1/8/10

THUYỀN RÙA VÀ THUYỀN CỔ LÂU


Đỗ Thái Bình

Đọc cuốn tự truyện kể lại đời mình của ông chủ tập đoàn Hyundai, có lẽ ai cũng phải xúc động trước ý chí, quyết tâm dời non lấp biển của Chung-Ju-Yung. Sau những thành công trong xây dựng, người thợ hồ học vấn tiểu học ở tuổi năm 55 nhảy sang lĩnh vực đóng tàu.

Cần có số vốn 80 triệu USD để dựng nhà máy, Chung đã sang London, cố thuyết phục Ngân hàng Barclays. Bằng cấp anh đâu? Quá trình kinh nghiệm đóng tàu của anh đâu? Chẳng có một tấm bằng đại học hay thạc sĩ tiến sĩ, chẳng có một giấy tờ nào bảo lãnh của Nhà nước Hàn Quốc, nhưng trong trái tim Chung nồng cháy một tình yêu đất nước, biển cả và sự nghiệp.

Chung rút tờ giấy bạc 500 won ra đặt lên bàn ông giám đốc ngân hàng, một đồng tiền trên có in hình chiếc thuyền rùa (ảnh trên), tiếng Hàn gọi là Geobukseon, một loại thuyền chiến bọc sắt của Hàn Quốc, cũng được coi là thuyền bọc sắt đầu tiên trên thế giới và hét lên: đây là kinh nghiệm truyền thống đóng tàu của chúng tôi!!! Qua nhiều lần thuyết phục Barclays, và giải trình cả với con trai chủ tàu Onasis, một ông vua biển Hy Lạp - người đã lấy bà vợ góa của Tổng thống Kennedy - cuối cùng Chung đã có số tiền khổng lồ lúc đó để khởi nghiệp đóng tàu của mình cũng là của Hàn Quốc, hiện nay đang đứng nhất nhì thế giới!

Chiếc thuyền rùa này thực sự là một đóng góp của Hàn Quốc vào trong lịch sử hàng hải thế giới và chính mắt tôi đã thấy mô hình một chiếc thuyền như vậy tại Viện Bảo tàng Hải quân Hoa Kỳ ngay giữa thủ đô Washington trong chuyến thăm vào mùa hè năm 2008. Bằng đội quân thuyền rùa này, Đô đốc Yi Sun-sin (1545-1598), một trong những nhân vật được tôn kính nhất trong lịch sử Hàn Quốc, đã chỉ huy hàng loạt những cuộc tấn công của thủy quân oanh liệt trên biển chống lại đội quân của Nhật Bản.


Được đóng ở Việt Nam vào cuối thế kỷ XIX, con tàu được đặt tên là Song Saigon,
về sau được đổi tên lại thành La boudeuse.
Con tàu này đã có một khoảng thời gian dài tung hoành ở châu Âu
trước khi bị chìm ở Địa Trung Hải.

Trong lịch sử chúng ta cũng có một chiếc thuyền chiến đấu không kém gì thuyền rùa vào thời kỳ này,với sự đóng góp của Hồ Nguyên Trừng (1374-1446). Trước họa xâm lăng của nhà Minh, nhà Hồ đã phải lo củng cố quốc phòng. Năm 1404 Hồ Hán Thương cho chế tạo thuyền Cổ lâu là một loại thuyền chiến lớn đóng đinh sắt, có hai tầng boong với hàng chục tay chéo với hai người điều khiển một mái chèo, có tên gọi là Trung tàu tải lương, Cổ lâu thuyền tải lương, nói là để chở lương nhưng cũng sẵn sàng chiến đấu.

Thuyền được trang bị súng Thần Cơ, một sáng tạo khác của Hồ Nguyên Trừng là một loại hỏa pháo cải tiến hiệu nghiệm hơn tất cả các loại đại bác đương thời. Nhà Minh đã bắt giữ rồi áp tải ông về Bắc Kinh và sau đó tận dụng tài năng của Nguyên Trừng với chức vụ tả thị lang bộ Công. Hiện nay tài liệu về những con thuyền Cổ lâu còn lại rất hiếm hoi vì như ta đã biết, với chính sách đốt sạch, giết sạch “nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn, vùi con đỏ xuống dưới hầm tai vạ” nhà Minh đã hủy hoại tất cả những gì còn lại, nhưng ta tin là con thuyền này là có cơ sở chắc chắn vì ta biết rằng thời nhà Hồ, nước ta có những người thợ mộc, những người đóng tàu thuyền gỗ, những nhà thiết kế kiến trúc giỏi, điển hình là Nguyễn An (1381-khoảng 1460), một nhân vật mà người Trung Quốc biết rõ hơn người Việt Nam ta!

