27/1/11

NHANG CÀNG THƠM CÀNG ĐỘC



Vào những ngày cuối năm, hầu như gia đình nào cũng có mua vài nén nhang về thắp cho ông bà, tổ tiên. Đó là một nét văn hoá truyền thống của người Việt. Điều đáng nói là nhiều người đã quan niệm sai lầm khi cho rằng mùi thơm khói nhang không độc. Thực tế cho thấy, bất cứ cái gì sinh ra khói đều độc, từ khói thuốc lá cho đến khói than, khói củi, khói rơm...

Không rõ tự bao giờ, với người Việt Nam, chuyện thắp nhang bàn thờ tổ tiên, ở chùa trở thành nhu cầu không thể thiếu trong các dịp giỗ chạp, lễ tết. Nén nhang như một chiếc cầu nối thiêng liêng giữa cuộc sống hiện hữu với cõi tâm linh trời đất.

Nhang nay độc hơn nhang xưa

Thật ra, nhang ngày xưa không độc hoặc ít độc hơn nhang bây giờ, vì người ta sử dụng chủ yếu gỗ hương liệu là gỗ trầm. Bản chất hương liệu này trong đông y có thể sát trùng và tạo sự hưng phấn, không gây hại. Tuy nhiên, ngày nay nhiều người vì muốn kiếm lời nhiều nên đã sử dụng các hoá chất rẻ tiền để tạo hương, khiến cho chất lượng nhang kém đi. Một nghiên cứu của các nhà khoa học ở đại học quốc gia Cheng Kung (Đài Loan) cho biết, một cây nhang trung bình chứa 35% hương liệu thơm, 21% dược liệu và bột gỗ, 11% bột dính, 33% thanh tre. Với nhang sản xuất ở Việt Nam, thành phần này có thể khác. Điều đáng tiếc là hiện chưa có nghiên cứu nào tương tự.

Giống như khói thuốc lá, khói nhang cũng ẩn chứa nhiều hoá chất như: benzene, toluene, xylenes, aldehydes và polycyclic aromatic hydrocarbons. Đây là những chất rất độc hại với con người khi hít phải lượng nhiều, chẳng hạn như benzene làm tổn thương tuỷ xương, biến dạng hình thể máu… dẫn tới ung thư máu. Hít hơi benzene với nồng độ 65g/m3 trong 30 phút có thể gây tử vong. Hít hơi benzene với nồng độ 2,3g/m3 trong từ 30 – 60 phút sẽ gây bất tỉnh.

Hay như với chất toluene, nếu tiếp xúc thường xuyên qua đường hô hấp sẽ gây nên các biểu hiện tổn thương chủ yếu của hệ thần kinh trung ương như nhức đầu, nôn mửa, buồn ngủ, loạng choạng, cùng những biểu hiện như say rượu. Trường hợp nặng có thể mất ý thức và tử vong. Tương tự, chất xylenes gây nhức đầu, cơ bắp ít hoạt động, rối loạn và thay đổi cảm giác cân bằng, dị ứng da, mắt, mũi, cổ họng; chất aldehydes gây chóng mặt, buồn nôn, rối loạn nội tiết và chất polycyclic aromatic hydrocarbons có thể gây ung thư, quái thai...

Để đốt nhang được an toàn


Trong chúng ta, khó ai có thể diễn tả hết sự xúc động khi vào khoảnh khắc giao hoà trời đất giữa năm mới và năm cũ, cả gia đình quây quần, thắp lên bàn thờ một vài nén nhang thơm rồi tưởng nhớ đến ông bà, cha mẹ, những người thân yêu đã khuất. Sự lẩn khuất của làn khói trắng, mùi thơm nhẹ lan toả sẽ làm cho ta thấy ấm cúng và gắn bó với nhau hơn.

Ngày tết đi chùa lễ Phật, chúng ta cũng hay bắt gặp nhiều người tay cầm nhang, miệng lâm râm khấn vái cầu mong một năm mới tốt lành, gia đạo bình an. Đây là nét văn hoá tồn tại từ rất lâu, đem lại cho người ta một sự thanh thản và bình yên trong tâm hồn. Do đó, không thể vì những nguy cơ khói nhang mà từ bỏ việc đốt nhang, điều quan trọng vẫn là biết cách phòng ngừa. Một vài lưu ý để sử dụng nhang an toàn:

Mở thoáng cửa khi đốt nhang: tại các chùa, trong một số nghi lễ, hàng ngàn que nhang thường được đồng loạt đốt lên; hoặc nhiều gia đình khi thắp nhang hay đóng kín cửa khiến khói nhang bị tụ lại một chỗ. Như thế rất không nên. Thay vào đó cần mở cửa thoáng để khói nhang loãng ra. Không nên để nơi đốt nhang gần nơi có người đang ngủ, nằm nghỉ.

Chọn nhang có thời gian cháy ngắn: cháy trong vòng một phút hoặc ít hơn là tốt nhất. Chọn mua nhang của cơ sở sản xuất có thương hiệu. Dập tắt nhang sau khi sử dụng, không nên để cháy đến tàn.

Tránh mua nhang có mùi thơm quá dày: nhang càng thơm, nguy cơ ngộ độc càng cao. Trong những dịp đặc biệt, chỉ nên thắp từ một đến ba cây nhang/ngày.

