28/5/11

TRUNG QUỐC PHẢI BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI


Cáp thăm dò của tàu địa chấn Bình Minh 02 bị tàu hải giám Trung Quốc
trắng trợn xâm phạm chủ quyền Việt Nam phá hoại.
Ảnh: TTXVN.

Bộ Ngoại giao Việt Nam đã trao công hàm yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay những hành động vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Quan chức Ngoại giao Việt Nam xác định tàu Bình Minh 02 đang tiến hành khảo sát tại lô 148 trong phạm vi thềm lục địa 200 hải lý của Việt Nam đã bị ba tàu Hải giám của Trung Quốc cắt cáp thăm dò sáng 26/5. Tọa độ bị cắt cáp ở vị trí 12 độ 48 phút 25 giây Bắc và 111 độ 26 phút 48 giây Đông, cách mũi Đại Lãnh (Phú Yên) khoảng 120 hải lý.

Sáng qua, đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gặp đại diện sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội trao công hàm phản đối hành động nói trên của phía Trung Quốc, yêu cầu phía Trung Quốc chấm dứt ngay, không để tái diễn những hành động vi phạm quyền chủ quyền của Việt Nam đối với thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, đồng thời bồi thường thiệt hại cho phía Việt Nam.

Nội dung công hàm cũng nêu rõ hành động nói trên của Trung Quốc vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền của Việt Nam đối với thềm lục địa của mình, vi phạm Công ước Luật biển năm 1982 của Liên Hợp Quốc, trái với tinh thần và lời văn của Tuyên bố năm 2002 giữa ASEAN và Trung Quốc về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), cũng như nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước Việt Nam và Trung Quốc về việc không làm phức tạp thêm tình hình Biển Đông.

Cùng ngày hôm qua, ông Đỗ Văn Hậu, Phó tổng giám đốc PetroVietnam (PVN), đơn vị chủ quản của công ty sở hữu tàu Bình Minh 02, khẳng định việc các tàu hải giám Trung Quốc vào rất sâu trong lãnh hải của Việt Nam để phá hoại, cản trở các hoạt động thăm dò khảo sát bình thường của PVN là một hành động hết sức ngang ngược, vi phạm trắng trợn đối với quyền chủ quyền của Việt Nam, gây thiệt hại lớn về kinh tế và cản trở hoạt động của PVN.

PVN cho biết ngay sau khi bị phá hoại, tàu Bình Minh 02 đã được sửa chữa tại chỗ và trở lại hoạt động bình thường.

Vụ phá hoại xảy ra vào lúc 5h5 ngày 26/5, rađa tàu địa chấn Bình Minh 02 đã phát hiện có tàu lạ đang chuyển động rất nhanh về phía khu vực khảo sát. Sau đó 5 phút thì phát hiện tiếp hai tàu nữa đi từ phía ngoài vào. Đó là ba tàu hải giám của Trung Quốc chạy thẳng vào khu vực khảo sát mà không có cảnh báo.

Trên cơ sở tốc độ di chuyển của tàu hải giám Trung Quốc, tàu Bình Minh thấy có khả năng sẽ ảnh hưởng đến thiết bị của tàu nên đã quyết định hạ thấp thiết bị để tránh thiệt hại.

Vào lúc 5h58, tàu hải giám Trung Quốc đã chủ động chạy qua khu vực thả dây cáp, cắt cáp thăm dò của tàu Bình Minh 02. Vị trí mà ba tàu hải giám Trung Quốc phá hoại thiết bị của tàu Bình Minh 02 của PVN, chỉ cách mũi Đại Lãnh (Phú Yên) khoảng 120 hải lý, nằm hoàn toàn trong vùng lãnh hải thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Thời gian gần đây phía Trung Quốc đã có những hành động và tuyên bố liên quan đến Biển Đông mà Việt Nam kiên quyết phản đối. Hôm 16/5, Trung Quốc loan tin đã mở rộng dịch vụ điện thoại di động, phủ sóng khu vực quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Cục Hải dương Nhà nước Trung Quốc công bố một tài liệu trong đó tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với Biển Đông và hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, in một số bản đồ có vẽ “đường lưỡi bò”, nêu kế hoạch triển khai tự thăm dò, khai thác dầu khí ở khu vực quần đảo Trường Sa và mở tuyến du lịch ra quần đảo Hoàng Sa. Trung Quốc đơn phương ban hành lệnh cấm đánh bắt cá trên vùng Biển Đông; tăng cường tàu ngư chính đi lại trong khu vực Hoàng Sa của Việt Nam.

Những tuyên bố và hành động này đã vi phạm chủ quyền và quyền chủ quyền của Việt Nam, đi ngược Tuyên bố về cách ứng xử trên Biển Đồng. Bộ Ngoại giao Việt Nam đã nhiều lần phản đối và yêu cầu chấm dứt ngay và không tái diễn các hành động tương tự.


