22/10/10

SỰ CÔ ĐƠN CỦA ĐỌC


BÙI VIỆT PHƯƠNG

Văn hóa đọc dần bị thay thế bằng văn hóa đọc miệng người khác nói. Từ chỗ mượn mắt của người khác đọc hộ, nghe người khác nói, đến chỗ mượn cả trái tim và khối óc của người khác nghĩ hộ mình, rung động hộ mình, chỉ là một bước ngắn.


Đọc bao giờ cũng là tự làm cô đơn mình.

Giữa thời đại văn hóa thị giác, người ta chợt hay nhắc đến văn hóa đọc như một đối trọng. Thực sự là hai cái ấy ít nhiều xung khắc với nhau. Văn hóa thị giác làm tươi mát đời sống bằng những biểu hiện bên ngoài của thế giới như màu sắc, hình ảnh và âm nhạc. Còn văn hóa đọc thì trầm lắng, tạo ra sự đa thanh bằng chiều sâu của những tầng tri thức. Một bên như cái tán sum suê, sinh cành đẻ lá. Một bên cứ âm thầm hút nhựa từ đất, càng miệt mài đằm sâu, càng cô đơn.

Đọc có nghĩa là được cô đơn. Khi thưởng thức các loại hình nghệ thuật gắn với môi trường diễn xướng như kịch, âm nhạc, người thưởng thức buộc phải chung sống với số đông. Những ý kiến và nhu cầu tranh luận nảy sinh ở họ phần nhiều là trực tiếp. Còn khi đọc, ta sống trong một thế giới siêu không gian, siêu thời gian, cách ly với mọi hệ lụy bên ngoài.

Ta cảm nhận những điều sách nói bằng cảm giác của thân thể. Bởi sự tuyệt đối "chân không" ấy mà sự đọc khiến độc giả chìm sâu vào một thế giới của riêng mình. Không phải không có những người đọc choáng ngợp trước sách để rồi không thu nạp được gì nhiều ngoài sự hoang mang. Nhưng, đọc đúng hướng và đúng tầm thì cũng như hạt mầm gieo xuống đất. Nó chìm sâu để rồi tự vươn lên như một cái cây, tạo cho con người một phẩm chất đọc riêng, có thể gọi là nhân cách đọc.

Đã có một thế giới khác khi cầm trang sách, tất chúng ta có một địa vị cho mình trong thế giới ấy. Sự đọc dẫn đến sự phân loại độc giả trong mối tương giao với sách, điều người ta hay gọi là “sách kén người”.

Việc người đọc tự phân loại mình là một vận động biện chứng, tự thân, độc lập với sự chia luồng độc giả của người viết sách và giới làm sách nhằm tới lợi nhuận thương mại. Đọc để tự biết mình và làm khác mình bằng sự khác biệt về bản sắc và quan điểm về thế giới. Đọc là được cô đơn, cô đơn để có sự khác biệt và độc lập trong suy nghĩ.

Với sách văn chương, sự cô đơn có nguồn gốc sâu xa ở chỗ, mỗi người đọc có một thể nghiệm riêng với tác phẩm, một tương tác riêng với nó. Người ta làm một cuộc phiêu lưu vào sách, sống cuộc đời nhân vật trong sách, và hơn hết thử làm chủ nhân một thế giới khác, với trật tự lôgích của riêng nó.

Với những cuốn sách thuộc các lĩnh vực khác, sự cô đơn thể hiện thông qua chính kiến và quan điểm riêng của người đọc. Nếu không tự xây dựng định hướng tư duy cho mình thì dù có cập nhật bao nhiêu tri thức cũng vẫn là anh thủ kho kiến thức mà thôi.

Sự định hướng ấy là bản lĩnh tiếp nhận. Bản lĩnh tiếp nhận là một biến thể của sự cô đơn - sự cô đơn của cá nhân từ chối hòa tan vào bầy đàn một cách thiếu suy nghĩ.

Một câu hỏi đặt ra: Nếu đọc để đạt đến sự cô đơn, liệu có phải những kẻ đọc sách đều là nhưng người lập dị không? Ngày nay đang tồn tại giữa chúng ta một cách đọc mang tính bầy đàn, dựa vào quan điểm đánh giá của một số nhà điểm sách. (Về sự đáng ngờ của các quan điểm đó - sự chênh lệch giữa giá trị ảo được thiết lập nhờ các bài điểm sách trên báo với giá trị thực của cuốn sách, thiết tưởng chúng ta sẽ cần tiếp tục bàn nhiều vào những lần khác).

