22/4/11

THƯ GỬI NGƯỜI SẮP LẤY VỢ



Bạn thân mến,

Nhận được thư này qua bưu điện, bạn sẽ ngạc nhiên vì “thời @” mà lích kích viết lách, lại phải tem, phong bì, rồi mất công đi gửi, trong khi chỉ gõ phím, lích chuột là xong, nhưng lâu lâu tớ lại thích cầm cây viết mực, tâm tư, tình cảm và bao chuyện muốn trao đổi cứ hiện dần trên trang giấy trắng, thích lắm. Biết đâu bạn cũng đồng cảm với tớ.

Bây giờ tớ cũng rơi vào hoàn cảnh như mấy năm trước bạn gặp phải, nên không thể không thư cho bạn để sẻ chia.

Những kinh nghiệm trong tình yêu mà bạn truyền đạt cho tớ, tớ chỉ thấy hai kinh nghiệm là “có lý”.

Đó là khi chưa yêu, cũng như bạn, tớ vạch ra bao tiêu chuẩn, ví như không được “chân dài” thì cũng “trung dài”, da không được trắng trẻo mịn màng thì cũng sem sem, không cử nhân thì cũng phải tú tài, gia đình không giàu có thì cũng thường thường bậc trung, không thật nhanh nhẹn thì cũng phải hoạt bát...

Nhưng gặp nàng lần đầu trong khi cùng tập thể cổ vũ cho đội tuyển U23 qua tivi ở Nhà Văn hóa Thanh niên, lập tức tớ bị hút hồn mà không kịp “đối chiếu” với tiêu chuẩn chọn người yêu do chính mình đề ra!

Sau này nghĩ lại, nàng hút hồn tớ là do nàng sở hữu một khuôn mặt bầu bĩnh với làn da ngăm ngăm, mắt tròn, ngã nâu, nụ cười thân thiện. Sự nổi trội bề ngoài ấy đã làm tớ thua 0-1, trong khi đội bóng mà mình cổ vũ thắng đậm đối phương 3-1.

Cái “có lý” thứ hai là bạn đã đúng khi triết lý với tớ rằng: Người ta chỉ có thể tỉnh táo khi chưa yêu, còn một khi đã yêu thì không còn trí khôn nữa. Đúng là trí khôn của tớ bị nàng lấy mất.

Chẳng hạn, sau khi nàng im lặng trước lời yêu của mình (im lặng tức đồng ý, hình như đó là chuyện thời nay hơi bị hiếm) thì nàng bảo gì mình cũng nghe. Nàng cần một tháng 4 lần đi chơi đâu đó.

Lãng mạn thật, và tớ cũng thích sự lãng mạn ấy, nhưng ngặt nỗi túi tiền mỏng quá. Thế là phải giảm thời gian làm học trò ở giảng đường để làm thầy giáo tại gia.

Nàng giận dỗi vì bó hoa tớ tặng không “hoành tráng”, chẳng hạn sinh nhật năm thứ 22 thì phải 22 bông hồng thật to, thật tươi, mà tớ thì chỉ đủ sức mua hai bông tượng trưng, nên phải cố.

Lâu lâu nàng hẹn shopping, cố không để choáng váng quật ngã, tớ lại “cày”, lại mì tôm, để có thể xăng xái trả tiền cái áo thun năm bảy trăm ngàn mà nàng chọn.

Hôm sau nàng hỏi mà như khoe “Đẹp không anh?”, tất nhiên là tớ phải “Ôi, nàng tiên của anh!”. Rất may là đến ngày thành hôn thì tớ bỗng dưng “phục hồi trí khôn”.

Nàng bày ra một lễ cưới với một đoàn xe “mẹc” mui trần đón dâu, với nhà hàng Rex, với thiệp hồng cả trăm ngàn một tấm, trước đó thì Hạ Long, Đà Lạt (may mà chưa Paris, New York) quay phim, chụp ảnh.

Tớ chia sẻ với nàng ước mơ ấy, kiểu như chia sẻ tiệc tùng linh đình với các nhân vật ảo trong các trò chơi điện tử, chớ không thể vay mượn để tổ chức đám cưới “5 sao” rồi đến già chưa chắc trả xong nợ. Nghe nợ, nàng sợ, thế là tớ thoát nạn!

Nhưng tớ lại gặp rắc rối chuyện khác. Đó là hình như nàng là một phần của bộ não tớ, bởi tớ nghĩ gì, vì sao lo lắng hay vui buồn, nàng đều tỏ tường, tỏ tường để chia sẻ thì có thể được, nhưng để vặn hỏi, lại vặn hỏi quá nhiều lần thì chẳng thằng đàn ông nào chịu nỗi.

Chẳng hạn, một lần tớ cùng nàng đi chợ, gặp cô bán hàng vừa trẻ vừa xinh, tớ chuyện phiếm mấy câu, vậy mà nàng cứ cằn nhằn mãi: “Trong đầu anh luôn luôn có hình ảnh cô ta”.

Hình ảnh cô ta có xuất hiện trong đầu tớ thật, nhưng chỉ lúc ấy thôi, chứ đâu phải luôn luôn! Tớ chỉ cần nàng yêu chứ không cần hiểu tớ đến từng ý nghĩ, hiểu nhiều như thế, khó sống lắm!

Người ta nói, mấu chốt của hạnh phúc trong hôn nhân là sự tương hợp. Từ điển tiếng Việt định nghĩa tương hợp là chịu đựng được nhau, không mâu thuẫn, loại bỏ nhau. Nếu thế thì tớ và nàng ngày càng không tương hợp, tức là khó mà chịu đựng được nhau mãi.

