17/10/10

NOBEL LẠC HẬU?


Trong lịch sử hơn 100 năm tồn tại, Giải Nobel đã vinh danh những nhà bác học, các nhà văn, những nhà hoạt động chính trị hàng đầu thế giới, nhưng cũng bỏ sót không ít người vĩ đại. Ví dụ, Charles Darwin không hề được trao giải Nobel cho một trong những phát kiến khoa học nhất của mọi thời đại là thuyết tiến hóa qua sự chọn lọc tự nhiên. Sir Richard Doll cũng không được vinh danh vì đã phát hiện ra mối liên kết giữa hút thuốc là và ung thư phổi.

Năm 1968, một ngân hàng ở Thụy Sĩ, nơi cất giữ số tiền của Quỹ Nobel, nhân kỷ niệm 300 năm ngày thành lập, đã quyết định trao thêm một giải nữa trong lĩnh vực kinh tế để vinh danh các nhà toán học lớn và các nhà lý thuyết khoa học kinh tế. Giải này không có trong di chúc của Nobel, nên tên chính thức của giải mới được gọi là “Tưởng nhớ Nobel”. Sau khi có giải mới, Ủy ban Nobel nhận được rất nhiều yêu cầu từ những người muốn hiến tặng tài sản của mình để tôn vinh những thành tựu ở các lĩnh vực khác. Nhưng Ủy ban Nobel đã quyết định không đặt thêm giải mới.

Hơn 40 năm đã trôi qua kể từ đó, giải Nobel vẫn tiếp tục được trao thường niên trong 6 lĩnh vực và vẫn được coi là giải thưởng danh giá nhất hành tinh. Nhưng ngày càng có nhiều ý kiến cho rằng cơ cấu giải thưởng cũ đã trở nên lạc hậu và đã đến lúc phải có những hành động cụ thể.

Năm 2009, Tạp chí khoa học có uy tín của Anh là “New Scientist” đã đề nghị 10 nhà bác học nổi tiếng (trong thành phần có những nhân vật danh giá như Sir David King, cựu cố vấn khoa học cho Chính phủ Anh, Sir Tim Hunt – nhà khoa học nhận Giải Nobel Y học năm 2001, Giáo sư Steven Pinker của Đại học Harvard...) thảo luận lại cơ cấu giải thưởng Nobel và đưa ra những đề xuất cụ thể. Họ đã viết một bức thư ngỏ gửi đến Quỹ Nobel, nêu rõ hệ thống giải thưởng cần được thay đổi để duy trì sự gắn kết với khoa học hiện đại và những đòi hỏi của thế kỷ 21.

“Khoa học đã biến đổi rất mạnh kể từ năm 1901, khi trao giải thưởng lần đầu tiên. Lúc Alfred Nobel thiết lập các giải thưởng, ông không tính đến sự xuất hiện của những hiện tượng như thay đổi khí hậu, hay bệnh AIDS. Ông cũng không thể biết về sự xuất hiện của những môn khoa học mới làm biến đổi thế giới theo chiều hướng tốt đẹp hơn” – bức thư viết.

Hiện nay khá nhiều lĩnh vực khoa học không thích hợp với nguyên tắc trao giải mà Nobel đề xuất. Chẳng hạn, Tổ chức toàn thế giới chống bệnh sốt rét sẽ không thể được đề cử vào bất cứ giải Nobel nào. Chuyên khoa thần kinh học và sinh thái học cũng không được giải Nobel thừa nhận. Theo họ, Quỹ Nobel đã một lần thể hiện sự linh động vào năm 1968 khi quyết định trao thêm giải Nobel Kinh tế, vậy nay cũng nên trao thêm hai giải nữa: Một giải để tôn vinh những nhà bác học có thành tựu trong lĩnh vực y tế, một giải cho lĩnh vực gìn giữ môi trường. Các nhà bác học cũng khẳng định rằng tất cả các nhà khoa học trong các chuyên ngành sinh học (từ sinh thái đến thần kinh sinh học) đều có quyền nhận giải Nobel Hóa học, Vật lý và Y học.

Ít nhất 3 trong số 10 nhà bác học tham gia viết bức thư ngỏ gửi Quỹ Nobel có thể nhận được giải thưởng theo hệ thống mà họ đề xuất. Peter Raven (ảnh), Giám đốc Vườn Bách thảo Missouri – một trong những nhà thực vật học được kính trọng nhất thế giới; E. O. Wilson, Giáo sư Đại học Harvard – nhà lý thuyết tiến hóa; Frans de Waal, Giáo sư Đại học Emory University ởAtlanta – người đã làm thay đổi nhận thức của chúng ta về động vật bậc cao gần người.

