8/10/10

NẾU BÁO KHÔNG SAI ĐÃ CHẲNG CÓ GIẢI NOBEL



Rất ít người biết rằng Giải Nobel danh giá đã có thể không bao giờ xuất hiện nếu như năm 1888 một tờ báo Pháp không mắc sai sót khi đăng một cáo phó. Tờ báo không chỉ đưa tên sai và mô tả sai cuộc đời người quá cố, mà còn chỉ trích gay gắt nhân cách của ông.

Ý tưởng về việc thành lập Giải Nobel được manh nha khi Ludvig Nobel, người được thừa nhận là “thiên tài công nghệ, nhà kinh doanh tài ba và nhà hoạt động nhân đạo hào phóng” qua đời tháng 3.1888 tại Cannes (Pháp). Báo địa phương đăng cáo phó cho rằng người qua đời là Alfred Bernhard Nobel – em trai của Ludvig. Nhưng trên thực tế thì Alfred, nhà hóa học có nhiều phát minh giá trị vẫn đang sống.

Cho rằng không có điều gì đáng để lo ngại, tờ báo đã phê phán cuộc đời và sự nghiệp của Alfred, thậm chí gán cho ông cái nhãn là “nhà buôn tử thần”. Alfred bị sốc nặng trước cách nhìn nhận của dư luận về con người ông và những cống hiến của ông đối với thế giới như một kẻ giết người. Trên thực tế Alfred Bernhard Nobel là một người hiền hòa. Con người tài hoa này sinh ngày 21.10.1833 tại Stockholm (Thụy Điển), lớn lên trong một gia đình mà cha mẹ và hai anh trai đều là những người có thành tựu. Cha ông, Immanuel Nobel, là một kiến trúc sư, nhà xây dựng và đồng thời cũng là nhà sáng chế. Ông có xưởng chế tạo máy tại St. Petersburg (Nga) và rất thành công với các hợp đồng chế tạo vũ khí của chính phủ Nga.

Alfred theo học chuyên ngành hóa học, nhưng ông tự bổ sung cho mình rất nhiều kiến thức các bộ môn khác. Ngoài khoa học, Alfred còn là người say mê văn học, rất thông thạo tiếng Anh, Đức, Pháp và Nga. Ngay từ khi còn trẻ ông đã bắt tay nghiên cứu nitroglycerine, tạo ra những vụ nổ vào mùa hè năm 1862. Ông tiếp tục thử nghiệm để tạo ra loại thuốc nổ an toàn hơn. Tháng 10.1963 ông nhận được bằng sáng chế thứ tư của Thụy Điển khi tạo ra kíp nổ, khi đó được biết tới dưới biệt danh “chiếc bật lửa Nobel”.

Ông mở một xưởng nhỏ ở Helenborg gần Stockholm để sản xuất nitroglycerine. Nhưng đây là một chất rất nguy hiểm, khó quản lý, nên năm 1864 xưởng này bị nổ khiến một số người thiệt mạng, trong đó có em trai của ông là Emil Nobel. Alfred càng quyết tân cải tiến để sản xuất hợp chất thuốc nổ an toàn hơn. Ông phải tiến hành những thử nghiệm trên một con thuyền giữa hồ Malaren.

Tháng 5.1866, tại Manhattan (New York, Mỹ), Alfred Nobel đã có màn trình diễn hiệu ứng thuốc nổ rất an toàn và thành công. Năm 1867, ông sáng chế ra loại thuốc nổ an toàn hơn có tên gọi là “dynamite”. Nobel coi nguyên liệu nổ là cách thức để chấm dứt mọi cuộc chiến tranh. Nhưng đáng tiếc là rất nhiều người lại coi đó là những sản phẩm giết người cực kỳ nguy hiểm. Nobel ngao du khắp thế giới để bán thuốc nổ và trở nên giàu có. Ông phải mở 90 nhà máy mới đủ đáp ứng nhu cầu về dynamite.


Khi tờ báo Pháp đăng tin thông báo cái chết của ông với dòng tít “Alfred B. Nobel – nhà buôn tử thần đã chết", ông nhận thức rằng ông không thể đi vào lịch sử với tấm bia mộ chí khủng khiếp như vậy. Ông suy nghĩ rất nhiều làm thế nào để thay đổi nhận thức đó. Mãi đến năm 1895 ông mới đưa ra được giải pháp tâm đắc nhất.

