề, không trung thực... khi bắt khán giả phải nghe máy hát chứ không được nghe người hát. Ai cũng đồng ý rằng ca sĩ không được quyền hành xử như vậy, hoàn toàn không thể chấp nhận được, vì việc này vi phạm tùm lum thứ. Đã là ca sĩ thì phải hát. Và càng được khán giả yêu thích thì càng phải hát hay hơn, phải trau dồi nghề nghiệp nhiều hơn để không phụ lòng ái mộ khán giả dành cho mình.

Có một nghề rất khác nghề ca hát nhưng vẫn có người chạy sô như điên: nghề báo. Nghe tưởng như giỡn mà lại thiệt trăm phần trăm: có một số nhà báo vẫn chuyên nghề chạy sô. Họ cũng bận rộn xếp lịch, xếp giờ, nghiên cứu vận trù học để vòng chạy của mình ít hao tổn năng lượng nhất nhưng lại đạt hiệu quả cao nhất: chạy sô đến các cuộc họp.

Khác với ca sĩ, nhà báo không bị buộc phải hát nhép, phải cười và đu đưa theo nhạc kiểu như đang hoạt động nghệ thuật. Họ ngang nhiên đi vào cuộc họp, đưa giấy mời và lấy phong bì, thủ tục quan trọng nhất trong mọi thủ tục, rồi họ cũng ghé vào ghế ngồi ít phút, cũng tỏ ra nghe ngóng tí chút, sau đó họ nháng qua nháng lại, diễn xuất vừa đủ để những người khác đều nhận ra sự có mặt của mình. Và rồi cuối cùng, họ lẳng lặng rút êm đến những địa chỉ khác, với những cuộc họp khác và những phong bì khác... Đó là hành trình rất quan trọng trong mỗi ngày làm việc của họ.

Có một loại nhà báo còn ghê gớm hơn, chẳng tốn công sức bước ra đường mà vẫn có thể chạy sô hữu hiệu bằng cách vận dụng một phương thức cực kỳ linh hoạt. Đó là những nhà báo có vai vế trong tòa soạn, và thay vì bỏ thì giờ chạy sô, họ hạ lệnh cho lính chạy sô thay mình. Lính của họ sẽ đến các cuộc họp, đưa giấy mời và ký nhận phong bì, nhưng thay vì rút cái tờ bên trong phong bì bỏ vào túi mình thì anh lính nhà báo cứ để đấy, mang về nộp "nguyên con" cho sếp.

Những cuộc chạy sô ngang nhiên và hoành tráng này vẫn đang tiếp diễn dài dài, và cho dù các đồng nghiệp của họ đều biết rõ nhưng mọi người thường tránh đụng chạm đến. Bởi về mặt đồng nghiệp, nó quá tế nhị. Tế nhị đến mức chính người đặt vấn đề sẽ phải đỏ mặt chứ không phải người được đề cập.

Thế nhưng, chẳng lẽ các nhà báo thường không khoan nhượng với các loại tiêu cực trong xã hội, lại tiếp tục lờ đi, ra vẻ không hề biết những chuyện-thường-ngày-ở-huyện trong chính giới cầm bút, ngay cả vào dịp 21.6?

Camera

Free blog counters

20/6/07

KHI ANH LÀ FRELANCER


Xuân Bình hành nghề tại Nepal

Xuân Bình là một trong những nhà báo thành danh với ảnh báo chí. Thời gian gần đây, anh vẫn xuất hiện đều đặn với tư cách vừa viết bài vừa chụp ảnh. ẹt ai biết rằng, Xuân Bình đã chuyển sang làm nhà báo tự do - công việc phổ biến đối với báo chí nước ngoài, song lại còn khá mới mẻ ở Việt Nam.

*Anh đã có thâm niên làm báo 18 năm từ đài phát thanh huyện, thành phố đến Đài Tiếng nói Việt Nam và một số tờ báo của trung ương. Điều gì khiến anh quyết định chuyển sang làm nhà báo tự do cách đây 9 năm?

