2/5/11

CÁI CHẾT BÍ HIỂM CỦA ĐIỆP VIÊN NHỊ TRÙNG ASHRAF MARWAN (2)



Vào đúng ngày Yom Kippur – lễ thiêng liêng nhất theo lịch Do Thái, Zamir gọi điện cho một trợ lý lúc 3.40 phút sáng và thông báo: Ai Cập và Syria sẽ đồng loạt tấn công Israel trên hai mặt trận vào lúc hoàng hôn. Tại cuộc họp khẩn cấp của nội các Israel sáng hôm đó, lời cảnh báo của “Rể” bị coi là thiếu thuyết phục.

Lần trước, ông ta đã nói là chiến tranh sẽ nổ ra, nhưng thực tế lại không đúng như vậy và nhà nước đã phải tiêu tốn 35 triệu USD. Moshe Dayan, Bộ trưởng Quốc phòng Israel lúc đó thuyết giảng tổng chỉ huy quân đội: “Nếu chỉ căn cứ trên những thông điệp của Zvika thì không cần phải tổng động viên toàn bộ quân đội”.

Tuy nhiên, họ vẫn quyết định rằng vào lúc 4 giờ chiều – hai giờ trước khi cuộc tấn công sẽ diễn ra (theo lời cảnh báo của “Rể”), các lữ đoàn xe bọc thép sẽ tiến đến các vị trí dọc Kênh đào Suez. Cho đến khi đó, phía Israel chỉ có 3 chiếc xe tăng án ngữ để ngăn chặn các trận tấn công có thể nổ ra. Vào lúc 2 giờ chiều quân đội Arab khai màn chiến tranh. Ai Cập vượt qua Kênh đào Suez tại miền nam, xe tăng Syria lao xuống từ phía bắc. Họ dễ dàng khống chế đối phương đang còn ngơ ngác và không được chuẩn bị gì. Sau ba ngày giao tranh, Tướng Dayan công khai lo âu về việc Israel bị tiêu diệt. Nữ Thủ tướng Golda Meir yêu cầu mang đến cho mình một lọ thuốc tự sát: bà sẵn sàng chết hơn là chứng kiến cảnh tượng Israel bị tiêu diệt.

Lực lượng đông đảo của Israel đánh trả và chiếm lại được các vị trí then chốt. Sau khi được Mỹ lập cầu hàng không chi viện vũ khí và đạn dược, Israel bắt đầu đánh trả. Vào cuối tháng đó, Israel giành thắng lợi. Cho đến giờ cuộc chiến tranh Yom Kippur vẫn bị coi là một thảm họa tình báo của Israel.

Sau khi Marwan chết, gia đình ông phát hiện ra bản thảo cuốn hồi ký (dự định sẽ phơi bày một số bí mật của các cơ quan tình báo ở Trung Đông) đã bị biến mất. Bà Mona Nasser, vợ ông kể rằng 9 ngày trước khi chết ông thổ lộ với bà rằng ông đang bị truy sát. Bà tin rằng Mossad đã ra tay sát hại ông.

Bà Nasser đã chỉ trích cách mà Cảnh sát Anh tiến hành điều tra cái chết của ông Marwan là “rất cẩu thả”. Đôi giày mà ông Marwan mang lúc chết - có thể chứa bằng chứng AND quan trọng cho thấy ông bị sát hại hay ông đã nhảy lầu tự tử - đã bị các điều tra viên làm mất. Ít nhất một nhân chứng cho biết đã nhìn thấy hai người đàn ông có ngoại hình Trung Đông tại ban công nhà ông ít giây sau khi ông ngã xuống đường. Trong 4 năm trước khi chết, ít nhất 3 lần ông Marwan nói với vợ rằng tính mạng của ông đang ngàn cân treo sợi tóc.

Mona Nasser

“Lần cuối là tại căn hộ ở London, khi chúng tôi chỉ còn lại một mình, ông ấy quay sang tôi và nói: “Tính mạng anh đang nguy hiểm. Anh có thể bị sát hại. Anh có rất nhiều kẻ thù khác nhau”. Ông ấy biết chúng đang đi theo ông. Ông ấy bị Mossad giết hại” – bà Nasser kể. Nỗi lo sợ càng trở nên hiện hữu hơn sau khi tòa án thông báo Thiếu tướng Eli Zeira, người đứng đầu cơ quan tình báo quân sự Israel năm 1973 đã tiết lộ thân phận điệp viên cho Israel của Marwan.