Trong bản di chúc cuối cùng lập ngày 27.11.1895, ông viết sẽ dành khoảng 94% số tài sản khổng lồ của mình để thành lập một giải thưởng thường niên trao cho những cá nhân có thành tích xuất sắc trong các lĩnh vực: vật lý, hóa học, y sinh học, văn học và hòa bình. Với giải thưởng mang tên mình, ông hy vọng Nobel sẽ có ý nghĩa khác chứ không phải sự hủy diệt và chết chóc đối với nhân loại.


Ngày 10.12.1896, nhà hóa học và sáng chế tài ba với 355 phát minh Alfred Nobel đã qua đời ở tuổi 63 tại biệt thự của ông ở San Remo (Italia) vì chứng xuất huyết não. Sau đám tang, di chúc của ông được mở ra và lúc đó người ta mới rõ chi tiết trong kế hoạch xây dựng giải thưởng có tầm vóc thế giới của ông. Tổng số tiền mà ông hiến cho giải thưởng là 35 triệu kronor Thụy Điển (tương đương với 225 triệu USD thời giá ngày nay), tiền trao giải sẽ trích từ lợi tức hàng năm từ gia sản này.


Những người thân của Nobel bị sốc khi hay tin về bản di chúc. Trên thực tế, việc thực hiện những nguyện vọng của Alfred hoàn toàn không đơn giản. Ông sống ở nhiều nước và không có nơi ở cố định, nên bản di chúc sẽ có giá trị pháp lý ở đâu: Pháp, Thụy Điển hay Italia? Nước nào sẽ là nơi thành lập quỹ giải thưởng? Mãi 5 năm sau, người ta mới đưa ra được giải pháp cho mọi chi tiết cũng như phương pháp tuyển lựa và trao giải. Quỹ Nobel được thành lập và việc trao giải thưởng được phân chia giữa hai nước Thụy Điển và Na Uy.


Kỷ niệm 5 năm ngày mất của Alfred B. Nobel, ngày 10.12.1901 Giải Nobel đã được trao tại Viện Hàn lâm Âm nhạc Hoàng gia Thụy Điển tại Stockholm và những người đầu tiên được vinh danh là: Jacobus H. van't Hoff (hóa học), Wilhelm C. Röntgen (vật lý), Emil A. von Behring (y sinh học), Rene F. A. Sully Prudhomme (văn học), Jean H. Dunant và Frédéric Passy (hòa bình).

Entries liên quan:
NHÀ VĂN PERU ĐOẠT GIẢI NOBEL
NOBEL VĂN HỌC 2009 GÂY TRANH CÃI
NOBEL VĂN HỌC LẠI VỀ TAY CHÂU ÂU
CHÂM NGÔN CỦA DORIS LESSING
NHÀ VĂN THỔ NHĨ KỲ ĐOẠT NOBEL VĂN CHƯƠNG 2006



14 comments:

Thuy Dam Minh on lúc 17:45 8 tháng 10, 2010 nói...

Câu chuyện thật là thú vị. Nhân vật nổi tiếng như thế này, ai cũng biết, mà chuyện thật về ông và giải thưởng mang tên ông, giờ anh mới biết đấy. Hay thật! Sao lại có một tờ báo nào sai khủng khiếp đến thế nhỉ?
Mà thật sự là nếu không có bài báo sai ấy, chưa chắc đã có giải Nobel thật!

LU on lúc 18:42 8 tháng 10, 2010 nói...

Đàn ông có những người có cái đầu thông minh đáng nể thật. He he, em thích đàn ông thông minh, có tài :))

Lúc trước em tưởng chỉ có Bill Gate là bỏ học đại học ngang ra làm công ti, nhưng vừa rồi em nghe nói đến một ku Ấn cũng bỏ học ngang ra lập công ti lập trình. Hắn viết ra phần program xuất sắc, cho chạy công ti ngon lành rồi bán lại cho Yahoo. Sau đó, hắn lại mở công ti viết phần mềm khác đặt ở San Francisco, và nghe nói đang định bán tiếp với giá cao cho môt công ti lớn của Mỹ.

Cái xứ sở em đang sống ko biết ở đâu ra mà đủ dạng dân thông minh có tài phát sợ. Mà rất hiếm có tên nào là dân Mỹ rặt...Đức, Do Thái, Ấn, rồi sau này có chồng của ca sĩ Hà Phương là tỉ phú gốc Việt ở Wall street.

Đôi khi em nghĩ, ko biết não con người như nhau, sao lại có những bộ não xuất sắc thế!

PTN on lúc 19:10 8 tháng 10, 2010 nói...