Lực lượng Hải giám của Trung Quốc

Trung Quốc đang mở rộng quy mô hoạt động của cơ quan Giám sát hàng hải. Đây là một trong 5 tổ chức hành pháp liên quan đến bờ biển ở nước này.

Theo Strategy Pages, một trang tin chuyên về quân sự, các cơ quan hành pháp biển của Trung Quốc gồm: Tuần duyên - lực lượng quân sự tuần tra bờ biển; Ủy ban an toàn hàng hải - chịu trách nhiệm tìm kiếm và giải cứu ven biển; Ngư chính - quản lý các hoạt động đánh cá; Hải quan - giám sát ngăn chặn buôn lậu; và Hải giám. Hải giám chính là cơ quan có ba con tàu đã quấy rối hoạt động của tàu Bình Minh 02 của Việt Nam hôm 26/5.

Hải giám (Marine Surveillance) là tổ chức được thành lập mới đây nhất, năm 1998. Đó thực chất là lực lượng cảnh sát của Cục Hải dương Trung Quốc, chịu trách nhiệm các vùng nước không thuộc lãnh thổ lãnh hải Trung Quốc, ở những nơi mà Trung Quốc đơn phương tự cho là thuộc vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của họ. Hải giám cũng là cơ quan thực thi luật môi trường của Trung Quốc tại các vùng duyên hải.

Theo trang tin trên, chương trình mở rộng lực lượng của Hải giám sẽ tăng quân số từ 9.000 lên 10.000 người, mua thêm 36 tàu tuần tra. Cơ quan này hiện có 300 tàu và 10 máy bay. Ngoài ra, Hải giám cũng thu thập và điều phối dữ liệu từ các hoạt động của tổ chức tại 10 thành phố lớn và 170 đơn vị hành chính khác ở vùng vùng duyên hải.

Chương trình tăng cường lực lượng của Hải giám Trung Quốc chủ yếu nhằm vào nơi mà Trung Quốc tuyên bố là EEZ. Theo luật quốc tế, vùng đặc quyền kinh tế là khu vực 200 hải lý tính từ đất liền.

Hiện nay trên Biển Đông, Trung Quốc có các tuyên bố đơn phương về chủ quyền và các quyền liên quan mà không được các nước láng giềng công nhận.

Trung Quốc đã cử các tàu thuộc lực lượng Ngư chính và Hải giám hoạt động ở Biển Đông trong thời gian qua. Hôm 26/5, tàu hải giám của nước này đã cố tình cắt dây cáp của một tàu Việt Nam đang hoạt động bình thường trong phạm vi thềm lục địa của Việt Nam. Hà Nội ngay lập tức gửi công hàm phản đối, yêu cầu không để tái diễn các vi phạm, và đòi bổi thường thiệt hại cho Việt Nam trong sự việc này.


Nguồn:
Việt Nam yêu cầu Trung Quốc bồi thường thiệt hại
Tìm hiểu lực lượng Hải giám của Trung Quốc
Tham khảo:
TRUNG QUỐC XÂY NHÀ MÁY ĐIỆN HẠT NHÂN SÁT BIÊN GIỚI VIỆT NAM
CÂU CHUYỆN "CÁI LƯỠI BÒ"
TÀI LIỆU QUÝ KHẲNG ĐỊNH CHỦ QUYỀN CỦA VIỆT NAM ĐỐI VỚI TRƯỜNG SA VÀ HOÀNG SA

2 comments:

LU on lúc 21:20 28 tháng 5, 2011 nói...

Cứ đọc mấy bài về TQ nên em cũng bị ảnh hưởng ko thiện cảm với sản phẩm của họ sent qua cho công ti của em.
Mặc dù, thấy nhân công họ làm lương thấp cũng tội, nhưng em cho đám lính rejected thẳng thay những gì ko đạt. Họ cẩu thả lắm, em cứ cho đồ gởi trả về oversea liên tục, kết quả, bi giờ khách cắt hợp đồng TQ luôn rồi. Coi như jobs từ nơi này chạy sang nơi khác thôi.

Em MUỐN nhìn thấy jobs của TQ đang lãnh thầu, để phát triển nóng, sẽ chạy sang VN.

MHTL on lúc 23:29 28 tháng 5, 2011 nói...

Kết bạn mười phương phải dành một phương "chống lầy". Làm ăn kiểu này, nhưng lúc vầy vẫn chịu chết khát giữa biển nước thôi. Ngó qua mấy anh hàng xóm mà học tập.

Đăng nhận xét

 

VMC Copyright © 2009 | Power by Blogger | Template redesigned by Lý Minh Triết