9/7/10

UZBEKISTAN VÀ CON ĐƯỜNG TƠ LỤA


Nằm trên con đường tơ lụa huyền thoại, Uzbekistan – nước cộng hòa Trung Á thuộc Liên Xô trước đây, đang nỗ lực tìm lại ánh hào quang đã mất thông qua những hoạt động quảng bá rầm rộ những giá trị văn hóa, kiến trúc, tôn giáo... vô giá của mình để thu hút du khách từ khắp nơi trên thế giới. Đã 15 năm qua, Uzbekistan bền bỉ tổ chức Hội chợ Du lịch Quốc tế Tashkent. Đây là diễn đàn du lịch lớn nhất ở khu vực Trung Á, thu hút các hãng hàng không và lữ hành từ 25 nước trên thế giới.

Cứ mỗi khi mùa thu phủ màu vàng huyền diệu lên cảnh sắc thiên nhiên, là Tashkent - thủ đô Uzbekistan lại rộn ràng đón các chuyên gia du lịch quốc tế đến tham dự Hội chợ Du lịch Quốc tế Tashkent (Tashkent International Tourism Fair - TITF). Hội chợ lần thứ 15 diễn ra vào cuối tháng 10.2009 với chủ đề “Du lịch theo con đường tơ lụa” còn là hoạt động kỷ niệm 2.200 năm thành lập thành phố Tashkent. Malaysia được chọn là nước đối tác của Uzbekistan trong TITF lần thứ 15, còn Malaysia Airways – 1 trong 6 hãng hàng không thế giới được Skytrax xếp hạng 5 sao là nhà tài trợ chính cho sự kiện.

Du lịch luôn là là một loại danh thiếp đối với bất cứ đất nước nào: số lượng du khách đến là một trong những chỉ số chính về sự tin tưởng của cộng đồng quốc tế đối với sự ổn định, thịnh vượng và đặc biệt còn là sự công nhận tài sản văn hóa và tinh thần của dân tộc. Ngày nay, Uzbekistan là một trong những điểm đến hàng đầu của các hãng lữ hành Châu Âu, Châu Á và Châu Mỹ. Với tiềm năng du lịch độc đáo, bản sắc dân tộc không bị pha trộn và hạ tầng phát triển nhanh, Uzbekistan còn chinh phục du khách bằng sự hoang dại của thiên nhiên dọc theo Con đường Tơ lụa huyền thoại.

Uzbekistan có truyền thống hợp tác thương mại và văn hóa lâu đời với nhiều nước trên thế giới. Truyền thống này khởi nguồn từ thời xa xưa, khi vào thế kỷ thứ hai trước công nguyên, khi các đoàn buôn bằng lạc đà xuất hiện và hành trình qua những điều kiện địa hình và địa lý phức tạp và khắc nghiệt. “Con đường Tơ lụa” xuất hiện từ đó với trọng trách kết nối hai đầu của một thế giới mà khi đó người ta vẫn còn ít biết: một đầu ở bờ biển Thái Bình Dương (Trung Quốc và Nhật Bản ngày nay); đầu kia là những nước Địa Trung Hải. Con đường Tơ lụa không chỉ thúc đẩy phát triển thương mại giữa Đông và Tây, nó còn là tác nhân kích thích trao đổi tôn giáo, văn hóa, phong tục tập quán và hàng thủ công mỹ nghệ. Uzbekistan nằm ở trung điểm của con đường đó.


Uzbekistan sở hữu một số lượng lớn những công trình lịch sử và kiến trúc được coi là di sản vô giá của nền văn minh nhân loại. Các thành phố cổ như Bukhara và Shakhrisabz, các tòa nhà của Samarkand và Ichan-Kala ở Khiva được đưa vào danh sách Di sản Thế giới của UNESCO, được trùng tu và bảo tồn cho các thế hệ mai sau.

