20/10/10

KIỂM NGHIỆM VĂN HÓA



Nhà văn Nguyên Ngọc

Mỗi dân tộc, mỗi nền văn hoá có tỷ lệ vàng của riêng mình. Hà Nội có cái tỷ lệ vàng ấy, của sự nhỏ nhẹ, cân đối, thanh lịch, tinh tế, do bao nhiêu thế hệ cực kỳ giỏi giang tích tụ, gìn giữ, để lại, mà nay thế hệ chúng ta đang đánh mất, phá tan bằng sự huênh hoang thô lỗ.

Có lần tôi đọc được tin này trên báo mà cứ phải suy nghĩ: trong giải bóng đá thế giới, hình như là ở Pháp, sau một trận đấu, những người dọn vệ sinh trên các khán đài kinh ngạc thấy ở chỗ cổ động viên người Nhật và người Hàn Quốc ngồi, không những không cần dọn bất cứ chút rác nào mà tại đó còn sạch hơn trước trận đấu!

Không thể không nghĩ ngay đến chuyện ở ta mới đây, mười ngày đại lễ Nghìn năm Thăng Long để lại cho Hà Nội tự hào và hứa hẹn phát triển chưa thấy đâu, chỉ thấy một bãi rác khổng lồ, bẩn thỉu, ê chề!

Quả thật đã đến lúc không thể không nghĩ rằng đối với Hà Nội những thói xấu như vậy đã thành hệ thống, thành bệnh kinh niên, hỡi ôi, thành nếp sống, nghĩa là đã đi vào tận tâm khảm mất rồi, và phải đặt câu hỏi vì sao mà nên nông nỗi này? Và phải tìm cách trả lời cho ra, nếu không thì chắc chắn không hy vọng gì có một Hà Nội phát triển như ta vẫn mong và lớn tiếng rêu rao. Sẽ không có bất cứ phát triển thật sự nào trên nền tảng một văn hoá đã tệ hại đến mức ấy. Đã đến lúc người Hà Nội, những người yêu và tin Hà Nội, từng tự hào về Hà Nội, những người lãnh đạo Hà Nội trước hết đương nhiên, cần nghiêm túc tự hỏi, và mọi người thử cùng nhau suy nghĩ và tìm cách trả lời.

Tôi cũng xin thử nói đôi điều về chuyện này.

Có phải có một điều gì đó không cách xa nhau lắm, không thật sự khác nhau giữa cái diêm dúa, phô trương, ồn ĩ, xa xỉ, phản cảm, cả vô cảm nữa (trước đại lũ miền Trung) của lễ hội… với cái bừa bãi xấu xa đáng buồn ngay sau lễ hội. Cái này chỉ là tiếp tục lôgíc của cái kia. Theo cách nào đó thì cả hai thứ ấy là đồng bộ, là cùng một văn hoá, một xuống cấp văn hoá. Cũng là đồng bộ với văn hoá quyết chí trở thành thủ đô rộng lớn thứ nhì hay thứ ba thế giới – chỉ sau Tokyo (Tokyo đông đến thế là từ tác động của công nghiệp hoá một thời; nhân loại văn minh ngày nay đã biết rằng hạnh phúc nhất là được sống trong những thành phố nhỏ chứ không phải những thành phố khổng lồ), đồng bộ với các cuộc đua tranh kỷ lục Guiness nhố nhăng, những đường gốm sứ dài nhất thế giới, những nhà cao nhất, đại lộ rộng nhất và dài nhất, bánh chưng, bánh giầy cũng lớn nhất nước, lại có cả tượng Lý Thái Tổ đội mũ Tàu… Tốn kém, kỳ dị bao nhiêu, mà rồi để làm gì? Chẳng lẽ Thăng Long Hà Nội sau nghìn năm đã trở thành trẻ con đến mức ấy để lao vào các trò ganh đua vớ vẩn?

