Tạp chí Economist ấn bản tháng rồi có bài báo cho hay rằng tỷ lệ du khách quay lại Việt Nam chỉ có 5% (tương ứng với con số 50% của Thái Lan). Việt Nam mới chỉ mở cửa du lịch 25 năm, trong khi Thái Lan đã là địa điểm được ưa chuộng từ những năm 1960.
Xét về bề dày kinh nghiệm du lịch giữa hai bên thì rõ ràng sự so sánh có thể khập khiễng. Thái Lan đã và đang là một trong những điểm đến giá trị nhất, “xứng đồng tiền bát gạo” nhất thế giới, đặc biệt du lịch biển và đảo với đặc trưng dễ đi lại, dễ nghỉ ngơi, nước trong như pha lê, khung cảnh đẹp như tranh ở mọi nơi.
Không thể sánh với danh sách các bãi biển ở Thái dù Việt Nam có những bãi biển tuyệt đẹp, song chưa hề được phát triển cho du lịch. Thái còn có những khu rừng già và những đường mòn du lịch rất hấp dẫn dành cho du khách thích đi bộ và khám phá.
Việt Nam cũng có thế mạnh là hình thái du lịch đa dạng, song lại chưa biết cách khai thác theo hướng có lợi. Chẳng hạn như Đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên, bờ duyên hải dọc dài cả nước, miền Bắc giàu văn hóa, lịch sử và những phố núi như Sapa... Thế nhưng du khách đến Việt Nam lại ít trở lại là vì sao?
Đa số du khách đến Việt Nam đều được giới thiệu hành trình Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh, từ Bắc đến Nam hoặc từ Nam ra Bắc. Cấu tạo địa lý của đất nước khiến nhiều du khách nghĩ đây là một sự lựa chọn lý tưởng và nghĩ rằng họ đã biết hết Việt Nam qua chuyến đi ngắn ngủi chỉ kéo dài ba tuần.
Với loại du khách thích mở mang tầm mắt và ưa phiêu lưu, Việt Nam với họ thế là xong và họ sẽ bắt đầu lựa chọn một nước khác để đến
và tiếp tục khám phá. Những du khách thường xuyên quay lại một điểm đến nào đó thường là loại “chung thủy”, có thể họ phát hiện được một nơi nào đó thú vị và “bị” dính liền với nơi đó, ví dụ như một hòn đảo, một bãi biển, một khu resort...
Thái Lan đầy rẫy những nơi như vậy. Nếu phải chọn giữa Thái Lan hay Việt Nam cho một chuyến du lịch biển hai tuần thì chắc chắn tôi chọn Thái Lan ngay!
Vì vậy tôi không ngạc nhiên khi Thái Lan có tỷ lệ du khách quay lại cao gấp mười lần Việt Nam, bởi họ có nhiều điểm đến khác nhau dành cho những loại du khách khác nhau.
Một trong rất ít những nơi tôi biết ở Việt Nam có khả năng thu hút khách du lịch quay trở lại là Mũi Né. Chỉ cách Sài Gòn 200km, thế nhưng để đến được Mũi Né phải qua năm tiếng ngồi xe mỏi mệt.
Thái Lan, Malaysia và những nước khác có biển tương tự thường có đường bay hoặc đường cao tốc thông suốt có thể đưa du khách đến nơi trong tích tắc.
Đó có thể chỉ là một yếu tố nhỏ, nhưng nếu phải chọn, rõ ràng thời gian và phương thức di chuyển trong du lịch chiếm một điểm rất quan trọng. Xuyên suốt Việt Nam, giao thông là một rào cản lớn. Khoảng cách giữa Nha Trang, Mũi Né, Đà Lạt không là bao, nhưng hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ khiến du lịch trở nên khó khăn.
Quốc lộ 1 chưa bao giờ thôi khiến tôi ngạc nhiên bởi nó là đường... độc đạo đi Phan Thiết, Nha Trang, hơn nữa chỉ là một con đường nhựa chất lượng thấp chạy xuyên qua không biết bao nhiêu thôn xóm với người dân sinh hoạt ở hai bên dọc suốt chiều dài đất nước.
Cũng trên quốc lộ, xe ca, xe tải chen nhau chạy bất chấp nguy hiểm - một cảnh tượng chỉ làm cho những du khách lần đầu đến Việt Nam kinh sợ mà không bao giờ nghĩ đến chuyện quay lại lần nữa.
Chuyến đi Mũi Né gần đây lại cho tôi hiểu thêm một lý do khiến nhiều du khách ái ngại khi đến Việt Nam. Mũi Né có những đồi cát xinh đẹp, leo lên rất là thú, nhưng thú thật là gia đình tôi đã bị một đám trẻ con dưới 10 tuổi la hét, rượt đuổi chúng tôi chạy xuống. Thật là một cảnh tượng bẽ bàng!
Tôi cũng đã nghe rất nhiều người than phiền những người bán dạo liên tục dồn khách như ở trên đèo Hải Vân, khiến du khách thay vì được thong thả đứng trên đèo ngắm cảnh thì chán ngán quay vào xe chỉ sau chưa đầy năm phút.
Thế nên, mặc dù Việt Nam không nằm chung “hạng” với Thái Lan, vẫn còn nhiều việc chúng ta cần làm để bộ mặt du lịch Việt Nam được sáng dần lên.
Đó là ngoài thu hút du khách, Việt Nam cần phải giữ chân du khách để họ vui khi đến đây và sẽ còn vui để trở lại. Đó là chăm sóc, bảo vệ môi trường, thiên nhiên, không ngừng tôn tạo để những phong cảnh đẹp trên khắp đất nước ngày càng thân thiện, an toàn và xứng tầm giá trị vốn có.
JONATHAN HOFF - Q.A dịch
Nguồn:Hãy trở lại Việt Nam... - Doanh nhân Sài Gòn