- Tôi phải cảm ơn số phận đã đẩy tôi - một gã giai tỉnh lẻ - vào nghề báo. Điều này chẳng khác nào tôi được ném cho một cái phao cứu sinh. Và theo đúng nghĩa đen của các ví von này, tôi phải vật lộn với nghiệp báo. Trước kia đam mê chủ yếu của tôi là chụp ảnh, mà chụp ảnh thì cần thời gian, nên không mấy toà soạn - đặc biệt là những tờ báo chuyên về thời sự - đồng ý cho phóng viên ảnh không đến toà soạn trong vòng 2 tuần để rong ruổi đi chụp. Hơn nữa, có một thực tế là không ít biên tập viên không có tư duy ảnh, không hiểu thế nào là một tác phẩm ảnh báo chí, nên thường chỉ đạo sai. Tôi là người luôn tôn trọng kỷ luật làm việc nên mỗi lần phải chụp những bức ảnh không đúng, thiếu sáng tạo và cảm xúc, tôi thấy không thoải mái. Thế là tôi quyết định làm "nhà báo ngoài quốc doanh", hay nói theo thời thượng là "freelancer".

* Vậy khi làm freelancer, anh có thấy được tự do hoàn toàn không?

- Làm nhà báo dù trong hay ngoài quốc doanh thì cũng phải tuân thủ pháp luật, đạo đức nghề nghiệp. Đó là điều chắc chắn. Lợi thế là tôi được làm chủ thời gian của tôi và được phép viết những gì mình yêu thích và bạn đọc cần. Phạm vi "bay nhảy" của tôi giờ không chỉ còn gói gọn trong nước. 9 năm qua, tôi đã lọ mọ đến được Châu Mỹ, Châu Phi, Châu Âu... Thú vị nhất là đã rón rén leo được lên Everest, thưởng thức sự ớn lạnh mênh mông thảm cát hoang mạc Gobi và ăn năn trên đường hành hương đất Phật...

Và mặc dù không còn phải tham gia vào các sinh hoạt nghiệp vụ tập thể, song cũng giống như bất cứ một freelancer nào khác, tôi vẫn luôn để cho tri thức phản biện, để cho trách nhiệm của nhà báo, trách nhiệm của người đàn ông có gia đình chất vấn. Tức là với từng sản phẩm báo chí, tôi phải nộp đủ thông tin, cảm xúc cho bạn đọc; nộp đủ thu nhập cho vợ; nộp đủ yêu thương cho những người đã "trót" thương yêu. Nói như thế để thấy làm nhà báo tự do cũng không hẳn là tự do hoàn toàn.

* Anh có nói tới các chuyến đi ra nước ngoài, tới những địa danh rất hấp dẫn đối với người làm nghề. Anh chuẩn bị cho các chuyến đi như thế nào?

- Mỗi chuyến đi đều phải được chuẩn bị công phu qua sự âm thầm tích cóp tư liệu về tôn giáo, văn hoá, kiến trúc, mỹ thuật - những đề tài tác nghiệp mà không cần thẻ nhà báo. Ví dụ chuyến đi Tây Tạng hồi 2006 của tôi thực ra được chuẩn bị từ sau chuyến xuyên Việt đầu tiên hồi năm 1992. Hay mãi tới năm 2002, tôi mới đi Singapore lần đầu tiên theo tour bốn ngày ba đêm, nhưng tôi đã bắt đầu ghi chép về đất nước này từ năm 1983 khi làm ở Đài truyền thanh Vĩnh Bảo, Hải Phòng. Mỗi đêm ở đảo quốc này, tôi chỉ ngủ hơn 2 tiếng và phải ghìm nén nhu cầu shopping để tác nghiệp. Kết quả là tôi đã viết được 17 bài sau chuyến đi ngắn ngủi ấy.

Trước khi đến vùng đất nào, tôi thường đọc trước những cuốn sách giới thiệu về nó. Tôi cũng sưu tập các loại bản đồ để định vị chỗ nghỉ, các tuyến đi trong ngày, các điểm để gặp nhân vật cần chụp, phỏng vấn...