Tôi có một chị bạn hoạ sĩ đã bỏ ra suốt mười mấy năm ròng chỉ để làm mỗi một việc: chăm chú say mê đo tìm tỷ lệ các bộ phận trong những ngôi chùa Việt cổ, và chị bảo khi đã tìm ra được cái tỷ lệ ấy rồi thì vẽ bất cứ cái gì cũng đều ra Việt, không thoát đi đâu được. Một trong những bí quyết của cái đẹp, cũng là của văn hoá, là tỷ lệ. Đó là tỷ lệ trong không gian cư trú, trong nhà cửa của con người, trong trang trí, cả trong lối sống, trong cử chỉ, trong lời ăn tiếng nói, trong tâm thức, trong tâm hồn… Mỗi dân tộc, mỗi nền văn hoá có tỷ lệ vàng của riêng mình. Hà Nội có cái tỷ lệ vàng ấy, của sự nhỏ nhẹ, cân đối, thanh lịch, tinh tế, do bao nhiêu thế hệ cực kỳ giỏi giang tích tụ, gìn giữ, để lại, mà nay thế hệ chúng ta đang đánh mất, phá tan bằng sự huênh hoang thô lỗ. Mất đi cái tỷ lệ ấy, lao theo những tỷ lệ đua đòi thì sẽ không còn Hà Nội đâu. Ở đời có những cặp đôi rất lạ và rất thú vị: huênh hoang thì đi đôi với thô lỗ; khiêm nhường thì đi đôi với sang trọng. Hà Nội vốn ở trong cặp đôi thứ hai. Rất sang. Rất văn hoá.

Chúng ta vẫn nói đi nói lại bao nhiêu lần rằng dân tộc đã tồn tại được qua tất cả các thách thức khốc liệt và uy hiếp nặng nề, thâm hiểm nhất là vì văn hoá, nhờ văn hoá; nhưng hình như lại không thật sự lo sợ trước sự xuống cấp văn hoá hiện nay, thể hiện chẳng hạn trong sự phô trương loè loẹt suốt mười ngày và trong cuộc tàn phá kỳ quặc, vô lý sau mười ngày ồn ào vừa rồi. Kỷ niệm một nghìn năm Thăng Long là một kiểm nghiệm, kiểm nghiệm trước hết về chính văn hoá ấy. Và kết quả kiểm nghiệm thì quả đáng buồn, thậm chí báo động.

Tôi nhớ lần đầu tiên ra Hà Nội, tôi đi tìm mãi tháp Rùa ở hồ Gươm, cứ ngỡ nó to lớn lắm. Đến khi “tìm thấy” nó, và rồi ngày ngày được nhìn ngắm nó mới ngộ ra và phục Hà Nội quá: hãy thử hình dung nếu tháp Rùa lớn hơn chỉ cần hai hay ba lần thôi thì sẽ ra sao? Hà Nội có một hồ Gươm đẹp đến mê hồn, vì ở đấy có một tháp Rùa thật nhỏ, nhỏ một cách thật nghệ thuật, nhất là trong những ngày lãng đãng sương mù và phố xá thì vắng. Hà Nội đẹp vì nó nhỏ. Lớn nữa, lớn quá thì nó sẽ hỏng…

Một cái nhìn bi quan chăng? Cũng còn tuỳ. Tuỳ ở chỗ có dám nhìn thẳng và trung thực hay không.

Nguồn:
Kiểm nghiệm văn hoá

Entries liên quan:
HÀ NỘI MÌNH... CHÁN!!!
HÃI HÙNG NGƯỜI HÀ NỘI
SAO MI LẠI TRẮNG MUỐT NHƯ VẬY NHỈ?
LẠI BÀN VỀ VĂN HOÁ NGƯỜI HÀ NỘI
HÀ NỘI ẢO MỜ
20 TRIỆU CHỨNG CỦA NGƯỜI THỦ ĐÔ



17 comments:

Pig on lúc 22:51 20 tháng 10, 2010 nói...

văn hóa mới là biên giới phân biệt các quốc gia bây h

thảo nào e thấy VN mình vẫn bé

LU on lúc 23:37 20 tháng 10, 2010 nói...