Thay vì tự tạo cho mình một chính kiến văn hóa, một thái độ độc lập, người ta buông mình theo sự a dua đến mức kinh ngạc. Số đông ấy tuy có âm lượng to, dung lượng lớn, nhưng chỉ là hiện tượng nhất thời. Họ bị những mốt này mốt nọ “cưa đổ" như quân bài đôminô mà không hay cái sự ấy khởi phát từ đâu.

Con người bị cuộc sống hiện đại lấy mất khoảng thời gian tự tại, đi đến chỗ ỷ lại vào những giá trị văn hóa tinh thần thập cẩm, pha loãng, không cần phải mất công sức cũng có được.

Văn hóa đọc (sách) dần bị thay thế bằng văn hóa đọc miệng người khác nói. Từ chỗ mượn mắt của người khác đọc hộ, nghe người khác nói, đến chỗ mượn cả trái tim và khối óc của người khác nghĩ hộ mình, rung động hộ mình, chỉ là một bước ngắn. Liệu có phải vì vậy mà có nhiều người đọc mà chỉ có rất ít đôi mắt nội tại không? Chúng ta tự tước đoạt lá phiếu của chính mình hầu bỏ phiếu tín nhiệm cho mỗi cuốn sách để thay bằng sự áp đặt và đô hộ của những mốt đọc. Trong khi đó, sự cô đơn thực sự giúp người đọc có sự đánh giá của riêng mình. Càng cô đơn trong ý nghĩ, người đọc càng có nhiều thắc mắc và động lực đào sâu tìm kiếm mạch nguồn, tìm sự liên hệ bề sâu với cộng đồng những người đọc với đúng nghĩa của nó.

Chính sự cô đơn làm nên vẻ đẹp lấp lánh cho những cuốn sách.

(Bài từ tạp chí Tia Sáng - không rõ tác giả)

Nguồn:
SỰ CÔ ĐƠN CỦA ĐỌC



35 comments:

MC3 on lúc 00:59 23 tháng 10, 2010 nói...

Bài này nếu của VMC viết thì sao phải dẫn nguồn ạ :)

L2C on lúc 04:19 23 tháng 10, 2010 nói...

Anh có từ văn hóa thị giác hay nhỉ, lần đầu tiên em nghe thấy, rất hay. Nhưng mà văn hóa thị giác có cả âm nhạc thật sao anh? Em tưởng đó là văn hóa thính giác chứ nhỉ. Hơn nữa, âm nhạc cũng có thể loại khiến người ta chìm đắm trong thế giới riêng của mình chứ anh. Chưa kể là chương trình đọc sách đêm khuya cũng dùng kênh âm thanh đấy anh.

Đọc xong tự dưng em thấy ai cô đơn cũng lấp lánh cả, nhưng công nhận bác viết hay.

Hậu Khảo cổ on lúc 06:27 23 tháng 10, 2010 nói...

hê hê, đọc thực sự là phải cô đơn, trong và cả sau khi đọc. Những gì đọc được cần có thời gian để ngấm và tan... chiêm nghiệm sau khi đọc theo chị quan trọng hơn là "đọc". Có thể đọc ít mà ngấm nhiều còn hơn đọc nhiều mà chả ngấm gì cả :D

Lana on lúc 06:33 23 tháng 10, 2010 nói...

Bài viết hay quá. Nhưng Lana không thích từ 'cô đơn' lắm. nghe nó cứ đơn côi thế nào...
Cũng có thể đó là một từ đắt.

Từ chỗ mượn mắt của người khác đọc hộ, nghe người khác nói, đến chỗ mượn cả trái tim và khối óc của người khác nghĩ hộ mình, rung động hộ mình, chỉ là một bước ngắn. Quá sắc, huhu, để nhấn một điều rằng 'đọc đạt đến sự cô đơn là những kẻ lập dị' :((

NLVD nói...

'có những người đọc choáng ngợp trước sách để rồi không thu nạp được gì nhiều ngoài sự hoang mang"

Cái này chắc là iem roài, hihi, nên giờ em chả đọc gì cả.
Theo em bài này không phải của anh VMC.

VMC on lúc 08:07 23 tháng 10, 2010 nói...

@Mọi người:
Xin lỗi vì chú thích muộn, VMC không phải tác giả của bài này.

Thái Anh on lúc 08:50 23 tháng 10, 2010 nói...