Về phương tiện kỹ thuật thì đương nhiên phải chuẩn bị ở mức "thiện chiến" rồi. Nếu như phóng viên bình thường chỉ cần một máy ghi âm để ghi dữ liệu, thì freelancer như tôi cần thêm một máy ghi âm chất lượng cao đủ cho chương trình phát thanh. Vừa viết bài vừa chụp ảnh, nên cường độ làm việc là khá căng thẳng. Nhiều lúc cứ tự hỏi không biết người ngoài trông vào có thấy mình giống như dị thú không? Mắt luôn soi mói, tai dỏng cao lắng nghe, chân lúc nào cũng muốn chạy, lúc nào cũng muốn là người đi xuyên tường...

* Xin hỏi là làm freelancer, anh có "cân bằng được thu chi" và hoạt động có lãi không?

- Được làm cái mình thích đồng nghĩa với chi phí lớn hơn, rủi ro cao hơn. Tôi nghĩ sẽ là sai lầm lớn nếu bạn định kiếm lời từ công việc này. Là người sống bằng nhuận bút, mặc dù luôn được các toà soạn ưu ái trả với giá "trần", nhưng cái khổ của freelancer là không phải khi nào thu cũng đủ bù chi. Để có thêm thu nhập thì phải viết nhiều hơn. Tôi cũng cố gắng viết không giống ai, không trùng lặp, nhưng viết nhiều thế thì hay nỗi gì. Bài hay ít người khen, nhưng bài tầm tầm thì bị bạn bè chê cũng đau lắm.

* Nhưng có vẻ như anh vẫn thích đi đến tận cùng của nghiệp freelancer?

- Nếm trải sướng khổ trên lộ trình khấp khểnh ấy, tôi chợt nhận ra làm báo tự do là một trường học lớn, là khoá học dài suốt cuộc đời mà không có kỳ sát hạch cuối cùng. Tôi tự an ủi rằng học thì phải mất công sức và học phí. Có thể đó chính là phép thắng lợi tinh thần để đi tiếp.

* Câu hỏi cuối cùng, một freelancer phải đối mặt với những thách thức gì?

- Nếu dấn thân làm freelancer, bạn phải chấp nhận đó là một nghề chưa chính danh. Bạn phải chấp nhận đối thoại với các thư ký toà soạn vốn đã rất khắt khe, nay lại càng khắt khe hơn khi thẩm định sản phẩm của mình. Bạn phải cạnh tranh với một đội ngũ phóng viên hùng hậu, dày dạn kinh nghiệm và được tạo điều kiện thuận lợi hơn rất nhiều trong tác nghiệp. Do vậy để "bán" được sản phẩm, đề tài viết của bạn phải mới lạ, hấp dẫn.

* Xin cảm ơn anh.

Đức Thành thực hiện

Bài đăng trên Lao Động số 21.6.2007

Free hitcounter

19/6/07

THU MINH - PHẢN CẢM HAY GỢI CẢM?



Ca sĩ Thu Minh từ hồi hát Chuông gió trở nên nổi như cồn. Thực ra thì trước đây cô đã được công chúng biết đến rồi, nhưng cả giọng hát lẫn phong cách của cô đều bị chìm đi trong vô số các ca sĩ giông giống nhau của thị trường ca nhạc nước nhà.

Cách đây 5-7 năm được chị Trịnh Vĩnh Trinh tặng một album của chị có Thu Minh góp mặt vài bài. Chị nói: "Cô này giải nhất Tiếng hát truyền hình đó!". Nghe nhưng không có ấn tượng gì đặc biệt.

Một lần tình cờ xem một cái video clip nào đó của Thu Minh, thấy từ cách hát đến trang phục biểu diễn của cô đều giống với các ca sĩ tốt nghiệp Nhạc viện Hà Nội ra, nhưng giọng lại không hay bằng.

Thế là thôi, gạch cô ấy khỏi danh sách những ca sĩ Việt Nam mà mình có thể nghe.

