18/5/11

ĐI QUA NỖI NHỚ...



Post giúp một người bạn không có blog...

...Tôi đi qua nỗi nhớ nước Anh bằng sự ám ảnh về tiếng đàn piano của người nghệ sĩ đường phố. Trong một ngày đông lạnh giá với làn không khí nhẹ bẫng, trong suốt, vấn vít vài sợi nắng, tiếng đàn thánh thót cứ vương vào tim tôi một nỗi đau mơ hồ, nhè nhẹ. Người nghệ sĩ già ngả mình đàn, đàn mãi và cảm xúc tuôn trào trên mỗi ngón tay ông đã làm bao con tim khách vãng lai thổn thức.

Cả vùng không gian dường như rộng ra, sâu hơn và thời gian như lắng lại, từng giọt, từng giọt…


Ấy là tiếng đàn tôi đã nghe ở York, thành phố nhỏ cổ kính mộng mơ. Khi đó, tôi đã biết, không gian này, tiếng đàn này sẽ gieo vào lòng tôi nỗi nhớ khi vô tình, nó chạm vào nỗi cô đơn êm dịu trong tôi.

Nếu có dịp đi qua nhiều thành phố của nước Anh, người ta dễ dàng bắt gặp hình ảnh những nghệ sĩ đứng biểu diễn nhiệt tình và say sưa trên đường phố và đó đã trở thành một phần hình ảnh của đất nước này… Không phải lần đầu tiên đón năm mới nơi đất khách nhưng Noel ở London, dù ông già Tuyết có hiện diện ít hơn so với một số nước châu Âu khác nhưng những bản nhạc vui nhộn được tấu lên bởi các nghệ sĩ đường phố đã làm vui chân khách vãng lai khi đón năm mới nơi xứ lạ.

Đường phố London càng lúc càng vắng khi đồng hồ nhích dần đến con số 12. Người đi lại lúc này hầu như chỉ là khách ngoại quốc bởi Noel là dịp sum họp gia đình. Và chúng tôi dường như là những người khách cuối cùng rời bến tàu điện ngầm. Những người bản xứ còn đủ bình tĩnh nán lại không ai khác, chính là những người nghệ sĩ đường phố và một trong những nơi được họ chọn biểu diễn nhiều nhất là các bến tàu điện ngầm.

Trong thanh âm rộn ràng đón chào năm mới, chợt tiếng violin réo rắt ở một góc underground làm tôi dừng bước. Tiếng violin gợi buồn về kỷ niệm, về chốn xưa khiến tôi rưng rưng nhớ nhà. Lẳng lặng bỏ vài đồng xu vào chiếc mũ, tôi nhìn người nghệ sĩ mỉm cười và ông cũng nhìn tôi, cười thân thiện. Ở xứ lạ, giữa hai con người xa lạ nhưng trong một khoảng khắc ngắn ngủi, âm nhạc đã là một sợi dây kết nối cảm xúc vô hình…

Vâng, tôi nhớ nước Anh, nhớ Endinburgh... Tôi là người may mắn vì được có mặt, có thể, chỉ là một lần duy nhất, đắm mình trong không gian mê hoặc nửa hư nửa thực của thủ đô Scotland. Vẫn còn đây, cảm giác huyền hoặc khi vào thăm lâu đài cổ Endinburgh, vẫn còn đây, trên môi, ngất ngây hương vị Scotch whisky nồng say, và vẫn còn đây, cảm giác phiêu bồng khi vừa thả bước trên những con đường lát đá vừa lắng nghe tiếng kèn dìu dặt của những người nghệ sĩ mặc váy Scotland đứng say sưa biểu diễn ở các con phố cổ.

Chính họ là người giới thiệu tuyệt vời cho nét văn hoá đặc sắc của Scotland và làm tròn đầy thêm cảm giác đây là một chốn riêng đặc biệt của thế giới, chỉ đến nơi này mới có, riêng Scotland mới có.


Âm nhạc đường phố cũng là một trong rất nhiều âm thanh quen thuộc của đời sống hàng ngày ở thành phố Bristol. Trong những hôm mưa lạnh ẩm ướt hay những ngày đẹp trời, nắng vàng rực rỡ, tiếng nhạc len lỏi vào tâm tư xúc cảm và như những sợi dây rất mảnh, kéo tôi gần hơn đến với tâm hồn nước Anh: dù buồn, vui, dù đau đớn nhớ nhung hay hân hoan hạnh phúc thì mình hãy sống trọn vẹn giây phút ấy, là chính mình giây phút ấy, chẳng có gì phải âu lo.

Những bản nhạc được tấu lên như vốn dĩ tự nhiên vẫn là như thế nhưng đó lại là tiếng lòng yêu đời thiết tha của người nghệ sĩ dù cho cuộc sống có khó khăn… Phải thế chăng mà nó ám ảnh, nó trở thành nỗi nhớ mơ hồ nhưng dai dẳng trong tôi.

Những đêm không ngủ, trong thinh không tĩnh mịch, nghe tiếng piano của ai từ xa vọng lại, lòng chợt se thắt trong một cảm giác thân thuộc mà biết rằng nó đã xa xôi…

BONUS:




12 comments:

LU on lúc 21:23 18 tháng 5, 2011 nói...