Quả thật, về nhân vật lỗi lạc này chỉ thấy Lê Quí Đôn nhắc tới qua hơn 10 dòng trong cuốn “Kiến văn tiểu lục”. Còn ở Trung Quốc thì Nguyễn An được nhắc tới trong nhiều thư tịch từ thời trung đại tới thời hiện đại. Ví dụ, từ những cuốn “Hoàng Minh thông kỷ”, “Anh Tông chính thống thực lục”… của thời Minh tới cuốn “Trung - Việt quan hệ sử luận văn tập” của nhà sử học Trương Tú Dân xuất bản tại Đài Bắc (Đài Loan) năm 1992. Trong công trình nghiên cứu quan trọng về giao lưu tiếp biến văn hóa Việt Nam - Trung Quốc này, Trương Tú Dân đã dành tới bốn chương viết về Nguyễn An. Trương Tú Dân đã làm việc nhiều năm tại Thư viện Quốc gia Bắc Kinh và là người nghiên cứu kỹ lưỡng nhất về Nguyễn An. Nhiều nhà nghiên cứu nước ngoài đã khẳng định chính Nguyễn An là người thiết kế và chỉ huy xây dựng thành Bắc Kinh!

Tòa cao ốc mà Vinashin dự định xây dựng bên bờ sông Sài Gòn

Nhắc lại chuyện thuyền Cổ lâu vì 500 năm sau, có một tập đoàn nước ta - tập đoàn Vinashin - cũng muốn lớn mạnh hung hậu như Hyundai, cũng bắt chước nhiều cung cách làm ăn như Hyundai: xây dựng nhà máy đóng tàu lớn, đón đầu xu thế thị trường, dùng các con tàu mới đóng chưa có chủ tàu bổ sung vào đội thương thuyền đi khắp thế giới vừa quảng cáo thương hiệu vừa tìm cơ hội bán tàu, kinh doanh nhiều ngành nghề… Tên Vinashin gắn với Hyundai tại một nhà máy sửa chữa và đóng tàu tại Nha Trang, thế giới thì biết đó là một cơ sở chữa tàu có chất lượng và có lãi to, còn dân ta thì biết nó là một tai họa về môi trường!

Để có vốn, cũng như Hyundai, Vinashin phải tìm tới các ngân hàng thế giới, lần này là thị trường chứng khoán New York. Trong khi ông Chung Hyundai phải rút tờ bạc 500 won để thuyết phục các ngân hàng thì các ông Vinashin có lẽ chẳng phải làm gì vì đã có một cái bảo lãnh cực kỳ lớn: cả dân tộc Việt Nam, nước Việt Nam được đưa lên bàn bảo lãnh và vay ngay được số tiền cực lớn 750 triệu USD… Đồng tiền đến quá dễ dàng (?) và được chia sẻ tiêu pha rất nhanh, như báo chí đang phanh phui.

Không rõ các ông cầm đầu Vinashin có biết tới thuyền Cổ lâu như ông Chung Hyundai thuộc lòng con thuyền rùa của nước mình hay không, nhưng chúng ta thử lên thăm ngôi nhà năm tầng đường Ngọc Khánh Hà Nội, trụ sở tạm thời của Vinashin trong khi chờ đợi tòa tháp building cao lớn hình chữ V giống như logo của mình. Một chiếc neo to lớn chắn ngang hè phố, những mô hình con thuyền buồm căng phồng gió đại dương có mặt tại sảnh lớn cũng như các phòng chủ tịch, tổng giám đốc… Nhìn kỹ, đó không phải là ghe bầu, ghe nang, thuyền buồm cánh dơi hay thuyền trống đồng Đông Sơn, mà là thuyền Tây, những chiếc clipper, và lớn nhất là chiếc tàu buồm France –II đặt tại ô cửa kính nhìn ra mặt phố!

