2/4/11

THÓI QUEN VĂN HÓA HAY LẬP DỊ?


Người Nhật xếp hàng mua dầu lửa ở Hitachi (tỉnh Ibaraki) sau thảm họa sóng thần.

Trong những ngày qua, khi nước Nhật liên tiếp gặp thảm hoạ, khi truyền thông cả nước và cộng đồng mạng xã hội đều bảy tỏ sự khâm phục trước hình ảnh đoàn người xếp hàng nhẫn nại ở bất cứ đâu, thì trên cung đường đi làm ở Sài Gòn, qua ít nhất ba ngôi trường từ mẫu giáo tới tiểu học, tôi vẫn thấy vô số những vị phụ huynh đi vào đường ngược chiều, leo vỉa hè để chở con tới trường. Hai hình ảnh đó diễn đạt rõ ràng hai thái cực.

Không đúng nhưng… được


Có thể bạn sẽ phản bác, có gì đâu mà nghĩ to tát, chuyện hàng ngày và bình thường của chúng ta. Đúng. Bình thường. Cái tiêu cực bất thường đã trở nên bình thường trong con mắt chúng ta. Đấy mới là chuyện to tát. Quay trở lại việc làm của các vị phụ huynh kia, họ có đường để đi, nhưng họ chọn cách đi ngược chiều – đi vào làn đường của người khác, họ chọn đi trên vỉa hè – là giành đường của người đi bộ. Họ vi phạm luật, đã đành. Nhưng điều quan trọng hơn là trên xe, sau lưng các vị phụ huynh là con họ, những đứa trẻ đang độ tuổi đến trường, là tương lai của chúng ta nay mai. Những bài học luật lệ, ứng xử văn hoá với cộng đồng những đứa trẻ được dạy ở trường phỏng có ích gì khi mà cha mẹ chúng – những người trưởng thành dẫn dắt chúng, là tấm gương của chúng, không mảy may thực hiện.

Nhìn rộng ra một chút, những ví dụ tương đồng có thể thấy ở bất cứ đâu. Bạn có thể đã từng là nạn nhân bị “cướp” taxi ở sân bay vì những người không biết xếp hàng. Bạn có thể bị “cướp” mất thời gian ở chỗ máy ATM rút tiền vì người khác chen ngang một cách vô tư. Bạn có thể bị chen bật ra ở một chỗ gửi xe, trước quầy làm thủ tục check in ở sân bay, mua vé vào công viên, chỉ vì người phía sau nhanh chân len tới v.v.

Nhưng đó mới chỉ là những thứ ta nhìn thấy bằng mắt. Còn những giành giật, những không xếp hàng, không công bằng ở những chỗ ta không nhìn được bằng mắt nữa. Chẳng hạn, tôi có công chuyện gấp phải làm hộ chiếu, do có mối quan hệ ngang tắt với “ông nọ”, “bà kia”, hộ chiếu của tôi được giải quyết nhanh hơn. Rõ ràng là những người xếp hàng dài dằng dặc trước tôi ở chỗ giải quyết hồ sơ đó đã phải lui lại, để việc của tôi được giải quyết trước. Như thế là công bằng? Buồn thay, chúng ta đã thấy đó không phải là vấn đề gì quá lớn!

Chen lấn xin ấn đền Trần

Đúng… nhưng không được

Bạn hãy thử làm việc này một lần, như tôi. Dừng xe ở hàng đầu trước ngã tư đèn đỏ và hãy chờ cho đến tận khi tín hiệu đèn xanh bật lên mới cho xe lăn bánh. Bảo đảm, trước đó ba giây, nếu nhẹ nhàng thì bạn bị tiếng còi của xe phía sau hối thúc, nặng hơn thì bị người khác nhìn thẳng vào mặt bảo “khùng!”, nặng hơn nữa thì bị xe sau thúc thẳng vào xe bạn kèm câu “Tới đi cho người ta còn đi!”

Hàng xóm nhà bạn tôi, hai vợ chồng là dân nhập cư. Năm con anh chị vào lớp một, họ nhất định cho con vào trường tư, dù tốn kém. Bạn tôi vốn bao đồng muốn xây dựng quan hệ thân thiện với hàng xóm, tưởng anh gặp khó khăn khi xin con vào trường công nên ngỏ ý giúp anh mối quan hệ để xin con vào một trường điểm trong thành phố. Anh nhẹ nhàng từ chối với lý do, con mình vô được đó thì chắc phải có con ai rớt ra chứ. Bạn tôi bảo, “thời buổi này còn có thằng cha ngu dữ!”

