24/4/08

ĐẶNG THÁI SƠN VÀ ĐIỀU ÍT BIẾT VỀ CUỘC THI CHOPIN 1980


1958 là năm sản sinh nhiều nghệ sĩ độc tấu piano đẳng cấp thế giới. Đó là Đặng Thái Sơn (Việt Nam), Ivo Pogorelich (Nam Tư cũ, Croatia), Yefim Bronfmann (Nga gốc Do Thái), Angela Hewitt (Canada).

Trong số đó Đặng Thái Sơn và Pogorelich có nhiều điểm chung và có duyên nợ với nhau.

Cả hai đều học chơi piano từ năm lên 7 tuổi. Đến năm 12 tuổi, Pogorelich được đưa đến Nga để học tại Trường nhạc trung ương ở Moskva với thầy Evgeni Timakin. Đặng Thái Sơn thì muộn hơn. Mãi đến năm 1974, tức là ở tuổi 16, Đặng Thái Sơn mới được nhạc sĩ dương cầm Isaac Katz (người Nga gốc Do Thái) phát hiện ra ở Hà Nội và 2 năm sau anh mới được đưa đến học tại Nhạc viện Quốc gia Tchaikovky danh tiếng ở Moskva.

Tại Nhạc viện Moskva, Pogorelich thụ học với Aliza Kezeradze, nữ nhạc sĩ dương cầm gốc Gruzia, còn Đặng Thái Sơn thì học dưới sự hướng dẫn của hai giáo sư Vladimir NatansonDmitry Bashkirov.

Thừa hưởng trường phái giáo dục âm nhạc đỉnh cao của Liên Xô (cũ), cả hai đã trở thành những học trò xuất sắc và đều được chọn đi tham dự cuộc thi piano quốc tế danh tiếng Chopin (International Frederick Chopin Piano Competition) tại Ba Lan năm 1980.

Pogorelich chơi Chopin có phần ngẫu hứng và phóng túng, đề cao cái tôi của mình. Trong khi Đặng Thái Sơn lại trung thành một cách nghiệt ngã với sáng tạo của Chopin và đưa bản ngã của mình vào nhạc Chopin một cách kín đáo.

Thật bất ngờ Pogorelich đã không lọt được vào vòng hai của cuộc thi, còn Đặng Thái Sơn thì tiến sâu vào trong và kết cục đoạt giải Nhất của cuộc thi. Anh là người Châu Á đầu tiên đoạt giải tại cuộc thi piano thuộc loại uy tín nhất thế giới.

Việc Pogorelich bị loại từ vòng ba đã trở thành scandal của cuộc thi năm đó, khiến nữ giám khảo Martha Argerich người Argentina đã từ bỏ cuộc thi để phản đối.

Nhưng dù thế nào thì đông đảo dư luận vẫn công nhận rằng, giải Nhất thuộc về tay Đặng Thái Sơn là xứng đáng. Đây là cuộc thi chơi nhạc Chopin, chứ không phải cuộc thi tìm ra nghệ sĩ dương cầm chơi ngẫu hứng nhất.

Những video clip phần dự thi của Đặng Thái Sơn năm đó mới đây được post lên Youtube, và đã nổ ra cuộc tranh luận khá sôi nổi giữa fan của hai người.


Dang Thai Son - Chopin Scherzo No. 2, Op. 31


Dang Thai Son - Chopin Nocturne in E, Op.62-2


Pogorelich - Chopin Scherzo No. 3, Op. 39

Fan của Pogorelich viết:

- Tôi có bằng chứng Ivo chơi hay hơn và thơ hơn ĐTS gấp 100 lần. Các hệ thống thi tài là một ngành công nghiệp và chẳng có quái gì chung với nghệ thuật cả. Ban giám khảo đã loại bỏ Ivo một cách không thương tiếc và đó là một trong những ví dụ cho thấy rất nhiều cuộc thi là vô dụng hoặc nguy hiểm đối với âm nhạc. Thật tốt khi tạo ra một khẩu vị thường thường bậc trung, công nghiệp chính thống, một thứ thuốc độc đối với tự do và thơ ca. Tôi không ngưỡng mộ một ai (ngoại trừ Bunin) trong số những người đã chiến thắng tại cuộc thi Chopin. Khúc khải hoàn được quảng cáo của thứ khẩu vị đó, mafia nghệ thuật... tràn lan ở các cuộc thi.

Fan của Đặng Thái Sơn viết:

Tôi tôn trọng ý kiến của bạn, tôi tôn trọng cách bạn nhìn nhận nhưng tôi không đồng ý với bạn. Đặng Thái Sơn chơi cũng rất hay, rất thơ. Và nếu có ai đó không thích Đặng Thái Sơn, thì đó chỉ liên quan đến sở thích chứ không liên quan đến chất lượng của Đặng Thái Sơn trên tư cách là một nghệ sĩ và người độc tấu dương cầm.

Một fan trung lập:

Đây là một con người huyền thoại trong âm nhạc Chopin. Giờ đây anh ấy cũng là giám khảo trong những cuộc thi piano thế giới. Tôi đồng ý là ở một điểm nào đó Pogorelich có tốt hơn Đặng Thái Sơn chút xíu. Nhưng nhìn chung Đặng Thái Sơn hay hơn.

Một fan khác:

Pogorelich không phải là pianist không hay, nhưng không hay như Đặng Thái Sơn. Đó hoàn toàn là một kiểu chơi khác. Nếu Pogorelich chiến thắng năm đó, thì đâu là mục tiêu chính của cuộc thi Chopin? Ai có thể chơi Chopin theo một cách khác, chứ không phải cách ít nhiều gần gụi với Chopin?

Một người ủng hộ ĐTS:

Đây chính là cách mà Chopin được trình tấu. Đặng Thái Sơn thực sự gây được xúc động bởi thiên tư của anh đối với nhạc sĩ. Đây là người chiến thắng thực sự và có giá trị của cuộc thi uy tín nhất.

Một người khác:

Điều đó chứng tỏ rằng âm nhạc là ngôn ngữ toàn cầu và tất cả những ai khăng khăng cho rằng người Châu Á không biết chơi nhạc cổ điển phương Tây là vô cùng sai lầm.

Đôi điều về Ivo Pogorelich: Cũng trong năm 1980, Ivo kết hôn cùng cô giáo của mình với sự chênh lệch 20 năm tuổi tác. Họ sống với nhau cho đến khi bà qua đời vì bệnh ung thư năm 1996. Từ đó đến nay, Ivo Pogorelich khá im hơi lặng tiếng.

Nguồn: Wikipedia, Youtube.

0 comments:

Đăng nhận xét

 

VMC Copyright © 2009 | Power by Blogger | Template redesigned by Lý Minh Triết