Nhưng có một thực tế: Hầu hết các quyển sách Best-seller đều là những quyển sách (có thể gọi là) đáng đọc.
Nếu "Đọc nghĩa là cô đơn" thì viết nghĩa là siêu cô đơn, he he.

LU on lúc 09:48 23 tháng 10, 2010 nói...

À, em còm cái này thì đừng ai ném đá em nhé. Tác giả viết bài này em thấy rất chi là OK. Ở bên nhà có một thói quen là đọc theo phong trào, đọc vì nó đang thịnh hành ai cũng nói mình đã đọc qua, nếu như ko đọc thì là nhà quê. "ĐỌC" có thể gọi là một dạng thực phẩm, nôm na gọi là món ăn tinh thần.

Khi ăn, ai cũng có khẩu vị riêng của mình. anh thích ăn cơm dẽo, em thích ăn cơm khô, và có thể người khác thích ăn cơm cháy. Nếu ăn vì í thích của người khác, để tỏ ra sành điệu, thì khẩu vị của mình nó mất đi dần mà ko hay.

Em nhắc lại một chút đừng có mờ ai ném đá nhé.
Dập khuôn là điều hay thấy ở bên nhà. Cứ người này có cái này thì người kia phải có y chang, hoặc cố gắng bắt chước cho giống y thế. Một vườn hoa mà nhìn vào chỉ một loại thì thấy nó ngăn nắp, ngoan ngoãn và tươm tất lắm, nhưng nhìn một tẹo lại chán ngay thôi. Một xã hội cái gì cũng dập khuôn, nhìn đâu cũng thấy toàn chử A thì chỉ cần nhìn những chữ đầu thôi, ko cần nhìn chi những chử giống chử đầu tiên.

Em sống bên xứ người thì thấy điều này, vào thư viện ngay cả homeless cũng thích đọc sách, và họ đọc theo í thích của họ. Có người thích sách chính trị, có người thích tiểu thuyết, và có người thích khoa học. Đọc vì cơn đói kiến thức cần biết trong người mình, nó sẽ thâm nhập dễ dàng và ở lâu hơn là đọc theo phong trào thời thượng. Đa số bà con quan niệm nhà kia nó đã đọc thế, mờ mình ko la to lên mình đã đọc thì bị chê dốt.

Kiến thức của mình, đọc cho mình, sống cho mình, ko việc gì phải đi theo dập khuôn cho giống nhau. Một xã hội toàn giống nhau thì đồng nhất như trẻ em cô nhi viện phải mặc cùng một đồng phục...cho khỏi bị đi lạc.

doanh on lúc 11:48 23 tháng 10, 2010 nói...

rất hay, bác ạ, nếu là đọc thực sự thì rất cô đơn, thậm chí còn trầm cảm nữa, hix, nhưng em nghĩ viết cũng thế, vì 2 thứ đi đôi

Vhlinh on lúc 11:48 23 tháng 10, 2010 nói...

Đọc phải cô đơn mới đúng nghĩa đọc. Mình ghét nhất khi đang đọc tờ báo mà bị người khác ghé mắt đọc cùng rồi bình luận trước khi đọc hết bài báo.
He he, tóc vàng hoe hiểu được nghĩa cô đơn đến như vậy là khá lắm rồi.

Hậu Khảo cổ on lúc 11:51 23 tháng 10, 2010 nói...

Đồng ý với Lu :) Mờ sao bị ám ảnh bị "ném đá" dữ vậy em? Nước mình hổng có ném đá đâu mà chỉ có... trấn nước thôi à, tập bơi đi nhen :D

LU on lúc 13:40 23 tháng 10, 2010 nói...

Chị Hậu : hè hè, với chị Hậu thì ko cần bình lựng roài. Những người theo nghành nghề như chị thì em biết tỏng là sẽ đọc vì đam mê và bổ sung cho kiến thức của mình.
Em ko ngại bị ném đá, mặc dù thỉnh thoảng vẫn có những bạn ko hài lòng thì dùng nick nặc danh chọi đá lung tung.
Em chỉ đính chính để các bạn hiểu rằng, em còm vì thiện ý chứ ko có ý gì xấu cả. Em chỉ muốn gợi cho các bạn blog nhớ lại năng khiếu và đam mê của mình thôi.
Ai cũng có một điều gì đó thích thú để theo đuổi trong đời, đôi khi bỏ quên nó đi mà chạy theo cái sự thích và năng khiếu của người khác thì có mai một đi khả năng của mình không?