Michael Sohlman, Giám đốc điều hành Quỹ Nobel, lại cho rằng quỹ có quan điểm khác về cái mà các nhà bác học gọi là “sự bất di bất dịch” của giải thưởng. “Họ viết trong bức thư rằng Alfred Nobel không tiên liệu được HIV hay sự biến đổi khí hậu, nhưng trong cả hai lĩnh vực này thì giải thưởng đều đã được trao mới đây. Giải Nobel bao quát được những gì đang diễn ra”. Chẳng hạn Sherwood Rowland, Mario Molina và Paul Crutzen đã nhận Nobel Hóa học vì phát hiện ra những mối đe dọa cho tầng ozone từ chlorofluorocarbons. Cựu Tổng thống Mỹ Al Gore nhận Nobel Hòa bình vì những nỗ lực đề cao mối đe doạ của hiện tượng trái đất ấm lên, Tổ chức Thầy thuốc không biên giới cũng được trao Nobel Hòa bình vì hoạt động cứu trợ nhân đạo trên phạm vi toàn thế giới.

Sir David King nói rằng chính Giải Nobel Hòa bình cho ông Al Gore cho thấy phải thay đổi cơ cấu giải thưởng: “Nobel Hòa bình đã trở thành một thứ tôn vinh những gì đang là mốt. Cần phải có một giải thưởng riêng liên quan đến những đóng góp cho sự bền vững” – Sir David King nhấn mạnh. Còn Larry Brilliant, nhà dịch tễ học chuyên về bệnh đậu mùa nhận xét: “Nếu như triệt được bệnh sốt rét, thì điều đó chỉ phù hợp với Nobel Hòa bình. Thật tuyệt vời nếu trừ được tận gốc bệnh sốt rét, nhưng đó không phải là hòa bình”.

Nguồn: Gazeta.ru

Entries liên quan:
CHẤP NHẬN NHỮNG CON QUỶ TRONG MÌNH
NẾU BÁO KHÔNG SAI ĐÃ CHẲNG CÓ GIẢI NOBEL
NAIPAUL - NGƯỜI SUỐT ĐỜI ĐI TÌM CỘI NGUỒN



6 comments:

LU on lúc 20:10 17 tháng 10, 2010 nói...

Ủa, mới thấy 2 cái còm của bạn hay đi chửi thiên hạ, đờn bà bạn í cũng sĩ nhục và chửi tưng luôn, đâu mất tiêu roài?

VMC on lúc 20:17 17 tháng 10, 2010 nói...

@LU:
Xóa rồi. Những comment vô văn hóa như vậy thì không nên giữ lại để khỏi làm xối mắt những người đọc blog.

Titi on lúc 21:41 17 tháng 10, 2010 nói...

Châu Âu nổi tiếng thủ cựu, nhất là những việc liên quan đến thượng tầng kiến trúc ...chiệp. Nhưng trong thời buổi này, tiền cứ để chết dí trong nhà bằng thì chán thật. Trao thêm giải thưởng cho một số lĩnh vực mới chắc chắn là khuyến khích được nhiều nhân tài hơn :-)

oxi_42 on lúc 21:55 17 tháng 10, 2010 nói...

Có thể đúng là nó không lạc hậu, mà cũng có thể là nó đã lạc hậu. Nhưng căn bản là nó làm theo di chúc mà. Nếu nó là một giải của cộng đồng thì họ sẽ cải tổ ngay và sử dụng một tên khác chứ không phải là Nobel.
Tuy nhiên, nếu công trình có giá trị và giúp ích cho nhân loại, thì nhân loại sẽ không giờ quên đâu.
Còn ông Nobel là người gây ra đau khổ cho nhân loại, nên ông muốn hối cải để được lên thiên đàng mà.

Thuy Dam Minh on lúc 11:02 18 tháng 10, 2010 nói...

Thực ra cũng dễ hiểu thôi, vì giải thưởng đã qua bao nhiêu năm rồi, trong khi khoa học kỹ thuật, các quan hệ xã hội của loài người đã tiến rất nhanh và rất xa thời Nobel còn sống. Có lẽ phải cải tiến giải thưởng này thật!

Nặc danh nói...

Cũng chẳng tránh được, các bác ạ. Mọi tên gọi chỉ là những quy ước, thậm chí mang tính khái niệm; hơn nữa lại phụ thuộc vào quan điểm của Hội đồng Nobel nữa, nó không thể là quan điểm mọi khắp, kể cả v/đ đạo đức chính trị-xã hội... (nên bác L.Đ.Thọ từng phản đối (không thèm nhận) đó thôi.

Đăng nhận xét

 

VMC Copyright © 2009 | Power by Blogger | Template redesigned by Lý Minh Triết