Nhận thức rõ tiềm năng du lịch to lớn đối với sự phát triển kinh tế và giao lưu văn hóa của đất nước, Uzbekistan đã thông qua Luật Du lịch tạo cơ sở pháp lý và môi trường thông thoáng cho hoạt động của các hãng lữ hành quốc tế và nội địa. Chính phủ Uzbekistan thông qua chương trình phát triển dịch vụ giai đoạn 2006 – 2010 cùng những chính sách nhằm phát triển, tự do hóa và thu hút nguồn đầu tư nước ngoài vào du lịch. Không những thế, Tổng thống Islam Karimov còn đích thân ban hành nghị quyết “Về những biện pháp bổ sung để tăng cường sự phát triển trong lĩnh vực dịch vụ ở CH Uzbekistan tới 2010”.



Kết quả là hiện nay có hơn 610 tổ chức du lịch đang hoạt động tại nước này, 163 công ty được phép kinh doanh khách sạn và 90% trong số đó là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Từ năm 2008, khoảng hơn 60 công ty lữ hành mới đã đăng ký hoạt động, phản ánh sự tăng trưởng năng động của thị trường.

Uzbekistan đặc biệt chú trọng phát triển hạ tầng du lịch đạt trình độ quốc tế với phương châm không chỉ cung cấp cho du khách dịch vụ cao và chuyên nghiệp, mà còn cả sự độc đáo mang dấu ấn riêng. Thừa hưởng hệ thống đường sá (bao gồm đường bộ và đường sắt) khá tốt từ thời Xôviết nối Tashkent với các thành phố di sản, Uzbekistan chú trọng nâng cấp chất lượng dịch vụ giao thông.

Từ nay đến năm 2015, Uzbekistan lên kế hoạch nâng cấp 280 km đường sắt. Sở hữu mạng đường bộ cao tốc dài hơn 42 nghìn km, Uzbekistan đang xây dựng thêm 557 km đường loại chất lượng tốt nhất trong năm nay, bao gồm cả những trung tâm du lịch, khu cắm trại, trạm xăng và những dịch vụ khác ở hai bên đường. Điều này sẽ cho phép các công ty lữ hành địa phương mở những tour hoàn toàn mới, tới những địa điểm còn ít người biết đến.



Song song với đó là việc xây dựng hệ thống khách sạn. Năm 2008, nước này đã xây dựng 20 khách sạn lớn và trung, 30 khách sạn nhỏ. Các khách sạn vốn có ở Tashkent, Samarkand, Urgench, Shahrisabz được nâng cấp, mở rộng. Kế hoạch trong năm 2010 của Uzbekistan là xây dựng 56 khách sạn mới nhằm mục tiêu đón 2,2 triệu du khách/năm. Đến năm 2010, quỹ hỗ trợ việc làm và Ngân hàng Mikrokreditbank cung cấp 26,335 tỉ soum (165 triệu USD) cho chương trình phát triển dịch vụ tại các địa phương có tiềm năng du lịch.

Xu hướng du lịch hiện đại cho thấy càng ngày du lịch càng được cá nhân hóa, phân khúc và tập trung vào những nhóm nhỏ. Ngày càng có nhiều người thoát khỏi du lịch thăm thú và mua sắm chuyển sang du lịch học hỏi văn hóa, tinh thần của người dân, làm quen với cuộc sống, truyền thống, phong tục tập quán của họ.

Xét về khía cạnh này thì Uzbekistan là một mỏ vàng lộ thiên hầu như chưa được khai thác. Uzbekistan có bề dày lịch sử và văn hóa vô cùng rực rỡ với những thành tựu về kiến trúc, tôn giáo và thiên văn học. Âm nhạc và trang phục của người Uzbekistan rất đặc sắc. Ẩm thực của Uzbekistan độc đáo với món thịt nướng (shashlyk) và cơm trộn (plov) nổi tiếng thế giới. Bên cạnh đó, Uzbekistan cũng bắt đầu quan tâm đến các tour du lịch sinh thái.