Một ví dụ khác. Chị bạn tôi kể một lần đưa con đi công viên, chị dẫn con xếp hàng mua vé. Một cô gái chừng tuổi 20 thản nhiên chen ngang trước chị và cháu nhỏ. Chị lên tiếng nói cô gái đó xếp hàng. Cô gái trừng mắt hất hàm thách thức: “Tui chen ngang vậy đó, rồi sao?” Chị bảo “Lúc đó chỉ biết thở dài chứ làm sao giờ, không lẽ mình có đai đen taekwondo không biết tông con nhỏ một cú cho nó rớt hàm. Nhưng buồn là người bán vé không có thái độ gì, vẫn thản nhiên bán trước cho người chen ngang”. Chẳng cứ người bán vé ở công viên, ở trạm xăng, quầy tính tiền siêu thị… cũng vậy thôi, người ta còn nhiều việc khác để lo thay vì ủng hộ những người đúng. Vậy đó, bạn đang sống ở một hoàn cảnh xã hội mà bạn ứng xử đúng luật, biết phải trái trước sau, bạn sẽ bị đơn độc và lạc lõng.

Chở ba, không đội mũ bảo hiểm...

Cái sai đã được tự hào và ngưỡng mộ

Bạn hãy nhìn lại những khu nhà ở tập thể, chung cư ở cả Hà Nội và Sài Gòn được xây dựng vào những năm 80, 90 thế kỷ trước, hầu hết nó đã “tự” phình ra. Các nhà tầng trệt lấn ra tứ bề, rồi nhà phía trên cứ thế chồng tầng, chồng tầng. Tương tự với những ngôi nhà mặt tiền, mặt hẻm có lầu trên đua ra đường quá mức cho phép đang tồn tại. Đấy là chiếm, là giành, hay là cướp không gian công cộng?

Tôi thử đặt mình vào vị trí một người chủ gia đình ở căn bìa tầng trệt ở những khu chung cư như đã dẫn xem có làm khác được không. Đầu tiên tôi sẽ thấy một nhà hàng xóm nào đó “mạnh dạn” lấn chiếm. Tôi chưa “động thủ”, nhưng vợ con hối thúc. Hàng xóm lầu trên mở lời, bàn bạc, thương lượng, năn nỉ, chia sẻ vật chất để tôi cùng lấn chiếm (vì tôi có lấn thì họ mới lấn được). Rồi cả khu đã lấn chiếm xong, những khu khác cũng vậy, còn riêng nhà mình, tôi có ngồi yên được không.

Cuối cùng tôi đành đưa ra quyết định, thôi cứ làm như mọi nhà khác, không lại “không giống ai”. Diện tích “cơi nới” cho tôi một căn hộ khang trang, hoành tráng, mang lại cho tôi biết bao nguồn lợi từ giữ xe, cho thuê mặt bằng kinh doanh v.v. Tới lúc đó, vợ con tôi cùng hoan hỉ với thành quả đạt được. Bạn bè khách khứa tới chơi khen ngợi, ngưỡng mộ tôi vì đã tạo nên một gia sản đáng kể.

Người viết phải ví dụ dài dòng thế để cho bạn đọc thấy lộ trình: một việc sai trái trở thành bình thường, rồi thay vì bị xử lý cho đúng luật để tạo sự công bằng, xã hội lên án, thì những hành vi đó đã được (chủ công trình) tự hào, (những người xung quanh) ngưỡng mộ, ca ngợi.

Ví dụ nữa, rất nhiều. Hẳn trong cuộc sống hàng ngày, bạn đã từng thấy những người xung quanh kể lại, rằng có “người quen” nên thủ tục thành lập doanh nghiệp được giải quyết nhanh hơn, rằng có “bà con” nên không phải chờ đợi, rằng “anh ấy nhiệt tình” nên việc mình vèo cái là xong chứ cứ đi đường thẳng thì chờ dài cổ… Đó là cái gì? Là chen ngang, là giành giật, là dùng quan hệ, tiền bạc để “chơi” không công bằng rồi còn mang ra khoe khoang, tự hào.