Nasser gặp Marwan, chàng sinh viên hóa học cao và đẹp trai tháng 8.1965 tại Cairo, nơi cả hai đang cùng học đại học. Cô gái Nasser thích chàng trai duyên dáng và có giọng nói nhỏ nhẹ này. Họ kết hôn một năm sau đó. Chàng rể bắt đầu hợp tác rất ăn ý với ông nhạc. “Cha tôi đã cử chồng tôi đi công cán ở nhiều nước. Chồng tôi không cho biết các thông tin nhạy cảm về những chuyến đi của ông, bởi chúng có thể khiến tôi bị nguy hiểm” – bà Nasser kể.

Về vai trò của chồng trong cuộc chiến tranh Yom Kippur, bà Nasser đã có lần hỏi thằng chồng vào năm 2003, nhưng ông đã phủ nhận có quan hệ trực tiếp với các điệp viên của Mossad. Tuy nhiên, sau khi Marwan qua đời, bà nghe thông tin từ các sĩ quan tình báo Ai Cập rằng Marwan có nhiệm vụ cung cấp cho Mossad tin giả. Dẫu vậy bà vẫn không có cảm giác đã bị chồng lừa dối: “Chồng tôi là vị anh hùng phụng sự đất nước. Ông ấy chỉ làm những gì mà ông ấy được yêu cầu”, bà Nasser nói. Sau khi Anwar Sadat, người kế nhiệm Tổng thống Nasser năm 1970, bị ám sát năm 1981, Marwan đưa gia đình chuyển sang sinh sống tại London.

Theo bà Nasser, cảnh sát chẳng những làm mất đôi giày mà chồng bà mang khi mất, mà còn không hề lấy mẫu vân tay ở khu vực ban công. Đặc biệt, đôi giày là bằng chứng rất quan trọng về cách thức mà ông bị ngã. Marwan bị đau dây thần kinh chân, ông không thể nhấc chân cao nếu không có sự giúp đỡ. Cho nên, nếu ông cố gắng trèo qua lan can cao 1 mét trên ban công thì chắc chắn phải có vết trầy xước trên giày.

Gần 4 năm qua, cuộc điều tra được chuyển từ nhóm điều tra viên này sang nhóm điều tra viên khác. Vào ngày mà Marwan chết, ông đang hết sức nỗ lực để hoàn thành cuốn hồi ký về một giai đoạn đặc biệt trong cuộc đời ông hồi thập niên 1970. Cánh cửa vào căn hộ không khóa mà chỉ chốt. Căn hộ rộng tới 15 phòng và chỉ có vị quản gia là người duy nhất có mặt lúc đó, nên những kẻ đột nhập có đủ thời gian để tìm thấy Marwan và giết ông.

“Tôi tin là chúng đã đột nhập vào căn hộ và đưa ông đến phòng ngủ, chúng đánh ông và khiêng ra ban công vứt xuống đường. Có người ở tầng bốn đã nói với cảnh sát là nghe thấy tiếng ông hét trước khi rơi xuống. Liệu có người nào tự sát lại hét trước khi nhảy xuống không” – bà Nasser đặt câu hỏi. Trước đó vợ chồng bà đang trông chờ ngày lễ để gặp 5 đứa cháu nội ngoại. Hai người còn đưa ra nhiều kế hoạch ngắn và dài hạn. “Ông ấy hạnh phúc, chúng tôi hạnh phúc. Không có cớ gì để ông ấy tự sát. Rất đau đớn khi phải nghĩ rằng chồng mình bị vứt qua ban công xuống đường. Đó là điều khủng khiếp” – bà Nasser đau đớn nói.


Entry liên quan:
CÁI CHẾT BÍ HIỂM CỦA ĐIỆP VIÊN NHỊ TRÙNG ASHRAF MARWAN (1)



1 comments:

LU on lúc 09:05 3 tháng 5, 2011 nói...

Truyện của điệp viên này hay thật. Trá hàng trong trá hàng, ngân khoản của họ lúc nào cũng đầy tiền, nhưng mạng sống thì chết lúc nào ko biết.

Đăng nhận xét

 

VMC Copyright © 2009 | Power by Blogger | Template redesigned by Lý Minh Triết