30/4/11

CÁI CHẾT BÍ HIỂM CỦA ĐIỆP VIÊN NHỊ TRÙNG ASHRAF MARWAN (1)



London ngày 27.6.2007. Nhà tỉ phú người Ai Cập Ashraf Marwan rơi qua lan can ban công từ căn hộ trên tầng 5 của ông. Người ta thấy xác ông trên vỉa hè. Và cái chết của người được coi là điệp viên xuất sắc nhất trong lịch sử Trung Đông này cũng chìm trong bức màn huyền bí, hệt như cuộc đời phức tạp của ông.

Trong khi Sở Cảnh sát Scotland Yard điều tra cú ngã bí hiểm này, thì báo chí và các blogger trên khắp thế giới đua nhau đặt câu hỏi: Phải chăng một hoặc vài cơ quan tình báo đã tham gia vào cái chết của ông? Và người ta cũng tranh cãi xung quanh một câu hỏi khác: Marwan là điệp viên Israel rất thạo tin hay là một điệp viên nhị trùng trác tuyệt của Ai Cập?

Cái chết của Marwan còn mang luồng sinh khí đến cho cuộc chiến pháp lý lâu dài tại Israel liên quan đến việc tiết lộ bất hợp pháp tên tuổi của ông cho báo chí. Sau khi tìm ra thi thể dập nát của ông tại vỉa hè của khu phố St. James hôm 27.6.2007, đã có nhà báo phải tự vấn: Liệu mình có góp phần vào những sự kiện dẫn đến cái chết của Ashraf Marwan hay không? Cuộc đời của Marwan - câu chuyện trinh thám với hồi hộp và tàn nhẫn tráo trở đan xen liên tục – bắt đầu hình thành từ mùa xuân 1969.

Ông đến London, bề ngoài là để gặp một bác sĩ trên phố Harley tư vấn về căn bệnh dạ dày. Phòng mạch của vị bác sĩ này trước đây đã từng được sử dụng để tổ chức cuộc gặp bí mật giữa Quốc vương Hussein của Jordan và Tổng Giám đốc Văn phòng Thủ tướng Israel. Sau khi được chụp X-quang, Marwan chuyển cho vị bác sĩ tập tài liệu có chứa những văn bản nhà nước của Ai Cập. Ông muốn bác sĩ chuyển tài liệu đó cho Đại sứ quán Israel tại London.

Mossad, cơ quan tình báo Israel xác định những tài liệu đó là thật. Ngay lập tức Mossad cho thành lập một nhóm công tác bao gồm những chuyên gia dạn dày kinh nghiệm cân nhắc những nguy cơ trong việc bắt mối với một tình nguyện viên bỗng dưng mang tới món quà quý giá như vậy. Nếu như anh ta không làm 2 mang mà chỉ là một điệp viên tung tin giả thì sẽ vô cùng khó kiểm soát. Nhưng rồi nhóm này cũng đi đến một quyết định rằng vị thế và những phẩm chất của “tình nguyện viên” này rất xứng đáng để đánh một canh bạc lớn. Họ khám phá ra rằng đó chính là Marwan, con rể của Tổng thống Ai Cập lúc đó là Gamal Abdel Nasser. Anh ta cũng là cầu nối giữa Nasser với các cơ quan tình báo. Chưa đến 30 tuổi, nhưng anh ta có quan hệ thân tín với các nhà lãnh đạo nắm trong tay vận mệnh của Ai Câp.

Ba ngày sau cuộc khám bệnh ở phòng mạch của bác sĩ, Mossad đã liên lạc với Marwan, khi anh đang tản bộ trong cửa hàng Harrods ở London. Cuộc đời điệp viên của anh bắt đầu như vậy.

Đám cưới của Marwan với ái nữ Tổng thống Nasser

Ngay từ đầu, Marwan đã mở “cuộc tấn công”. Ông cung cấp rất nhiều tài liệu mật của Ai Cập, đến nỗi một nhân viên của Mossad phải thốt lên “chúng ta có người ngủ trong giường của Nasser”. Dựa trên những bí mật đó, Israel đã soạn thảo ra một văn bản có tựa đề là “The Concept” (được coi là biểu tượng tín ngưỡng của các nhà lãnh đạo chính trị và quân sự). Hai điểm quan trọng của văn bản này là: 1/Ai Cập sở hữu tên lửa và máy ném bom tầm xa; 2/Nếu các nước Arab đoàn kết trong một liên minh thật sự thì cuộc chiến tranh mới với Israel sẽ không xảy ra.