Vì sao ư?

Tính thích xài sang luôn hiện hữu trong người nàng. Tỷ như cái tủ lạnh còn chạy ngon vì mới mua được hơn năm, nàng gom lương tháng của hai vợ chồng mua cái khác cho “mô đen” như nhà người ta.

Cái tivi “siêu phẳng”, hình ảnh và âm thanh chưa có gì đáng phàn nàn, nàng bắt thay loại LCD mười mấy triệu đồng, tớ phải méo mặt mượn tiền ông bà già tớ, mượn mà không biết có trả được không.

Áo quần mình đang mặc, còn tốt nguyên, tự dưng nàng bắt thay toàn đồ mới cho nó bằng anh bằng em. Nhưng sâu xa, có thể nàng muốn tớ phải diện hàng hiệu cho xứng với những bộ đồ sang trọng của nàng. Đúng là các ông bà nông dân sống với nhau yên ổn hơn giới trí thức tụi mình thật!

Tớ nghĩ, trong cuộc sống chung, người ta ít quan tâm đến trình độ học vấn mà quan tâm nhiều đến trình độ giáo dục, nghĩa là anh ấy (hay chị ấy) đã được giáo dục như thế nào.

Một người được giáo dục tử tế, lối sống của họ khác với người ít được giáo dục từ bé. Nàng được giáo dục tử tế nhưng theo cách của con nhà giàu xổi, tức buôn bán bất động sản trúng một vài lô đất khá lớn, thừa sức xây biệt thự vườn, thừa sức tiêu pha đồ ngon vật lạ, nên bây giờ dù đã có gia đình riêng, sống bằng đồng lương, vẫn quen ăn xài thoải mái.

Đứa con đầu lòng của vợ chồng tớ cứ ốm đau hoài một phần cũng do chế độ ăn. Nàng tìm mua những loại sữa đắt tiền nhất qua quảng cáo, ruột gan thằng bé chưa kịp thích nghi, mẹ đã đổi sữa mới vì xem tivi thấy có loại ăn vào vừa cao to vừa thông minh.

Kết quả là thằng bé còi cọc hoài do không quen thay đổi sữa liên tục nên cứ uống vào là nôn. Hộp sữa, loại sữa cho con, coi đơn giản vậy mà vì nó mà vợ chồng có thể “bất đồng quan điểm”, chẳng khác nào các quan chức bất đồng quan điểm trên chính trường.

Tớ thì như bạn biết, không phải nhà nghèo, nhưng quyết tự lập từ thời sinh viên, nên tiêu pha vừa phải để không phải xin tiền ba má hay vay mượn người quen.

Người ta khó chịu với nhau về lối sống khác biệt là vì vậy. Nói thì nói thế nhưng con người ta sinh ra, tính tình, tư cách một phần còn do “trời định”, cái gì thành thói quen thì khó sửa lắm, trừ khi vì một mục đích nào đó, như để vợ chồng tương hợp chẳng hạn. Tiếc rằng nàng không có mục đích đó.

Mỗi người tự đặt cho mình những tiêu chuẩn cần có của bạn đời mà về sau hầu hết đều nhận thấy những tiêu chuẩn ấy chẳng có gì đảm bảo cho hạnh phúc. Và sự tỉnh ngộ muộn màng khiến người ta đau khổ. Phải thế không bạn?

Thân thiết,

VĂN BÌNH

Nguồn:
Tương hợp



4 comments:

LU on lúc 19:29 22 tháng 4, 2011 nói...

Đấy...anh thấy tác giả viết có vợ là khổ thế đấy :))
Cứ giử tình trạng ê ế thế thì còn trẻ lâu, lấy vợ roài, anh sẽ xuống nhan sắc ngay. Điển hình, cứ ê ế như em mờ hót líu lo túi ngày :))

MLS nói...

Đó chỉ là một phần sau hôn nhân. Nó có thể tệ hơn hay tốt hơn rất nhiều ta nghĩ. Bác VMC là người nhận thư này? Thế chẳng hay sao!

Titi on lúc 00:10 24 tháng 4, 2011 nói...

Đồng chí này nói đến phần tiêu chuẩn người vợ mà quên rằng mọi tiêu chuẩn đều do mắt người, tức là tính chủ quan rất lớn. Trong khi, đời sống hôn nhân đa dạng như một thế giới thu nhỏ, bao gồm tính khách quan, ngẫu nhiên và phối ngẫu đòi hỏi con người mềm dẻo , linh hoạt trong cách nhìn nhận, đánh giá và giải quyết. Vợ bất đồng quan điểm là do người chồng không đủ uy tín với vợ, có thế thôi à :-D Các cụ đã nói "...dạy vợ từ thuở bơ vơ mới về". Nếu vợ hư khong hẳn do vợ mà còn vì chồng không bit cách "dạy" đó nha :-D

L2C on lúc 13:16 24 tháng 4, 2011 nói...

Bài này đâu có gửi cho bác VMC mà nó lại dạt vào mục gia đình tình yêu của blog nhà bác nhỉ.

Thích bác đăng bài này hơn này http://www.huffingtonpost.com/lisa-firestone/the-real-reason-youre-not-married_b_852128.html

Đăng nhận xét

 

VMC Copyright © 2009 | Power by Blogger | Template redesigned by Lý Minh Triết