6/4/08

NGƯỜI NHẬT TRẺ


Nakagawa sinh năm con Hổ, 1962. Tức là năm nay anh 46 tuổi.

Tốt nghiệp cử nhân luật Đại học Kobe, Nakagawa đi làm cho một công ty. Anh nhớ khi đó những cô cậu thanh niên mới đi làm như anh được các sếp rèn giũa rất nghiêm khắc. Có đêm làm đã khuya, nhìn sang công ty bên cạnh vẫn thấy họ còn sáng đèn, Nakagawa và các bạn vẫn không dám về. Họ tự cảm thấy hổ thẹn nếu không cố gắng được như nhân viên của các doanh nghiệp khác.

Có lần Nakagawa đi thuyết phục bán hàng cho một ông chủ khó tính, đã từ chối công ty anh nhiều lần. Anh quỳ xuống dưới chân ông ấy cầu xin ông mua giúp để anh đạt định mức của công ty giao cho. Thấy chàng trai quá nhẫn nại, ông ta đã nhận lời.

Nakagawa đã khởi nghiệp như thế. Trong chặng đường kinh doanh sau này, anh đã đi đến 45 nước và Việt Nam là đất nước thứ 46 mà anh đặt chân tới với tư cách là khách du lịch.

Một cảm giác thật khó tả tràn ngập Nakagawa khi anh cùng vợ đặt chân đến Sài Gòn tháng 6.2006. Anh có cảm giác kiếp trước anh là người Việt Nam và nay quay trở lại chốn cũ. Mặc dù chưa hiểu biết gì nhiều về VN, song ngay khi đó anh đã quyết định sẽ quay trở lại VN để kinh doanh.

Nakagawa thu xếp mọi việc rất nhanh và 5 tháng sau anh đã trở lại Sài Gòn. Anh thành lập một công ty tư vấn giúp các doanh nhân Nhật Bản tìm cơ hội đầu tư ở VN và giúp các công ty VN tiếp cận nguồn tài chính của Nhật Bản. Nakagawa nói: “Là một doanh nhân cho nên đến bất kỳ quốc gia nào tôi cũng đặt mục đích kinh doanh và hiệu quả của nó lên hàng đầu”.

Nhưng, anh cũng khẳng định rằng điều đó không phải là tất cả, bên cạnh lợi ích vật chất còn có tình cảm của con người. “Tôi từng sống và kinh doanh rất thành công ở Mỹ, nhưng tôi không yêu nước Mỹ. Tôi chưa thành công ở VN nhưng tôi rất yêu VN, đó là quyền tự do của trái tim” – Nakagawa nói.

Là cha của ba đứa con, trong đó Nari - cậu con trai cả 18 tuổi vừa tốt nghiệp phổ thông, Nakagawa nhận xét: “Thanh niên Nhật Bản đang có xu hướng xa rời với truyền thống, bản sắc của dân tộc và chạy theo lối sống thực dụng hiện đại. Thế hệ trẻ ngày nay tự thấy quá đầy đủ, mọi thứ đều có sẵn nên lười suy nghĩ, không còn nhiều quyết tâm và lòng say mê sáng tạo. Đó cũng là một mối nguy và chúng tôi đang tìm nhiều cách để khắc phục”

Nagakawa đã đưa cả gia đình sang Việt Nam. Một trong những cách để anh khắc phục sự thụ động, lười suy nghĩ của cậu con trai, đó là đưa cậu vào sống ở môi trường với những bạn bè đồng trang lứa người Việt Nam.

Dẫn con đến nhà một gia đình người bạn VN sống ở ngoại ô TPHCM, Nagakawa nói: “Từ hôm nay con là người Việt Nam, con hãy sống và học tập như hai người con của cô chú đây và hãy làm tất cả những điều mà cô chú dạy bảo”.

Cậu cả gật đầu vâng lời.

Tự giặt quần áo, giúp đỡ dọn dẹp lau nhà, phòng không máy lạnh, không điện thoại chat chít, Nari có nhiệm vụ trong ba tháng phải ôn luyện tiếng Anh đủ để thi vào RMIT - Royal Melbourne Insitute of Technologies (Học viện Công nghệ Hoàng gia Melbourne) chi nhánh TP HCM.

Ban đêm, phòng Nari bao giờ cũng là phòng tắt đèn sau cùng.

Ba mẹ của Nari cũng ở ngay trong thành phố, chỉ cách vài chục cây số, nhưng tuyệt nhiên họ không gọi điện cho Nari, không hỏi han, không chỉ dẫn, không thương cảm... Cậu phải tự mình giải quyết mọi chuyện, kể cả nỗi khổ sở vì bị đau bụng do chưa quen với đồ ăn thức uống.

Nhưng cậu không ta thán, không nhăn nhó. Lúc nào cũng cười thật tươi giống như nụ cười của những người Việt mà cậu gặp.

0 comments:

Đăng nhận xét

 

VMC Copyright © 2009 | Power by Blogger | Template redesigned by Lý Minh Triết