Kết

Trở lại với hình ảnh đại diện cho hai thái cực ở đầu bài viết. Người Nhật trui rèn qua nhiều thời gian, nhiều thế hệ, hình thành nên tính cách, phẩm giá, để khi có biến cố, họ vẫn là họ, tự trọng, kiên nhẫn, biết nhường nhịn, chia sẻ. Còn ta, những giá trị tốt đẹp mỗi ngày không uốn nắn, không xây dựng, không bảo vệ, khi cuộc sống diễn ra bình thường đã thấy đạo đức, ứng xử rệu rã lắm rồi, thì lúc có biến cố, chúng ta trông chờ vào sự đột biến vô căn cứ, hay phó thác cho hên xui?

Bảo Linh


Nguồn:
Trông chờ vào đâu?



8 comments:

LU on lúc 12:10 2 tháng 4, 2011 nói...

Easy money, send dân mình sang xứ người sống một thời gian thì sẽ hết cảnh này ngay. Em đi bộ băng qua đường ko đúng lane dành cho người đi bộ, $270. Ko chịu get line sẽ bị người bán hàng từ chối hem bán buôn gì cả, tội cut line. Xây nhà tự phát ko theo quy cách, city tới phạt và phải đập ra. Đúng là em đi máy bay từ Đài Loan dìa vn phải nhịn tè --> if I get in line!
Sent from my iPhone ;))

Titi on lúc 13:52 2 tháng 4, 2011 nói...

Bài này viết đúng nhưng mờ em thích hành động cụ thể cơ. Thí dụ chúng ta cùng nỗ lực tạo một ngày trong năm tôn vinh lòng tự trọng, tự giác chẳng hạn :-D

LU on lúc 14:29 2 tháng 4, 2011 nói...

Anh Cường : cho em chỉnh lại chử viết sai trong còm trước nhe. Em định typing là "è", ko biết dính chử sao mờ có thêm chử "t" vào, trông pậy pạ quá.
Tự con bạn em nó thách em thử lửa, rồi nhúng nước iphone xem con chip nó có nhậy ko. Em đi bơi cho nước văng ướt iphone, xong em cho nó theo em vào sauna nướng sống, đợi nó nóng lên rồi em còm cho bài của anh...kết quả là con chip của Steve Jobs rất chiến, chỉ tội cái em typing sai nên...chử "è" thành ra thô bạo quá :)

Thuy Dam Minh on lúc 14:53 2 tháng 4, 2011 nói...

Thói quen xấu, thói quen tốt đều do thái độ của con người mà thành. Và đã hình thành rồi sẽ thành một nét văn hoá. Ví dụ, đi ăn cưới ở Sài gòn cứ là phải trễ so với giờ mời trong thiệp tầm 1-2 tiếng. Hà Nội không có thói xấu đó. Cùng trong một công sở, người Việt mình đi làm muộn nhiều lắm, Tây thì hầu như không bao giờ...

Lana on lúc 17:41 2 tháng 4, 2011 nói...

Đặt bức hình 'xin ấn đền Trần' cạnh bức hình người Nhật xếp hàng trật tự trong thảm họa, không cần bình luận. Thấy cả một văn hóa của họ, thèm.

Con người nhìn sơ thì ai cũng na ná, đẳng cấp khác nhau chính ở thái độ sống và cách cư xử trong cuộc sống của người ta.

Nặc danh nói...

Dân Việt sống trong nước rất ẩu về luật giao thông, nhưng khi ra nước ngoài thì không dám ẩu nữa...
Ngược lại vài Vịt Kìu sau 1 thời gian 'hồi cố quận ' cũng rất ẩu tả khi ra đường.
Sao kỳ vậy hén?

An Thảo on lúc 09:05 3 tháng 4, 2011 nói...

vật chất thì quyết định ý thức, còn ý thức thì có tính xúi bẩy anh ạ

giá trị là câu chuyện của cả cá nhân và cộng đồng, không dễ khác đi cái chung.

Nặc danh nói...

Em có nghe người nào đó nói rằng "1,000 năm văn hiến không bằng 100 năm văn minh."
(anh có thể delete comt của em nếu nó quá nhạy cảm :-D )

Đăng nhận xét

 

VMC Copyright © 2009 | Power by Blogger | Template redesigned by Lý Minh Triết