Rồi đột nhiên Thu Minh lột xác. Lột xác toàn diện, lột xác triệt để. Cô chỉ giữ lại mỗi cái tên giản dị, nghe có phần hơi chối đối với một ca sĩ muốn có ngôi vị cao hơn.

Cô cắt tóc ngắn, mặc những bộ trang phục sexy, hát những bài dance sôi động, khoe lợi thế của một người đã từng được đào tạo làm diễn viên ballet là hình thể đẹp và chuyển động linh hoạt trên sân khấu.

Nhưng các bài hát của cô không chỉ là những bản dance thông thường. Cô đã khéo léo hoà vào đó kỹ thuật hát và cảm xúc thật. Ví dụ "Cho tôi ly cà phê không đường đen" nghe rất tâm trạng và gợi, chứ không hẳn chỉ là một câu hát bình thường.

Các bài hát trong album "Thiên đàng" của cô đều nghe được trở lên. Cá biệt như "Chuông gió" thì có thể chấm 9+.




Đặc biệt xem Thu Minh trên sân khấu hoặc TV đều dễ chịu. Cô ăn mặc rất đẹp, phong thái biểu diễn biến hoá đầy sáng tạo, luôn tạo được sân khấu của riêng cô.

Thế là tôi đưa Thu Minh trở lại danh sách những ca sĩ mà mình có thể nghe và... xem.

Rồi gần đây rộ lên cuộc tranh cãi xung quanh cách phục trang của Thu Minh. Một nhà tạo mẫu đàn chị cứ nhất quyết cho rằng cô ăn mặc phản cảm.

Nhưng mà cá nhân tôi thì thấy cô ăn mặc đẹp. Thậm chí là rất đẹp. Hiếm ca sĩ nào có được hình thể chuẩn như Thu Minh để mà khoe. Thế thì tại sao lại cấm cô khoe giò chẳng hạn???

Thôi, tóm lại tôi vẫn nghe và vẫn xem Thu Minh, cho đến khi nào cô bị tác động của nhà tạo mẫu kia mà thay đổi phong cách hiện nay của cô.


18/6/07

TRẦN ĐĂNG KHOA VIẾT VỀ JOE



Không ngờ cái entry "Mèo mù vớ cá rán" của Joe lại được bà con tranh luận hăng hái như vậy. Tôi xin mạo muội trích lời giới thiệu của nhà thơ Trần Đăng Khoa cho cuốn sách "Tớ là Dâu" của Nhà xuất bản Kim Đồng vừa ấn hành.

"Tiếng Việt đúng là mê hồn trận đối với dân ngoại quốc. Chính vì thế, mình lại đâm ra tò mò.

Cứ tưởng sẽ được ngắm một anh ngố, hoá ra lại gặp ngay một gã ma xó. Mà còn quái hơn cả ma xó! Chả thế mà cộng đồng mạng cứ nhao nhác lên: "Tôi không tin ông là người Tây. Bịa. Giọng văn lại hơi bị thảo mai". "Bố khỉ! Mấy giờ rồi mà mọi người lại ngồi tin chuyện vớ vẩn này nhỉ? Chẳng có thằng Tây nào viết tiếng Việt được như vậy. Mọi người cả tin quá. Thằng này Tây rau muống 100%. Sao mọi người không hẹn một ngày nào gần nhất xem mặt mũi thằng này như thế nào? Tôi mà gặp thằng giả danh này, tôi sẽ..." Khiếp quá! Mình không dám dẫn hết. Sự nổi giận đáng yêu sặc mùi lục lâm thảo khấu!

Nhưng không có chuyện giả danh đâu. Joe đấy. Anh chàng Tây một cục. Tây toàn tính. Sở dĩ có sự kinh ngạc đến bàng hoàng ấy cũng vì khả năng sử dụng tiếng Việt của Joe. Ngay cả người Việt, không phải ai cũng giỏi tiếng Việt như Joe đâu. Những tiếng lóng, những ngôn ngữ vỉa hè, tưởng chỉ có thể để ở vỉa hè thôi, nhưng Joe đã biến chúng thành đặc sản. Ngon như nhai kẹo lạc.

