13/4/11

ĐƯA NGÔN NGỮ CHAT VÀO TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT



GS.TS NGUYỄN ĐỨC DÂN

Trong thời đại hiện nay, hầu hết những người dùng máy vi tính không ít thì nhiều, đều đã từng “chat” – chuyện trò thân mật – trên bàn phím. Động từ tiếng Anh này có từ thế kỷ 15.

Ngôn ngữ chat có những đặc điểm gì? Điều này phụ thuộc vào ba yếu tố chủ yếu: nhu cầu về tốc độ chat, quan hệ giữa những người chat, mục đích và những nội dung đề cập.

Nhu cầu về tốc độ

Nói thì nhanh nhưng viết thì chậm. Nhu cầu thông tin nhanh trong khi chat dẫn tới hiện tượng rút gọn cả về ngữ pháp lẫn từ vựng. Rút gọn càng nhiều càng tốt miễn sao người giao tiếp hiểu được thông tin truyền đi. Nhằm thông tin nhanh, đã xuất hiện những từ tắt chính quy và không chính quy. Trong những văn bản chat và tin nhắn tiếng Anh gặp rất nhiều hiện tượng rút gọn thành những từ tắt (acronym), nhiều từ xuất hiện trước kỷ nguyên internet.

Một số hiện tượng rút gọn được dùng trên mạng theo ngôn ngữ theo ý tưởng QWERTY (những chữ đầu tiên trên bàn phím vi tính) là ngôn ngữ hoà kết (blendings): ebook (→ electronic + book); 2moro (→ tomorrow); 2nite (→ tonight); B4 (→ before); B2B (→ Business to Business), B2C (→ Business to Customer)...

– Rút gọn ngữ pháp: ASL? (→ what is your age, sex, location? – bạn bao nhiêu tuổi, giới tính, ở đâu?) Mar...d or sing? (→ Are you married or single? – Bạn có gia đình chưa?)

– Chỉ dùng các chữ đầu: OMG (→ Oh My God – Chúa ơi!); tbh (→ To be honest: Thành thật mà nói); ntn (→ như thế nào), sn (→ sinh nhật), a (→ anh); e (→ em); ty (→ tình yêu). Ví dụ: “Hum ni là sn of e và là ngày kỷ niệm 4 ty of chúng mình. A còn nhớ không a?” (Hôm nay là sinh nhật của em và là ngày kỷ niệm cho tình yêu của chúng mình. Anh còn nhớ không anh?)

– Lược bớt con chữ: bi g (bây giờ); ko (không)...

– Dùng số thay chữ: 8 (tám); 4 (four, đôi khi for); 0 (không)… Ví dụ: “Mấy pà 8 zì mà 8 hoài thía? 4 tui 8 với coi nè” (Mấy bà tám gì mà tám hoài thế? Cho tôi tám với coi nè).

– Dùng ký hiệu: ~ (những ); # (khác). Ví dụ: “Em mún có ~ kái # mới cơ” (Em muốn có những cái khác mới cơ).

Quan hệ giữa những người chat

Mối quan hệ giữa những người chat dẫn tới đặc điểm văn hoá của ngôn ngữ chat. Khi những người quen biết có quan hệ bạn bè, gia đình, thầy trò, đồng nghiệp, bạn hàng… chat với nhau, khi người viết blog có vị trí xác định trong xã hội thì ngôn ngữ chat được dùng đúng những chuẩn mực văn hoá – xã hội như yêu cầu của cuộc nói chuyện trực tiếp bằng lời. Nhưng trong những cuộc chat mà phần lớn những người chat dùng nickname – biệt danh – và không biết nhau thì đây là những giao tiếp không cần có không gian văn hoá về tôn ti, thứ bậc tuổi tác, vị trí xã hội, nhu cầu lịch sự, giữ thể diện… Lúc đó khả năng xuất hiện thứ ngôn ngữ vô văn hoá rất cao. Người chat sẵn sàng nói xấu nhau, tung tin thất thiệt, xưng hô bừa bãi, chỉ cần hơi trái ý là nặng lời thoá mạ, mắng chửi nhau, nói năng tục tĩu… gây ra những văn bản chat, những trang blog xấu xa. Xã hội dị ứng với loại ngôn ngữ chat này.

Mục đích và những nội dung được đề cập

Những cuộc chat của giới trẻ 8X, 9X nhằm nói theo cách vui nhộn những thông tin riêng tư đồng thời muốn khẳng định mình, sẽ dẫn tới thứ ngôn ngữ chat lạ hoá tiếng Việt, mà xã hội đặc biệt quan tâm và lo lắng chúng làm biến dị tiếng Việt.