Em yêu nhạc cổ điển, một phần em ko thích những thể loại ồn ào, một phần lúc học bên xứ người thì thầy cô thường nhồi nhét nhạc cổ điển. Mỗi lần nghe nó thì em lại recall something in the past, nhớ quảng đời mình đã đi qua, nhớ những thành phố lạ mùa đông buồn hiu hắt mình đã đặt chân đến. Nhớ những thành trì kiến trúc cổ xưa...nhắc đến cổ xưa thì em lại nhớ dự định sẽ có ngày vào ngồi mình ên trong kim tự tháp thăm xác ướp Ai Cập, cho tới nay vẫn chưa được thực hiện.

Huong on lúc 00:57 19 tháng 5, 2011 nói...

Ở Venise beach, LA cũng có người đàn piano ngoài phố vậy đó anh. Nhưng không chơi classical.

Bài viết rất dễ thương.Tnx anh Cường.

Hậu Khảo cổ on lúc 07:58 19 tháng 5, 2011 nói...

Mỗi khi nhìn thấy, nghe những bản nhạc của các nghệ sĩ đường phố như thế... chị cứ rưng rưng... Vẫn biết đấy là một nét đẹp (sang trọng nữa) của từng thành phố nơi mình đã qua, nhưng chị vẫn cứ nghĩ, giá mà mỗi nghệ sĩ đều được biểu diễn trong nhà hát - "thánh đường của nghệ thuật".

Lana on lúc 08:23 19 tháng 5, 2011 nói...

Dường như không chỉ nỗi nhớ nước Anh, bởi bài viết chạm đến góc tâm hồn của cả những người chưa từng tới nước Anh.
dù buồn, vui, dù đau đớn nhớ nhung hay hân hoan hạnh phúc thì mình hãy sống trọn vẹn giây phút ấy, là chính mình giây phút ấy, chẳng có gì phải âu lo.
Cảm ơn VMC đã kéo về giới thiệu.

Nặc danh nói...

Cảm ơn bài viết hay với nét văn hóa đặc sắc Scotland.
Cuộc sống vội vã thường nhật thì khó, song ta với ta trong buồn, vui, đau đớn, nhớ nhung, hay hân hoan hạnh phúc-những cung bậc tột cùng của cảm xúc, là lúc ta có khả năng cảm nhận được cái sâu, cái cao cả của tiếng nhạc cổ điển.
Ban nhạc trên chiếc tàu định mệnh Titanic-khi biết tiếng nhạc chẳng còn cần cho ai nữa nhưng họ vẫn tự nguyện chơi tới phút cuối cùng- trở thành một trong những biểu tượng cảm động của bộ phim cũng thật là xứng đáng.

PTB nói...

Cám ơn người đã viết bài này nhiều. Trước kia mình nghĩ mình chỉ có thể nước Nga nhiều thôi nhưng giờ đây mình cũng nhớ nước Anh rất nhiều. Mình cũng thích Scotland.

VMC on lúc 13:46 19 tháng 5, 2011 nói...

@LU:
Việt Nam cũng có những bản giao hưởng hay đấy, nhưng không phổ biến lắm. Lần tới về VN, em thử tìm nghe xem thế nào.

@Hươngxưa:
Chắc chơi jazz à? Jazz cũng hay lắm!

VMC on lúc 13:47 19 tháng 5, 2011 nói...

@Haukhaoco:
Chỗ trong dàn nhạc bao giờ cũng hữu hạn. Có những người chơi đàn ngoài phố còn hay hơn chơi trong dàn nhạc, chị à.

@Lana:
Anh cũng thích phần trích in nghiêng.

VMC on lúc 13:49 19 tháng 5, 2011 nói...

@Nặc danh:
Cảm ơn bạn đã nhắc lại một chi tiết hay trong Titanic.

@PTB:
Ngoài Nga và Scotland, chắc bạn sẽ còn thích những nơi khác nữa, nếu bạn có cơ hội được sống ở đó.

Titi on lúc 16:00 19 tháng 5, 2011 nói...

Ở Việt nam, trên những cánh đồng mượt mà khi chiều tà, có những ngôi chùa vẳng ra tiếng trẻ thơ bi bô hát hò, trên những dòng sông hiền lành có những người phụ nữ vừa giặt dũ vừa ngân nga ca hát, trong những ngôi nhà mái lá mát rượi có những người bà kể chuyện cổ tích cho các bé thơ vểnh tai lên nghe, trong một ngôi nhà thờ trang nghiêm nào đó, các tín đồ Thiên chúa hát những bản nhạc ngợi ca yêu thương. Ở đâu cũng đáng yêu cả, chỉ cần bạn chịu khó khám phá :-)

VMC on lúc 16:29 19 tháng 5, 2011 nói...

@Titi:
Trong bối cảnh Titi vẽ ra thì phải nghe dân ca Việt Nam, nghe giao hưởng không hợp.

PTB nói...

@VMC
Có lẽ là thế ạ. Nhưng phải nhiều năm sau, nhiều lần ghé qua, ghé lại mới thực sự thích UK chứ không thích ngay như thích Nga được ạ :-)

Đăng nhận xét

 

VMC Copyright © 2009 | Power by Blogger | Template redesigned by Lý Minh Triết