Joe tung hứng, nhào nặn tiếng Việt điêu luyện như một nhà ảo thuật, và còn hơn thế, Joe như gã phù thuỷ quái quỷ. Tiếng Việt qua thao tác phù phép của Joe, luôn sống động, nhuần nhuyễn và biến hoá, đưa đến những hiểu quả bất ngờ. Đó chính là bí kíp làm nên sức hấp dẫn đặc biệt của cuốn sách này.

Mặc dù, những chuyện Joe kể, những điều Joe bàn chẳng có gì to tát. Nhưng viết về những cái lặt vặt, những chuyện nhỏ nhặt li ti trong đời sống hàng ngày mà lại hấp dẫn, duyên dáng thì đó là một biệt tài riêng của Joe.

Bằng con mắt của người ngoại quốc, đi lại nhiều, biết nhiều, Joe phát hiện ra bao nhiêu vẻ đẹp của ta mà do quá quen, ta lại không nhìn thấy. Rồi Joe chiêm ngưỡng chúng bằng con mặt trong veo và đỏng đảnh của lứa tuổi thần tiên 8x, 9x. Cái tuổi nhìn đâu cũng mới mẻ, tươi đẹp và đáng yêu".


Free hit counter

17/6/07

MÈO MÙ VỚ CÁ RÁN



Ca sỹ Trần Thu Hà đã từng nói: "Một người Á châu muốn thành công ở Mỹ phải tài giỏi hơn người bản xứ rất nhiều". Còn một người Canada muốn thành công ở Việt Nam thì tài năng "phọt phẹt" như Joe hoá ra là vẫn được đấy! Sướng thế còn gì!

Ở Canada không ai rủ mình dẫn chương trình, không ai rủ mình đóng phim, không ai để ý đến blog của mình đâu. Nhưng sang Việt Nam và chịu khó học một chút tiếng Việt thì bỗng nhiên mình nổi lên và người ta... trải thảm đỏ, rủ mình tham gia chương trình này, phim kia... Thậm chí làm hơi kém, vẫn được mời tiếp!

Trước đây 20 năm đã không như thế (vì người nước ngoài không được tham gia nhiều), và 20 năm sau này sẽ không như thế (vì khi đó sẽ có bao nhiều là người nước ngoài biết tiếng Việt), nhưng bây giờ hoàn cảnh đang là như thế, và mình là mèo mù rất may mắn vớ được con cá rán ngon tuyệt vời. Được chào đón nhiệt liệt như thế thì chuyện mình yêu Việt Nam là đương nhiên chứ!

Cái mình thích nhất là mình được thử sức ở rất nhiều lĩnh vực. Công việc ở đài truyền hình và hãng phim cũng rất thú vị, và mặc dù khả năng của mình vẫn còn rất hạn chế (ai xem chương trình của mình đều biết rồi) nhưng ở hai nơi đó mình có rất nhiều cơ hội để phát triển khả năng "chưa phát triển" của mình.

Các bạn cứ tưởng tượng: Liệu có một sinh viên Việt Nam nào đi sang nước ngoài học một chút tiếng Anh rồi được mời tham gia đóng phim, dẫn chương trình, có chuyên mục trên báo không? Không hề! Tất nhiên có người Việt Nam thành công ở Mỹ, nhưng họ phải cạnh tranh ác liệt lắm. Bao nhiêu là người Việt Nam giỏi tiếng Anh, trong khi chỉ có một số ít người phương Tây giỏi tiếng Việt và thích sống ở Việt Nam lâu dài.

Vậy mình sẽ rất cố gắng để thành công trong những lĩnh vực mới này, xứng đáng với những cơ hội đã đến với mình. Như thế mình sẽ phải tập trung nhiều, dành nhiều thời gian để học tập, và hy sinh một số cái - nhất là tiền! Ở đây, nhiều người cứ nghĩ rằng người của công chúng được nhiều tiền lắm. Không phải đâu - chỉ có một số ít người MC, ca sĩ, tác giả, v.v... sống thực sự là thoải mái.