Uhm, mỗi một dân tộc có một cốt cách văn hóa riêng, không nên trộn lẫn nó với cái của người khác, không nên biến tướng nó đi thì mất cả hay. Em thích người Bắc vào thời trước 54, đàn ông nói nhỏ nhẹ, văn chương, tao nhã. Phụ nữ dịu dàng, e ấp nét Bắc, tuy hơi điệu đàng nhưng rất duyên.
Bây giờ ít có người đàn ông Bắc nào còn giử được nét nho nhã, từ tốn như các nho sĩ ngày xưa. Phụ nữ thì cũng thế, Có vẻ như chằng hơn, và thích cải lý. Cái sự tinh tế và ý nhị hình như chỉ còn sót ở một vài hình ảnh em thấy hoặc ở vài con người thôi. Có thể do cuộc sống làm ảnh hưởng họ chăng?
Cho tới nay em thấy có hai người bạn nam và nữ vẫn còn giử được nét Bắc truyền thống mà em biết...

Huong on lúc 00:22 21 tháng 10, 2010 nói...

bài này đọc hơi khó hiểu đó anh C.

Thuy Dam Minh on lúc 08:41 21 tháng 10, 2010 nói...

Văn hoá dân tộc nghe to tát, nhưng thực chất, nó bắt đầu từ những cái rất nhỏ: Thói quen bóp còi xe inh ỏi, văng tục chửi bậy, nhỏ nước bọt lung tung, vứt rác vô tư ra đường, hút thuốc ngay cả trong thang máy, vẽ bậy lên tường, dẫm nát hoa... những cái này muốn bỏ được, phải làm liên tục trên các phương tiện truyền thông đại chúng, phải làm như một chương trình quốc gia và phải kiên trì trong vài chục năm...! Hic

Titi on lúc 08:49 21 tháng 10, 2010 nói...

Em thích cách bác NN nói về hai kiểu tính cách đối nghịch : huyênh hoang, thô lỗ và khiêm nhường, sang trọng. Nhưng em phản đối bác ý ca ngợi sự bé xíu của HN và gọi nói là rất sang. Hi hi...chỉ nên khiêm nhường gọi HN là rất giản dị và khiêm hạ thôi :-)
Sang trọng là từ để chỉ phong cách của giới quí tộc, mang hàm ý đắt tiền và đúng cách thức đã được qui ước của giới đó.

Lana on lúc 10:02 21 tháng 10, 2010 nói...

Nhà văn Nguyên Ngọc viết cái này ạ? Hình như trí não của nhà văn đã quá già?

Hữu Cầu nói...

@Lana

Bạn vui lòng chỉ chỗ quá già của nhà văn Nguyên Ngọc.

Thái Anh on lúc 12:33 21 tháng 10, 2010 nói...

Bài hay nhất trong hàng chục nghìn bài viết về Đại lễ.

doanh on lúc 17:11 21 tháng 10, 2010 nói...

Em cũng chờ xem Lana nhổ tóc bạc của bác NN ra sao nè:-D

những câu kiểu này: "nhân loại văn minh ngày nay đã biết rằng hạnh phúc nhất là được sống trong những thành phố nhỏ chứ không phải những thành phố khổng lồ" - vẫn là kiểu nói lấy được, chả căn cứ trên cái gì cả

nhỏ hay to chả quan trọng, cái chính là tử tế. HN chỉ cần tử tế thôi, sang trọng nỗi gì. Cái văn hóa cũ quá yếu nên mới chết yểu, mặc dù cái thay thế không ra gì.

do đó, thik còm của Titi

LU on lúc 21:04 21 tháng 10, 2010 nói...