LU on lúc 13:43 23 tháng 10, 2010 nói...

He he, 15 năm nay em nổi tiếng bơi lượn như nàng tiên cá í =))

Titi on lúc 13:51 23 tháng 10, 2010 nói...

ĐÚng quá, đọc đến đâu rùng mình đến đó. Theo thiển ý trong mấy năm gần đây của em, cứ người nào khiến mình cảm phục y như rằng người đó đọc rất nhiều :-D

Titi on lúc 13:55 23 tháng 10, 2010 nói...

Nhưng nói thật em là đứa không chịu được cô đơn. Cho nên em chọn phươgn án đọc ít thoai. Hi hi... :-P

Thuy Dam Minh on lúc 14:01 23 tháng 10, 2010 nói...

Thực ra đọc không cô đơn. Đọc là không chỉ có một mình, mà còn có mình và trang sách làm bạn. Chỉ có điều, đó là người bạn rất đặc biệt mà thôi!

VMC on lúc 14:04 23 tháng 10, 2010 nói...

@MC3:
Đã đính chính rồi nhé, không phải bài của mình.

@L2C:
Âm nhạc nếu đem trình diễn trên sân khấu, ghi phát hình... thì cũng tạo văn hóa thị giác chứ.

oxi_42 on lúc 14:04 23 tháng 10, 2010 nói...

Có lẽ việc nghe nhìn phát triển nhanh quá. Có lẽ mọi người quá tất bật nên đọc trở th2nh một món xa xỉ.
Nhưng thật thật ra văn hoá đọc rất quan trọng, chính trong sự cô đơn đó bạn sẽ phát huy trí tưởng tượng, khả năng tư duy của riêng mình. Vì đọc đòi hỏi sự tập trung cao độ của người đọc. Để có chiều sâu và hiểu thấu đáo thì một nhóm cùng đọc chung sau đó mạn đàm để thấy cái hay trong bài viết hay tác phẩm.

VMC on lúc 14:06 23 tháng 10, 2010 nói...

@Chị Hậu:
Đang đọc đã cô đơn rồi, để ngấm và chiêm nghiệm lại càng cô đơn hơn.

@Lana:
Nhưng có lẽ cũng không có từ nào đúng hơn.

VMC on lúc 14:08 23 tháng 10, 2010 nói...

@NLVĐ:
Em tinh ý ghê.

@Thái Anh:
Phải viết một cái "Siêu cô đơn của viết" nhỉ?

VMC on lúc 14:10 23 tháng 10, 2010 nói...

@LU:
Ở nhà không đến nỗi đọc theo phong trào đâu. Mỗi người có gu đọc riêng. Nhưng thời buổi này cầm đến sách dầy cũng ngại.

@Gấu:
Cả đọc lẫn viết đều rất cô đơn. Thái Anh nói ở trên: Viết thậm chí còn là siêu cô đơn.

VMC on lúc 14:11 23 tháng 10, 2010 nói...

@Vhlinh:
Tóc vàng hoe kiểu này thì ai cũng muốn là tóc vàng hoe.

@Chị Hậu và LU:
Xứ mình dông bão liên miên, không biết bơi là dở lắm.

VMC on lúc 14:12 23 tháng 10, 2010 nói...

@Titi:
Anh cũng cảm phục Titi đấy nhé.

VMC on lúc 14:14 23 tháng 10, 2010 nói...

@Củ chuối:
Ngoài việc thu nhận thông tin, đọc còn giúp con người ta rèn luyện tư duy logic.

LU on lúc 14:31 23 tháng 10, 2010 nói...

Anh Cường : ngại cái chi mờ ngại? em toàn đọc sách dày cui ấy chứ, thấy nó dày thế chứ toàn là hình ảnh không thôi, chử thì chỉ vài dòng minh họa. ;))

Mai nói...

Em thích bài này. Sách kén người, và đọc rất cô đơn, tưởng như hiểu tác giả, nhưng chỉ là cảm giác. Có điều sách ko bỏ người, chỉ có người bỏ người và người bỏ sách. Nhưng mà ... Tiên trách kỷ:)

Hậu Khảo cổ on lúc 15:00 23 tháng 10, 2010 nói...