Không có giải gì cho những người hay tìm được tin độc và hay anh nhỉ ? Cám ơn anh về entry này.

PhungPat on lúc 20:02 8 tháng 10, 2010 nói...

Em quan tâm đến chi tiết nhà máy nổ làm chết em trai của mình nhưng ông vẫn tiếp tục nghiên cứu cái chất làm cho em trai mình chết. Cái khác của 1 nhà khoa học và người bình thường em nghĩ là ở đây. Nếu là em thì em đã từ giã sự nghiệp, về quê quy ẩn và tự sám hối cho bản thân rồi, hihihi...

Thái Anh on lúc 20:19 8 tháng 10, 2010 nói...

Vừa đọc cái này trên LĐCT ^^.
Chờ cái kỳ sau, nghe có vẻ hay hơn ạ :)

Hậu Khảo cổ on lúc 20:35 8 tháng 10, 2010 nói...

Hay quá, câu chuyện về một con người.

Titi on lúc 23:52 8 tháng 10, 2010 nói...

Suy ra, chúng ta cũng thỉnh thoảng nên sai phỏng anh :-P

VMC on lúc 23:59 8 tháng 10, 2010 nói...

@A Thụy:
Báo mà đăng sai người chết từ người này sang người khác thì quả là khủng khiếp. Không tưởng tượng ra nếu mình cũng mắc sai lầm đó thì như thế nào...

@LU:
Hình như đa phần phụ nữ đều thích đàn ông thông minh. Các cụ nói "trai tài gái sắc" mà. Thừa nhận là người Ấn có nhiều tên thông minh. Nhưng nguyên một tiểu đội Ấn phải làm việc dưới quyền một bà Trưng Việt Nam ở San Jose đấy.

VMC on lúc 23:59 8 tháng 10, 2010 nói...

@PTN:
Khen khéo ghê. Cảm ơn bạn nhé.

@PhungTran:
Đó chính là yếu tố khác người tạo nên người vĩ đại.

VMC on lúc 00:01 9 tháng 10, 2010 nói...

@Thái Anh:
OK, muốn biết sự thể thế nào, xem hồi sau sẽ rõ.

@Haukhaoco:
Chị có chuyện gì hay thì kể để em còn viết truyền lại cho đời sau nhé.

VMC on lúc 00:02 9 tháng 10, 2010 nói...

@Titi:
Cái suy ra của em rất hay. Sai lầm là thuộc tính của con người. Ai trong đời chẳng có một số lần sai?

Lana on lúc 07:05 9 tháng 10, 2010 nói...

Cảm ơn VMC. Trước đây Lana có được đọc về nguồn gốc giải Nobel và nhà nghiên cứu về vật liệu nổ, nhưng chưa biết về chi tiết báo đăng cáo phó nhầm.
Suy ra báo chí mà kiểm duyệt đi kiểm duyệt lại chính xác quá thì lại mất khối thứ thú vi (do nhầm mà ra) nhỉ? :)

LU on lúc 10:22 9 tháng 10, 2010 nói...

Bụt nhà ko linh, em dụ được lính Ấn nhưng ko dụ được lính Việt. Năm trước em có một một ku lính Vietnamese, hắn ĩ thói làm lâu năm rồi lười nhác, ko chịu làm, lại còn có tính khủng bố hay phá hoại đâm chọt cho team bất hòa.
Mà hắn thì khôn nhà dại chợ, cứ nhè người Việt mờ hắn chơi. Em bực mình cảnh cáo mấy lần rằng, "người mình với nhau chú phải biết bênh vực và bảo vệ chứ, chơi xấu người ta là ko tốt đâu chú ơi!"
Ku í vẫn lì ko sửa đổi nên em đã cắt cổ hắn. À, ở Mỹ khi nói cắt cổ là tiếng lóng của việc bị layoff.
Hắn, trước khi lên đường đã đem nhân vật lịch sử ra so sánh mí em. Nhưng hắn ko còn trẻ như anh, hắn lẫm cẩm rồi, nên nhớ lộn sử Việt sang sử "chai-nì"...hắn bẩu em giống --> Võ Tắc Thiên! ;))

BlackSwanVN on lúc 20:30 9 tháng 10, 2010 nói...

Trong bài viết không thấy đề cập đến việc Toán không được đưa vào lĩnh vực để xét giải Nobel

Đăng nhận xét

 

VMC Copyright © 2009 | Power by Blogger | Template redesigned by Lý Minh Triết