Không thể gọi văn hóa là cũ và yếu rồi chết yễu được.
Văn hóa là cái truyền từ đời cha sang ông và con cháu chắt, càng lâu đời càng là vốn quý. Chỉ vì con cháu ngày càng hướng theo chiều cái cũ chưa tỏ cái mới không thông, nên đã thành đầu gà đít vịt giữa đa đa.
Có rất nhiều dân tộc nhỏ xí thôi, họ cũng lang bạt khắp nơi trên thế giới, nhưng họ vẫn giử được nét đặc trưng của dân hóa nhà. Điều này Lu đã thật sự thấy vì có cơ hội học và làm việc rất nhiều sắc dân trên thế giới.

Theo Lu hiểu câu nhà văn NN viết, "Ở đời có những cặp đôi rất lạ và rất thú vị: huênh hoang thì đi đôi với thô lỗ; khiêm nhường thì đi đôi với sang trọng. Hà Nội vốn ở trong cặp đôi thứ hai. Rất sang. Rất văn hoá." Có lẽ nên dịch giải như thế này nè.
Thời trước, ở VN hình thành ra hai tầng lớp, loại giàu sang, có học thượng lưu thì đa số tập trung vào dân Bắc. Văn chương chử nghĩa, lễ giáo gì gì thì dân Bắc đứng đầu trong 3 miền. Người Nam, cũng có những tay giàu có nổi lên, nhưng cái giàu đó nó ko mang vẻ tao nhã của người bắc, nó mang nặng tính phô trương thô thiển hơn. Có thể tìm đọc lại những câu chuyện truyền miệng như công tử Bạc Liêu hay là Hắc Bạch công tử gì gì đó, blah blah...
Nếu có dịp vào một nhà bắc truyền thống trước 54, ăn với họ, nói chuyện, và xem cách sinh họat thì mới thấy câu ví của nhà văn NN là ko sai.
Họ có phong thái của dân Châu Âu, dân pạc lê phăng xe í, ăn nhẹ nói khẻ và rất chỉnh chu trong từng món ăn, cái thìa, cái đũa để trên bàn. Không thấy cái kiểu ăn to nói nhớn của người nam bộ ở đây.
Sang trọng mà khiêm nhường, theo Lu, có nghĩa là người bắc xưa kiểu cách văn vẻ nhưng khi mình khen thì họ cứ ra vẻ khiêm nhường...nhưng thật sự cái nghĩa đằng sau của khiêm nhường này là "sự khách sáo". Hì hì, mà người Bắc thì nổi tiếng với văn hóa "khách sáo" rồi còn gì? ko như người nam bộ, "zuột để ngoài da" cái gì cũng chiến cả.

SuchAFLife on lúc 22:17 21 tháng 10, 2010 nói...

chẹp, bạn Lu phân tích hay quá :D

ôi Hà Nội, thương cho 1000 năm !

doanh on lúc 04:39 22 tháng 10, 2010 nói...

hay quá :-D

Hữu Cầu nói...

Khen chê là quyền của người đọc, ông nào đã chấp nhận viết thì phải chấp nhận điều này nhưng có một số điều mà Lana và Gauxx nên lưu ý cách dùng từ trước khi phát biểu, đó là nhà văn NN :
- Đáng tuổi cha chú các bạn
- Ông đọc nhiều, dịch nhiều, đi nhiều, trải nghiệm nhiều
- Nhiều bạn bè là các văn nghệ sĩ, nhà văn hóa... nên có nhiều thông tin, tư liệu

Sở dĩ tôi phải viết dài như trên là vì tôi quá "ấn tượng" với từ "trí não" của Lana, phản cảm với "vẫn là kiểu nói lấy được, chả căn cứ trên cái gì cả" của Gauxx. Nếu Gauxx cảm thấy nhà văn NN chưa dẫn chứng cho "nhân loại văn minh ngày nay đã biết rằng hạnh phúc nhất là được sống trong những thành phố nhỏ chứ không phải những thành phố khổng lồ" thì bạn có thể comment tại blog của anh VMC này hoặc bê nguyên bài "Kiểm nghiệm văn hóa" từ SGTT về trang của bạn và có đôi lời nói lại, thưa lại cùng nhà văn NN , vậy không lịch sự, có văn hóa hơn sao ?