@ Lu: biết bơi là hay rồi. Nhưng Lu có biết câu chuyện này về nàng tiên cá hem: Một người sắp chết đuối năn nỉ nàng tiên cá "nàng làm ơn cứu ta, ta sẽ hậu tạ cho nàng những bộ bikini model nhất". Nàng tiên cá đỏng đảnh nói: thôi khỏi, chần chuồng wen rùi :DD
(Xin lỗi cả nhà hơi lạc đề 8 với em Lu tí:)))))

VMC on lúc 16:43 23 tháng 10, 2010 nói...

@LU:
Sách đấy là để xem là chính chứ không phải để đọc là chính.

@Mai:
Nghe câu người bỏ sách mà thấy ngậm ngùi. Hôm trước đến chơi nhà một vị GS, một người bạn của anh tặng bác ấy bộ sách khá quý mang từ nước ngoài về, bác ấy lật vài trang rồi để ngay xuống sàn nhà (tất nhiên là sàn nhà bằng gỗ). Anh bạn ngậm ngùi nhặt bộ sách để ngay ngắn lên bàn làm việc.

VMC on lúc 16:44 23 tháng 10, 2010 nói...

@Chị Hậu
Tám ngoài lề nè: Nói thế thì nàng tiên cá cho rớt là đúng roài.

Thái Anh on lúc 09:33 24 tháng 10, 2010 nói...

@VMC: Cô đơn đủ để viết một cái "Siêu cô đơn của viết" e rằng khó lắm ạ **

Mai nói...

Đặt sách xuống đất có lẽ ko hay, nhưng giới hạn sách = best-seller cũng là một kiểu bỏ sách. Hoặc chỉ đọc báo, tạp chí cũng có khác bỏ sách đâu anh?
Em ko định chỉ trích ai đâu nhé, bản thân em đọc cả tháng chưa xong 1 cuốn sách :(

SuchAFLife on lúc 18:51 24 tháng 10, 2010 nói...

"Nhưng, đọc đúng hướng và đúng tầm thì cũng như hạt mầm gieo xuống đất. Nó chìm sâu để rồi tự vươn lên như một cái cây, tạo cho con người một phẩm chất đọc riêng, có thể gọi là nhân cách đọc".
>>> em rùng mình khi đọc những dòng này :P

em chỉ thấy các "bạn trẻ" bi chừ ít đọc, vì vậy nên viết sai chính tả hơi nhiều :P

Em thì luôn nghĩ rằng Sách là người bạn cuối cùng còn ở lại với ta, khi mở một trang sách, em không hề thấy cô đơn, hay có thể nói, em yêu sự cô đơn này ghê gớm. Đọc sách, có khi còn là trở về với chính mình, làm bạn với chính mình, sao có thể nói là cô đơn ? :)


Bài viết quá hay ^^ cảm ơn anh. :)

LU on lúc 21:29 24 tháng 10, 2010 nói...

Chị Mai : he he, sách đọc 1 tháng chưa hết 1 cuốn là chuyện bình thường mà. Chị ko cần phải cắn rứt vì chuyện mình đọc chậm hay nhanh, đặc biệt, chị ở nơi phải đọc bằng tiếng xứ người.

Chị mà khoe mí em mỗi tuần chị nhơi 1 hay vài cuốn, thì em biết sách đọc chị chứ ko phải chị đọc sách. Vì ai cũng chỉ có 2 ngày cuối tuần để đọc sách thôi, còn busy đi mần ăn kiếm tiền mờ.

Em thích câu chị nói, chỉ đọc best-seller là giới hạn sách, rất chuẩn nhé. Em chẳng bao giờ chạy theo đọc những gì người ta cho là đang thịnh hành...để cho kịp thời thượng cả.
Việc gì phải lăng xăng thế? em lên thư viện chỉ túm về những quyển sách em cần, vì em muốn so sánh giữa thực tế và sách vở thôi. Em đọc cho em để có thể áp dụng vào cuộc sống, em ko care những gì số đông chạy theo.

Nặc danh nói...

cảm ơn VMC đã đăng bài viết này của tôi
Bùi Việt Phương
(tác giả bài viết Sự cô đơn của đọc trên Tia sáng)

VMC on lúc 11:50 31 tháng 10, 2010 nói...

@Bùi Việt Phương:
Cảm ơn tác giả Bùi Việt Phương đã có một bài viết thật hay. Xin lỗi vì Tia sáng không chú thích tên của anh (chị). Tôi đã bổ sung tên tác giả vào bài viết. Hy vọng anh (chị) sẽ có thêm nhiều bài viết hay như vậy.

Đăng nhận xét

 

VMC Copyright © 2009 | Power by Blogger | Template redesigned by Lý Minh Triết