Quản lý một điệp viên (với những bí danh như “Thiên thần”, “Babylon” hay “Rể”) trở thành một kỹ nghệ thực sự. Để tổ chức những cuộc gặp gỡ mặt đối mặt giữa điệp viên với (thường là) người đứng đầu Mossad, Israel đã mua một căn nhà ai toàn tại London cách không xa Hotel Dorchester. Những thiết bị ghi âm tối tân được lắp trong nhà để ghi lại toàn bộ cuộc trò chuyện. Một đội ngũ thư ký có trách nhiệm gỡ băng thành văn bản để trình lên thủ tướng, tổng chỉ huy quân đội và các quan chức cấp cao khác của Israel. Cứ mỗi lần gặp, Marwan được nhận 50 nghìn bảng Anh. Nhưng số tiền đó chẳng thấm tháp vào đâu so với khoảng 20 triệu USD mà Israel đã chi trong 4 năm hoạt động đầu tiên của Marwan.

Các nhà lãnh đạo Israel coi đó là những khoản chi rất đáng “đồng tiền bát gạo”. Họ biết rõ những điều mà đối thủ của họ đang suy nghĩ. Tháng 4.1973, “Rể” gửi một thông điệp có từ “củ cải”. Đó là mật mã ám chỉ chiến tranh sắp xảy ra. Zvi Zamir, người đứng đầu Mossad lúc đó vội vã rời Tel Aviv bay đến “ngôi nhà an toàn” ở London. “Rể” tiết lộ vào ngày 15.5 Ai Cập và Syria sẽ tiến hành tấn công bất ngờ. Israel khẩn trương tổng động viên hàng vạn quân dự bị và triển khai thêm quân và khí tài đến Sinai và miền bắc Israel. Lệnh báo động kéo dài 3 tháng và tiêu tốn 35 triệu USD. Nhưng đó là lời cảnh báo giả. “Rể” đã sai.

Sáu tháng sau, ngày 15.10.1973, “Rể” lại gửi một thông điệp “củ cải” khác. Zamir được đánh thức vào lúc 2.30 sáng để nhận tin này. Sáng hôm sau, ông đáp chuyến bay đầu tiên của hãng El Al đi London. Syria triển khai xe tăng và tên lửa lên miền bắc, Ai Cập tiến hành tập trận gần Kênh đào Suez. Liên Xô cho sơ tán công dân mình ra khỏi khu vực. Chiều hôm đó, Tướng Eli Zeira, người đứng đầu cơ quan tình báo quân sự, thông báo tại cuộc họp rằng khả năng Ai Cập và Syria phối hợp tấn công là “rất thấp – thậm chí còn thấp hơn cả thấp”. Ít phút trước nửa đêm theo giờ London, “Rể” xuất hiện tại “ngôi nhà an toàn”. Anh ta nói chuyện với Zamir trong vòng chưa đầy một giờ đồng hồ rồi đi.

(Còn tiếp)

Ashraf Marwan (Tiếng Arab: أشرف مروان‎)

- Sinh năm 1944, có bằng tiến sĩ kinh tế tại Anh
- Kết hôn với Mona Gamal Abdel Nasser - con gái Tổng thống Ai Cập Gamal Abdel Nasser .
- Làm gián điệp cho Israel từ 1969 – 1973
- Từng giữ cương vị Chánh văn phòng Tổng thống Anwar Sadat
- Là một trong những nhà công nghiệp hàng đầu của Ai Câp, là đối tác kinh doanh của Mohamed al-Fayed (chủ cửa hàng Harrod’s tại London).
- Một con trai của ông kết hôn với con gái của Chủ tịch Liên đoàn Arab Amr Moussa.
- Chết ngày 27.6.2007.




2 comments:

Lana on lúc 08:10 1 tháng 5, 2011 nói...

Rất hay. Chờ đọc tiếp ạ.

LU on lúc 12:23 1 tháng 5, 2011 nói...

Em khoái truyện trinh thám li kì, kiểu xì tai sờ-lốc-hôm> Mở màn hấp dẫn, get line theo Lana chờ đọc tiếp!

Đăng nhận xét

 

VMC Copyright © 2009 | Power by Blogger | Template redesigned by Lý Minh Triết