Riêng tôi, tôi thích nhất câu này của nhà văn Nguyên Ngọc xin được chép lại 1 lần nữa ở đây:

"Nhà văn Nguyễn Thị Kim Cúc: Ông đã từng qua nhiều công việc: là người lính, là nhà văn chuyên sáng tác, Phó tổng thư ký Hội Nhà văn Việt Nam, Tổng biên tập báo Văn Nghệ, một dịch giả..., ông nhận định thế nào về công việc trong từng thời kỳ của mình?

Nhà văn Nguyên Ngọc: Đấy là cả một đoạn đường dài với biết bao vui buồn, thành công cũng có mà thất bại cũng nhiều, đúng cũng có mà sai lầm cũng không ít, đầy thực tế mà cũng đầy ảo tưởng... Bảo rằng nhìn lại đằng sau tôi chẳng có gì để nuối tiếc và ân hận thì sẽ chỉ là nói cho sang thôi. Không hoàn toàn như thế. DUY CHỈ CÓ MỘT ĐIỀU TÔI CÓ THỂ YÊN TÂM: BAO GIỜ TÔI CŨNG SỐNG VÀ HÀNH ĐỘNG VỚI TẤT CẢ SỰ THÀNH TÂM CỦA MÌNH,CẢ KHI ĐÚNG CŨNG NHƯ KHI SAI."

Nguồn: http://vietbao.vn/Giao-duc/Nha-van-Nguyen-Ngoc-Lam-dieu-minh-tin-va-chiu-trach-nhiem-ve-dieu-do/45206700/202/

doanh on lúc 17:18 22 tháng 10, 2010 nói...

"DUY CHỈ CÓ MỘT ĐIỀU TÔI CÓ THỂ YÊN TÂM: BAO GIỜ TÔI CŨNG SỐNG VÀ HÀNH ĐỘNG VỚI TẤT CẢ SỰ THÀNH TÂM CỦA MÌNH,CẢ KHI ĐÚNG CŨNG NHƯ KHI SAI" - tôi cũng thích câu này, bạn Hữu Cầu thân mến.

Bạn thấy không, nói, thực ra là viết, mà không có cơ sở, là sẵn sàng có người phê ngay, còn thấy 'phản cảm' nữa chứ.

Tôi đọc ở đâu thì tôi comment ở đó.

Tôi chê cái gì tôi thấy đáng chê, tuổi tác và kinh nghiệm, quan hệ để dùng chỗ khác đi bạn.

Dù tôi có kính nể ông NN, tôi vẫn thấy rằng về mặt lập luận cho cái 'nhỏ và đẹp', bài của ổng không thể so với bài của Lý Đợi, cùng một ý tưởng, ở đây:

http://tienve.org/home/activities/viewThaoLuan.do?action=viewArtwork&artworkId=11485

Nếu bạn không quen và không chịu được cách phát biểu của tôi thì tôi rất lấy làm tiếc.

Trả lại bạn này: tôi cũng rất phản cảm với sự đọc hiểu theo lối vuốt ve và nâng lên bàn thờ.

Hữu Cầu nói...