ThS.BS Võ Thị Thu
Giảng viên bộ môn đông y,
Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam


Nguồn:
Nghi ngút khói nhang: rước bệnh vô người


9 comments:

NLVD nói...

Có hai loại mùi khác nhau giữa mùi hương và mùi nhang. Em thích ngửi mùi hương trầm (không biết có làm từ trầm không nhưng là hương thắp của miền Bắc nói chung) Em không thể ngửi được mùi nhang, mùi của nó kinh lắm, và mùi hương vòng cũng khó chịu không kém.

PTN on lúc 07:56 28 tháng 1, 2011 nói...

Vậy sao mấy sư, mấy vãi ở chùa hít khói nhang nhiều nhất vẫn mạnh khoẻ anh nhỉ ?

An Thảo on lúc 09:42 28 tháng 1, 2011 nói...

Thế còn tiêu chuẩn "tàn hương cong" thì có nhr hưởng gì không anh ơi?

NLVD nói...

@chị PTN: các chùa trong nam ít thắp nhang. Nhang chỉ thắp mù mịt ở trong các hang động thôi. Có lần em đi bộ trên đường Đồng Khởi, ngày rằm, người ta thắp nhang em ngửi thấy rồi em kêu, sao mùi kinh thế mà cũng ngửi được thì bị một anh trong Nam mắng, anh ấy bảo không được kêu thế vì mùi đấy chẳng có gì là kinh cả. Cô bạn em người Bắc chuyển vào bảo đầu tiên ngửi không quen nhưng sau rồi cũng không thấy gì nữa, coi như bình thường. Em thấy nhang trong Nam có màu vàng ngửi mùi giống mùi Đài Loan, hương ngoài Bắc có màu đen. Ngày Tết, thường người ta thắp hương vòng cho đỡ bận rộn vì hương vòng được khoảng 2 ngày nhưng em thấy hương vòng không được thơm, không có mùi trầm, hình như các cơ sở sản xuất hương vòng ở trong nam thì phải.

Lana on lúc 16:20 28 tháng 1, 2011 nói...

Không chỉ nhang tẩm hương mà một số mùi nước hoa nếu xịt nhiều ngửi nhiều cũng làm đau đầu. (ở SG có loại nhang đốt lên mùi hương nồng đặc đâu đầu cực).

Mà hình như cái gì thơm cũng độc (có lần nghe người ta tự tử bằng hoa tươi, không biết thực hư thế nào).

LU on lúc 23:02 28 tháng 1, 2011 nói...

Thế mà em đã đóng cửa sổ để mùi nhang trầm trong nhà cho thơm ấy, tại em mới tập cúng cơm ông già em mỗi ngày. Thế thì phải bớt cúng lại, bớt đốt nhang. Có điều, ba em đang được ăn cơm mỗi ngày quen rồi, bi giờ ko cho ăn thường xuyên nữa thì hem biết có giận dỗi ko đây? hay là mua nhang giả đốt anh heng? đở hít khói lại an toàn về lửa.

Nặc danh nói...

đúng là rất khó chịu khi ngửi mùi nhang.mình hoàn toàn k thích chút nào.nhưng mình làm tiếp tân,phải đốt nhang cúng vái ông địa gì gì đó,mình thường hay bị ngộp thở khi ngửi thấy mùi nhang...mình thì đạo thiên chúa,ít khi phải đốt nhang.

Ngọc Thanh on lúc 09:03 12 tháng 9, 2011 nói...

đúng là mùi nhang khó chịu thật, ở cty mình ngày nào cũng đốt nhang, mà mình lại ngồi gần chỗ đó nữa chứ, ngày nào cũng ngửi chắc chết mất.

Nhang quế nhang trầm on lúc 12:00 23 tháng 9, 2014 nói...

Tôi kể người nghe chuyện thắp nhang
...Từ quê lên phố đến muôn làng
.....Mỗi khi tưởng nhớ người xa khuất
.......Bàn thờ hương án thật nghiêm trang

.........Nhìn xem những đám cưới thật sang
...........Nén nhang nghi ngút cắm ngay hàng
.............Thành kính rể dâu dâng trời Phật
...............Trầu cau duyên thắm vẹn đôi đàng

Nhiều lần ta lại ngắm nén nhang
...Khói lan tỏa nhẹ rụng vương tàn
.....Thôi nôi, đầy tháng, tân gia cúng
.......Tết nhất, thanh minh, lẫn đám tang

.........Khai trương, động thổ, được thăng quan
...........Dù xong hay sắp chẳng....thiếu nhang
..............Khấn mong điều tốt luôn trôi chảy
.................Trong ấm ngoài êm, sức khỏe vàng

Hương quế hương trầm tỏa mênh mang
...Bảy mươi cây quế hăm hai ngàn
.....Khói lên nhang sạch không cay mắt
.......Thanh tịnh thảnh thơi chốn an nhàn

..........Rằm này em lại bước bên chàng
............Vào chùa vãng cảnh với...thắp nhang
..............1 cây là đủ xin trời đất
.................Gia đình công việc vạn sự an

Mùa Phật đản Giáp Ngọ 2014
Bích La 093 893 0873

Đăng nhận xét

 

VMC Copyright © 2009 | Power by Blogger | Template redesigned by Lý Minh Triết