Hai năm qua, Uzbekistan quan tâm đến Việt Nam như một thị trường mới đưa du khách đến Uzbekistan và đón du khách Uzbekistan đến Việt Nam. Thông qua ông Lê Văn Nghĩa, Lãnh sự Danh dự Uzbekistan tại Việt Nam, Tổng cục Du lịch Uzbekistan đã mời đại diện của 5 hãng lữ hành Việt Nam tham dự TITF 15. Với mối thiện cảm với Việt Nam từ thời Liên Xô, người Uzbekistan đã bày tỏ mối quan tâm không giấu diếm đến gian hàng Việt Nam tại hội chợ. 200 chiếc nón lá được phát hết veo trong 10 phút đầu tiên sau khi gian hàng được mở.

Nhu cầu du lịch giữa Việt Nam và Uzbekistan là có, nhưng việc chưa có đường bay thẳng giữa hai nước đang là trở ngại lớn. Đại diện các hãng du lịch Việt Nam đều cho rằng việc du khách phải trung chuyển ở Bangkok hay Seoul khiến cho thời gian và chi phí vận chuyển tăng là khó khăn chính khiến tiềm năng du lịch Uzbekistan – Việt Nam chưa được khai thông.

Lãnh sự danh dự Lê Văn Nghĩa khẳng định rằng lãnh đạo hai nước đều rất quan tâm đến phát triển hợp tác mọi mặt giữa hai nước, những khó khăn sẽ được giải quyết và việc đông đảo du khách Việt Nam đến Uzbekistan thưởng ngoạn Con đường Tơ lụa không phải là điều xa vời.



ENTRY CŨ
UZBEKISTAN - MÙA THU
NGƯỜI ĐẸP UZBEKISTAN



20 comments:

LU on lúc 00:29 10 tháng 7, 2010 nói...

Anh nhắc đến SilkRoad làm em nhớ cái trứng ngỗng to ù bị xơi một lần trong bài thi sử. Hôm đó, bốc thăm nhằm đề bài có câu "Liệt kê những nước nằm trên con đường tơ lụa và nói về hành trình của Marco Polo". Em ko nhớ rõ nên cương ẩu, "Marco Polo đã viễn du "qua nhiều nước" từ đông sang tây bằng con đường tơ lụa". Kết quả, nhận lại bài thi có khuyến mãi cái trứng ngỗng tròn vo kèm lời phê "qua nhiều nước là gì? lịch sử phải rõ ràng và cụ thễ, về học lại bài." ;))

Thuy Dam Minh on lúc 08:53 10 tháng 7, 2010 nói...

Nhắc lại địa danh Tashkent làm anh nhớ đến những tâm bưu thiếp thời Báo Ảnh Xô Viết. Đẹp thật! Ngẫm ra, du lịch của Liên Xô trước đây không phát triền được thật là lạ.

Đỗ on lúc 08:54 10 tháng 7, 2010 nói...

Ở SG không thấy hãng du lịch nào làm tour đi Uzbekistan, khg biết HN có không.

Vân Lam nói...

Ảnh đẹp quá đại K. :D

Nặc danh nói...

@anh VMC:Cám ơn thông tin này của anh.

@anh Đỗ: Theo như em biết Viet Travel ở SG có chương trình du lịch thăm thân đến mấy nước gần với Uzb. Từ điểm đến, anh có thể tham khảo info của các công ty tổ chức tour đi Uzb. trong 3 hay 4 ngày gì đó. Cách này thì chi phí khá cao do phải đi qua một nước trung gian rồi mới đến được Uzb, plus chi phí, thủ tục lấy visa vô Uzb. Thôi đành chờ trong tương lai đi anh Đỗ.

Mai nói...

LU: vừa gặp "con đường tơ lụa" trong bài này chị cũng nhớ ngày đến Marco Polo!
Enjoy .... nhé:)

Titi on lúc 17:49 10 tháng 7, 2010 nói...

ƯỚc gì một lân được ngao du ở đấy!
Hình như có gameshow Con đường tơ lụa hay sao ấy anh ơi :-)

VMC on lúc 18:34 10 tháng 7, 2010 nói...

@LU:
Ủa, chương trình lịch sử nào mà lại dạy con đường tơ lụa vậy?