@ Gauxx

Bạn đọc ở đây và comment ở đây tôi đây, quá đúng ạ. Nhưng thay vì bạn nói "vẫn là kiểu nói lấy được, chả căn cứ trên cái gì cả" bạn hãy phân tích cho mọi người và nhà văn NN hiểu vì sao đó là kiểu nói lấy được?
Tôi nghĩ trong khuôn khổ 1 bài như "Kiểm nghiệm văn hóa" ko đủ để NN giải thích cái nhỏ và đẹp. Nếu bạn đọc xong cứ phán "vẫn là kiểu nói lấy được, chả căn cứ trên cái gì cả" thì đó mới là nói lấy được và chả căn cứ trên cái gì cả bạn ạ.
Thưa bạn tôi không thuộc loại "đọc hiểu theo lối vuốt ve và nâng lên bàn thờ", chỉ có điều trước khi tôi gõ phím chê ai đó tôi luôn xem lại bề dày (văn hóa )của họ so với mình.

doanh on lúc 10:12 23 tháng 10, 2010 nói...

nói lấy được tức là chả căn cứ trên cái gì cả, tôi viết vế sau bổ sung cho vế trước, vậy mà cũng phải hỏi

ông ấy viết, "nhân loại văn minh abcd..." ai là nhân loại văn minh? ai phát biểu câu này? căn cứ trên nguồn nào, khảo sát hay nghiên cứu nào không mà dám nói một câu như là chân lí cho tất cả cái gọi là nhân loại ấy? còn ai thích sống ở tp lớn chứ không phải tp nhỏ, thì là nhân loại không văn minh?

bạn đừng cố lí giải cho ông NN rằng khuôn khổ bài viết không đủ: thứ nhứt, đó là kiểu giải thích cùn, rất nhìu người xài rồi; thứ 2, việc bạn phải thanh minh như thế chứng tỏ bạn công nhận điều tôi nói là đúng :-D; thứ 3: nó cho thấy bạn không có khả năng giải thích giùm ông NN, chính bạn hạ thấp trình độ của ông ấy đi, người mà bạn choáng ngợp vì bề dày.

còn tôi phê một hoặc vài chỗ sai nếu có trong một bài viết, không có nghĩa tôi chê bai con người hay tư cách người ta mà bạn phải bức xúc

trao đổi với bạn tôi không thích, vì bạn không có lí lẽ gì. nên tôi không nói nữa để khỏi phiền tới chủ blog.

dù sao cũng cảm ơn bạn đã góp ý, tiếc là bạn góp ý hơi bị dở.

Hữu Cầu nói...

@ Gauxx

1/Tôi công nhận điều này "thứ 3: nó cho thấy bạn không có khả năng giải thích giùm ông NN " từ đoạn
"chính bạn hạ thấp trình độ của ông ấy đi, người mà bạn choáng ngợp vì bề dày", tôi không công nhận điều này, tôi không phải là người phát ngôn của ông NN nên tôi chả làm gì để hạ thấp trình độ của ông ấy...

2/ Gauxx viết "ông ấy viết, "nhân loại văn minh abcd..." ai là nhân loại văn minh? ai phát biểu câu này? căn cứ trên nguồn nào, khảo sát hay nghiên cứu nào không mà dám nói một câu như là chân lí cho tất cả cái gọi là nhân loại ấy? còn ai thích sống ở tp lớn chứ không phải tp nhỏ, thì là nhân loại không văn minh?"

2/ "còn tôi phê một hoặc vài chỗ sai nếu có trong một bài viết, không có nghĩa tôi chê bai con người hay tư cách người ta mà bạn phải bức xúc"

Đúng là tôi cảm thấy với cái cách nói "vẫn là kiểu nói lấy được, chả căn cứ trên cái gì cả" của anh Gauxx là kiểu nói xấc xược. Kiểu này phổ biến ở HN ? Tôi hỏi vậy vì ngoài Gauxx tôi thấy trên này còn có Lana cũng có kiểu nói "Nhà văn Nguyên Ngọc viết cái này ạ? Hình như trí não của nhà văn đã quá già? "

3/ Anh nói chuyện hay mà tôi thì dở quá nên tôi không dám hầu chuyện thêm, cảm ơn anh đã chỉ bảo

Đăng nhận xét

 

VMC Copyright © 2009 | Power by Blogger | Template redesigned by Lý Minh Triết