Lạ hoá tiếng Việt bình thường theo cách: a) dùng xen tiếng nước ngoài; b) dùng phương ngữ tuỳ tiện; c) dùng những ký tự lạ, biến đổi tuỳ tiện con chữ; d) thay đổi, rút gọn tuỳ tiện âm đầu, thanh điệu, nguyên âm, âm cuối trong một vần. Như: “Pùn nhủ mún chít mà zẫn fải học” (Buồn ngủ muốn chết mà vẫn phải học); “Tua^n` naizz` hum~ koa’ gi` dang’ ke^~… hum~ lum` dc gi` hit” (Tuần này hổng có gì đáng kể… hổng làm được gì hết)…

Vui nhộn theo cách nói vần như đọc vè và tạo ra những từ khó hiểu, hoặc vô nghĩa: “ngu như cái xe… lu”, “xinh như con tinh tinh”, “nhí nhảnh như con cá cảnh”…

Lạ hoá theo cách dùng từ ngữ 3T (Ta – Tàu – Tây) lẫn lộn: “Say rượu rồi lại Livơphun (Liverpool) ra đấy hả?” (Say rượu rồi lại phun ra đấy hả?); “Còn nói nữa à, hôm nay tao “phiu chờ” (future) mày “đầu lâu” quá nên đi học vội vội vàng vàng, bị liptông (Lipton) một phát vẫn chưa hết cay “chim cú” đây này” (Hôm nay tao chờ mày lâu quá nên đi học vội vội vàng vàng, bị tông một phát vẫn chưa hết cay cú đây này).

Với những thông tin riêng tư cần giữ bí mật đặc biệt, trước hết với bố mẹ, người chat phải dùng tiếng lóng. Nếu là tiếng lóng dùng trong một nhóm xã hội như thế hệ 8X hoặc 9X thì vẫn có “mật mã” của nó. Thứ tiếng lóng riêng cho hai người thì không có quy luật, và dẫn tới những quái dị ngôn từ, rất khó phát hiện nội dung.

Có những từ ngữ chat nghiêm chỉnh không chỉ tồn tại trong thế giới online mà đang thâm nhập cả vào đời sống hàng ngày, được nhiều người chấp nhận. Xã hội cũng đã dần “thích nghi” với chúng. Ý thức được điều này, có không ít những từ viết tắt, tiếng lóng được dùng phổ biến trong các dịch vụ chat hay tin nhắn đã chính thức có mặt trong Từ điển OED (Oxford English Dictionary). Tiếng Việt không là ngoại lệ. Chỉ cần hai luận án tiến sĩ về đề tài này – ngôn ngữ chat và tiếng lóng – chúng ta có thể xác định được những từ ngữ chat thông dụng cần được coi là những đơn vị của tiếng Việt hiện nay và tương lai, để chính thức đưa vào từ điển tiếng Việt.

Nguồn:
Đưa ngôn ngữ chat vào từ điển tiếng Việt!



5 comments:

LU on lúc 21:56 13 tháng 4, 2011 nói...

"Nhưng trong những cuộc chat mà phần lớn những người chat dùng nickname – biệt danh – và không biết nhau thì đây là những giao tiếp không cần có không gian văn hoá về tôn ti, thứ bậc tuổi tác, vị trí xã hội, nhu cầu lịch sự, giữ thể diện… Lúc đó khả năng xuất hiện thứ ngôn ngữ vô văn hoá rất cao. Người chat sẵn sàng nói xấu nhau, tung tin thất thiệt, xưng hô bừa bãi, chỉ cần hơi trái ý là nặng lời thoá mạ, mắng chửi nhau, nói năng tục tĩu… gây ra những văn bản chat, những trang blog xấu xa. Xã hội dị ứng với loại ngôn ngữ chat này" --> exactly.

Em lập blog, FB, chủ yếu để liên hệ tin tức bạn bè bên nhà, và cũng để các boss hay bạn đồng nghiệp bên này vào đọc cũng không dị ứng với những lời còm, đùa giởn ko hay. Đây là lí do tại sao em giới hạn giao thiệp trên mạng ảo.

Pig on lúc 22:53 13 tháng 4, 2011 nói...

hồi học cấp 3 em cũng giống kiểu thế này, giờ lớn nên chat bình thường rồi

Thuy Dam Minh on lúc 08:57 14 tháng 4, 2011 nói...

Cái này từng bị phê phán rất nhiều, nhưng anh nghĩ, cũng có ngôn từ chát chấp nhận được trong đời sống hàng ngày. Xem lại cuốn từ điển của Alecxandre Rhose soạn từ cách đấy gần 400 năm, nhiều từ so với bây giờ còn buồn cười hơn nhiều. Mới thấy, ngôn ngữ nào chấp nhận được, tự cuộc sống sẽ chấp nhận nó thôi!

Titi on lúc 15:45 15 tháng 4, 2011 nói...

Đồng ý với anh cả Thụy :-)

NTD on lúc 22:00 17 tháng 4, 2011 nói...

nói chung có một số ít các từ có thể chấp nhận dc, nếu lạm dụng nhiều quá đọc rất phản cảm như ở hình minh họa ở trên. Em chỉ dùng 1 số từ để viết tắt khi sms cho nhanh như: j (gì), ntn,...hoặc cắt bớt âm ghép: trog (trong), nguyên âm đôi: mun (muốn),... & tất nhiên chỉ nt như thế với ng cùng kênh :D

Đăng nhận xét

 

VMC Copyright © 2009 | Power by Blogger | Template redesigned by Lý Minh Triết