@A Thụy:
Cái hồ Baikal của Nga đẹp khủng khiếp, nhưng đường đến hồ thì khá tồi tệ, dịch vụ nghèo nàn. Em hỏi các bạn Nga thì các bạn ấy bảo: Cho du khách đến đây để phá hỏng cái hồ à?

VMC on lúc 18:38 10 tháng 7, 2010 nói...

@Đỗ:
Hà Nội cũng chưa có công ty tổ chức tour đi Uzbekistan anh ạ.
Anh vào site của Lãnh sự danh dự Uzbekistan tại Hà Nội:
http://uzbekistan.vn/Ladoth/39/Home.aspx

VMC on lúc 18:41 10 tháng 7, 2010 nói...

@Vân Lam:
Đất nước này cảnh rất đẹp.

@HPLT:
Đúng là chi phí du lịch đi Uzbekistan hiện giờ khá đắt, chủ yếu là do không có đường bay thẳng HN - Tashkent.

VMC on lúc 18:42 10 tháng 7, 2010 nói...

@Mai:
Địa danh đó ở đâu vậy?

@Titi:
Cứ mơ ước là sẽ có ngày thực hiện được.

Mai nói...

Marco Polo là con một nhà buôn xứ Venice anh ạ đầu thế kỷ thứ 14. Thời đó thương gia châu Âu sang Ấn, Á mua hương liệu, ngọc ngà, ngà voi, tơ lụa ect... Marco Polo được cha "cắm" ở lại Trung quốc và là người Âu đầu tiên khám phá xứ này. Sau này về lại Venice ông có viết cuốn sách về TQ. Anh ngó google đi :) Có cả phim về MP nữa nhưng em cũng chỉ xem qua qua, ko nhớ tên.
Ngày nay Marco Polo còn đồng nghĩa với du lịch, thám hiểm. Sân bay Venice mang tên ông ấy và Marco Polo còn là tên hãng sản xuất bản đồ.

Xứ Uzbek khô, nếu em ko nhầm, tơ lụa của họ cũng từ con tằm, con kén, công đoạn chăn nuôi lấy tơ rất vất vả. Anh biết cụ thể vụ này thế nào ko? Kể đi anh :)

LU on lúc 21:12 10 tháng 7, 2010 nói...

anh Cường : bên này học có 2 lớp Art History A và B là requirement cho tất cả các sinh viên. Hai lớp này cover tất cả lịch sử thế giới từ thế kỷ 1 đến 20. Sinh viên phải biết hết kiến thức cơ bản này. Giống như lớp Political Science nói về chính trị cũng phải học luôn, nó cover hết tất cả các luật lệ từ lúc khai thiên lập địa của Mỹ.

LU on lúc 21:13 10 tháng 7, 2010 nói...

Chị Mai : chị nói ko rõ "đến Marco Polo" là đến quê của ông ấy? hay đến công ti quần áo Marco Polo? anh Cường đang théc méc mà em cũng đang théc méc nuôn...enjoy chị hé :)

Mai nói...

Xin lỗi a Cường và LU, viết sai .. lẽ ra phải là "nhớ ngay đến MP" chứ ko phải ngày ...

VMC on lúc 22:17 10 tháng 7, 2010 nói...

@Mai:
Có mỗi cái dấu huyền mà sai một ly đi một dặm nhỉ?
Uzbekistan nổi tiếng về bông và tơ tằm. Vụ này anh không rành lắm.

Mai nói...

Làm em thành "cầm đèn chạy trước ô tô", em xin lỗi nhé:(

Lana on lúc 22:50 10 tháng 7, 2010 nói...

Mình tệ thật, đang đọc bài này lại cứ nhớ tới cái Khách sạn nhiều sao ở Tashkent mà khách đến ở bị mất trộm chiếc áo khoác da :((

VMC on lúc 23:23 10 tháng 7, 2010 nói...

@Lana:
Mất đồ mà vẫn viết được bài nói tốt thì thật là... Chậc, chậc!

Nặc danh nói...

Mình muốn được đến Samakand, không biết thủ tục như nào nữa?

Đăng nhận xét

 

VMC Copyright © 2009 | Power by Blogger | Template redesigned by Lý Minh Triết