Đã cuối thu. Những cơn gió mạnh lồng lên giữa thiên nhiên hầu như trần trụi và ào ào thổi đàn sếu đi xa. Con đường ngả mầu đỏ bầm bởi bao nhiêu lá phong lá dương đều lìa cành rơi xuống.
Phía đầu kia của con đường là ngôi nhà datcha (1) của gia đình Irina. Cô từ chối đi tiễn, nên giờ đây chỉ còn mình tôi đứng trên sân ga xép quạnh hiu ở ngoại ô Mátxcơva này, đợi chuyến electrichka (2) về trung tâm.
Tôi cũng giống như những chú chim chuyển mùa kia, sắp giã từ xứ sở bạch dương này bay về mảnh đất nóng ẩm. Không vô định, nhưng buồn.
Chẳng có ai đi Mátxcơva. Người ta đang bận nhặt những củ khoai tây cuối cùng trước khi mưa và tuyết rơi. Mà Mátxcơva của Liên Xô tan rã cũng chẳng có cái gì mà mua, các quầy hàng đều trống rỗng.
Tôi ngồi giữa toa tàu. Ít giây trước khi đoàn tàu chuyển bánh, một chàng trai lực lưỡng ào vào. Theo sau là một bà già chừng ngoài 60. Chàng trai cẩn thận đặt chiếc túi căng phồng lên chiếc ghế đối diện tôi, quay ra ôm lấy đôi vai bà già rồi hôn vào má bà: “Chúc bà lên đường may mắn. Cho cháu gửi lời hỏi thăm Vitali”.
Tôi nhìn người đồng hành duy nhất của mình. Bà thật đẹp lão, trông cứ như một bà tiên trong chuyện cổ tích. Tuy mặc bộ trang phục giản dị, nhưng bà toát ra một vẻ thanh thoát và thư thái hiếm thấy. Cặp mắt bà dường như làm cho toa tàu ấm cúng hẳn lên.
Chỉ có điều, trời chưa lạnh đến mức bà phải ủ đôi tay mình trong chiếc ống len thế kia. Ô, nhưng phải rồi, bà thư thái ở chính cái dáng ủ tay ấy.
Tôi chào bà và khen: “Bác đẹp quá!” Bà cười hồn hậu: “Ta biết, ta biết. Ai cũng nói vậy cả”.
Đoàn tàu tăng tốc. Những hàng cây khẳng khiu lao vút vút qua ô cửa. Irina bảo mùa thu Nga đẹp đến chết người. Những người đa cảm và bế tắc dễ bị dẫn dụ lắm.
“Bác tên là Valenka” – bà già phá vỡ luồng suy nghĩ của tôi. Tôi bật cười: “Tên bác như tên trẻ con ấy”. Bà vui vẻ cười theo: “Ừ, dăm năm nay người ta mới gọi bác như vậy, chứ trước kia bác vẫn là Valentina (3)”.
Tôi bảo: “May có bác đi cùng. Chắc bác sống hạnh phúc lắm!” Bà Valenka lắc đầu: “Bác có vui tính, nhưng hạnh phúc thì không, cậu bé ạ”.
...Bà Valenka có hai con gái và một con trai. Chồng bà nát rượu. Cậu Vitali là con út, nên ông chiều lắm. Ông dạy cậu uống rượu từ lúc cậu còn bé. Thật chẳng sung sướng gì khi phải sống bên cạnh hai người đàn ông chỉ biết suốt ngày say lướt khướt.
Khi Vitali đi nghĩa vụ quân sự về thì chồng bà chết vì ung thư gan. Vitali xin được một chân lái máy kéo ở nông trang. Cậu đẹp trai, lại kéo phong cầm giỏi nên được nhiều cô mê. Rồi Vitali lấy vợ, nhưng ít năm sau người vợ đòi ly dị vì không thể chịu đựng được cái cảnh có bao nhiêu tiền cậu đều đem đi uống rượu cả.
Vitali dọn về ở với mẹ và càng uống rượu tợn. Ít lâu sau, Vitali bị đuổi việc vì dám hành hung ông chủ tịch nông trang khi ông này phê bình cậu không được bê trễ công việc.
“Tối đó nó về nhà khi bác đã đi ngủ. Người nồng nặc mùi rượu, nó đánh thức bác giọng lè nhè: “Mẹ, đưa tiền cho con đi uống nữa đây!” Bác bảo bác không có tiền. Thế là nó rống lên: “Đưa tiền đây, không tôi giết bà. Sao tôi khổ thế này! Việc thì mất, rượu thì không có mà uống”. Quả thực lúc đó bác không có một kôpếch nào. Thế là nó trói nghiến bác lại, đem ra ngoài sân và lấy rìu bổ củi chặt hai tay bác”.
Đoàn tàu chạy qua cầu. Tiếng bánh sắt nghiến vào đường ray sầm sập được khuyếch đại trong chiếc lồng-sắt-thành-cầu. Trước đôi mắt sững sờ của tôi, bà Valenka rút đôi tay ra khỏi cái ống len. Từ khuỷu tay của bà mỗi bên cánh tay chỉ còn sót lại một đoạn khoảng 5 cm.
Tôi bỗng hiểu biệt danh của bà: “Valenka” trong tiếng Nga đọc chệch đi một chút sẽ là “cái ống ủ tay”. Giọng bà vẫn bình thản: “Bác đi thăm Vitali. Vài năm nữa là nó mãn hạn tù. Đến Mátxcơva bác phải chuyển tàu đi Siberi”.
Tàu dừng lại ở ga cuối, tôi xách giùm bà chiếc túi. Bà nhắc tôi cẩn thận. Hình như trong túi có những chai rượu tự nấu bà mang cho Vitali.
Gió trên sân ga thổi ào ào. Bầu trời xám xịt sà xuống thấp. Mùa thu đã qua thật rồi, chẳng mấy chốc nữa mà tuyết rơi.
Thốt nhiên, trước mắt tôi hiện lên cánh đồng tuyết mênh mông ở một nơi nào đó của Siberi. Chỉ có bóng bà Valenka cô độc bước đi trong vùng trắng ấy.
Đã bao lần bà bình thản đi từ mùa thu sang mùa đông như thế.
Tháng 9.1997
__
(1) datcha: nhà nghỉ ngoại ô
(2) electrichka: tàu điện nội tỉnh
(3) Valenka: tên gọi thân mật của Valentina
Tranh của Olga Nikitaevna Fomina
4 comments:
truyện hay quá! Đúng là chỉ có những Người Mẹ mới có thể vị tha được đến thế! :x :x :x
Xúc động quá..!
anh kể vẫn hay hơn nhiều lần so với đọc... cảm ơn anh.
tou
Nhờ vang Pháp mà câu chuyện về người đàn bà Nga hay hơn chăng?
Đăng nhận xét