Phòng khách của Tập đoàn Kinh tế Vinashin trưng bày mô hình
chiếc tàu buồm France II của Pháp


Ta mong tìm thấy tấm hình của một con người làm nghề đóng tàu, ví như Ngô Văn Năm, người anh hùng lao động, công nhân Ba Son thứ thiệt, người thợ phóng dạng ham học hỏi, từng “lục trong thùng rác những bản vẽ mà chủ Tây xé đi, ghép lại để học hỏi” – như kỹ sư đóng tàu Trịnh Xương thường kể lại. Ngô Văn Năm còn là thủ trưởng đầu tiên của Vinashin, khi tập đoàn còn đang trong giai đoạn trứng nước với tên gọi là Cục Cơ khí Bộ Giao thông, nơi đã sản sinh ra các con tàu không số, các con tàu Giải phóng, các tàu phá lôi… phục vụ cho chiến thắng ngày hôm nay.


Nguồn:
Thuyền rùa và thuyền Cổ lâu - Tạp chí Tia sáng
Entries liên quan:
CÂU CHUYỆN "CÁI LƯỠI BÒ"
QUÀ VIỆT NAM
ADOPT VÀ ADAPT
THÙNG RỖNG HAY LÀ...



7 comments:

Titi on lúc 23:15 1 tháng 8, 2010 nói...

Vụ Vinasin kinh dị thật. Thời gian trước, khi các công ty trong nước ồ ạt cổ phần hóa, bao người giàu to và vỡ bẫm rất kỳ lạ, em đã nghĩ đến ngày họ phải trả giá vì tất cả tiền trên là của nhân dân chứ chẳng phải từ trên trời rơi xuống :-(

MờMờ on lúc 23:35 1 tháng 8, 2010 nói...

Vẫn phải cần 1 cơ chế mới làm như Huyndai được. Cty nhà nước thì chỉ xài thôi.

LU on lúc 01:29 2 tháng 8, 2010 nói...

Câu chuyện của ông Chung hay quá. Em thấy rất nhiều người có ý chí vươn lên kinh khủng lắm. Ngày nay, có nhiều ông chủ nắm trong tay bạc tỉ, nhân viên của họ toàn dân tiến sĩ...nhưng bản thân của họ thì chưa tốt nghiệp đại học. Ai cũng cho rằng họ gặp may? cũng có thể có gặp may, và ai trong đời cũng có lúc gặp được may mắn. Chỉ khác ở chỗ, những ông chủ đó biết nắm bắt cơ hội kịp thời, trong khi có nhiều người tốt nghiệp bằng cấp cao hơn, nhưng vì tính phán đoán và sự nhanh nhạy chậm chạm, nên đã để cơ hội ra đi.

Hè, cách kinh doanh của Vinasink thì...miễn bàn, vì họ chỉ chăm chăm lấy tiền của công về làm của riêng thôi, kinh doanh kiểu này thì nước VN có to mạnh hơn Mỹ có đông dân hơn China --> vẫn xập như thường.

Lana on lúc 09:07 2 tháng 8, 2010 nói...

Đọc bài này thấm lắm VMC ạ. Nhưng những ông chủ Vinashin là những người cần đọc nhất thì giờ đang bù đầu lo 'chuyện' với pháp luật rồi.

Vụ Vinashin là dấu hỏi to khủng về quản lý vốn Nhà nước, trong một rừng rất nhiều dấu hỏi.

Unknown on lúc 11:02 2 tháng 8, 2010 nói...

Bài hay quá anh ơi.

Thuy Dam Minh on lúc 15:46 2 tháng 8, 2010 nói...

Bài viết thật hay, thật xúc động! Là bài học lớn, thấm thía cho tất cả chúng ta.
Ngẫm về Vinashin, có lẽ bài này viết đúng nhất, lý do đề Vinashin như ngày hôm nay là vì các bác ở đấy đã quá dễ để có một khoản tiền khổng lồ. Mới hay, tiêu tiền, nhất là tiêu những khoản tiền khổng lồ thật là khó khăn!

Hậu Khảo cổ on lúc 22:18 2 tháng 8, 2010 nói...

1. Ở SG xưởng đóng tàu thuyền ra đời từ thế kỷ 18, đó là Xưởng Thủy do Nguyễn Ánh lập ra, nay là khu vực nhà máy Ba Son. Thợ đóng tàu thuyền gọi là Thợ thuyền - từ hay dùng để gọi giai cấp công nhân VN.
2. "Vững tay chèo ra biển lớn" - gia nhập WTO mà VN vẫn còn tư duy chèo thuyền thế này, chả trách "tàu Vinashin" chìm là phải!
3. Tòa nhà ấy hiện giờ Bitexco sẽ xây dựng phía trước chợ Bến Thành.

Đăng nhận xét

 

VMC Copyright © 2009 | Power by Blogger | Template redesigned by Lý Minh Triết