Nhưng tiền đâu có phải là tất cả!

(Bài của Joe, đăng trên Lao Động cuối tuần 15.6.07)

Blog counter

16/6/07

CHẾT VÌ BÁO CHÍ...



"15h15' ngày 13.6

Vì sức khoẻ rất không tốt trong những ngày qua, và bản thân đã cầu trước Đức Thánh Trần (Cửa Ông - Quảng Ninh), mong muốn về với tiên tổ. Trong trạng thái đủ năng lực hành vi, năng lực pháp luật, tôi cam đoan: Không thù oán ai, không nợ bất cứ ai về tiền của, không có đất ở khu tái định cư Vạn Sơn, Vụng Hương.

Tôi chân thành cảm ơn Đảng bộ, nhân dân phường Ngọc Hải, anh chị em trong các cơ quan đoàn thể đã cùng công tác. Đặc biệt, tôi cảm ơn ngành công an có những cán bộ chiến sĩ làm việc khách quan, đúng pháp luật, có sự cảm thông với người bị nạn. Tôi không muốn nghe lời lẽ bóp méo, thổi phồng sai sự thật của một số PV báo chí và một vài cá nhân có động cơ xấu.

Việc tang lễ làm nhanh gọn, hãy thiêu và đặt mộ tại nghĩa trang Đồ Sơn, không mê tín cũng không cúng bái linh tinh. Gia đình hãy chăm sóc mẹ già chu đáo, các con ngoan, học tập và công tác tốt. Trong quá trình sống và công tác có gì sai sót mong được tha thứ. Chúc mọi người sức khoẻ, đoàn kết, vạn sự như ý.

Chào vĩnh biệt.

Lưu Kim Thái"
.

Bức thư tuyệt mệnh của ông Lưu Kim Thái, nguyên Phó Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân thị xã Đồ Sơn, người đã từng bị xét xử vì liên quan tới vụ "tham nhũng đất đai ở Đồ Sơn", chắc hẳn khiến nhiều nhà báo phải suy nghĩ. Ông Thái bày tỏ sự "đồng tình với cách điều tra, xử lý của cơ quan bảo vệ pháp luật", song lại không bằng lòng với sự phản ánh thiếu khách quan của một số tờ báo về ông.

Còn nhớ, đầu thập niên 1990, cô con gái một vị quan chức ở TPHCM đã phải quyên sinh, sau khi báo chí rùm beng chuyện cha cô bị bắt cùng một phụ nữ trong nhà nghỉ. Chẳng thèm biết quan hệ giữa ông và người phụ nữ kia thế nào, và có đúng là ông đi "ăn bánh trả tiền" hay không, vài ba tờ báo đã rùm beng khiến cô con gái ông quá xấu hổ với bạn bè vè đi đến quyết định tiêu cực.

Cuối tháng 12.2004, một nhạc sĩ ở TPHCM cũng tự vẫn để lại lá thư tuyệt mệnh kết tội đích danh một số nhà báo. Người quá cố viết: "Hãy xem nhà báo (...) đã làm gì để nhận tiền bôi xấu một người thầy như tôi".

Nhân vô thập toàn, nhân cách của những người quá cố không phải là vấn đề mổ xẻ và tranh luận lúc này. Chỉ biết rằng họ đã ra đi và để lại lời oán giận đối với báo chí.

Khi tôi chập chững vào nghề, rất may tôi đã làm việc được với một người anh - người thầy tốt. Anh căn dặn: "Nhà báo khi viết xong một bài hãy dành chút thời gian tĩnh tâm để xem xem bài viết của mình sẽ tác động đến ai và hậu quả của tác động ấy là gì? Nếu cảm thấy yên tâm thì hãy nộp bài báo đó cho tòa soạn. Luôn nhớ rằng đằng sau những bài báo mang đến thành công nghề nghiệp của anh bao giờ cũng là số phận của những con người"...

Blog counters
 

VMC Copyright © 2009 | Power by Blogger | Template redesigned by Lý Minh Triết